Cuộc đại suy thoái tại Hoa Kỳ
Tóm tắt Cuộc đại suy thoái tại Hoa Kỳ: ... khiến mỗi công dân Mỹ lại thực sự quan tâm đến chính phủ. CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI LẦN THỨ NHẤT Ngân hàng và Tài chính Khi Roosevelt tuyên thệ nhậm chức tổng thống, hệ thống ngân hàng và tài chính của Mỹ đang trong tình trạng tê liệt. Đầu tiên, các ngân hàng quốc gia nhanh chóng bị đóng ...a là một dự án quy hoạch các công trình công cộng, đã phát triển vùng thung lũng nghèo của sông Tennessee bằng cách xây dựng một loạt các đập nước nhằm kiểm soát lũ lụt và làm thủy điện. Bằng việc cung cấp điện với giá rẻ cho toàn bộ vùng Tennessee, cơ quan này đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhất ...chỉ phần nào là nhờ vào các chương trình liên bang mà thôi. Trong những năm đó, khi chủ đất được khuyến khích không dùng đất vào trồng trọt, thải hồi những người làm thuê và những người lĩnh canh, thì một trận hạn hán khắc nghiệt đã ập xuống các bang vùng Plains. Gió mạnh và những cơn bão cá...
CUỘC ĐẠI SUY THOÁI TẠI HOA KỲ Tháng 10/1929, thị trường chứng khoán đang phát triển mạnh đã bị sụp đổ khiến nhiều nhà đầu tư phá sản. Nhưng việc thị trường chứng khoán sụp đổ không trực tiếp gây ra cuộc Đại suy thoái, mặc dù nó đã phản ánh chuyện các chính sách tín dụng quá dễ dãi đã khiến thị trường vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nó cũng làm trầm trọng hơn nền kinh tế vốn đã mong manh ở châu Âu - là thị trường có liên quan chặt chẽ đến các khoản cho vay của nước Mỹ. Trong ba năm sau đó, cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ đã trở thành một phần của cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp đóng cửa, các nhà máy ngừng sản xuất, các nhà băng phá sản vì mất các khoản tiền gửi tiết kiệm. Thu nhập nông nghiệp giảm khoảng 50%. Đến tháng 11/1932, cứ năm người Mỹ thì có khoảng một người thất nghiệp. Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1932 chủ yếu là cuộc tranh luận về các nguyên nhân và những giải pháp có thể cho cuộc Đại suy thoái. Tổng thống Herbert Hoover đã không may mắn khi bước vào Nhà Trắng chỉ tám tháng trước khi thị trường chứng khoán tan vỡ, đã buộc phải nỗ lực và làm việc căng thẳng hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đó để đối phó với giai đoạn kinh tế vô cùng khó khăn này. Ông đã cố gắng tổ chức kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng những công trình công cộng, thành lập Công ty Tái thiết Tài chính nhằm hỗ trợ các thể chế kinh doanh và tài chính, và đã thuyết phục Quốc hội còn đang miễn cưỡng, cho phép thành lập một cơ quan bảo lãnh thế chấp nhà cửa. Tuy nhiên, các nỗ lực của ông không có mấy hiệu quả và ông đã là một hình ảnh của sự thất bại. Đối thủ thuộc Đảng Dân chủ của ông là Franklin D.Roosevelt, vốn đã nổi tiếng từ khi làm thống đốc bang New York trong thời kỳ khủng hoảng đang lên cao. Từ ông luôn tỏa ra một tinh thần lạc quan có tính lan tỏa mạnh. Sẵn sàng sử dụng quyền lực nhà nước để đưa ra các giải pháp còn mạnh tay hơn, Roosevelt đã giành được 22.800.000 phiếu bầu phổ thông so với 15.700.000 phiếu bầu cho Tổng thống đương nhiệm Hoover. Nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên mới với sự thay đổi lớn về kinh tế và chính trị. CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI VÀ CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI ROOSEVELT VÀ CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI V ào năm 1933, vị tổng thống mới Franklin D. Roosevelt đã mang tới một bầu không khí tự tin và niềm lạc quan, và điều đó đã mau chóng tập hợp được dân chúng đến với tấm biểu ngữ chương trình của ông mang tên Chính sách kinh tế mới (New Deal). Điều duy nhất khiến chúng ta sợ hãi chính là bản thân nỗi khiếp sợ - vị tổng thống đã tuyên bố như vậy trong diễn văn nhậm chức của mình trước dân tộc. Xét trên khía cạnh nào đó thì Chính sách kinh tế mới chỉ đơn thuần đưa ra những cải cách xã hội và kinh tế vốn đã rất quen thuộc đối với người châu Âu từ hơn một thế hệ nay. Hơn nữa, Chính sách kinh tế mới là cao trào của một xu hướng dài hạn nhằm tiến tới bãi bỏ chủ nghĩa tư bản không can thiệp, trở lại việc kiểm soát đường sắt vào những năm 1880, và đưa ra hàng loạt cải cách luật pháp bang và liên bang đã được khởi xướng trong kỷ nguyên tiến bộ thời các Tổng thống Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson. Tuy nhiên, điều thực sự mới mẻ trong Chính sách kinh tế mới là nó đã nhanh chóng đạt được những thành tựu mà trước đó phải mất nhiều thế hệ mới có được. Rất nhiều chương trình cải cách trong số này đã được khởi thảo một cách vội vã và được quản lý lỏng lẻo; một số khác thì lại mâu thuẫn với những mô hình cải cách còn lại. Hơn nữa, chính sách này chưa bao giờ thành công trong việc đem lại sự thịnh vượng. Tuy vậy, những hành động trong Chính sách kinh tế mới đã giúp đỡ hàng triệu người Mỹ, xây dựng nền tảng cho một liên minh chính trị hùng mạnh, và khiến mỗi công dân Mỹ lại thực sự quan tâm đến chính phủ. CHÍNH SÁCH KINH TẾ MỚI LẦN THỨ NHẤT Ngân hàng và Tài chính Khi Roosevelt tuyên thệ nhậm chức tổng thống, hệ thống ngân hàng và tài chính của Mỹ đang trong tình trạng tê liệt. Đầu tiên, các ngân hàng quốc gia nhanh chóng bị đóng cửa, và sau đó, chỉ được hoạt động trở lại khi chúng có khả năng chi trả. Chính quyền đã thực thi chính sách lạm phát tiền tệ vừa phải để tăng giá cả của hàng hóa và giúp cho các gánh nặng nợ nần nhẹ nhõm phần nào. Các cơ quan mới của chính phủ đã cấp những khoản tín dụng hào phóng cho nông nghiệp và công nghiệp. Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã bảo hiểm tới 5000 đô-la cho các khoản tiền tiết tiết kiệm gửi ngân hàng. Các điều luật Liên bang cũng được áp dụng cho hoạt động bán chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán. Thất nghiệp. Tổng thống Roosevelt đã phải đối mặt với một tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng có trong lịch sử. Vào thời điểm ông nhậm chức, có khoảng 13 triệu người Mỹ - chiếm một phần tư lực lượng lao động - không có việc làm. Những hàng người chờ đợi được phân phát bánh mỳ là cảnh tượng thường thấy tại hầu hết các thành phố. Hàng trăm nghìn người lang thang khắp đất nước để tìm kiếm thức ăn, việc làm và nơi trú ngụ. "Người anh em ơi, bạn có mười xu không?” là đoạn điệp khúc trong một bài hát thịnh hành thời đó. Bước đi đầu tiên nhằm giải quyết nạn thất nghiệp là hình thành Đội Bảo tồn Dân sự (CCC), một chương trình trợ giúp thanh niên từ 18 đến 25 tuổi. CCC tập hợp thanh niên không có việc làm thành những trại lao động do quân đội quản lý. Trong thập niên đó, đã có khoảng hai triệu thanh niên đã tham gia chương trình này. Họ hoạt động trong nhiều dự án bảo tồn: trồng cây chống xói mòn, bảo vệ các khu rừng quốc gia, loại bỏ ô nhiễm các dòng suối, xây dựng các khu bảo tồn cá, thú săn và chim, bảo vệ các vỉa than, mỏ dầu, đá phiến dẹt, mỏ khí đốt, mỏ muối natri và mỏ khí heli. Cơ quan Quản lý các công trình công cộng (PWA) cung cấp việc làm cho những công nhân có tay nghề cao trong ngành xây dựng, chủ yếu làm việc trong các dự án lớn hoặc các dự án có quy mô vừa. Các công trình nổi tiếng trong giai đoạn này là đập nước Bonneville, đập Lớn Coulee tại miền Đông Bắc Thái Bình Dương, hệ thống cống ở Chicago, cầu Triborough ở thành phố New York, và hai tàu sân bay (Yorktown và Enterprise) cho Hải quân Mỹ. Cơ quan Tennessee Valley (TVA), vừa là một chương trình tạo công ăn việc làm, vừa là một dự án quy hoạch các công trình công cộng, đã phát triển vùng thung lũng nghèo của sông Tennessee bằng cách xây dựng một loạt các đập nước nhằm kiểm soát lũ lụt và làm thủy điện. Bằng việc cung cấp điện với giá rẻ cho toàn bộ vùng Tennessee, cơ quan này đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhất định về kinh tế, nhưng lại khiến các công ty điện lực tư nhân ghen ghét và thù địch. Các nhà kinh tế xã hội mới ca ngợi rằng đây là một ví dụ tiêu biểu về dân chủ cơ sở. Trong suốt hơn 2 năm hoạt động từ 1933 đến 1935, Cơ quan Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang (FERA) đã trực tiếp phân phát cứu trợ, chủ yếu dưới hình thức trả tiền trực tiếp cho hàng trăm nghìn người. Đôi khi, tổ chức này còn trợ cấp lương cho các giáo viên và nhân viên trong các cơ quan hành chính ở địa phương. Tổ chức này cũng đã triển khai nhiều dự án công cộng quy mô nhỏ cung cấp việc làm, cũng giống như Cơ quan Lao động Dân sự (CWA) từ cuối năm 1933 đến mùa xuân năm 1934. Đây bị chỉ trích là những việc làm giá trị, những công việc này có đủ loại, từ việc đào hào tới sửa chữa đường cao tốc và dạy học. Roosevelt và các quan chức nòng cốt của ông trong chính phủ đã lo lắng về các khoản chi phí dành cho những dự án cung cấp việc làm này, nhưng ông vẫn tiếp tục ủng hộ các chương trình chống nạn thất nghiệp, dựa trên nguyên tắc tạo ra công ăn việc làm chứ không phải là trợ cấp phúc lợi xã hội. Nông nghiệp. Vào mùa xuân năm 1933, khu vực kinh tế nông nghiệp đang trong tình trạng suy sụp. Điều đó khiến những người khởi xướng Chính sách kinh tế mới có cơ sở để thử nghiệm niềm tin của họ rằng việc điều tiết nhiều hơn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của đất nước. Năm 1933, Quốc hội đã thông qua Luật Điều chỉnh Nông nghiệp (AAA) nhằm trợ giúp kinh tế cho nông dân. AAA đề xuất tăng giá nông sản bằng cách trả cho nông dân một khoản trợ cấp đền bù cho phần sản lượng tự nguyện cắt giảm. Nguồn tiền cho những khoản trợ cấp này có được do số thu từ thuế đánh vào những ngành công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, cho đến khi điều luật này chính thức trở thành luật, thì vụ gieo trồng đã diễn ra rồi, và AAA buộc phải trả cho nông dân một khoản tiền trợ cấp để họ phá bỏ các mảnh đất đã được gieo trồng. Việc cắt giảm sản lượng và trợ cấp nông nghiệp thông qua Công ty Tín dụng Nông sản - là công ty thu mua nông sản để cất trữ - khiến cho sản lượng trên thị trường giảm xuống và giá nông sản tăng lên. Từ năm 1932 đến năm 1935, thu nhập của nông dân tăng hơn 50% nhưng chỉ phần nào là nhờ vào các chương trình liên bang mà thôi. Trong những năm đó, khi chủ đất được khuyến khích không dùng đất vào trồng trọt, thải hồi những người làm thuê và những người lĩnh canh, thì một trận hạn hán khắc nghiệt đã ập xuống các bang vùng Plains. Gió mạnh và những cơn bão cát đã tàn phá khắp vùng khiến miền này nổi danh là xứ bụi trong suốt những năm 1930. Mùa màng bị tàn phá và các nông trại bị phá hủy. Cho đến năm 1940, khoảng 2, 5 triệu người đã rời khỏi các bang vùng Plains, tạo thành dòng người di cư lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong số đó, khoảng 200.000 người đã đến California. Những người di cư không chỉ gồm có nông dân mà còn bao gồm cả lao động chuyên môn, người bán lẻ và nhiều lớp người khác mà sinh kế của họ gắn với sự thăng trầm của các cộng đồng nông nghiệp. Nhiều người trong số họ cuối cùng đã phải tranh nhau tìm kiếm những công việc mang tính thời vụ như thu hái nông sản với đồng lương cực kỳ rẻ mạt. Chính phủ đã ra tay cứu trợ bằng cách thành lập Cơ quan Bảo toàn Đất đai năm 1935. Những tập quán canh tác làm tàn phá đất đai đã làm cho ảnh hưởng của hạn hán càng trầm trọng thêm. Cơ quan này đã hướng dẫn nông dân các biện pháp làm hạn chế xói mòn. Ngoài ra, gần 30.000 km cây trồng đã được trồng lên để làm giảm sức mạnh của gió. Tuy AAA phần nhiều là thành công, nhưng nó vẫn bị bãi bỏ vào năm 1936, khi các khoản thuế đánh vào các công ty chế biến thực phẩm bị Tòa án Tối cao cho là không hợp hiến. Quốc hội đã nhanh chóng thông qua một điều luật hỗ trợ nông dân, cho phép chính phủ trợ cấp cho những nông dân chấp nhận bỏ đất không gieo trồng nhằm mục đích bảo toàn đất đai. Năm 1938, với đa số thành viên ủng hộ Chính sách kinh tế mới tại Tòa án Tối cao, Quốc hội đã phục hồi điều luật AAA. Cho tới năm 1940, gần sáu triệu nông dân đã nhận được trợ cấp liên bang. Các chương trình Chính sách kinh tế mới đã cấp các khoản vay cho những vụ gieo trồng tăng thêm, cung cấp bảo hiểm lúa mì và hệ thống cất trữ theo kế hoạch, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực ổn định. Cuối cùng, chính sách ổn định kinh tế cho nông dân cũng đã được hoàn tất, mặc dù chính phủ đã phải giám sát vô cùng chặt chẽ và bỏ ra những khoản chi phí khổng lồ. Công nghiệp và lao động. Cơ quan Phục hồi Quốc gia (NRA) được thành lập năm 1933 cùng với Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia (NIRA) đã chấm dứt cạnh tranh gay gắt bằng việc đưa ra các bộ luật về cạnh tranh công bằng nhằm tạo nhiều việc làm hơn và do đó sẽ làm tăng sức mua. Tuy lúc đầu, NRA rất được hoan nghênh, nhưng nó đã sớm bị phàn nàn vì đã điều tiết quá mức và khiến cho việc phục hồi công nghiệp không được hoàn thành. Cơ quan này đã bị tuyên bố là không hợp hiến vào năm 1935. NIRA đã đảm bảo cho lao động quyền được thương lượng tập thể thông qua các tổ chức công đoàn đại diện cho tầng lớp công nhân. Tuy nhiên, NRA đã không vượt qua được sự phản đối mạnh mẽ của giới doanh nghiệp đối với chủ nghĩa nghiệp đoàn độc lập. Sau khi cơ quan này giải thể vào năm 1935, Quốc hội đã thông qua Luật Quan hệ Lao động Quốc gia. Luật này đã khẳng định lại sự bảo đảm đó và cấm giới chủ lao động can thiệp vào hoạt động của Công đoàn. Quốc hội cũng lập ra Ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) để giám sát các cuộc thương lượng tập thể, điều hành các cuộc bầu cử và bảo đảm cho công nhân quyền lựa chọn tổ chức đại diện cho họ trong việc thương lượng với giới chủ. Sự tiến bộ lớn lao đạt được trong tổ chức lao động đã mang lại cho người lao động ý thức ngày càng tăng về những quyền lợi chung, và sức mạnh của các tầng lớp lao động đã tăng lên không chỉ trong công nghiệp, mà cả về mặt chính trị. Đảng Dân chủ của Roosevelt đã được lợi rất nhiều từ những tiến bộ này.
File đính kèm:
- cuoc_dai_suy_thoai_tai_hoa_ky.pdf