Định hướng nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực truyền thông mới ở Việt Nam
Tóm tắt Định hướng nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực truyền thông mới ở Việt Nam: ...ả năng ứng dụng cao trong hội thảo trực tuyến, đào tạo trực tuyến, thậm chí hội chẩn trực tuyến trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, một năng lực khác của IRC cũng cần được nghiên cứu là khả năng kết nối liên mạng truyền thông. Ứng dụng Skype là một ví dụ về sự kết hợp giữa Internet (chat) và hệ thống v...trong xu thế phát triển chóng mặt tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Cá biệt như trường hợp của Facebook, chỉ trong vòng 3 năm chính thức cung cấp dịch vụ đã trở thành website số 2 thế giới, chỉ sau có Google, đẩy cả “ông lớn”như Yahoo xuống vị trí thứ 3. Xét từ góc nhìn truyền thông, mạng xã hộ... hóa”hoạt động truyền thông thì với phương tiện này, lại có một xu thế ngược lại là “liên cá nhân hóa” và “đại chúng hóa” hoạt động truyền thông. Khởi đầu cho xu hướng này là sự phát triển ồ ạt của dịch vụ tiện ích và dịch vụ nội dung dành cho điện thoại di động từ những năm 2005, với các nhà cung ...
ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO CÁC LĨNH VỰC TRUYỀN THÔNG MỚI Ở VIỆT NAM ThS. NGUYỄN SƠN MINH Khoa Báo chí và Truyền thong, ĐHKHXH & NV Đại học Quốc gia Hà Nội Việt Nam hiện nay đang đẩy mạnh công cuộc Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Song song với quá trình đó, nước ta thực sự đã hội nhập sâu rộng vào đời sống nhân loại trên tiến trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội. Một trong những lĩnh vực khởi đầu và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển quốc gia thời kỳ hiện đại là sự phát triển các lĩnh vực và phương thức truyền thông mới. Trước năm 2000, hoạt động truyền thông xã hội ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào các phương tiện truyền thông đại chúng (báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình) và ngành xuất bản. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, sự gia tăng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông khác như Internet, điện thoại di động, các thiết bị kỹ thuật số cầm tay đã làm nảy sinh các phương thức truyền thông mới trong đời sống hiện đại. Đề cập đến “phương thức truyền thông mới”, chúng tôi muốn độc giả quan tâm đến ba yếu tố nội hàm của khái niệm này là: 1, Phương tiện mới; 2, Cách thức truyền thông mới; 3, Công chúng truyền thông mới. Trong đời sống truyền thông mới, nhiều khái niệm, nguyên lý, mô thức truyền thông truyền thống không còn phù hợp. Việc nắm giữ chiếc chìa khóa lý thuyết “vạn năng”để lý giải các hiện tượng truyền thông trong xã hội không còn phát huy hiệu quả. Hơn nữa, nhu cầu của công chúng truyền thông cũng thay đổi căn bản, đòi hỏi phải có những cách thức năng động hơn, nhanh hơn và trực tiếp hơn. Chẳng hạn, mô thức truyền thông đơn tuyến one-to-many hiện nay đã chuyển sang mô thức many-to-many (hay nói cách khác là đa nguồn – đa tiếp nhận); khái niệm tương tác (interactive) không thuần túy là phản hồi (feedback) mà mô tả quá trình và nhu cầu “tự sản xuất và chia sẻ thông điệp truyền thông”của con người; khái niệm không gian và thời gian truyền thông cũng bị phá vỡ các giới hạn v.v và v.v Xuất phát từ những phân tích trên, chúng ta thấy rằng, không thể có một xã hội phát triển khi đời sống truyền thông xã hội không phát triển. Công tác nghiên cứu và đào tạo về các lĩnh vực truyền thông mới đang đặt ra rất bức thiết. Đó là cũng là căn cứ để chúng ta có một số bàn luận dưới đây. Truyền thông Internet – một thế giới số đa dạng Khi Việt Nam gia nhập Internet tháng 11 năm 1997, công nghệ máy tính và Internet toàn cầu đã đi được một chặng đường gần 30 năm. Nhưng xét từ một góc độ khác, truyền thông Internet chỉ thực sự phát triển và bùng nổ sau khi Tim Berners Lee đưa dịch vụ công nghệ WWW (World Wide Web) vào ứng dụng năm 1993. Nghĩa là, ở góc độ này thì Việt Nam chỉ đi sau thế giới 4 năm. Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin và Internet thuộc hàng nhanh nhất thế giới, Việt Nam gần như đã bắt kịp với nhịp độ phát triển chung của các quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, hay các nước châu Âu. Số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt hơn 23 triệu, chiếm hơn ¼ dân số. Tuy nhiên, đó chỉ là con số định lượng. Những ứng dụng truyền thông trên mạng Internet hiện nay đã có nhiều thay đổi, đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ mới trong nghiên cứu và đào tạo. Dịch vụ thư điện tử (e-mail). Là dịch vụ truyền thông cung cấp khả năng trao đổi cá nhân với tốc độ nhanh. Thông thường, người ta sử dụng e-mail để thực hiện những hoạt động trao đổi thông tin cá nhân, thư từ, dữ liệu văn bản. Nhưng hiện nay, với khả năng tăng dung lượng lưu trữ, tăng dung lượng nội dung gói tin chuyển đi, và tăng tốc độ đường truyền nên e-mail có thể phát triển khả năng lưu trữ và trao đổi dữ liệu (kể cả các dữ liệu đa phương tiện). Ngoài ra, trong xu thế mash-up và và cạnh tranh với các mạng xã hội, các đơn vị cung cấp dịch vụ e-mail tên tuổi như Yahoo (Yahoo mail), Google (Gmail) bắt đầu tích hợp tính năng chat hay chia sẻ dạng mạng xã hội ngay trong chính hòm thư của các account. Điều đó có nghĩa là e-mail đang dần thay thế bản chất cá nhân của mình bằng bản chất nhóm trong hoạt động truyền thông. Dịch vụ IRC (Internet Relay Chat), gọi tắt là chat. Chat được sử dụng với mục đích chia sẻ trực tuyến những thông tin, trao đổi ngắn gọn giữa 2 hay nhiều cá nhân thông qua account (nick) và “cửa sổ chat”. Nếu như chat truyền thống chỉ sử dụng các ký tự văn bản thì hiện nay, chat có thể dùng giọng nói – voice chat hay có hình ảnh – webcam. Không chỉ được cung cấp bởi các dịch vụ chuyên biệt như Yahoo Messenger hiện nay, tính năng chat được tích hợp vào các hòm thư điện tử, như đã nêu ở trên, tích hợp vào các trò chơi trực tuyến (game online). Một bước tiến xa của IRC là dịch vụ công nghệ Videoconferencing (tạm hiểu là truyền hình đa điểm – TG), với khả năng tích hợp các năng lực trao đổi về văn bản, âm thanh, đặc biệt là hình ảnh động chất lượng cao, song song với hiển thị các cửa sổ làm việc và truy cập Internet cùng thời điểm. Dịch vụ này có khả năng ứng dụng cao trong hội thảo trực tuyến, đào tạo trực tuyến, thậm chí hội chẩn trực tuyến trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, một năng lực khác của IRC cũng cần được nghiên cứu là khả năng kết nối liên mạng truyền thông. Ứng dụng Skype là một ví dụ về sự kết hợp giữa Internet (chat) và hệ thống viễn thông (đàm thoại đường dài) trên nền tảng Internet. Như vậy, IRC đã phát triển và phát sinh nhiều vấn đề mới, tăng cường năng lực trao đổi, tương tác thời gian thực (real-time) giữa các đối tượng và các nhóm đối tượng truyền thông, đặt ra nhiều câu hỏi nghiên cứu xung quanh hiện tượng này. Website/Trang tin điện tử/Cổng thông tin điện tử. Sự phát triển các website thông tin, các trang tin điện tử, các trang báo trực tuyến sở dĩ được gọi là bùng nổ vì chỉ sau năm 1995 đến nay, thế giới đã có hàng tỉ website, cung cấp lên “đám mây Internet”một lượng thông tin khổng lồ vô hạn. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng trong sự thành công của Google.com. Khi thế giới chìm ngập trong thông tin không giới hạn đến mức khủng hoảng thì Google trao cho họ thứ công cụ quá hữu hiệu là định vị và tìm kiếm (search engines). Điều đó đã khiến Google trở thành số 1 cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, một hiện tượng mà chúng ta cần phải hướng đến để tập trung nghiên cứu là sự phát triển của các cổng điện tử (Portal) – hiện thực của xu hướng mash-up trong công nghệ mạng. Hiểu đơn giản nhất, một Portal cho phép người sử dụng Internet thực hiện toàn bộ các nhu cầu truyền thông của họ thông qua một “cổng”website duy nhất. Một portal tích hợp nhiều site module khác nhau, do đó, người sử dụng có thể vừa là đối tượng của truyền thông, đồng thời được cung cấp và hỗ trợ các khả năng truyền thông, vừa có thể trở thành chính chủ thể truyền thông. Forum – diễn đàn trực tuyến. Bản chất của diễn đàn là nơi để công chúng truyền thông thực hiện các thao tác cung cấp, chia sẻ, trao đổi các thông tin cá nhân và thông tin nhóm. Các diễn đàn trực tuyến hiện nay, ngay cả ở Việt Nam đang dần dần xác lập được vai trò cung cấp thông tin, kỹ năng sống và làm việc, cạnh tranh trực tiếp với các nguồn tin báo chí chính thống. Weblog – Nhật ký cá nhân mở trên mạng Internet. Xuất phát từ nhu cầu chia sẻ tự do các thông tin cá nhân và thiết lập các nhóm truyền thông (group) qua mạng, weblog đã trở thành cơn sốt của giới trẻ toàn cầu những năm đầu thế kỷ XXI. Blog cũng “làm mưa làm gió”ở Việt Nam những năm 2004 – 2007. Tuy nhiên, có những nội dung nghiên cứu về hiện tượng này vẫn còn bỏ ngỏ. Đó là yếu tố xã hội, hay tính xã hội, của blog. Bởi vì, blog không chỉ thuần túy chứa đựng những thông tin riêng tư, cá nhân theo hình thức nhật ký truyền thống, mà nó đảm bảo 3 yếu tố của một trang tin điện tử, thậm chí là báo trực tuyến: tự sản xuất thông tin, thông tin nhanh và khả năng quảng bá rộng. Đó là sự thiếu vắng các nghiên cứu về đặc thù của phương tiện sản xuất thông tin trên blog: mobile blog, video blog, photo blog v.v Mạng xã hội – Social network. Dường như tương lai của Internet sẽ thuộc về mạng xã hội sau khi Google và các công cụ tìm kiếm khác làm tròn vai trò lịch sử của nó. Nói như vậy bởi vì, dịch vụ kết nối các nhóm nhu cầu xã hội này phát triển từ những năm 1995, thực sự phát triển từ những năm 2004 trở lại đây, nhưng mạng xã hội đang trong xu thế phát triển chóng mặt tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Cá biệt như trường hợp của Facebook, chỉ trong vòng 3 năm chính thức cung cấp dịch vụ đã trở thành website số 2 thế giới, chỉ sau có Google, đẩy cả “ông lớn”như Yahoo xuống vị trí thứ 3. Xét từ góc nhìn truyền thông, mạng xã hội đang là một công cụ truyền thông và định hướng thông tin thực sự hữu hiệu cho các nhóm xã hội, đặc biệt là khả năng thiết lập nhóm và kết nối nhóm. Con đường phát triển của mạng xã hội chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp và tươi mới, cần sớm được nghiên cứu nhằm tận dụng năng lực mạnh mẽ của công cụ truyền thông này. Ngoài những công cụ truyền thông Internet kể trên, còn một số dịch vụ khác mà yếu tố thông tin, nhu cầu chia sẻ và khả năng tác động đến đời sống xã hội cũng rất sâu sắc cần được quan tâm nghiên cứu như mạng chia sẻ dữ liệu video YouTube, mạng chia sẻ ảnh Flickr v.v, các xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại như “phi đại chúng hóa truyền thông”, mash-up media, kết nối liên mạng truyền thông – viễn thông – Internet v.v Truyền thông qua điện thoại di động – Xu hướng từ đàm thoại cá nhân đến thông tin cộng đồng Con đường phát triển từ một phương tiện đàm thoại trực tuyến giữa cá nhân này với cá nhân khác trở thành một phương tiện gắn bó với cộng đồng của truyền thông điện thoại di động gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ. Hay nói cách khác, mỗi bước phát triển về công nghệ trong các thế hệ điện thoại di động (G – Generation) đều liên quan đến xu hướng mở rộng năng lực truyền thông cộng đồng của loại hình phương tiện này. Trong hơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự thành công to lớn của mạng thông tin di động thế hệ thứ hai 2G. Mạng 2G có thể phân ra 2 loại: mạng 2G dựa trên nền TDMA và mạng 2G dựa trên nền CDMA. Sự thành công của mạng 2G là do dịch vụ và tiện ích mà nó mạng lại cho người dùng, tiêu biểu là chất lượng thoại và khả năng di động. Tiếp nối thế hệ thứ 2, mạng thông tin di động thế hệ thứ ba 3G đã và đang được triển khai nhiều nơi trên thế giới. Cải tiến nổi bật nhất của mạng 3G so với mạng 2G là khả năng cung ứng truyền thông gói tốc độ cao nhằm triển khai các dịch vụ truyền thông đa phương tiện. Năm 2002, những nhà nghiên cứu công nghệ truyền thông di động kỳ vọng đến một mạng băng rộng tốc độ siêu cao trong tương lai mà cho phép hội tụ với mạng hữu tuyến cố định – đó là ý tưởng về mạng 4G. Mạng 4G là một sự hội tụ của nhiều công nghệ mạng hiện có và đang phát triển như 2G, 3G, WiMAX, Wi-Fi, IEEE 802.20, IEEE 802.22, pre-4G, RFID, UWB, satellite để cung cấp một kết nối vô tuyến đúng nghĩa rộng khắp mọi lúc, mọi nơi, không kể mạng thuộc nhà cung cấp nào, không kể người dùng đang dùng thiết bị di động gì. Người dùng trong tương lai sẽ thực sự sống trong một môi trường “tự do”, có thể kết nối mạng bất cứ nơi đâu với tốc độ cao, giá thành thấp, dịch vụ chất lượng cao và mang tính đặc thù cho từng cá nhân. Tháng 12/2009, Telia Sonera chính thức trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông 4G đầu tiên trên thế giới, họ triển khai dịch vụ tại Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy). Sơ lược về sự phát triển của phương tiện điện thoại di động cho thấy một hiện thực rõ ràng, nếu như truyền thông trước điện thoại di động có xu hướng “phi đại chúng hóa”hoạt động truyền thông thì với phương tiện này, lại có một xu thế ngược lại là “liên cá nhân hóa” và “đại chúng hóa” hoạt động truyền thông. Khởi đầu cho xu hướng này là sự phát triển ồ ạt của dịch vụ tiện ích và dịch vụ nội dung dành cho điện thoại di động từ những năm 2005, với các nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông di động. Ở Việt Nam, kết hợp với các đơn vị báo chí – truyền thông khác, các công ty có năng lực cung cấp hạ tầng mạng di động đã phát triển đa dạng các dịch vụ truyền thông như Vinaphone (thuộc VNPT), VMS Mobifone, mạng viễn thông quân đội Viettel, Beeline, Vietnammobile, S- telecom (S-fone), EVN Telecom. Từ các tiện ích như truy cập Internet, nhận và gửi e-mail, GPRS, tải hình nền, nhạc chuông, nhạc chờ, game mini đến kết quả sổ xố, bóng đá, thông tin xã hội, thông tin chuyên biệt, tin nhắn Multimedia Song song và tiếp theo các dịch vụ cá nhân trên là thông tin báo chí (nghe radio – Đài Tiếng nói Việt Nam, đọc báo qua điện thoại di động – báo Tuổi trẻ, Thể thao văn hóa, Tiền phong, xem truyền hình qua điện thoại di động – VTC Mobile, VOV TV) cùng các ứng dụng truyền thông mới đi kèm với dòng điện thoại 3G như video trực tuyến chất lượng cao, chat, game trực tuyến, truy nhập mạng xã hội, ứng dụng Application Store Với số lượng hơn 140 triệu thuê bao di động, gần gấp đôi dân số Việt Nam hiện nay, thông tin và truyền thông qua điện thoại di động đang ảnh hưởng sâu rộng và nhanh chóng đến đời sống của mọi người dân. Xu hướng truyền thông trên loại hình phương tiện này ngày càng trở nên không thể thiếu đối với các thành phần cá nhân trong xã hội, thậm chí nó còn ảnh hưởng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn Internet, vì khả năng tiếp cận và giá thành của điện thoại di động rẻ hơn Internet nhiều lần. Mặc dù những tiện ích mới của điện thoại di động bước đầu và trước hết tác động trực tiếp đến một bộ phận thanh thiếu niên và tập trung ở các khu vực kinh tế – xã hội phát triển, nhưng dường như điện thoại di động đi theo quy luật phổ biến của các loại hình phương tiện kỹ thuật mới, đó là, phương tiện và công nghệ càng tiên tiến thì tốc độ người sử dụng tiếp cận càng nhanh bởi tính tiện dụng và quy trình đơn giản hóa khả năng sử dụng. Ví dụ như, với điện thoại di động trước đây, muốn sử dụng được người dùng phải có thao tác kích hoạt thẻ SIM, nhưng hiện nay thẻ SIM tự động kích hoạt khi đưa vào máy điện thoại, đồng thời tự động cài đặt một số dịch vụ tiện ích. Bởi vậy, nếu Internet có một quá trình “tập trung hóa”đối tượng sử dụng thì điện thoại di động lại có được quy trình “mở rộng”đối tượng sử dụng. Và lẽ đương nhiên là công chúng của truyền thông di động sẽ phong phú và đa dạng hơn Internet rất nhiều, xét về cả thành phần tham gia truyền thông và không gian truyền thông Đứng từ góc độ báo chí học, và rộng hơn là góc độ nghiên cứu các phương tiện truyền thông mới, có thể nhận định rằng: hiện trạng điện thoại di động hiện nay đang cung cấp và phát triển rất nhiều các dịch vụ truyền thông và báo chí cho công chúng, những người sử dụng điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số cầm tay. Các dịch vụ này trước hết dừng lại ở mức độ ứng dụng và tiện ích mà một nhà mạng viễn thông có thể cung cấp cho người dùng. Tuy nhiên, quá trình hình thành một phương tiện báo chí mới – báo chí qua mạng điện thoại di động đang manh nha phát triển và hoàn toàn có khả năng trở thành một hiện thực trong tương lai gần. Thứ hai, xu hướng chuẩn hóa sản phẩm truyền thông và sản phẩm báo chí về mặt công nghệ nhằm chuyển dữ liệu cho công chúng trên một phương tiện tích hợp liên mạng truyền thông – báo chí là xu hướng tất yếu của truyền thông xã hội tương lai. Việc tiếp cận nghiên cứu với truyền thông di động (bao gồm mạng điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số cầm tay hỗ trợ truyền thông như: iPad, tablet, netbook, e-paper) hiện nay còn là một lĩnh vực trống trải. Nhiều vấn đề đặt ra như: công tác quản lý, định hướng; các vấn đề pháp lý; quy trình sản xuất và cung cấp nội dung; đặc thù công nghệ và năng lực chuyển tải thông tin; nghiên cứu đối tượng công chúng; sự phát triển của khái niệm “nhà báo công dân”; những hệ quả truyền thông xã hội v.v và v.v chưa từng có nghiên cứu nào có tính hệ thống, chỉ ra bản chất, xu hướng vận động và khả năng ứng dụng to lớn của hệ thống này. Những trao đổi trên đây không chỉ có tính chất thống kê, và cũng chỉ mới đề cập đến 2 mảng phương tiện truyền thông mới là Internet và điện thoại di động, chúng tôi mong muốn các hiện tượng này được nhìn nhận trên bình diện vận động và phát triển. Và xét trên bình diện đó, truyền thông Internet và truyền thông qua điện thoại di động đang ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và hoạt động truyền thông hiện đại. Việc nghiên cứu và đào tạo về các lĩnh vực truyền thông mới ở Việt Nam cần được đầu tư hợp lý để có những bước đi chuẩn bị cho một tương lai sắp xảy ra trong quá trình hội nhập với thế giới của chúng ta./.
File đính kèm:
- dinh_huong_nghien_cuu_va_dao_tao_cac_linh_vuc_truyen_thong_m.doc