Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người - Nguyễn Đăng Dung
Tóm tắt Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người - Nguyễn Đăng Dung: ...R Commentary, N.P. Engel Publisher (tái bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung vào năm 2005). Xét về danh mục, có nhiều cách phân chia khác nhau với các quyền và tự do cá nhân dựa trên những cách tiếp cận khác nhau với nội dung của UDHR, ICCPR và ICESCR, tuy nhiên, trong Chương này (và cả Chương sa...ng quốc gia thành viên cao nhất (chỉ đứng sau Công ước về quyền trẻ em). Tuy nhiên, CEDAW cũng là một trong số các điều ước quốc tế về quyền con người có số lượng quốc gia bảo lưu (một số điều khoản) cao nhất. Xem chi tiết tại Đây chính là một trong những trở ngại chính trong việc hiện thực hóa...i nhận bởi pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc ghi nhận các quyền con người trong pháp luật là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ phải có các biện pháp để bảo vệ các quyền khỏi bị vi phạm và thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện các quyền trên thực tế. Do các quyền con người rất phon...
hiệp, tổ chức Việt Nam có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hay giữa bản thân cá nhân họ với người sử dụng lao động nước ngoài. Theo Điều này, người lao động có các quyền: Được yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa mình ra nước ngoài cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài; Được hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan; Được doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa mình ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập; Được chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân; Được hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Được khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các quyền chung nêu trên, theo Điều 46 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động còn có các quyền khác tương ứng với từng dạng chủ thể mà đưa họ ra nước ngoài làm việc. Cụ thể, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các doanh nghiệp dịch vụ có các quyền khác bao gồm: Được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ; Được bổ túc nghề phù hợp với yêu cầu của hợp đồng; Được vay vốn của tổ chức tín dụng để đi làm việc ở nước ngoài; Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ vi phạm hợp đồng; Được gia hạn hợp đồng hoặc ký kết Hợp đồng lao động mới phù hợp với quy định pháp luật của nước tiếp nhận người lao động. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có các quyền khác bao gồm: Được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nhận thầu, trúng thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; Được bổ túc nghề phù hợp với yêu cầu của hợp đồng; Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài vi phạm hợp đồng. 9.4. Khái quát về cơ chế thực hiện và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam 9.4.1. Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người Các quyền con người được nêu trong Hiến pháp và pháp luật quốc gia, cũng như những cam kết ở quy mô khu vực và quốc tế về nhân quyền, chỉ có thể được hiện thực hóa khi các cơ chế bảo đảm thực thi quyền hoạt động hiệu quả. Cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam có thể hiểu bao gồm các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp, ở cấp trung ương và địa phương) và các thủ tục, trình tự để người dân có thể sử dụng (yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện) khi cần để bảo vệ quyền của mình. Trước hết, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra với các chức năng lập hiến, lập pháp, hoạch định chính sách phát triển đất nước và giám sát các hoạt động của Nhà nước. Mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong đó có Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát và của Chủ tịch nước đều chịu sự giám sát của Quốc hội. Cùng với Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Quốc hội đang trong tiến trình cải cách, nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Một số hướng cải cách đã được thảo luận gồm: đổi mới nội dung và cách thức tổ chức các kỳ họp trong năm, tạo điều kiện và đặt ra yêu cầu đại biểu Quốc hội giành thời gian tiếp xúc cử tri, tìm hiểu thực tế nhiều hơn; tổ chức và củng cố các Ủy ban và thường trực các Ủy ban của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp hơn; tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, tạo cơ chế phối hợp giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm, bảo đảm thực hiện tốt sứ mạng của Quốc hội trước cử tri, bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người trong sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chịu trách nhiệm quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội và đối ngoại của nhà nước. Trong cải cách hành chính nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhằm bảo đảm cho Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan công quyền có nhiệm vụ cao nhất là phục vụ nhân dân, thực hiện, phát triển và nâng cao các giá trị quyền con người. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có vị trí pháp lý đặc biệt, vừa là cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vừa là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, vừa là cơ quan có quyền lập quy, đồng thời là cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong phạm vi cả nước để bảo đảm thống nhất quyền lực nhà nước. Các hoạt động của cơ quan hành chính công quyền đều trực tiếp tác động tới quyền và lợi ích của công dân, tới việc bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người ở Việt Nam. Trong năm 2015, Luật tổ chức Chính phủ mới đã được ban hành với những sửa đổi phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Hệ thống cơ quan hành chính có vai trò quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại và tố cáo của người dân. Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Hiện nay Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2011 có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền liên quan của những người bị xâm hại quyền. Với quyền tư pháp, TAND và VKSND có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ các giá trị quyền con người. Thông qua hoạt động xét xử, TAND các cấp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp chế thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân và công dân, bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền tài sản, quyền nhân thân và các quyền, tự do cơ bản của con người. VKSND là cơ quan công tố và kiểm sát tư pháp, bảo đảm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Gần đây, Luật Tổ chức TAND 2014 và Luật Tổ chức VKSND 2014 đã được Quốc hội thông qua nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp. Nhiều đạo luật trong lĩnh vực tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng hành chính) cũng đang tiếp tục được sửa đổi. Dù thực tế cho thấy hệ thống cơ quan tư pháp ở nước ta còn không ít bất cập trong tất cả các khâu, từ điều tra, truy tố đến xét xử, phòng ngừa, thi hành án. Cải cách tư pháp đang là yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng của cải cách bộ máy nhà nước, có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng nhất tới xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo đảm thực hiện quyền con người. Chính quyền địa phương được phân cấp và giao quyền ngày càng mạnh hơn để chủ động triển khai những chính sách phát triển kinh tê xã hội và bảo đảm thực hiện quyền con người tại địa phương. HĐND các cấp tỉnh, huyện và xã là các cơ quan trực tiếp do nhân dân bầu ra, đại diện cho nhân dân để thực hiện quyền lực của nhân dân và giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền tại địa phương. Các ý kiến chất vấn của cử tri đều được đưa ra xem xét tại các cơ quan quyền lực của nhân dân, các cơ quan này có bộ phận chuyên môn chăm lo dân nguyện, yêu cầu các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền phải trả lời và quan tâm đến ý kiến của cử tri. Cũng trong năm 2015, Luật tổ chức Chính quyền địa phương đã được ban hành với những quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn. Đến nay, mặc dù đã có nhiều kiến nghị từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cũng như từ các tổ chức xã hội trong nước, Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan nhân quyền quốc gia (cơ quan chuyên trách bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người). Hoạt động của Ban chỉ đạo Nhân quyền thuộc Chính phủ và hệ thống Ban chỉ đạo Nhân quyền các tỉnh chưa được người dân biết đến nhiều, và dường như chưa có nhiều tác động đến xã hội. 9.4.2. Một số khó khăn và thách thức trong việc thực hiện cơ chế bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam Sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ 7 thập niên qua và công cuộc Đổi mới đất nước trong 30 năm qua đã mang lại những thay đổi to lớn trên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân trong xã hội được thụ hưởng ngày càng đầy đủ các quyền con người.Tuy nhiên, đất nước ta vẫn còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Tuy đạt nhiều thảnh tựu về kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong các năm qua, Việt Nam vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng thường bị thiên tai, còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã dành nhiều ưu tiên cho phát triển các vùng đặc biệt khó khăn thông qua các Chương trình xóa đói giảm nghèo, trợ giúp pháp lý, tín dụng cho vay, miễn phí trong giáo dục và các chính sách ưu tiên đặc biệt, nhưng do nguồn lực của đất nước còn hạn chế nên ở nhiều địa phương, cơ sở vật chất của các ngành y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin, thể thao... còn nhiều thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền của người dân, đã và đang đặt ra những thử thách mới ngày càng phức tạp hơn trong việc vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Trình độ phát triển kinh tế hiện có là thực tại khách quan chi phối và ảnh hưởng trực tiếp sự hình thành phát triển các giá trị xã hội, trong đó có giá trị quyền con người. Đất nước Việt Nam trải dài hơn 2.000 km từ Bắc xuống Nam, trong đó địa hình núi đồi chiếm ba phần tư diện tích đất nước. Dân cư sống phân tán trên các vùng miền với ngôn ngữ, phong tục, tập quán và điều kiện sinh hoạt rất khác nhau. Đặc biệt, những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, do hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, thông tin... nên trình độ học vấn còn thấp, sự hiểu biết về pháp luật, chính sách cũng như năng lực tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo các quyền con người, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị. Những biến động của tác động môi trường sống tự nhiên, về khí hậu, thời tiết , nguồn nước, ô nhiễm môi trường... đang có những tác động tiêu cực tới cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Cùng với biến đổi khí hậu theo chiều hướng bất lợi, sự nóng lên của khia hậu toàn cầu, mực nước biển ngày càng dâng cao; thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng nặng nề dồn dập, vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm cùng với gian lận thương mại ảnh hưởng trực tiếp tới quyền của người tiêu dùng, các loại bệnh, dịch bệnh chưa được giải quyết dứt điểm và tiếp tục diễn biến phức tạp....Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thực hiện quyền và lợi ích của mỗi tập thể và cá nhân trong xã hội mà còn làm phân tán và suy giảm các nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến khích và bảo đảm thực hiện, phát triển con người, hạn chế khả năng hưởng thụ các giá trị quyền con người. Sự phát triển của kinh tế thị trường một mặt đã đem đến sự đổi mới và phát triển nhanh chóng mọi mặt đời sống xã hội, tôn vinh các giá trị lao động sáng tạo và xuất hiện sự sung túc, thỏa mãn ngày càng cao các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, nhưng mặt khác kéo theo những tiêu cực và vấn nạn xã hội đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Thất nghiệp gia tăng; sự phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền ngày càng lớn; nạn tham nhũng và sử dụng phung phí tiền bạc, tài sản xã hội diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Nhiều tệ nạn xã hội và tình trạng bạo lực có chiều hướng lan rộng, môi trường sống bị ô nhiễm, dân số tăng nhanh... Bên cạnh đó, những phong tục, tập quán và định kiến mang tính địa phương, cục bộ vẫn còn nặng nề tạo nên cách những sự cách biệt nhất định về giới, về vùng miền, về thu nhập, về vị thế xã hội, về tâm lý xã hội...đặt ra những thách thức mới về quyền bình đẳng và công bằng xã hội. Tư tưởng trọng nam khinh nữ; nạn ngược đãi phụ nữ, bạo lực trong gia đình và tính gia trưởng vẫn tồn tại, nhất là ở những nơi trình độ dân trí còn thấp. Những vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến từng người dân trong việc hưởng thụ các quyền, đặc biệt là quyền sống và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, mà còn là thách thức đối với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và triển khai các chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Trong những bước đi đầu tiên của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền, việc nhận thức và thực hiện pháp luật, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật còn nhiều hạn chế. Quyền con người được bảo đảm bằng pháp luật, việc thực hiện pháp luật không nghiêm minh có ảnh hưởng trực tiếp tới hưởng thụ quyền con người. Ý thức pháp luật và sự hiểu biết các quy định pháp luật là yếu tố đầu tiên chi phối hành vi sống và làm việc theo Hiếp pháp, pháp luật. Tuy nhiên nhiều trường họp vi phạm pháp luật lại không phải vì không hiểu biết các quy định pháp luật mà vì chưa có thói quen tôn trọng pháp luật, chưa coi thực hiện pháp luật như thực hiện mệnh lệnh của cuộc sống. Cơ chế quyền kiểm soát quyền, cơ chế độc lập cao và chế ước, kiểm tra kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực để bảo đảm mọi người mọi tổ chức đều tuân thủ nghiêm minh pháp luật, không một tổ chức và cá nhân nào, kể cả đối với nhà nước có thể đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật vẫn đang là một thách thức không nhỏ để vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra những thách thức mới trong cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và cải cách hành chính để bảo đảm quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước là thống nhất nhưng có phân công rành mạch giữa ba quyền có tính độc lập cao và kiểm soát lẫn nhau, một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực quyền con người nói riêng, còn chưa đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn tới khó khăn, thậm chí hiểu sai, trong quá trình vận dụng và thực thi pháp luật. Đây chính là vật cản lớn đối với sự phát triển của xã hội cũng như trong việc bảo đảm thực hiện, phát triển con người. Nhận diện thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến năm 2020, trước mắt là rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm loại bỏ các văn bản luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, tính khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và dễ thực hiện của các văn bản quy phạm pháp luật này, bảo đảm có hệ thống pháp luật và pháp chế thống nhất phản ánh những nhu cầu thực tiến của xã hội, vì con người và sự phát triển của con người. Trình độ và nhận thức về quyền con người của một bộ phận cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị, trong các tổ chức, đoàn thể xã hội còn nhiều hạn chế, kể cả ở trung ương và địa phương, trong tất cả các ngành và các lĩnh vực công tác. Sự hạn chế về nhận thức không chỉ ở chỗ không hiểu biết các quy định của luật pháp quốc tế và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, mà còn chưa hiểu biết đầy đủ sứ mệnh phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ và những yêu cầu cơ bản về nhà nước pháp quyền. Không hiểu rõ chính sách, pháp luật và nhận thức hạn chế về quyền con người là một nguyên nhân của căn bệnh quan liêu hành chính và cách điều hành tùy tiện để xảy ra các vụ việc vi phạm, làm hạn chế và ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền của người dân, là thách thức lớn với sự vận hành của cơ chế bảo đảm thực hiện và phát triển quyền con người. Trước nhiều thách thức trên, việc nhà nước tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp luật mở rộng các quyền tự do, bảo vệ và thực thi tốt hơn các quyền cơ bản, hoàn thiện các cơ chế bảo vệ quyền (bao gồm việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia) là những yêu cầu vừa cấp thiết vừa lâu dài. Cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tôn trọng và hỗ trợ các tổ chức xã hội, cá nhân trong các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và bảo vệ quyền con người. Chủ đề thảo luận Chương IX Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền dân sự. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền chính trị. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền kinh tế. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền xã hội. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền văn hóa. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền cơ bản của trẻ em. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền bình đẳng của phụ nữ. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền của người khuyết tật. Phân tích khái quát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về các quyền của người lao động di trú. Tài liệu tham khảo của Chương IX Hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992, và 2013. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Hỏi – Đáp về quyền con người, NXB Công an Nhân dân, 2010. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Tư tưởng về quyền con người – Tuyển tập tư liệu thế giới và Việt Nam, NXB Lao động-Xã hội, 2011. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật nhân quyền quốc tế - Những vấn đề cơ bản, NXB Lao động-Xã hội, 2011. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật quốc tế về quyền của những nhóm người dễ bị tổn thương, NXB Lao động-Xã hội, 2011. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Quyền kinh tế, xã hội, văn hoá trong pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam, NXB Lao động-Xã hội, 2011. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, NXB Lao động-Xã hội, 2010. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Quyền của người lao động di trú,, NXB Lao động-Xã hội, 2010. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Lao động di trú trong pháp luật quốc tế và Việt Nam, NXB Lao động-Xã hội, 2011. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự, NXB Đại học Quốc gia, 2011. Lê Thi, Sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong Phụ nữ Việt Nam, số 2, 1987. Chính phủ, Báo cáo quốc gia lần thứ ba về việc thực hiện ICCPR, năm 2002. Chính phủ, Báo cáo ghép lần thứ năm và thứ sáu về tình hình thực hiện CEDAW tại Việt Nam giai đoạn 2000-2003. Chính phủ, Báo cáo quốc gia cập nhật việc thực hiện Công ước về quyền trẻ em giai đoạn 1998-2002. Ban Tôn giáo Chính phủ, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội, 2006. Bộ Ngoại giao, Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam, Hà Nội, 2006.
File đính kèm:
- giao_trinh_ly_luan_va_phap_luat_ve_quyen_con_nguoi_nguyen_da.doc