Phác họa mối liên hệ lịch sử giữa chú giải, tóm tắt, tổng quan tài liệu

Tóm tắt Phác họa mối liên hệ lịch sử giữa chú giải, tóm tắt, tổng quan tài liệu: ...ong bản thư mục “Nhân dân cần đọc gì” của tác giả Kh. D. Altrevka thì bên cạnh các bài chú giải chỉ dẫn còn kèm thêm những lời nhận xét của bạn đọc đối với tài liệu và các câu hỏi để kiểm tra xem người đọc hiểu cuốn tài liệu đó như thế nào.[xem 13; tr.5-6] Trong các bản thư mục phục vụ cho...u được coi như một loại bản tin độc lập với bài chú giải vào thập kỷ 50 của thế kỷ XX với sự ra đời của một loạt các tạp chí tóm tắt, mà ban đầu là các tạp chí tóm tắt các tài liệu khoa học tự nhiên và kỹ thuật như “Tạp chí tóm tắt hoá học”, “Tạp chí tóm tắt toán học” Kể từ khi bài tóm tắt t... những thành tựu, và thiếu sót của các công trình của các tác giả trước đó có liên quan đến đề tài để khẳng định sự mới mẻ, không trùng lặp với các tác giả đi trước của công trình nghiên cứu. Tuy nhiên đây chỉ là một phần của công trình nghiên cứu khoa học và chủ yếu chỉ quan tâm đến nội d...

pdf13 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 320 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Phác họa mối liên hệ lịch sử giữa chú giải, tóm tắt, tổng quan tài liệu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phác họa mối liên hệ lịch sử giữa 
chú giải, tóm tắt, tổng quan tài liệu 
Chú giải, tóm tắt, tổng quan là các dạng thức mô tả nội dung tài 
liệu khác nhau rất phổ biến trong hoạt động thông tin ngày nay. 
khi khảo sát ba dạng bản tin này trong lịch sử hoạt động thông tin 
thư mục, chúng tôi nhận thấy chúng có những mối quan hệ lịch 
sử với nhau rất rõ rệt. Bài viết này sẽ thử phác họa lại mối liên hệ 
đó dựa trên các cứ liệu cụ thể của hoạt động thông tin thư mục và 
đặc điểm của chính các dạng bản tin này. 
1. Chú giải, tóm tắt 
Chú giải, tóm tắt, tổng quan là các phương cách khác nhau để mô 
tả nội dung tài liệu bằng ngôn ngữ tự nhiên. Chúng khác với các 
dạng ngôn ngữ nhân tạo hoặc ngôn ngữ tư liệu ở chỗ hoàn toàn 
không mang tính quy ước. Xét ở mức độ nào đó thì cả ba dạng 
thức mô tả nội dung tài liệu bằng ngôn ngữ tự nhiên này đều có 
thể gọi chung là các bản tin. Ngày nay ba loại hình bản tin này 
tồn tại độc lập với nhau và giữa chúng có nhiều đặc điểm khác 
biệt rõ ràng để có thể phân biệt. Tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ và 
đầy đủ các đặc điểm nội dung và các dạng khác nhau của cả ba 
loại bản tin này cùng quá trình sử dụng chúng trong lịch sử thông 
tin thư mục, ta có thể dễ dàng nhận thấy giữa chúng có mối liên 
hệ với nhau về mặt lịch sử. 
Chú giải là dạng bản tin bổ trợ cho bản mô tả thư mục và ra đời 
sớm nhất trong ba loại bản tin. 
Khái niệm về bài chú giải được hình thành cùng với quá trình 
lịch sử công tác xử lý tài liệu, đặc biệt là với lịch sử của công tác 
thư mục - thư viện. Một bản chú giải thường được ghi ngay dưới 
bản mô tả thư mục của tài liệu, với một dòng mới. Đôi khi bản 
chú giải cũng gồm một vài dòng do người biên soạn thư mục 
thêm vào trong ngoặc vuông và được ghi ngay sau nhan đề hoặc 
phụ đề của tài liệu để giải thích thêm cho các yếu tố mô tả này. 
Ví dụ: [đây là một chương trong tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ trên 
sông Vônga”] hoặc [Bút ký về hoạt động của nông trường “Con 
đường Lênin”] hoặc [Viết về cuộc đời hoạt động của nghệ sĩ điện 
ảnh Trà Giang] 
Bản chú giải dù ghi riêng sau bản mô tả thư mục hay chèn vào 
giữa bản mô tả thư mục đều phục vụ cho một mục đích: cung cấp 
cho người đọc nhiều thông tin hơn, mở rộng những hiểu biết, 
nhận biết của người đọc đối với tài liệu và giúp người đọc dễ 
dàng chọn lựa tài liệu hơn. 
Trong số các nhà nghiên cứu thư mục, thư viện trên thế giới đã 
có nhiều quan niệm khác nhau về bài chú giải. Một số tác giả chỉ 
quan niệm rằng: Bài chú giải chỉ là sự mở rộng thêm của phần 
phụ chú trong bản mô tả thư mục của tài liệu, đại diện cho 
khuynh hướng này có I.P. Giuk, 
M.E. Mintrina, H. B. Zlovnov Một số tác giả khác lại cho rằng 
chú giải chỉ dùng để giải thích rõ thêm cho nhan đề của tài liệu 
mà thôi hay nói một cách khác thì chú giải là những thông tin mở 
rộng của phụ đề tài liệu.[xem 4, 5; cũng xem 13; tr.3-5]. 
Bài chú giải được sử dụng rất lâu đời trong công tác thư mục – 
thư viện. Ngay từ đầu thế kỷ XVIII, nhiều bản thư mục của các 
thư viện tại các nước châu Âu như Nga, Anh, Pháp đã có các bản 
chú giải được biên soạn kèm theo các bản mô tả tài liệu. Trong 
bản thư mục “Thư viện nước Nga” do D.E. Semehov-Rudnev 
biên soạn đã rất phổ biến các bài chú giải như: 
“Trong thư viện Viện hàn lâm chỉ có một phần trong năm cuốn 
sách của Moisevưi, ở cuối phần đó có ghi: Cầu chúa ban cho sự 
tin tưởng của nhà bác học đối với kiến thức y học của bác sĩ 
Phranisca Skorina từ Balan tới”. 
“Cả ba cuốn sách đều rất đáng nhớ, đặc biệt là cuốn số 2 và số 
3” 
“Đây là một cuốn sách hết sức quý hiếm” 
Những bản chú thích, dẫn giải như vậy khá phổ biến trong các 
bản thư mục của nhiều nhà thư mục học châu Âu thế kỷ XVIII. 
Muộn hơn một chút, vào giữa thế kỷ XIX, các bản thư mục đã 
biên soạn kèm theo nhiều bản chú giải phức tạp và đa dạng hơn, 
ví dụ V.I Spikov đã đưa vào bản chú giải việc giải thích biệt danh 
của tác giả, giải thích thêm về người dịch, người xuất bản, khôi 
phục lại tên của tài liệu ở các lần xuất bản trước, số lượng bản in 
của tác phẩm, quá trình xuất bản, loại vật liệu, đặc trưng minh 
hoạ, đánh giá, nhận xét về giá trị của tác phẩm v.v 
Vào những năm đầu của thế kỷ XIX bài chú giải được biên soạn 
phổ biến hơn trong hầu hết các bản thư mục lớn của Nga và Anh, 
trong đó đặc biệt phải kể đến những bài chú giải đánh giá, nhận 
xét các tài liệu của nước Nga và nước ngoài trong bản thư mục 
“Người con của Tổ quốc” của Nga. 
Cuối thế kỷ XIX, các bản chú giải đã ngày càng đa dạng và 
phong phú, ngoài việc nó được sử dụng ở các bản thư mục, chú 
giải còn ghi ngay cả trên các tờ phiếu mục lục. Chúng gợi mở các 
chủ đề của các bài báo, đôi khi bao gồm cả các thông tin về lịch 
sử của vấn đề, các sự kiện chính trong nội dung của bài báo. Kể 
từ những năm 60 của thế kỷ XIX ở nước Nga - loại thư mục giới 
thiệu phát triển rất rộng rãi, kèm theo chúng là loại chú giải mang 
đặc tính chỉ dẫn, phê phán cũng phát triển theo. Ví dụ, trong bản 
thư mục “Tổng quan về tài liệu học tập Nga” do tập thể tác giả 
biên soạn và xuất bản tại Peterbua năm 1878, các bài chú giải 
mang rõ tính chất chỉ dẫn. Còn trong bản thư mục “Nhân dân cần 
đọc gì” của tác giả Kh. D. Altrevka thì bên cạnh các bài chú giải 
chỉ dẫn còn kèm thêm những lời nhận xét của bạn đọc đối với tài 
liệu và các câu hỏi để kiểm tra xem người đọc hiểu cuốn tài liệu 
đó như thế nào.[xem 13; tr.5-6] 
Trong các bản thư mục phục vụ cho các nhà nghiên cứu khoa học 
thì các bản chú giải lại cung cấp những thông tin rất cụ thể về 
hình thức, lịch sử của tài liệu và chủ đề mà tài liệu phản ánh. 
Sang thế kỷ XX, đặc biệt là nửa sau thế kỷ XX cho đến ngày nay, 
chú giải là một trong những phương tiện mô tả các đặc điểm hình 
thức và nội dung tài liệu được sử dụng hết sức rộng rãi: trong hầu 
hết các bản thư mục lớn của các thư viện quốc gia và thư viện lớn 
trên thế giới, trong cả các bản mô tả tài liệu xếp trong mục lục và 
trong các cơ sở dữ liệu thư mục. Bên cạnh đó, nhiều công trình 
nghiên cứu về đặc trưng, loại hình và phương pháp biên soạn bài 
chú giải cũng xuất hiện ở nhiều nước có sự nghiệp thư viện phát 
triển, như Nga, Pháp, Đức, Anh, Mỹ. 
Vào giữa thế kỷ XX, phổ biến quan niệm sau đây về chú giải: 
“Chú giải là một bản nhận xét ngắn gọn khắc họa những nét đặc 
trưng của ấn phẩm từ các khía cạnh nội dung, khuynh hướng 
nghệ thuật, giá trị, ý nghĩa, lịch sử tư liệu - thư mục, hình thức 
v.v... của tài liệu. Những đặc điểm này do người biên soạn thư 
mục soạn ra dựa vào chính văn của ấn phẩm hoặc các nguồn 
thông tin khác, với mục đích làm sâu sắc thêm những thông tin về 
tài liệu giúp bạn đọc lựa chọn tài liệu phù hợp với yêu cầu” [13, 
tr.5]. 
Cùng với quan niệm mở rộng trên đây về bài chú giải, thời kỳ 
này các tác giả còn đưa ra một hệ thống phân loại các bài chú giải 
với một số tiêu chí khác nhau như: phân loại theo đối tượng của 
bài chú giải, theo đặc điểm nội dung của bài chú giải, theo mức 
độ bao quát của thông tin trong bài chú giải Trong đó theo đặc 
điểm nội dung của bài chú giải, chú giải được phân thành hai 
nhóm chính: Chú giải mô tả và Chú giải giới thiệu. Chú giải mô 
tả là loại chú giải thiên về mô tả đặc điểm nội dung và hình thức 
của tài liệu; Chú giải giới thiệu là loại chú giải thiên về đánh giá 
nhận xét các giá trị của tài liệu. Trong loại thứ nhất có phân thành 
một số tiểu loại như: Chú giải hình thức, chú giải lịch sử thư 
mục, chú giải về đề tài và chú giải tóm tắt. [xem 13, tr.32-36]. 
Khi nghiên cứu phương pháp biên soạn và đặc điểm của hai 
loại chú giải về đề tài và chú giải tóm tắt trong hệ thống phân 
loại này [13, tr.32- 36] ta thấy chúng có những đặc điểm của 
chính loại bản tin mà ngày nay chúng ta gọi là tóm tắt mô tả và 
tóm tắt thông tin. 
Như trên phân tích ta thấy bắt đầu từ loại chú giải chỉ thiên về 
hình thức của tài liệu suốt mấy thế kỷ (từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ 
XX) nội dung của bài chú giải ngày càng mở rộng và do đó hình 
thành nhiều dạng chú giải khác nhau. Việc xuất hiện loại chú giải 
về đề tài và chú giải tóm tắt trong hệ thống phân loại bài chú giải 
vào những năm 30 của thế kỷ XX với các đặc trưng là mô tả lại 
không chỉ chủ đề, đề tài chính mà còn cả cấu trúc nội dung, 
những quá trình nghiên cứu, số liệu và kết luận cụ thể cho thấy 
trong lòng hệ thống chú giải đã hình thành một loại đặc biệt, loại 
này chỉ sau khoảng 2 thập kỷ – vào thập kỷ 50 của thế kỷ XX nó 
đã tách ra thành một loại bản tin mới – Bài tóm tắt. 
Như vậy bài tóm tắt, về nguồn gốc, là một loại chú giải đặc biệt. 
Nó bắt đầu được coi như một loại bản tin độc lập với bài chú giải 
vào thập kỷ 50 của thế kỷ XX với sự ra đời của một loạt các tạp 
chí tóm tắt, mà ban đầu là các tạp chí tóm tắt các tài liệu khoa 
học tự nhiên và kỹ thuật như “Tạp chí tóm tắt hoá học”, “Tạp chí 
tóm tắt toán học” Kể từ khi bài tóm tắt tách ra khỏi bài chú 
giải, nó cũng phát triển theo quỹ đạo riêng, dần dần mỗi ngày 
một trở nên đa dạng, phong phú và cũng hình thành một hệ thống 
riêng bao gồm một số loại bài tóm tắt với những đặc trưng riêng. 
Tóm lại, cho đến ngày nay, đã có hai khái niệm khác nhau về hai 
loại bản tin hoàn toàn độc lập đó là chú giải và tóm tắt. Cụ thể: 
Chú giải là một bản chú thích, dẫn giải ngắn gọn về các dữ liệu 
hình thức và nội dung tài liệu nhằm giải thích rõ hơn cho các yếu 
tố mô tả thư mục, cấu trúc và giá trị nội dung của tài liệu gốc, 
giúp người dùng tin có cơ sở cần thiết để lựa chọn tài liệu. 
Và: 
Tóm tắt là một bản tin ngắn gọn phản ánh đầy đủ chủ đề, cấu 
trúc nội dung của tài liệu, phương pháp tiếp cận, kết quả nghiên 
cứu, những kết luận cơ bản mà tài liệu bao hàm và phạm vi sử 
dụng của tài liệu đó. 
Như vậy, so với quan niệm về bài chú giải khoảng nửa đầu thế kỷ 
XX ta thấy rõ rằng từ một loại hình ban đầu đã tách ra thành hai 
loại riêng biệt. Một loại thiên về chú thích, giải thích các đặc 
điểm về hình thức và chủ đề nội dung chính, giá trị của tài liệu, 
loại kia thiên về cung cấp những đặc điểm cụ thể về nội dung của 
tài liệu. 
Kể từ những năm 50 của thế kỷ XX đến nay, biên soạn bài chú 
giải và tóm tắt luôn luôn là một mắt xích quan trọng trong dây 
chuyền xử lý thông tin. Với việc ứng dụng máy tính trong công 
tác thông tin thư viện thì ngoài các tạp chí tóm tắt, các bản thư 
mục có kèm các bài chú giải, tóm tắt, các CSDL thư mục cũng là 
sản phẩm thông tin quan trọng có ứng dụng các bản tin ngắn gọn 
này. Ngày nay trong hầu hết các bản thư mục, các CSDL thư 
mục, tuỳ từng loại tài liệu mà bên cạnh bản mô tả thư mục, các 
chỉ số phân loại, chủ đề hay từ khoá luôn kèm theo hoặc là bản 
chú giải, hoặc là bản tóm tắt giúp bạn đọc sử dụng các sản phẩm 
thông tin này hiệu quả hơn. 
2. Tổng quan 
“Đại từ điển tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý chủ biên có giải thích: 
Trong ngôn ngữ đời thường tổng quan là từ dùng để chỉ một cái 
nhìn tổng quát đối với một đối tượng nào đó [xem 9; tr.698]. 
Trong công tác thông tin, nghiên cứu Tổng quan là một bản tin, 
một bài nghiên cứu độc lập đánh giá đầy đủ, khái quát, toàn diện 
đặc điểm hình thức, nội dung, nghệ thuật, những ưu, nhược điểm 
chính, những thành tựu hay hạn chế của một tài liệu hay một 
nhóm tài liệu liên quan đến một đề tài nhất định. 
Không có nhiều tài liệu nghiên cứu về quá trình hình thành và 
phát triển của hình thức mô tả nội dung tài liệu bằng bài tổng 
quan, nhưng khi nghiên cứu đặc điểm nội dung của những bài 
tổng quan mà hiện nay khá phổ biến trong công tác thông tin 
khoa học, kết hợp với bối cảnh lịch sử chung của công tác thông 
tin thư mục và công tác nghiên cứu khoa học, ta có thể chắc chắn 
rằng bài tổng quan xuất hiện trong công tác thông tin thư viện 
muộn hơn nhiều so với bài chú giải. Những nhân tố đầu tiên của 
bài tổng quan xuất hiện, có lẽ, cùng với các công trình nghiên 
cứu khoa học. Trong các công trình nghiên cứu khoa học, đặc 
biệt là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hầu hết đều có phần 
lịch sử vấn đề, trong đó đánh giá khái quát những thành tựu, và 
thiếu sót của các công trình của các tác giả trước đó có liên quan 
đến đề tài để khẳng định sự mới mẻ, không trùng lặp với các tác 
giả đi trước của công trình nghiên cứu. Tuy nhiên đây chỉ là một 
phần của công trình nghiên cứu khoa học và chủ yếu chỉ quan 
tâm đến nội dung của tài liệu mà thôi, các đặc điểm khác của tài 
liệu như đặc điểm hình thức, đặc điểm kỹ năng và nghệ thuật thể 
hiện của tác giả tài liệu hầu như chưa được quan tâm đáng kể. 
Thời kỳ này như trên đã phân tích chính là thời kỳ mà trong công 
tác thông tin thư mục loại hình mô tả đặc điểm hình thức và nội 
dung của tài liệu bằng ngôn ngữ tự nhiên là bài chú giải đang rất 
phổ biến. Nội dung của loại bản tin đơn giản này mỗi ngày một 
mở rộng đa dạng và phong phú hơn lên. Đặc biệt loại chú giải 
giới thiệu với thiên hướng giới thiệu các giá trị nội dung và nghệ 
thuật của tài liệu nhằm lôi cuốn bạn đọc đến với các tài liệu hay 
nhất, có giá trị nhất. Với mục đích quảng bá và định hướng cho 
bạn đọc, loại chú giải giới thiệu này ngày càng phổ biến hơn 
không chỉ trong các bản thư mục mà còn trong cả các bản tin 
quảng cáo sách mới của các cơ quan thông tin thư viện và các 
nhà xuất bản. Đặc biệt chúng còn được biên soạn với nội dung 
ngày càng mở rộng hơn, sâu sắc hơn trong các bản thuyết minh 
triển lãm sách. 
Chính nhu cầu thông tin ngày một cao này của xã hội đã dẫn đến 
sự hội nhập của hai khuynh hướng mô tả nội dung tài liệu bằng 
ngôn ngữ tự nhiên: Mô tả nội dung cụ thể trong lịch sử vấn đề 
của các công trình nghiên cứu khoa học và mô tả đặc điểm hình 
thức, nội dung và đánh giá các giá trị của tài liệu trong bản chú 
giải. Kết quả của sự hội nhập này làm ra đời một hình thức mô tả 
nội dung tài liệu bằng ngôn ngữ tự nhiên mới, đó là bài tổng 
quan. Bài tổng quan, về mặt nội dung mang đặc tính và phong 
cách của cả hai hình thức mô tả nội dung tài liệu tiền thân của nó: 
nó vừa có những đánh giá khách quan về tài liệu thông qua sự 
phân tích các phương pháp tiếp cận, luận điểm, số liệu, kết luận 
của tài liệu gốc, vừa có những thông tin về hình thức của tài liệu 
và những đánh giá, nhận xét mang tính biểu cảm, cảm xúc thông 
qua nhận thức của người biên soạn nhằm mục đích truyền cảm 
hứng và lôi cuốn bạn đọc đến với tài liệu. Tuy nhiên khác với cả 
hai hình thức xử lý thông tin tiền thân của nó, nó là một bản tin 
độc lập không mang tính bổ trợ và phụ thuộc cho bất kể một dạng 
thông tin nào khác. 
Thời điểm sớm nhất mà tổng quan xuất hiện như một bản tin độc 
lập là vào đầu thế kỷ XX, ban đầu chỉ là các bài tổng quan giới 
thiệu sách mới, sau đó là các bản tổng luận phân tích tổng hợp về 
tình hình nghiên cứu của một đề tài có ý nghĩa cấp thiết nào đó 
trong tư liệu hiện hành. 
Bảng so sánh, nhận dạng dưới đây cho ta thấy sự giống và khác 
biệt của ba loại hình thức mô tả nội dung tài liệu đang phổ biến 
ngày nay là chú giải, tóm tắt, tổng quan và cho thấy rõ mối liên 
hệ lịch sử giữa chúng. 
 So sánh nhận dạng bài chú giải, tóm tắt, tổng 
quan
Tổng quan trong quá trình phát triển cũng đa dạng và phong phú 
lên và dần hình thành một số loại riêng biệt. Cho đến nay loại bản 
tin này cũng có cả một hệ thống phân loại riêng biệt. 
Tóm lại, giữa bài chú giải, tóm tắt, tổng quan có một mối liên hệ 
lịch sử lâu đời. Chúng phát triển theo quy luật từ dễ đến khó, từ 
đơn giản đến phức tạp dưới tác động nhu cầu thông tin ngày càng 
đa dạng, phong phú của xã hội. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Abstract and abtracting/Lancaster ed. – London, 1998. 
2. Bộ Khoa học và Công nghệ. Trung tâm Thông tin tư liệu Khoa 
học và Công nghệ Quốc gia. Tổng quan Công nghệ cao. - 2003 - 
Số 1. 
3. Biên soạn tổng luận và chỉ dẫn phân tích: tài liệu hướng 
dẫn/Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc 
gia. - H., 1993. 
4. Giuk, I.P. Annotasia v kataloge massovoj bib- lioteki. - M., 
1929. 
5. Introduction to the Techniques of Information and 
Documentation. - Paris: UNESCO, 1983. 
6. King, lester S. The book review. - Jama, Vol 01 
7. Lê Văn Viết. Cẩm nang nghề thư viện. - H.: Văn hoá Thông 
tin, 2000. - 630 tr. 
8. Manten, A.A. Book review in primary jour- nal'//Journal of 
technical writing and communication. - Vol.5. - 1975. 
9. Nguyễn Như Ý. Đại từ điển tiếng Việt. - H.: Khoa học xã hội, 
2003. 
10. Nguyễn Thị kim loan. Quy tắc mô tả nội dung tài liệu bằng 
bài chú giải, tóm tắt/Nguyễn Thị Kim Loan. - H.: Thư viện Quốc 
gia, 1998. - Lưu hành nội bộ. 
11. Phan Huy Quế. Biên soạn bài chú giải và bài tóm tắt tài liệu: 
Giáo trình. - H.: Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công 
nghệ Quốc gia, 1998. - Lưu hành nội bộ. 
12. Review and Reviewing: A guide/Ed. By A.J.Walford. - 
Phoenix: The Oryx Press. - 1986 
13. Sumarin. Metodika sostavlenja annotasii. - M., 1997. 
14. TCVN 4523-88. Ấn phẩm thông tin: Phân loại, cấu trúc, trình 
bày. - Có hiệu lực từ 01-01-1988. 
15. TCVN 4524-88. Xử lý thông tin: Bài tóm tắt và bài chú giải. - 
Có hiệu lực từ 01-01-1989. 
_____________ 
Nguyễn Thị Kim Loan 
Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội 
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2(22) – 2010 (tr.26-30 

File đính kèm:

  • pdfphac_hoa_moi_lien_he_lich_su_giua_chu_giai_tom_tat_tong_quan.pdf