Giáo trình Tâm lí học trẻ em - Tập 1: Lí luận về tâm lí học trẻ em và sự phát triển tâm lí của trẻ từ bào thai đến 36 tháng tuổi
Tóm tắt Giáo trình Tâm lí học trẻ em - Tập 1: Lí luận về tâm lí học trẻ em và sự phát triển tâm lí của trẻ từ bào thai đến 36 tháng tuổi: ...hớ của học sinh Việt Nam. Tiếp sau đó là các công trình nghiên cứu về chú ý, ghi nhớ, tư duy... do các tác giả Phạm Minh Hạc, Trần Trọng Thuỷ, Trương Anh Tuấn, Lê Đức Phúc... tiến hành. Những nghiên cứu này đã đưa ra những nhận định về sự phát hiện một số chức năng tâm lí của trẻ em Việt Nam. ...chỗ là : sự phát triển nhân loại bị gián đoạn, lịch sử sẽ bắt đầu lại từ đầu. Vì sao ? Bởi vì không thể tiếp tục những nhà máy, xí nghiệp, kho tàng văn hóa, khoa học, nghệ thuật. Những giá trị đó vẫn còn, song nó không được sử dụng, không được đánh giá, không ai trao cho chìa khóa mở kho tàng ...rí tuệ mới đạt đến sự chín muồi, "kề vai nhau" trong sự phát triển tiếp sau ở người trưởng thành. Tuy mỗi giai đoạn có đặc trưng khác nhau, sự phát triển tâm vận động trong giai đoạn tuổi mầm non là rất quan trọng, nó đặt cơ sở cho sự phát triển tâm vận động của trẻ em những lứa tuổi sau. Cá...
ợc thương yêu, đứa trẻ sẽ có được một đời sống tâm lí ổn định, bình thường để phát triển về nhiều mặt. Ngược lại không có sự gần gũi yêu thương, em bé phải sống trong cảnh cô quạnh, luôn luôn sợ hãi, lớn lên mang nhiều mặc cảm khi tiếp xúc với người xung quanh và nhiều em đã mắc phải "bệnh cách ly" (hospitalisme). Những em bé này thường ở trạng thái buồn rầu, ủ dột, ngại giao tiếp do đó rất chậm phát triển. Rõ ràng trong suốt một thời kì hài nhi nếu không có sự tiếp xúc với người lớn thì sự phát triển tâm lí của trẻ sẽ không thực hiện được. Giao tiếp với người lớn được coi là điều kiện tiên quyết để trẻ lớn lên thành người. (1) Symbiose 101 2. Sự phát triển vận động, hành động với đồ vật và định hướng vào môi trường xung quanh "Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi", có thể coi là sự đúc kết của nhân dân ta về quá trình phát triển vận động từ thấp đến cao của đứa trẻ trong năm đầu tiên. Cùng với sự vận động ấy, đứa trẻ còn biết sờ mó, cầm nắm các đồ vật xung quanh rồi hành động với chúng như ném xuống đất hay gõ vào nhau... tất cả những vận động và hành động đó (manipulation) là bậc thang đầu tiên để dần dần trẻ có thể nắm được những hình thức hành vi của con người. Sự tiến bộ của những vận động và hành động của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của người lớn. Nếu người lớn thường xuyên chú ý tới trẻ và tổ chức hành động cho trẻ thì việc di chuyển trong không gian (như bò, đi chập chững) và việc cầm nắm các đồ vật, hành động với chúng có những bước tiến bộ rõ rệt và đóng vai trò tích cực trong sự phát triển tâm lí. Bò là các vận động đầu tiên của trẻ, khoảng chừng 7-8 tháng trẻ bắt đầu bò. Lúc này trẻ cố gắng vươn tới đồ vật đang thu hút nó. Thoạt tiên là trườn, sau đó là bò lồm cồm cả hai chân hai tay. Trước khi biết đi, trẻ phải trải qua một thời gian dài để học cách đứng dậy trên hai chân có vịn rồi không cần vịn tay, đi men rồi sau cố chập chững từng bước một. Quá trình này không diễn ra một cách tự nhiên mà rất cần sự giúp đỡ của người lớn. Thông thường trẻ không tự đi mà dễ thích nghi với động tác bò (là hình thái vận động đặc trưng của động vật). Vì vậy người lớn cần tán thưởng thường xuyên khi trẻ học đi để việc đi theo tư thế đứng thẳng được thắng thế. Trong những tháng đầu tiên trẻ khám phá môi trường xung quanh bằng thị giác, thính giác và cả vị giác. Sau tháng thứ ba, trẻ bắt đầu dùng hai tay để sờ mó đồ vật. Hai bàn tay tạo ra những ấn tượng xúc giác về đồ vật giúp cho trẻ biết được vài đặc tính đơn giản của chúng. Từ tháng thứ tư, trẻ bắt đầu nắm lấy đồ vật. Nhiều khi trẻ nắm chắc trong tay một đồ vật hồi lâu, tuy vậy trẻ vẫn chưa làm chủ hoàn toàn hành động nắm. Từ tháng thứ sáu trở đi thì động tác nắm được cải thiện hơn, bàn tay hướng về đồ vật, ngón tay cái đối lập với các ngón tay khác, nhờ đó trẻ đã cầm đồ vật bằng các ngón tay. Càng về cuối năm động tác nắm càng chính xác hơn : Vị trí của các ngón tay dần dần thích hợp với các kiểu đồ vật (quả bóng được cầm bằng những ngón tay xoè rộng, khi cầm khối vuông thì các ngón tay đặt theo gờ cạnh). Một khi đứa trẻ có thể cầm nắm đồ vật trong tay thì nó bắt đầu thao tác với đồ vật bằng tay. Những thao tác đầu tiên rất đơn giản như cầm lấy rồi buông ra. Sau đó thao tác trở nên phức tạp hơn, tạo ra những kết quả nhất định như đẩy đồ vật ra hay xích lại gần làm cho con lật đật ngiêng ngửa kêu loong coong hoặc xô búp bê ngã xuống. Khi trẻ nhận ra kết quả thì nó lặp đi lặp lại động tác đó một cách thích thú, có khi còn làm lại động tác đó vào đồ vật khác. Những thao tác bằng tay của trẻ đối với đồ vật tiến bộ rất nhanh từ chỗ chú ý của trẻ chỉ hướng tới đồ vật đến chỗ biết hướng chú ý tới kết quả. Nhờ đó sự định hướng vào đồ vật và không gian xung quanh rõ ràng hơn. Lúc đầu sự định hướng này còn mang tính chất hỗn hợp, chưa phân biệt được các phương diện khác nhau, nhưng đó là cơ sở để phát triển tâm lí. Các 102 quá trình tâm lí (như quan sát, tư duy, trí nhớ v.v...) không phải là bẩm sinh mà chỉ được nảy sinh và phát triển dần dần trong quá trình trẻ làm quen với thế giới xung quanh chủ yếu là bằng sự vận động và các thao tác với đồ vật. Khi trẻ bắt đầu thực hiện các vận động và thao tác với đồ vật thì các giác quan của trẻ phát triển mạnh hơn và có thêm nhiệm vụ mới là bắt đầu điều khiển, điều chỉnh đôi chút những vận động và thao tác của trẻ. Chỉ là đôi chút thôi, vì tuy trẻ nhận được các ấn tượng từ đồ vật, nhưng vẫn chưa nhận biết được sự khác nhau và ý nghĩa của những ấn tượng đó. Có thể nói rằng định hướng của trẻ vào thế giới xung quanh trước hết bằng sự vận động và thao tác đối với đồ vật, trên cơ sở đó mà phát triển quá trình tâm lí, rồi sau mới có sự định hướng bằng các quá trình tâm lí. Ta có thể nhìn thấy đứa trẻ làm quen với không gian như thế nào qua cách trẻ hoàn thiện những cử động của cánh tay hướng về một đồ vật mà nó thích thú. Trong giai đoạn phát triển đầu thì mắt có thể nhìn thấy đồ vật, nhận các ấn tượng từ đồ vật đó, song chưa thể xác định được khoảng cách và phương hướng. Tay của trẻ chưa hướng ngay được về phía đồ vật mà dường như chỉ quờ vào không khí, ít khi nhằm trúng được đích. Trong lúc đó mắt dõi theo cử động của tay và bắt đầu nhận thấy đồ vật ở xa hay gần, rồi mới tham gia vào việc điều chỉnh cử động của tay cho phù hợp. Hành động làm chủ không gian này (đạt tới đồ vật) diễn ra sớm hơn nhiều so với sự xác định khoảng cách và phương hướng bằng mắt. Ngoài 6 tháng, ta nhận thấy khi đưa tay tiếp cận đồ vật, mắt trẻ đã biết nhìn ra tay và cuối cùng biết được vị trí của đồ vật đó. Cho đến khoảng một năm thì mắt của trẻ mới xác định được vị trí của đồ vật trong không gian và mới điều khiển, điều chỉnh cử động của tay một cách tương đối chính xác. Quá trình cầm nắm và thao tác bằng tay với đồ vật giúp trẻ biết được các thuộc tính khác nhau của chúng như hình dáng, trọng lượng, độ dày, độ cứng... do đó trẻ có thể thay đổi các ngón tay cho thích hợp với các đồ vật ấy. Như vậy là đồ vật đã "bắt buộc" bàn tay và sau đó là cả mắt nữa phải tính đến các đặc tính của nó. Đến 10 hoặc 11 tháng trẻ mới đạt tới trình độ là chỉ mới nhìn vào đồ vật mà nó định cầm, các ngón tay đã mở ra theo hình dạng thích hợp với đồ vật, có nghĩa là tri giác bằng mắt về hình dạng và kích thước của đồ vật đã điều khiển được hoạt động thực tiễn của trẻ. Từ khi trẻ biết hướng tới kết quả của động tác với đồ vật thì cũng đồng thời phát hiện được những thuộc tính của chúng, đồ vật có thể di chuyển, có thể rơi, có thể phát thành tiếng, có thể bóp méo, cứng hay mềm, gộp lại gần nhau hay tách xa nhau v.v... Nhưng trẻ chỉ biết được tính chất này khi đang thao tác với các đồ vật và nếu ngừng lại thì "kiến thức" ấy cũng biến mất. Về cuối năm, sau khi đã nhiều lần thao tác với đồ vật và nhiều lần ghi lại ấn tượng về nó thì lúc đó đồ vật mới bắt đầu trở thành một sợ tồn tại thường xuyên trong thế giới xung quanh với những thuộc tính ổn định. Cần chú ý quá trình phát triển vận động, thao tác với đồ vật và định hướng vào môi trường xung quanh tự trẻ không thể thực hiện được mà phải có sự hướng dẫn, kích thích bằng tình cảm, động viên của người lớn. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu trẻ bị biệt lập 103 khỏi thế giới người lớn thì con đường lớn lên thành người cũng bị tắc nghẽn. Cũng cần nhớ rằng, bên cạnh những động tác tích cực làm cơ sở cho sự phát triển của trẻ còn thấy có nhiều cử động tiêu cực không có lợi cho sự phát triển như mút tay hoặc là sờ vào các bộ phận của cơ thể mình, gây nên ở trẻ một trạng thái thụ động, không muốn nhìn, nghe hay cầm nắm, thao tác với đồ vật xung quanh, dẫn đến sự chậm phát triển. Do đó người lớn cần tạo ra những kích thích, làm khêu gợi ở trẻ những động tác tích cực đối với đồ vật xung quanh làm mất đi những cử động tiêu cực nói trên. Nhờ người lớn hướng dẫn, tổ chức sự vận động và thao tác với đồ vật, đứa trẻ có những biểu tượng đầu tiên về thế giới xung quanh làm xuất hiện những hình thái đầu tiên của hoạt động tâm lí giúp trẻ định hướng được vào thế giới và tạo nên những tiền đề để trẻ tiếp nhận các loại kinh nghiệm lịch sử - xã hội khác nhau ở những giai đoạn sau này. Quá trình nhận biết một số đối tượng như là một vật thể khách quan tồn tại thường xuyên có những thuộc tính nhất định cũng được Piaget nghiên cứu, theo ông sự nhận biết ấy được hình thành qua một quá trình kéo dài từ sơ sinh đến 18 tháng với 6 giai đoạn : - Hai giai đoạn đầu là phản xạ, rồi một số vận động được lặp lại thành quen thuộc (chủ yếu ở trẻ sơ sinh và đầu tuổi hài nhi). - Giai đoạn 3 : xuất hiện phản ứng quay vòng, một vận động tạo ra một kết quả, như lắc một đồ vật tạo ra tiếng kêu rồi lắc lại để tìm nghe tiếng kêu ấy, em bé lắc lại đồ vật đó. - Giai đoạn 4 : đang tìm một vật gì, thấy vật đó biến mất trẻ có ý tìm nhưng không có hướng tìm. - Giai đoạn 5 : đang tìm một vật gì, thấy biến mất, tìm ngay chỗ em bé thấy đồ vật biến mất. - Giai đoạn 6 : dù có thấy hay không thấy đồ vật khi biến mất, em bé vẫn tìm. So với con vượn thì đến đây trẻ đã vượt hơn vượn. Lúc này nhận ra đối tượng là một phức hợp nhiều cảm giác. Quá trình này Piaget đã mô tả như việc xây dựng một tòa nhà, hết tầng này đến tầng khác. Người ta có cảm tưởng như một trình tự có sẵn. Thực ra trong quá trình đó cảm xúc tác động rất lớn, cảm xúc đã quyện vào đó. 3. Hình thành những tiền đề của sự lĩnh hội ngôn ngữ Nhu cầu giao tiếp với người lớn và sự định hướng vào môi trường xung quanh ngày càng tăng đã làm nảy sinh khả năng nói ở trẻ. Khi giao tiếp trẻ bắt chước những âm thanh trong lời nói của những người xung quanh. Đứa trẻ thường thích thú chăm chú lắng nghe lời người lớn nói với mình. Sau 3 tháng, một đứa trẻ bình thường có thể phát ra những âm thanh nhỏ "gừ gừ". Những âm thanh này trở nên mạnh hơn khi được người lớn cúi xuống "trò chuyện". Trong khi giao tiếp với người lớn đứa trẻ có thể bắt chước những âm thanh mà người lớn thường ru nó hay nựng nó. Chẳng hạn thỉnh thoảng ta có thể bắt gặp những âm thanh "ô a" trong mồm đứa trẻ theo nhịp điệu "à ơi" hay "ầu ơ" trong lời ru của người lớn. 104 Cuộc "chuyện trò" giữa người lớn với trẻ hài nhi khi nhìn bề ngoài tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng thực ra nó đã khêu gợi ở đứa trẻ trạng thái cảm xúc tích cực, sự thích thú được giao tiếp với người lớn và bắt đầu có những phản ứng lại với sắc thái tình cảm khác nhau trong lời nói của người lớn. Trẻ thường nhoẻn miệng cười khi nghe thấy những âm thanh vui vẻ và thường mếu máo khi nghe những âm thanh dữ tợn như mắng mỏ quát tháo. Càng về cuối năm đứa trẻ lại càng thích giao tiếp với người lớn hơn, thông qua âm bập bẹ của mình. Nếu được người lớn đáp ứng thì đứa trẻ thích thú phát ra nhiều âm thanh bập bẹ hơn. Âm bập bẹ này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển ngôn ngữ sau này. Trong tiếng bập bẹ trẻ học cách sử dụng môi, lưỡi và hơi thở để chuẩn bị cho việc học nói. Sự thông hiểu lời nói của trẻ xuất hiện trên cơ sở của sự phối hợp hoạt động của tri giác nhìn và nghe. Quá trình dạy trẻ thông hiểu lời nói thường diễn ra như sau : Người lớn hỏi trẻ "cái gì đó ở đâu ?" như "mẹ đâu", "bố đâu ?", "con mèo đâu ?" v.v... Những câu hỏi đó gây ra ở trẻ phản ứng định hướng, đứa trẻ bắt đầu tìm kiếm. Lúc đầu người lớn cần chỉ ra đối tượng cho trẻ nhìn thấy, sau đó cần lặp đi lặp lại nhiều lần quá trình đó, kết quả là hình thành được mối liên hệ giữa các âm thanh trong câu hỏi và đối tượng mà người lớn chỉ cho. Lúc đầu, trẻ hài nhi nghe ngôn ngữ như nghe những âm thanh nào đó. Ngữ âm là yếu tố đầu tiên quyết định thái độ phản ứng của trẻ cũng tức là quyết định sự hiểu ngôn ngữ của trẻ. Chẳng hạn khi người lớn nói với trẻ câu "Lại đây với bác !" với ngữ điệu nặng nề, như giận dữ thì đứa trẻ tỏ ra sợ hãi, mếu máo hoặc òa khóc. Những vẫn câu "Lại đây với bác !" mà lại nói với trẻ bằng ngữ điệu trìu mến, âu yếm thì đứa trẻ nhoẻn miệng cười và đưa tay ra. Cuối tuổi hài nhi, mối liên hệ giữa tên đối tượng và chính bản thân đối tượng trở nên rõ ràng và phong phú hơn. Đó là hình thức đầu tiên của sự thông hiểu ngôn ngữ. Lúc này trẻ có thể chỉ ra đúng đối tượng mà người lớn hỏi. Nhưng điều quan trọng đối với trẻ không phải là việc tìm kiếm đúng đối tượng, mà quan trọng là sự tìm kiếm đó cốt để giao tiếp với người lớn. Cứ mỗi lần được người lớn khích lệ đứa trẻ hết sức vui mừng, làm thỏa mãn nhu cầu giao tiếp. Như vậy trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với người lớn, sự thông hiểu ngôn ngữ của trẻ dần dần mang tính chất tích cực hơn và trở thành một trong những phương tiện quan trọng để mở rộng khả năng giao tiếp của trẻ với những người xung quanh. Tóm lại, sự phát triển của trẻ trong năm đầu tiên song song với việc tiến tới độc lập về mặt sinh học của con người, ở giai đoạn này chủ yếu là tạo ra những tiền đề rất cần thiết để sau này hình thành nên những chức năng tâm lí của con người. CÂU HỎI ÔN TẬP 1. Nêu sự khác nhau căn bản giữa trẻ sơ sinh và con vật non. 2. Sự thỏa mãn các nhu cầu sinh học thông qua người lớn có vai trò gì đối với sự phát triển của trẻ ? 3. Nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài được thể hiện như thế nào và có vai trò gì đối với sự phát triển tâm lí của trẻ ? 105 4. Sự gắn bó của trẻ với người lớn có vai trò như thế nào trong sự phát triển của trẻ ? 5. Giao tiếp xúc cảm trực tiếp với người lớn mang lại những gì cho sự phát triển tâm lí của trẻ hài nhi ? 6. Nêu đặc điểm và vai trò của sự phát triển vận động và hành động với đồ vật ở trẻ hài nhi. 7. Phân tích những tiền đề của sự lĩnh hội ngôn ngữ ở trẻ. Làm rõ vai trò của người lớn. THỰC HÀNH Quan sát trẻ tuổi hài nhi về phát triển vận động, hành động với đồ vật và những phản ứng xúc cảm của trẻ. Lấy những dẫn chứng cụ thể để minh họa cho đặc điểm phát triển của lứa tuổi về các mặt này. HƯỚNG DẪN CÁCH HỌC I- Hướng dẫn cách đọc tài liệu 1. Cách đọc giáo trình Chương này trình bày sự phát triển tâm lí của trẻ em trong năm đầu tiên, được chia thành 2 giai đoạn : sơ sinh và hài nhi. Trước hết, cần nắm được mốc chuyển đoạn sang lứa tuổi sau ở thời kì phát triển đầu tiên này không phải chỉ căn cứ vào tháng tuổi mà quan trọng là căn cứ vào những kết quả phát triển mà trẻ đạt được. Mốc này có thể khác nhau ở mỗi trẻ chứ không nhất thiết tròn 12 tháng. Vì vậy, năm đầu tiên có thể dao động trong khoảng từ 12 đến 18 tháng tuỳ theo sự phát triển của trẻ. - Về sự phát triển của trẻ sơ sinh, giáo trình đề cập đến 3 nội dung : vai trò của các phản xạ không điều kiện, hoạt động của các giác quan ; tính chất bất phân của cảm giác và cảm xúc ở trẻ và sự phát triển các nhu cầu. + Với nội dung thứ nhất, khi đọc cần nắm được các loại phản xạ không điều kiện có ở trẻ sơ sinh và vai trò của nó đối với sự phát triển của trẻ ; nắm được đặc điểm hoạt động và vai trò của các giác quan. + Nội dung thứ hai, phải xác định được một số khái niệm như : tính chất bất phân, nội cảm, ngoại cảm... và những đặc điểm về cảm giác, cảm xúc của trẻ. + Ở nội dung thứ ba cần nắm được : • Nhu cầu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển. • Ý nghĩa của sự thỏa mãn các nhu cầu sinh học của trẻ. • Đặc điểm và vai trò của nhu cầu an toàn ở trẻ. • Biểu hiện và vai trò của nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng từ thế giới bên ngoài của trẻ. • Biểu hiện và vai trò của nhu cầu gắn bó với người khác. 106 - Về sự phát triển của trẻ hài nhi, cần định hướng vào các vấn đề sau : + Giao tiếp xúc cảm trực tiếp với người lớn là hoạt động chủ đạo của trẻ hài nhi. Nhu cầu giao tiếp với người lớn phát triển thúc đẩy trẻ và người lớn thường xuyên giao tiếp với nhau. Đặc điểm của phương tiện và cách thức giao tiếp của trẻ và người lớn là gì ? Giao tiếp xúc cảm với người lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lí của trẻ được thể hiện ở những điểm nào ? + Đặc điểm của sự phát triển vận động và hành động với đồ vật. Vai trò của nó đối với sự định hướng vào môi trường xung quanh của trẻ. + Những tiền đề của sự lĩnh hội ngôn ngữ được hình thành ở trẻ là gì ? - Cuối cùng, hiểu được tầm quan trọng của thời kì đầu tiên này trong quá trình phát triển của trẻ em. 2. Tài liệu cần đọc thêm Người học có thể tìm đọc thêm các sách sau đây : 1. A.V.Petrovxki (Chủ biên), Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm, Tập 1, NXB Giáo dục, 1982. 2. Ngô Công Hoàn, Tâm lí học trẻ em, Tập 2, Hà Nội, 1995. 3. Nguyễn Khắc Viện − Nguyễn Thị Nhất, Tuổi mầm non - Tâm lí giáo dục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu tâm lí trẻ em, 1990. II- Hướng dẫn cách làm bài tập 1. Bài tập lí thuyết Câu 1 : Để làm câu này, trước hết nên nêu một số điểm khác nhau giữa trẻ sơ sinh và con vật non. Sau đó chỉ ra sự khác biệt căn bản giữa trẻ sơ sinh và con vật non, đó là : mọi khả năng và kinh nghiệm của con vật non hầu như đã được định sẵn trong cấu trúc di truyền, con vật chỉ việc bộc lộ ra trong quá trình sống. Còn trẻ em, dù yếu ớt và hầu như bất lực, lại có khả năng tiếp nhận kinh nghiệm và hành vi đặc biệt của con người. Những cái này không có sẵn trong cấu trúc di truyền của trẻ mà được trẻ tiếp nhận, hình thành dần dần trong quá trình phát triển cùng với sự giúp đỡ của người lớn. Câu 2 : Phân tích vai trò của sự thỏa mãn các nhu cầu sinh học của trẻ thông qua người lớn đối với sự phát triển về mặt cơ thể và sự phát triển về mặt tâm lí. Câu 3 : - Sự phát triển nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng từ thế giới bên ngoài được thể hiện : Trên cơ sở phản xạ định hướng, nhờ hoạt động của các giác quan, trẻ có phản ứng nhìn với vật di động, phản ứng nghe với âm thanh, tiếng động, giọng nói của người lớn. Dần dần trẻ phân biệt được các âm thanh và mùi vị khác nhau, chú ý đến tiếng nói chuyện hoặc tiếng hát khe khẽ. Nín khóc và lắng nghe những âm thanh dịu dàng của lời ru, tiếng 107 hát của người lớn. Trẻ dần có khả năng tập trung nhìn và nghe đối với các tác động ánh sáng, màu sắc, âm thanh. Sự chú ý đến mặt người vào tháng thứ hai là một biểu hiện quan trọng. - Vai trò của nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng từ thế giới bên ngoài : Là cơ sở cho các nhu cầu khác của trẻ như nhu cầu giao tiếp, nhu cầu nhận thức..., giúp trẻ phát triển tâm lí. Câu 5 : Giao tiếp xúc cảm trực tiếp với người lớn là hoạt động chủ đạo của trẻ hài nhi, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lí của trẻ. - Giao tiếp với người lớn giúp trẻ phát triển về xúc cảm. - Giúp trẻ tiếp xúc với thế giới đồ vật, biến hành động với các đồ vật đơn giản. Những kinh nghiệm của trẻ do đó được mở rộng. - Giao tiếp với người lớn có ảnh hưởng đến sự hình thành những phẩm chất tâm lí ở trẻ, giúp trẻ dần dần hình thành những thói quen tốt và học được cách ứng xử đúng đắn. - Giao tiếp với người lớn còn giúp trẻ phát triển các nhu cầu, tạo điều kiện cho tâm lí phát triển. Câu 7 : Những tiền đề cơ bản của sự lĩnh hội ngôn ngữ của trẻ hài nhi : - Trẻ chăm chú lắng nghe người lớn nói với mình và bắt chước những âm thanh của lời nói. - Thích giao tiếp với người lớn thông qua những âm thanh bập bẹ của mình và càng hứng thú hơn nếu được người lớn đáp ứng. - Bước đầu thông hiểu lời nói của người lớn trên cơ sở phối hợp hoạt động của tri giác nhìn và nghe. Vai trò của người lớn đối với khả năng lĩnh hội ngôn ngữ của trẻ : - Người lớn đưa trẻ vào những tình huống giao tiếp, trong đó ngôn ngữ được dùng như một phương tiện cơ bản. - Khơi gợi ở trẻ sự thích thú được giao tiếp với người lớn, hứng thú với lời nói của người lớn. - Giúp trẻ hình thành mối liên hệ giữa âm thanh của ngôn ngữ với nghĩa của từ, từ đó trẻ thông hiểu ngôn ngữ. - Khích lệ và làm thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của trẻ. 2. Bài tập thực hành Trước khi quan sát trẻ, phải nắm được các đặc điểm phát triển của trẻ đã được trình bày trong giáo trình. Sau đó quan sát trẻ, lấy ra những hiện tượng, những sự kiện cụ thể để làm rõ và khắc sâu các kiến thức lí luận. 108
File đính kèm:
- giao_trinh_tam_li_hoc_tre_em_tap_1_li_luan_ve_tam_li_hoc_tre.pdf