Tài liệu chuyên đề Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ Đoàn ở cơ sở - Dương Văn An

Tóm tắt Tài liệu chuyên đề Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ Đoàn ở cơ sở - Dương Văn An: ...vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc" Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCH Trung ương tại Đại hội đại...trong hệ thống chính trị là yếu tố quan trọng tăng cường sự kết hợp giữa giai cấp và dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, bổ sung năm 2011 ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ q...g ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ khối cơ quan Trung ương. - Đồng chí Võ Văn Thưởng: Được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn tại Hội nghị BCH Trung ương Đoàn lần thứ 11 khoá VIII (13/1/2007) và tiếp tục được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (tháng 12/...

doc201 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 241 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Tài liệu chuyên đề Bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ Đoàn ở cơ sở - Dương Văn An, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 nữ cũng chiếm tỷ lệ thấp.
+ Số sinh viên sau đào tạo không tìm được việc làm hoặc làm việc trái với ngành nghề đào tạo còn cao;
+ Việc đào tạo mất cân đối giữa các cấp học: đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; mất cân đối giữa các vùng: đô thị, nông thôn, nông thôn đồng bằng với nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; mất cân đối giữa nam và nữ; mất cân đối giữa các nghề đào tạo... Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị Trung học chuyên nghiệp được tổ chức đầu tháng 5 năm 2009: “Cơ cấu lao động nước ta hiện đang hết sức bất hợp lý với 01 đại học; 1,5 trung học chuyên nghiệp và 3,5 công nhân kỹ thuật” trong khi cơ cấu lao động hợp lý cần phải là: 1: 4: 20 (1 kỹ sư, 4 trung học chuyên nghiệp, 20 công nhân kỹ thuật).
3.3. Lao động việc làm của thanh niên.
- Lao động của thanh niên chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động xã hội và lao động có tay nghề:
+ Thanh niên có việc làm thường xuyên chiếm 36,4% lực lượng lao động xã hội và chiếm 73,9% trong tổng số thanh niên.
+ Điểm nổi bật là ý thức lập thân, lập nghiệp của thanh niên cao hơn trước.
+ Tính năng động, sáng tạo, ham học hỏi, nhạy cảm với cái mới, với khoa học công nghệ tiên tiến, với quản lý hiện đại đang trở thành một phẩm chất và mối quan tâm sâu sắc của ngày càng đông thanh niên.
- Lao động thanh niên là nguồn nhân lực có trình độ:
+ Trong số lao động xã hội, lực lượng lao động thanh niên được đào tạo và có tay nghề ngày càng tăng.
+ Thanh niên luôn xung kích trong mọi lĩnh vực khoa học công nghệ mới.
+ Thanh niên ngày nay năng động hơn trong tìm kiếm việc làm, nhất là ở khu vực đô thị, trong khối trường học, ý thức tự lập trong học nghề và tự chủ tìm việc làm của thanh niên cao hơn.
- Tuy nhiên lao động thanh niên hiện nay còn nhiều bất cập:
+ Bên cạnh trình độ văn hóa chung còn thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật của thanh niên còn hạn chế - số không qua đào tạo gấp 13,6 lần số được đào tạo; số “thầy” nhiều hơn 1,49 lần số “thợ”.
+ Tình hình thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc không có việc làm đầy đủ còn diễn ra gay gắt trong các đối tượng thanh niên.
Trong nông thôn, tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên liên tục tăng, thường dao động trong khoảng 26 - 28% lực lượng hoạt động kinh tế của khu vực. Tại khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp chung trong cả nước là 6,72% (nguồn: Điều tra lao động – việc làm 2005-2010 của Bộ LĐ – TB&XH);
. Năm 2012, số lượng thanh niên thất nghiệp chiếm 3,9%.
+ Bên cạnh thu nhập thấp, nguy cơ mất việc ở thanh niên cũng rất cao; tâm lý, nhận thức về việc làm ở một bộ phận thanh niên còn cứng nhắc, chưa phù hợp với cơ chế mới; không ít thanh niên còn thụ động, ỉ lại (gia đình và xã hội) trong tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập.
3.4. Sức khỏe, thể chất và tâm thần của thanh niên.
- Thể lực, sức khỏe của thanh niên đã được cải thiện đáng kể:
Thực hiện mục tiêu về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, trong những năm qua, tình hình sức khỏe của nhân dân nói chung, của thanh niên nói riêng có chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Viện Khoa học Thể dục Thể thao (năm 2009) cho thấy: Chiều cao trung bình của thanh niên nam là 1,64m; nữ là 1,54m so với trước năm 2004, chiều cao trung bình đã tăng khoảng 2cm (từ 1,62m lên 1,64m) đối với nam và 1,5cm đối với nữ (1,525m lên 1,54m); cân nặng trung bình đạt 53,2kg (tăng 2kg đối với nam) và 48,9kg (tăng 3kg đối với nữ).
Dự báo đến năm 2020, thanh niên sẽ tăng chiều cao 4 - 5 cm, cân nặng tăng 4-5 kg.
- Một số vấn đề liên quan đến thể chất và tinh thần của thanh niên rất cần được quan tâm.
Thanh niên chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đối tượng nghiện ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS, mại dâm; vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, ảnh hưởng của các bệnh dịch xã hội, các bệnh nan y đối với thanh niên có xu hướng tăng... Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của một bộ phận thanh thiếu niên.
Do áp lực lao động, học tập, tạo áp lực tâm lý cao dẫn đến thanh niên mắc các bệnh về tâm thần như stress; trầm cảm, tự kỷ, thần kinh có xu hướng tăng.
Sự thiếu đầu tư phát triển các cơ sở luyện tập thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh; sự yếu kém trong quản lý và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, nhất là thể dục thể thao quần chúng... đã và đang đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần có các chính sách thích hợp để chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể lực cho thanh niên.
3.5. Nhận thức chính trị, tính tích cực xã hội và lối sống của thanh niên.
- Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần yêu nước nồng nàn:
Nhìn chung, thanh niên nước ta hiện nay có lòng yêu nước nồng nàn, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh, khẳng định niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; có nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, kiên quyết chống lại những biểu hiện sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình”, các hành vi gây tổn hại đến sự phát triển đất nước của các thế lực phản động, thù địch; quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động và công tác, mong muốn đất nước sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, không thua kém các nước trên thế giới, được cống hiến nhiều nhất cho công cuộc chấn hưng đất nước; sẵn sàng vì lợi ích dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tình nguyện vì cộng đồng. Nhiều thanh niên có ý thức chính trị tốt; tỷ lệ thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tăng.
Tuy nhiên, hiện nay cũng còn không ít thanh niên không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận thanh niên lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương, đơn vị; không có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội, có những thanh niên có biểu hiện giảm sút niềm tin, bản lĩnh non kém, bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
- Có thái độ và ý thức chính trị rõ ràng đối với vận mệnh của đất nước.
Tỷ lệ thanh niên tham gia vào các cuộc diễn đàn, đối thoại chính trị ngày càng lớn. Sự quan tâm của thanh niên vào công việc lãnh đạo, điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước ngày càng cao.
Thanh niên sẵn sàng xung kích tham gia vào công việc của đất nước khi Đảng và Nhà nước yêu cầu, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì: Vì biển đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc, trí thức trẻ tình nguyện ...
- Có tinh thần xung phong tình nguyện cao.
+ Tham gia ngày càng đông vào phong trào thanh niên tình nguyện.
+ Ý thức chia sẻ, tinh thần tương thân, tương ái, không ngại khó khăn.
+ Có chí tiến thủ, sớm có ý chí lập thân, lập nghiệp.
+ Khát khao sống có ích cho xã hội, ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.
+ Đã và đang lập nên những chiến công mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Số lượng thanh niên có nguyện vọng phấn đấu trở thành đoàn viên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tăng.
Số lượng thanh niên gia nhập Đoàn, số đoàn viên ưu tú giới thiệu bồi dưỡng đối tượng Đảng, số đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước; số cơ sở chưa có tổ chức Đoàn giảm dần hàng năm. Số đoàn viên mới được kết nạp từ năm 2005 đến năm 2011 là 5.689.731 đồng chí, trong đó số kết nạp mới trong năm 2011 tăng gấp 3,66 lần so với năm 2005; Trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, Đoàn đã giới thiệu được 1.082.124 đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó có 522.496 đồng chí được kết nạp vào Đảng, đạt tỷ lệ 67.5% trong tổng số đảng viên mới được kết nạp hàng năm.
- Thanh niên có hiểu biết hơn về hội nhập quốc tế; có năng lực hội nhập quốc tế ngày càng nâng cao.
+ Tham gia nhiều hoạt động quốc tế: các hội nghị, hội thảo, các cuộc thi văn hóa, nghề nghiệp, khoa học, kỹ thuật, công nghệ...
+ Kiến thức hội nhập được nâng lên
+ Trình độ ngoại ngữ, tin học, khoa học, nghề nghiệp ngày càng cao.
+ Bản lĩnh hội nhập ngày càng tự tin, vững vàng
+ Vị thế của thanh niên Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng lên trong quan hệ, giao lưu quốc tế.
- Tình hình đạo đức lối sống của thanh niên.
Đa số thanh niên nước ta hiện nay có phẩm chất tốt, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, có ý thức công dân, chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể, xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng; sống có nghĩa tình, luôn biết quan tâm, giúp đỡ người khác, tinh thần tương thân tương ái đã được khơi dậy, trở thành xu hướng chủ đạo lôi cuốn và thu hút giới trẻ. Nhiều tấm gương thanh niên vượt qua khó khăn của bản thân, gia đình để vươn lên thành những người hữu ích; không ít thanh niên dám đấu tranh quyết liệt với các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tỏ thái độ lo lắng, băn khoăn trước các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; bất bình trước những sai phạm của cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật.
Phần lớn thanh niên hiện nay có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, nhu cầu giải trí lành mạnh, lên án những hoạt động giải trí không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong, mĩ tục của dân tộc.
Tuy nhiên, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên còn lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, xa hoa lãng phí, sùng bái thần tượng thái quá, ít quan tâm đến cộng đồng và những người xung quanh. Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu ý thức rèn luyện, không tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, các phong trào và hoạt động tập thể do nhà trường, địa phương tổ chức; lười học tập, lao động, không dám đấu tranh với sai trái, tiêu cực, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, ích kỷ, bất hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
IV. THANH NIÊN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH NGUỒN NHÂN LỰC CÓ CHẤT LƯỢNG CAO TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ.
4.1. Những phẩm chất cần có của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
	Để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế sâu rộng thì thanh niên Việt Nam hiện nay cần có 04 nhóm phẩm chất sau:
	- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí kiên định vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
	- Có trình độ chuyên môn và tay nghề cao
	- Có đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh
	- Có sức khỏe thể chất tốt và đời sống văn hóa tinh thần phong phú, tự lực tự cường.
	4.2. Những nhiệm vụ của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
	4.2.1. Thanh niên có quyền và nghĩa vụ học tập.
	- Quyền được thừa nhận trong Hiến pháp: Điều 66 Hiến pháp 1992 ghi: “Thanh niên được giáo dục, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập cho thanh niên để họ phát triển về thể lực, trí tuệ...”
	- Trách nhiệm của mỗi thanh niên yêu nước là phải học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ phần lớn công học tập của các em”; “Ở nơi nào cũng phải học, làm việc gì cũng phải học”, “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau, học ở nhân dân”, “Học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi”...
	Nhiệm vụ của thanh niên hiện nay là ra sức học tập, đi đầu trong xã hội học tập và kinh tế tri thức.
	- Tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng: Tích cực học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
	- Tích cực học tập kiến thức, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn khoa học kỹ thuật và tay nghề.
	+ Chủ động và tự giác học nghề
	+ Tiếp cận và làm chủ kiến thức khoa học và công nghệ tiên tiến.
	+ Học quản lý, nắm vững khoa học và nghệ thuật về quản lý
	* Tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
	- Tham gia xóa mù chữ, chống tái mù chữ, nâng cao dân trí, nhất là vùng sâu, vùng xa...
	- Tự giác tham gia học tập, đổi mới phương pháp học tập theo hướng tích cực, giúp đỡ nhau học tập, học thực chất, khắc phục tâm lý “Chạy theo bằng cấp”.
	- Chống các hiện tượng tiêu cực trong học đường: chạy điểm, coi cóp, gian lận ...
	- Tích cực tham gia hiện đại hóa nền giáo dục.
	4.2.2. Thanh niên có nhiệm vụ lao động tạo lập cuộc sống, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
	4.2.2.1. Thanh niên có nghĩa vụ và quyền lợi lao động.
	- Điều 66 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: thanh niên có nghĩa vụ đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo.
	- Nhà nước đòi hỏi thanh niên tham gia lao động để nuôi bản thân, gia đình và xây dựng đất nước.
	- Mỗi thanh niên cần chấp hành tốt luật lao động.
	4.2.2.2. Nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội.
	- Thực hiện tốt các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động.
	- Có nhận thức đúng về lao động và nghĩa vụ tham gia phát triển kinh tế.
	- Đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
	- Tiếp cận nhanh chóng tri thức và công nghệ mới để đạt hiệu quả, năng suất lao động cao; tham gia đổi mới cơ chế và chính sách, phát triển nguồn nhân lực...
	- Tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Xóa đói giảm nghèo, các công trình trọng điểm: Công trình thanh niên, làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên...
	4.2.3. Thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
	- Thực hiện tốt luật nghĩa vụ quân sự, tham gia dân quân tự vệ, có ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ đất nước.
	- Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; đội dân quân, an ninh tự quản, các đội thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông ...
	- Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tham gia làm tốt công tác tuyển quân, nhập ngũ, thực hiện tốt công tác “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”...
	4.2.4. Thanh niên tham gia xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
	Nhận thức đúng về văn hóa và yêu cầu của việc xây dựng nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới cần tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, thực hiện tốt nguyên tắc “Hội nhập nhưng không hòa tan”.
	- Tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh: sống chan hòa, đoàn kết với mọi người trong tập thể, trong gia đình; tôn trọng và có ý thức giúp đỡ người khác, có trách nhiệm xây dựng bầu không khí tốt đẹp trong cộng đồng.
	- Tham gia phát triển văn hóa cộng đồng, “Văn minh công sở”: tôn trọng các quy tắc ứng xử trong xã hội, trong thôn bản, trong cơ quan và với đồng nghiệp, với các thành viên trong gia đình.
	- Đi đầu chống các tệ nạn xã hội: Tham gia tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mại dâm ma túy, bạo lực gia đình...
	4.2.5. Thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ hệ thống chính trị.
	- Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng: Phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyên truyền đường lối, nghị quyết của Đảng, ngăn ngừa các hiện tượng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng; đóng góp ý kiến phê bình đảng viên và các tổ chức Đảng.
	- Tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền: đi đầu thực hiện các chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương; xung kích vào những nơi khó khăn, gian khổ để cống hiến và trưởng thành, tình nguyện với cuộc sống cộng đồng vì sự bình đẳng xã hội.
	- Tham gia xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: thực hiện tốt tinh thần đoàn kết toàn dân, tham gia vào các hoạt động vận động xã hội ủng hộ người nghèo, công tác nhân đạo, từ thiện ...
	4.2.6. Thanh niên tham gia xây dựng nếp sống văn minh, đời sống cộng đồng tốt đẹp.
	- Nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành luật hôn nhân gia đình: Thực hiện tốt các điều khoản trong luật hôn nhân gia đình, không gây bạo lực trong gia đình, tôn trọng quyền bình đẳng giới và quyền bình đẳng của các thành viên trong gia đình, chống gia trưởng, trọng nam khinh nữ, tảo hôn, bắt vợ, ép gả chồng ...
	- Đi đầu trong cuộc vận động nếp sống trong ma chay, cưới xin, lễ tết: Thực hiện tổ chức cưới hỏi, ma chay gọn nhẹ, tiết kiệm, chống các hiện tượng mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu vi phạm pháp luật...
	- Xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, trung thực, thật thà, chân tình với mọi người, có tinh thần tương thân, tương ái đồng đội, đồng nghiệp.
	- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo: vận động tài trợ xã hội, hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, người già cô đơn, gia đình chính sách...
	4.2.7. Thanh niên tham gia hội nhập quốc tế.
	- Phải có bản lĩnh chính trị, tự hào dân tộc, tin tưởng vào đường lối của Đảng, lý tưởng XHCN...
	- Tích cực học tập đi trước đón đầu các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ mũi nhọn, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
	- Có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt để hội nhập: rèn luyện sức khỏe, sống lành mạnh, tinh thần thoải mái không vụ lợi, bon chen, ích kỷ, hẹp hòi.
	- Ý thức đầy đủ về hội nhập văn hóa: cảnh giác với các loại và các dòng văn hóa có tính chất độc hại; chống các luận điệu tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta.
	- Có kiến thức, hiểu biết về những vấn đề chung của nhân loại: nắm vững ngoại ngữ, tin học, khoa học công nghệ, nhân văn, văn hóa, văn minh nhân loại để có bản lĩnh hội nhập vững hơn trong một thế giới đa dạng và luôn biến động.
	Tóm lại, để trở thành lực lượng xung kích cách mạng, nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế thành công, thanh niên Việt Nam hiện nay cần phải: Tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghề nghiệp; tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến đồng thời phải có sức khỏe, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có lòng yêu Tổ quốc và bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
CÂU HỎI ÔN TẬP, THẢO LUẬN
	1. Phân tích, vị trí, vai trò của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay?
	2. Phân tích những thuận lợi và khó khăn mà thanh niên Việt Nam hiện nay phải đối diện trong quá trình hội nhập quốc tế?
	3. Khái quát những xu hướng vận động tích cực và những hạn chế của thanh niên trên các mặt về: Trình độ học vấn, lao động và việc làm, sức khỏe, thể chất và tinh thần, nhận thức chính trị, tính tích cực xã hội và lối sống văn minh, hiện đại?
	4. Để trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, thanh niên hiện nay cần phải phấn đấu và rèn luyện như thế nào?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Tự Đam, “Giáo dục thanh niên Việt Nam kế thừa nhân cách Hồ Chí Minh để trưởng thành và phát triển”, Nxb Thanh niên, năm 2010.
2. Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X, Nxb Thanh niên, 2013.
3. Phạm Hồng Tung, “Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế”, Nxb Chính trị quốc gia, 2011.
4. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Những giải pháp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, Nxb Thanh niên, 2011”.
5. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Tổng quan tình hình thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”, Nxb Thanh niên, 2008.
6. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Hỏi đáp về “Diễn biến hòa bình và cách mạng màu”, Nxb Chính trị quốc gia”, 2011.
7. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ CNH, HĐH”, Nxb Thanh niên, 2008.
8. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, Nxb Chính trị quốc gia, 2011.
9. Văn Tùng, “Tuổi trẻ Việt Nam, học tập và làm theo lời Bác”, Nxb Thanh niên, 2008.
10. Tổng quan tình hình thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi (2007 - 2012), Nxb Thanh niên, 2012.
11. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2012 - 2017), Nxb Thanh niên, năm 2013.
12. Tài liệu chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ Đoàn cơ sở, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

File đính kèm:

  • doctai_lieu_chuyen_de_boi_duong_ly_luan_chinh_tri_danh_cho_can.doc