Tâm lý học xã hội - Trần Quốc Thành (Phần 2)

Tóm tắt Tâm lý học xã hội - Trần Quốc Thành (Phần 2): ... mọi người. Dư luận xã hội có chức năng tư vấn giúp cho các nhà quản lý các giải pháp phù hợp với ý chí nguyện vọng của quần chúng. e) Các giai đoạn hình thành dư luận - Giai đoạn tri giác sự kiện: có một sự kiện, hiện tượng xảy ra nhiều người chứng kiến hoặc được cung cấp thông tin về sự ... kiến là thái độ tiêu cực có trước về hiện tượng hay cá nhân, nhóm xã hội nào đó thì việc điều chỉnh định kiến trước hết phải tác động vào nhận thức. Trên cơ sở đó làm thay đổi thái độ và hành vi của mọi người kể cả người bị định kiến. Việc điều chỉnh các định kiến xã hội không dễ nên cần kiên...khi con người hành động theo vai trò, chưa chắc con người đã nhập vai nên nếu chỉ qua hành động bên ngoài không thể thấy hết nội tâm bên trong con người. Mỗi lần tiếp xúc, chúng ta chỉ tiếp xúc với con người trong một vai trò nào đó nên cũng không thể thấy hết sự phong phú của con người. Họ ch...

pdf71 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 284 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Tâm lý học xã hội - Trần Quốc Thành (Phần 2), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
phải. 
6. Anđrây: còn trẻ nhưng đã nổi tiếng, ai cũng biết đến tên tuổi của anh ta. Anh ta 
thường xuyên xuất hiện trên báo chí, vô tuyến truyền hình. Anh ta không ham tiền, thích 
biểu hiện (khoe) tài năng của mình trước mọi người. 
Đặc trưng của người này là ham tiếng tăm, danh vọng. 
7. Kirin: có công việc lý thú nên dồn hết sức mình vào đó, không có thời gian cho 
cuộc sống cá nhân và tiêu khiển; thích nghiên cứu một cách tự do, suy nghĩ độc đáo và táo 
bạo; ít người biết đến nhưng được thừa nhận là một chuyên gia cỡ lớn. 
Đặc trưng của người này là thích sáng tạo, thích ứng với khoa học. 
8. Côngxtăngtin: không gắn bó với một nghề nghiệp nhất định nào, làm ăn thu nhập 
thất thường, có khi không còn đồng tiền nào. Côngxtăngtin tự đánh giá mình cao, có xu 
hướng thích đi lang thang, phiêu bạt nay đây mai đó có nhiều thời gian rảnh rỗi để tiêu 
khiển; thích đàn đúm “vui vẻ, trẻ trung”. Khi người ta hỏi bao giờ thì ổn định cuộc sống, 
anh ta trả lời rằng: “về già cũng chưa muộn”. 
Đặc trưng của người này là ham chơi, không có chí hướng 
Khi nghiên cứu hơn 200 người gồm có công nhân, sinh viên, nghiên cứu sinh nhân 
viên hàng không... thì được kết quả như sau: 
- Kiểu Paven là kiểu được đánh giá cao nhất, sau đó đến kiểu Vaxili, rồi đến Kirin - 
đến Vlađimir, bị lên án nhiều nhất là kiểu Côngxtăngtin, rồi đến Matvây, Nicôlai và 
Anđrây. 
Thái độ đối với các kiểu nhân cách nêu trên ở Nam và Nữ có sự khác biệt. 
- Nữ thích kiểu Vaxili nhưng cũng kém cương quyết hơn trong việc phủ định và bác 
bỏ kiểu Mátvây. 
- Đặc biệt số nữ được nghiên cứu tỏ ra lo lắng thương hại số phận Paven và cần lưu 
ý một số phụ nữ tỏ ra không hiểu, không thông cảm với kiểu Kirin: không thể tưởng tượng 
được rằng có người quên gia đình, quên cuộc sống cá nhân: những mặt khác thì Vaxili vẫn 
được đánh giá cao nhất. 
Kết luận: Nhìn chung đối với nữ, vấn đề gia đình và xây dựng quan hệ gia đình là 
vấn đề hết sức thiết yếu và điều đó không phải chỉ do nguyên nhân sinh vật mà chủ yếu do 
nguyên nhân xã hội. 
Lòng yêu đời về cơ bản giữa nam và nữ không khác nhau nhưng nghiên cứu cho 
thấy tính năng động (kể cả việc mình tin rằng sẽ đạt được mục đích này), nữ thấp hơn nam 
tới gần 2 lần (vấn đề có tính chất lịch sử). 
Các kiểu nhân cách này là ở Liên Xô trong những năm 1960 đặt ra cho ta suy nghĩ: 
Cần và nên nghiên cứu một số kiểu người hiện nay trong xã hội ta và nên tham khảo tài 
liệu của Nga nhưng phải nghiên cứu trên thực tế Việt Nam 
VI. QUAN HỆ LIÊN NHÂN CÁCH 
1. Khái niệm quan hệ liên nhân cách 
a) Quan hệ xã hội 
Nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội, cũng có nghĩa là nghiên cứu cá nhân trong 
các nhóm, trong các quan hệ xã hội. Nói cách khác là nghiên cứu cá nhân trong hệ thống 
chung các mối quan hệ xã hội, trong một số “ngữ cảnh xã hội”. “Ngữ cảnh” này bao gồm 
hệ thống các mối quan hệ thực của nhân cách với thế giới khách quan. Xác nhận các mối 
quan hệ có nghĩa là thực hiện nguyên tắc chung về phương pháp luận - nghiên cứu con 
người trong sự liên hệ với môi trường xung quanh. Nhưng nội dung, mức độ các mối quan 
hệ của con người với thế giới khách quan lại rất khác nhau bởi vì mỗi cá nhân lại là chủ 
thể của rất nhiều mối quan hệ khác nhau. Trong sự đa dạng đó có thể có thể chia ra làm hai 
loại mối quan hệ: quan hệ xã hội và quan hệ “tâm lý” của nhân cách - quan hệ liên nhân 
cách. 
Cấu trúc quan hệ xã hội được bộ môn Xã hội học nghiên cứu. Trong lý thuyết của 
khoa học, Xã hội học đã đưa ra rất nhiều loại quan hệ xã hội: quan hệ kinh tế, quan hệ 
pháp quyền, quan hệ chính trị... Tổng hoà các mối quan hệ này tạo nên quan hệ xã hội. 
Đặc trưng của quan hệ xã hội được biểu hiện ở chỗ, trong các mối quan hệ này không chỉ 
đơn giản là cá nhân “gặp gỡ” với cá nhân hay cá nhân “quan hệ” với cá nhân khác mà 
những cá nhân này với tư cách là những người đại diện cho các nhóm xã hội nhất định (đại 
diện cho giai cấp nghề nghiệp, các tổ chức chính trị, đảng phái...). Do vậy, có thể hiểu: 
quan hệ xã hội là quan hệ giữa các cá nhân với tư cách đại diện cho một nhóm xã hội, do 
xã hội quy định một cách khách quan vai trò của mỗi cá nhân trong nhóm. Ví dụ: thầy - 
trò; người mua - người bán; thủ trưởng - nhân viên. 
Đặc trưng cơ bản của quan hệ xã hội là các mối quan hệ này được thiết lập không 
phải dựa trên nền tảng có thiện cảm hay không thiện cảm của các cá nhân mà dựa trên cơ 
sở về vị trí nhất định của mỗi cá nhân trong xã hội, trên cơ sở những chức năng, hành vi 
mà cá nhân phải thực hiện khi đứng ở vị trí đó (gọi là vai xã hội). Bởi vậy, các mối quan 
hệ này được xã hội quy định một cách khách quan. Đây là mối quan hệ giữa các nhóm xã 
hội hay giữa các cá nhân với tư cách là những đại diện các nhóm xã hội đó. Điều này nói 
lên rằng quan hệ xã hội không có tính bản sắc. Bản chất của các mối quan hệ này không 
nằm trong sự tác động qua lại giữa các nhân cách mà nằm trong sự tác động qua lại giữa 
các vai trò xã hội. 
Trong thực tế, mỗi cá nhân đảm nhiệm không chỉ một vai trò mà là nhiều vai xã hội: 
Họ có thể là một giáo viên, một người bố, là một thành viên một câu lạc bộ, là một trưởng 
họ... Có những vai xã hội được quy định trước cho con người từ khi mới sinh ra (ví dụ là 
nam hay nữ), những vai xã hội khác được hình thành trong cuộc sống. Mặc dù vậy, bản 
thân vai xã hội không quyết định hoạt động và hành vi của mỗi người mà tất cả những 
điều đó phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân và sự nhập vai của cá nhân đó. Sự nhập vai 
mang màu sắc cá nhân rõ rệt vì được xác định bằng hàng loạt các đặc điểm tâm lý cá nhân 
của người mang vai đó. Bởi vậy các quan hệ xã hội, mặc dù thực chất là các quan hệ theo 
vai, không phải là quan hệ nhân cách, nhưng trong thực tế, trong mỗi sự biểu hiện cụ thể 
vẫn có “sắc thái nhân cách”. Trở thành nhân cách trong hệ thống các quan hệ xã hội, con 
người nhất định phải tham gia vào quá trình tác động qua lại, vào quá trình giao tiếp vì 
thông qua các quá trình đó những đặc tính cá nhân nhất định được biểu hiện. Bởi vậy mỗi 
vai trò xã hội không có nghĩa là sự định trước tuyệt đối của hành vi, mà nó thường xuyên 
giữ lại một vài “phạm vi cơ hội” cho người thực hiện. Ta có thể ước lệ gọi đó là “phong 
cách nhập vai”. Chính phạm vi này trở thành nền tảng để xây dựng các quan hệ khác bên 
trong của hệ thống quan hệ xã hội - quan hệ liên nhân cách. 
b) Khái niệm, vai trò và bản chất của quan hệ liên nhân cách 
Khi tham gia vào các quan hệ với người khác, cá nhân, một mặt có thể thực hiện vai 
xã hội do mối quan hệ đó quy định. Khi đó cá nhân đang tiến hành mối quan hệ xã hội. 
Mặt khác, cá nhân có thể quan hệ với người khác không phải trên cơ sở của vai xã hội mà 
chủ yếu dựa trên cơ sở của tình cảm, xúc cảm của quan hệ mang tính tâm lý. Khi đó cá 
nhân đang thực hiện quan hệ liên nhân cách. 
Quan hệ liên nhân cách là quan hệ cá nhân với cá nhân trên cơ sở tâm lý, tình cảm 
và sự đồng nhất với nhau ở mức độ nhất định. 
Như vậy, nói đến quan hệ liên nhân cách là nói đến quan hệ mang tính người - 
người, nói đến nội dung tâm lý của quan hệ đó chứ không nói đến nội dung “công việc” 
của quan hệ đó. 
c) Quan hệ giữa quan hệ xã hội và quan hệ liên nhân cách 
Quan hệ xã hội và quan hệ liên nhân cách gắn bó rất chặt chẽ với nhau. Trong Tâm 
lý học xã hội có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề xác định vị trí của quan hệ liên 
nhân cách với hệ thống quan hệ xã hội. Đôi khi quan hệ liên nhân cách được coi như 
ngang hàng với quan hệ xã hội, một thành phần tạo nên các quan hệ xã hội, hoặc ngược lại 
quan hệ liên nhân cách ở mức độ cao hơn quan hệ xã hội, hay quan hệ liên nhân cách là sự 
phản ánh trong ý thức của quan hệ xã hội...Theo quan điểm khác, bản chất của quan hệ 
liên nhân cách có thể được hiểu đúng nếu như chúng không đặt ngang hàng với quan hệ xã 
hội mà được nhìn nhận như một hàng quan hệ đặc biệt xuất hiện bên trong mỗi loại quan 
hệ xã hội và nó không thể nằm ngoài các quan hệ này (ví dụ như “thấp hơn”, “cao hơn” 
hay “bên cạnh”). 
Có thể có sơ đồ biểu diễn hai loại quan hệ này như sau: 
Xã hội 
Các quan hệ xã hội- chính trị Các quan hệ liên nhân cách 
Xã hội 
Kinh tế 
Quan hệ giữa các nhóm 
Quan hệ liên nhân cách nằm trong quan hệ xã hội, chúng đan xen vào nhau. Bất kì 
một quan hệ xã hội nào cũng bao hàm quan hệ liên nhân cách ở một mức độ nhất định. 
Ngược lại bất kì một quan hệ liên nhân cách nào cũng bao hàm một quan hệ xã hội nhất 
định. Ví dụ, trong quan hệ tình yêu, thoạt nhìn đây là quan hệ có vẻ như là quan hệ liên 
nhân cách đơn thuần nhưng thực tế nó cũng không thể thoát khỏi một kiểu quan hệ xã hội 
(một vai trò xã hội là nam giới và vai kia là nữ giới). Sự tồn tại quan hệ liên nhân cách bên 
trong các hình thức khác nhau của quan hệ xã hội như là sự thực hiện các quan hệ trong 
hoạt động của các nhân cách cụ thể, trong các hoạt động giao tiếp và sự tác động qua lại. 
Trong quá trình thực hiện đó, mối quan hệ giữa con người với con người (trong đó có môi 
quan hệ xã hội) một lần nữa được tái tạo lại. Hay nói một cách khác, trong toàn bộ tiến 
trình vận hành hệ thống khách quan các quan hệ xã hội có sự hiện diện của các yếu tố 
thuộc về các cá nhân. Chính vì vậy ở đây có sự giao thoa giữa quan hệ xã hội và quan hệ 
liên nhân cách. 
Bản chất quan hệ liên nhân cách khác với bản chất quan hệ xã hội được thể hiện ở 
nét đặc trưng quan trọng: quan hệ liên nhân cách được thiết lập trên nền tảng xúc cảm, tình 
cảm. Điều đó có nghĩa là những quan hệ liên cách đó xuất hiện và hình thành trên nền tảng 
những tình cảm nhất định nảy sinh ở con người trong mối quan hệ giữa con người với con 
người. Chính vì vậy quan hệ liên nhân cách được xem như là nhân tố của bầu “không khí 
tâm lý” trong nhóm. 
2. Các yếu tố chi phối quan hệ liên nhân cách 
a) Giao tiếp trong hệ thống quan hệ liên nhân cách 
Không thể có quan hệ người - người (bao hàm cả quan hệ xã hội và quan hệ liên 
nhân cách) nói chung nếu thiếu giao tiếp. Giao tiếp là phương tiện là công cụ để thực hiện 
các quan hệ đó. Do vậy, giao tiếp có một vị trí trung tâm trong hệ thống phức tạp các quan 
hệ của con người. Hiểu chung nhất, giao tiếp như là sự tác động qua lại giữa hai hay nhiều 
người để trao đổi thông tin, nhận thức hay tình cảm. Trong cấu trúc của giao tiếp có những 
phương diện sau: 1) Sự gắn kết, thành lập cộng đồng; 2) Sự trao đổi thông tin; 3) Sự hiểu 
biết lẫn nhau. Cả ba phương diện này của giao tiếp đều tác động mạnh mẽ đến quan hệ liên 
nhân cách. 
Giao tiếp là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Nó vừa là 
phương thức phát triển cá nhân vừa là phương thức để thống nhất các cá nhân. Cần đặc 
biệt nhấn mạnh ý tưởng rằng, trong giao tiếp, cá nhân lĩnh hội các chuẩn mực, các giá trị 
xã hội, đồng thời biểu hiện sự gắn bó tình cảm, sự ghét bỏ, chối từ hay đơn giản là thờ ơ, 
lãnh đạm đối với các cá nhân khác. Cũng trong giao tiếp, các định hướng giá trị của cá 
nhân có thể xích gần lại với định hướng giá trị của cá nhân khác hay theo chiều ngược lại 
là phân hóa rõ ràng hơn. Chính điều này tác động đến quan hệ liên nhân cách. 
Hai hàng quan hệ của con người - quan hệ xã hội và quan hệ liên nhân cách được 
bộc lộ và thực hiện chính trong giao tiếp. Vì vậy có thể nói, nguồn gốc khởi thủy của giao 
tiếp được bắt nguồn từ hoạt động trong cuộc sống của cá nhận. Giao tiếp là thực hiện toàn 
bộ hệ thống các quan hệ của con người. Các mối quan hệ đa dạng của con người chỉ có thế 
thực hiện trong giao tiếp. Xã hội loài người không thể tồn tại nếu không có giao tiếp. Nó 
vừa như một phương thức thống nhất các cá nhân vừa như là một phương thức phát triển 
các cá nhân đó. Chính vì vậy giao tiếp cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ: vừa thực hiện 
quan hệ xã hội và vừa thực hiện quan hệ liên nhân cách. 
Mỗi loại quan hệ vận hành trong các hình thức đặc trưng của giao tiếp. Giao tiếp với 
tư cách thực hiện quan hệ liên nhân cách được nghiên cứu rất nhiều trong Tâm lý học xã 
hội. Giao tiếp liên nhân cách được nảy sinh từ hoạt động cùng nhau của con người. Vì vậy, 
nó được thực hiện trong các quan hệ liên nhân cách đa dạng, có nghĩa là nó được hình 
thành trong trường hợp khi quan hệ giữa con người với con người mang tính tích cực và 
ngay cả khi quan hệ đó mang tính tiêu cực. 
Giao tiếp khi thực hiện các quan hệ xã hội là giao tiếp giữa các nhóm hay các cá 
nhân như là đại diện của các nhóm xã hội. Trong trường hợp này hoạt động giao tiếp cần 
thiết phải được diễn ra thậm chí ngay cả khi có sự đối kháng giữa các nhóm. Trong tác 
phẩm của mình, Mác đã viết rằng: giao tiếp là người bạn đồng hành tuyệt đối của lịch sử 
nhân loại. Theo Lêônchiev, giao tiếp cũng là người bạn đồng hành tuyệt đối trong hoạt 
động hàng ngày, trong sự tiếp xúc hàng ngày của con người. Như vậy, chúng ta có thể 
nghiên cứu lịch sử thay đổi các hình thức của giao tiếp trong phạm vi phát triển xã hội 
cùng với sự phát triển các quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị và các quan hệ xã hội khác. 
Với tư cách là người đại diện cho một số nhóm xã hội, con người giao tiếp với đại diện 
của nhóm xã hội khác và cùng một lúc đã thực hiện được hai loại quan hệ: quan hệ xã hội 
và quan hệ nhân cách. Ví dụ, người nông dân khi bán sản phẩm của mình ngoài chợ và 
nhận được một số tiền, số tiền này như một công cụ cần thiết của giao tiếp trong hệ thống 
quan hệ xã hội. Mặt khác, người nông dân này khi bán hàng đã bộc lộ những đặc điểm tâm 
lý riêng của mình, tác động qua lại với khách hàng hay nói cách khác là chính bằng nhân 
cách của mình để giao tiếp với khách hàng. 
b) Những yếu tố tâm lý xã hội 
Với tư cách là quan hệ tâm lý giữa các cá nhân, quan hệ liên nhân cách chịu sự tác 
động của một loạt các yếu tố tâm lý xã hội. Đó là sự gần gũi giữa các cá nhân, sự tương 
tác và hình ảnh “cái tôi” của các cá nhân. 
Sự gần gũi giữa các cá nhân bao hàm sự gần gũi về địa lý và về tâm lý. Sự gần gũi 
về địa lý thường tạo cơ hội cho sự giao tiếp thường xuyên giữa các cá nhân, từ đó làm nảy 
sinh sự hiểu biết lẫn nhau, sự gắn bó và đồng nhất lẫn nhau ở mức độ nhất định, đặc biệt 
trong các trường hợp các cá nhân đó cùng ở trong môi trường lạ, không quen thuộc. Sự 
gần gũi về địa lý càng gần thì càng tạo điều kiện cho việc hình thành nhiều quan hệ liên 
nhân cách. Sự gần gũi về địa lý còn tạo ra những sự tương đồng nhất định về tâm lý giữa 
các cá nhân trong cùng một cộng đồng. 
Sự gần gũi giữa các cá nhân về tâm lý trong Tâm lý học xã hội thường được gọi là 
sự tương hợp tâm lý. Sự tương hợp tâm lý có thể hiểu là sự giống nhau của các đặc điểm 
tâm lý của các cá nhân và sự thích ứng lẫn nhau dễ dàng giữa các cá nhân. Sự tương hợp 
tâm lý về thái độ, sở thích, về quan điểm, về cách thức ứng xử... là điều kiện thuận lợi cho 
sự hình thành các quan hệ liên nhân cách. Các yếu tố đó có thể giúp quan hệ liên nhân 
cách trở nên gắn bó chặt chẽ hơn. Sự tương hợp tâm lý tạo ra sự hài hòa trong quan hệ mà 
các cá nhân không cần phải điều chỉnh nhiều để thích ứng với cá nhân khác. Đây được coi 
là tiền đề tốt cho một quan hệ liên nhân cách bền chặt. Các cá nhân có xu hướng tìm kiếm 
và thiết lập quan hệ với các cá nhân khác giống mình. Điều này lại được giải thích bằng cơ 
chế đồng nhất hóa và nhu cầu được khẳng định bản thân của cá nhân trong đời sống xã 
hội. Sự giống nhau giữa một số cá nhân tạo điều kiện cho cá nhân cảm thấy sự tự tin, tôn 
trọng vào bản thân, thúc đẩy cá nhân quan hệ tích cực hơn với các cá nhân giống mình. 
Tuy nhiên, trong Tâm lý học xã hội cũng có những ý kiến ngược lại cho rằng không chỉ sự 
tương hợp tâm lý giúp quan hệ liên nhân cách có thể tạo ra và làm tăng cường quan hệ liên 
nhân cách mà ngay cả sự khác biệt cũng có vai trò nhất định trong việc tạo ra quan hệ liên 
nhân cách. Không ít khi, sự khác biệt lại tạo ra sự cuốn hút các đối tượng khác trong quan 
hệ liên nhân cách. 
Quan hệ liên nhân cách diễn ra trên cơ sở sự tương tác giữa các cá nhân. Tương tác 
được hiểu là sự tác động lẫn nhau giữa các cá nhân nhằm thực hiện những mục đích nhất 
định nào đó. Trong quá trình tương tác, các cá nhân nằm trong sự tác động qua lại trực 
tiếp, trao đổi thông tin, điều chỉnh, phối hợp hành động với nhau, nhận thức lẫn nhau. 
Chính trong quá trình này, các đặc điểm tâm lý của cá nhân được bộc lộ, biểu hiện ra bên 
ngoài và được các cá nhân khác nhận biết. Tính chất của sự tương tác có thể ảnh hưởng 
đến quan hệ liên nhân cách. Có hai loại tương tác chính: hợp tác và cạnh tranh. Mỗi loại có 
tính chất riêng. Hợp tác là sự tương tác theo chiều hướng phối hợp hành động, giúp đỡ lẫn 
nhau trong hoạt động. Hợp tác có thể tạo quan hệ liên nhân cách tốt khi các cá nhân tham 
gia vào quan hệ đó tích cực và thiện chí. Ngược lại, nếu các cá nhân ỷ lại, bị động, sự 
tương tác sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn. Cạnh tranh là loại tương tác giúp cá 
nhân phát huy tốt nhất tiềm năng của mình, bộc lộ rõ rệt bản thân. Tuy nhiên cạnh tranh 
với mục đích tiêu cực có thể làm hủy hoại quan hệ liên nhân cách. 
Hình ảnh “cái tôi” của mỗi cá nhân là một cấu trúc tâm lý, là biểu tượng của cá nhân 
về chính bản thân, hình thành nhờ quá trình tự nhận thức, tự đánh giá bản thân. Cái tôi là 
hạt nhân của hệ thống điều khiển của nhân cách. Nó chi phối thái độ, hành vi của con 
người trong các quan hệ xã hội. Trong quá trình hoạt động với người khác cái tôi được thể 
hiện ở 5 phương diện: tính đồng nhất, tính ổn định, quá trình tự ý thức, tự đánh giá về bản 
thân và ý thức xã hội (theo Shibutani). Tính đồng nhất thể hiện ở hành vi, ứng xử của một 
cá nhân. Trong cùng một tình huống, một thời điểm, một cá nhân không có những cách 
ứng xử trái ngược nhau. Cá nhân lựa chọn và hành động theo một lập trường nhất định. 
Bên cạnh đó, cái tôi tương đối ổn định, nó không dễ dàng thay đổi khi cá nhân thay đổi vai 
xã hội của mình. Do vậy, xác định được vị trí của bản thân trong các quan hệ với người 
khác đóng vai trò to lớn đối với việc điều chỉnh quan hệ liên nhân cách. Bên cạnh đó, 
chính nhờ các quan hệ với người khác, cá nhân có thể hình thành cái tôi ngày càng chính 
xác hơn. 
HƯỚNG VẬN DỤNG TRONG DẠY HỌC VÀ GIÁO DỤC: 
Các tri thức tâm lý học xã hội về nhân cách giúp nhận biết các yếu tố chi phối sự 
phát triển nhân cách, từ đó tác động nhằm phát triển nhân cách của sinh viên trong hoạt 
động giáo dục. Đồng thời, dựa trên các kiểu nhân cách để có những cách thức ứng xử phù 
hợp trong quan hệ với sinh viên. Trong hoạt động dạy học và giáo dục cần chú ý: 
- Tạo điều kiện cho sự phát triển nhân cách lành mạnh ở sinh viên, giúp sinh viên có 
được sự thích ứng tốt nhất với hoạt động học tập hình thành nghề nghiệp thông qua việc tổ 
chức nhóm, tổ chức môi trường hoạt động tích cực, phát huy những điểm mạnh, tính chủ 
động của sinh viên. 
- Phân loại và nhận biết các kiểu nhân cách khác nhau ở sinh viên. Việc đó giúp 
giảng viên có thể dự đoán được các chiều hướng hành vi ở sinh viên, đồng thời có khả 
năng dự kiến các tác động hay cách thức ứng xử phù hợp với các kiểu nhân cách. Bên 
cạnh đó, việc chỉ ra các hình mẫu của các kiểu loại nhân cách xã hội giúp dự đoán và tác 
động đến sự thích ứng của sinh viên với các tình huống xã hội. 
- Chú ý đến sự tác động và các yếu tố chi phối sự hình thành quan hệ liên nhân cách 
trong quá trình tiến hành các quan hệ xã hội với sinh viên. Một mặt có thể xây dựng quan 
hệ liên nhân cách tích cực, mặt khác có ý thức thoát khỏi sự chi phối của các quan hệ liên 
nhân cách trong quá trình vận hành các quan hệ xã hôi. 
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG VI 
1. Nhân cách là gì? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển 
nhân cách? Vai trò của các yếu tố đó? 
2. Có các thành phần nào tạo nên cấu trúc của nhân cách? 
3. Thế nào là kiểu nhân cách xã hội? Ý nghĩa của việc nghiên cứu kiểu nhân cách xã 
hội? Anh/Chị cho biết có những kiểu nhân cách xã hội nào? Mô tả kiểu nhân cách đó. 
4. Phân biệt quan hệ xã hội và quan hệ liên nhân cách. Làm cách nào để điều chỉnh 
các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ liên nhân cách? 

File đính kèm:

  • pdftam_ly_hoc_xa_hoi_tran_quoc_thanh_phan_2.pdf
Ebook liên quan