Nhà Tần (221 - 206 TrCN) (Thời của pháp gia) - Phần 2
Tóm tắt Nhà Tần (221 - 206 TrCN) (Thời của pháp gia) - Phần 2: .... Lý Tư bị Triệu Cao ghét, dèm pha, Nhị Thế giết cả ba họ (họ cha, họ mẹ, họ vợ) của Lý. Sau Triệu Cao lại giết Nhị Thế (207 TrCN), lập con Phù Tô, tên Anh, lên thay. Vương tử Anh (hay Tử Anh) lên ngôi rồi giết Triệu Cao, tiếp theo là Tần mất nước. Nhà Tần trước sau chỉ được mười bốn năm, ...n, không cho quân lính cướp bóc đốt phá. Nhưng Lưu Bang tự lượng sức yếu hơn Hạng Vũ nhiều (lúc đó Hạng Vũ đã tới Hàm Cốc, cửa ngõ phía đông của Tần), nên đã nhường cho Hạng Vũ vào Hàm Dương xưng vương. Vào Hàm Dương, Hạng vũ không nghe lời can của Phạm Tăng, giết vương tử Anh, đốt cung đi...mình Hạng Vũ xông ra chém một tướng và cả trăm quân Hán. Phá được vòng vây, chạy tới Ô Giang (tỉnh An Huy), cùng đường, phải xuống ngựa, cầm gươm, một mình giết được mấy trăm quân Hán nữa, trên người bị hơn mười vết thương, tự đâm cổ mà chết (31 tuổi) chứ không cho quân Hán bắt sống. Vụ Ca...
Nhà Tần (221 - 206 TrCN) (Thời của pháp gia) 6. Mở mang bờ cõi Mới hoàn thành sự thống nhất Trung Quốc, chưa kịp củng cố ở trong, Thủy Hoàng đã nghĩ đến việc mở mang bờ cõi ra nước ngoài. Các dân tộc du mục miền bắc gọi chung là Hung nô vẫn là mối lo từ đời Thương, Chu; họ thường xâm lấn biên giới, có chỗ sống lẫn lộn với người Trung Hoa; đầu đời Tần họ đã len lỏi vào Hà Nam, Thủy Hoàng vội chặn họ lại, sai Mông Điềm đem quân lên đánh, dồn họ về bắc, và đắp trường thành để ngăn họ. Yên ở phương bắc rồi, ông sai Đồ Thư đi đánh lấy Bách Việt, tức các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, và một phần Bắc Bộ nước ta, thời đó gọi là Âu Lạc (An Dương Vương). Vậy Thủy Hoàng đã lập được một đế quốc lớn vào bậc nhất thế giới và người phương Tây, do những thương nhân chở lụa sang bán, đã biết danh nhà Tần, gọi Trung Hoa là nước Tần. Chỉ trong mười mấy năm Thủy Hoàng thực hiện được bấy nhiêu công trình về nội trị, tổ chức hành chính, thống nhất ngôn ngữ, văn tự..., xây cất, đắp đường, mở mang cương vực, đáng gọi là vĩ đại. Nhưng dân chúng đã phải cực khổ biết bao. Dân Tần vốn còn bán khai, gần như dã man, hung hãn, không có văn học, nghệ thuật (tới năm 237 TrCN mà trong các buổi tế lễ, vẫn còn dùng nhạc cụ rất thô sơ là những vò bằng đất), có thể chịu được sự thiếu thốn, lao khổ vì họ quen rồi, còn dân lục quốc đã văn minh, rất uất hận dưới ách của Tần mà họ coi như mọi rợ, chỉ chờ cơ hội để nổi dậy. Đó là một nguyên nhân khiến Tần rất mau suy vong. 7. Thủy Hoàng chết - Nhị Thế lên thay Trong một cuộc kinh lý, Tần Thủy Hoàng đã bị Trương Lương (Tử Phòng)[3] thuê võ sĩ đón đường ám sát hụt ở Bác Lãng Sa. Trong một cuộc kinh lý sau, năm 210 TrCN, ông bị bệnh, chết ở dọc đường, người ta phải chở lén thi thể ông về Hàm Dương, rồi mới tuyên bố cho dân biết, và chôn Thủy Hoàng trong một ngôi mộ đã xây sẵn ở Ly Sơn. Trong mộ chứa rất nhiều châu báu, có một bản đồ của một trăm con sông, trên đó sông Hoàng Hà, sông Dương Tử và biển Đông đều bằng thuỷ ngân. Hầm mộ ngà đêm đều thắp đèn đốt bằng dầu cá, một loại cá đặc biệt giống hình người. Quan tài hạ rồi, người ta nấu đồng để gắn phần mộ và đặt một cái máy để hễ có kẻ nào lén vào đào mả thì sẽ bị những mũi tên từ mọi chỗ phát ra tự động bắn vào. Tương truyền lăng đó do 70 vạn người xây cất trong nhiều năm. Thủy Hoàng băng rồi, thừa tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao làm di chiếu giả, không lập thái tử Phù Tô mà lập thứ tử Hồ Hợi lên ngôi, tức Nhị Thế Hoàng Đế (Hoàng đế đời thứ nhì). Nhị Thế cũng hà khắc, tàn nhẫn như cha, giết nhiều vương tử, đại thần. Lý Tư bị Triệu Cao ghét, dèm pha, Nhị Thế giết cả ba họ (họ cha, họ mẹ, họ vợ) của Lý. Sau Triệu Cao lại giết Nhị Thế (207 TrCN), lập con Phù Tô, tên Anh, lên thay. Vương tử Anh (hay Tử Anh) lên ngôi rồi giết Triệu Cao, tiếp theo là Tần mất nước. Nhà Tần trước sau chỉ được mười bốn năm, từ vua tới đại thần, không người nào không bất đắc kỳ tử. Thời của Pháp gia thật ngắn ngủi và hết sức bi thảm. Nhưng phải thừa nhận rằng họ có công thống nhất Trung Quốc. 8. Nhà Tần chấm dứt - Hạng Vũ và Lưu Bang Thủy Hoàng vừa mới chết là các anh hùng ở thảo dã nổi lên. Chỉ trong vài tháng, có sáu cuộc nổi loạn, đáng kể là Trần Thắng ở đất Kỳ (An Huy ngày nay), một nông dân đầu tiên phất cờ khởi nghĩa, nhưng sớm thất bại; rồi tới Hạng Tịch (cũng gọi là Hạng Vũ) ở đất Ngô (Giang Tô) và Lưu Bang ở đất Bái (cũng trong tỉnh Giang Tô ngày nay); Hạng Vũ là dòng dõi tướng nước Sở, Lưu Bang ở trong giới bình dân. Hạng Vũ không có học, nhưng có sức mạnh (nhấc nổi cái đỉnh nặng 500 cân), giỏi chiến thuật, đáng gọi là anh hùng. Lưu Bang cũng gần như vô học, làm đình trưởng (một chức nhỏ trong làng) cho Tần, tham tài, hiếu sắc, gặp thời loạn, thả một bọn tù, kết nạp được một số lưu manh và nông dân, lực lượng rất nhỏ, nhưng biết chiêu hiền đãi sĩ, may mắn được vài anh tài giúp đỡ: Tiêu Hà về việc tài chính (như tể tướng), Trương Lương làm mưu thần,[4] mỗi ngày một mạnh lên. Mới đầu Hạng Vũ và Lưu Bang đều lấy danh nghĩa là giúp một hậu duệ của vua Sở (Sở Hoài vương) để đánh Tần, hẹn với nhau ai vào được Hàm Dương (kinh đô Tần) trước thì được xưng vương, làm chủ Quan Trung (Tần). Lưu Bang vào được trước, vương tử Anh xin hàng. Nhà Tần chấm dứt. Lưu Bang nghe lời Trương Lương, vỗ về nhân dân, không cho quân lính cướp bóc đốt phá. Nhưng Lưu Bang tự lượng sức yếu hơn Hạng Vũ nhiều (lúc đó Hạng Vũ đã tới Hàm Cốc, cửa ngõ phía đông của Tần), nên đã nhường cho Hạng Vũ vào Hàm Dương xưng vương. Vào Hàm Dương, Hạng vũ không nghe lời can của Phạm Tăng, giết vương tử Anh, đốt cung điện nhà Tần, cung A Phòng lửa cháy ba tháng mới tắt, lại quật mộ Tần Thủy Hoàng lên để vơ vét vàng bạc châu báu. Hạng tôn Sở Hoài vương làm Nghĩa đế, rồi lại giết đi, tự lập làm Tây Sở Bá Vương (Bá vương nghĩa là vương làm bá chủ các vương khác), phong Lưu Bang làm Hán vương ở đất Ba Thục và đất Hán Trung (trên lưu vực sông Hán, miền Thiểm Tây)... và cả chục tướng nữa, mỗi người được làm vương một miền nhỏ. Lưu Bang vào Ba Thục, luyện tập binh mã, khai khẩn đất hoang ngày một mạnh lên, tranh ngôi vua với Hạng Vũ[5]. Hạng Vũ vì nóng nảy hiếu sát, tự phụ, không chịu nghe lời Phạm Tăng, chống cự được năm năm, sau bị quân Lưu Bang vây chặt ở Cai Hạ. Biết vận mình sắp hết, Hạng Vũ nửa đêm dậy uống rượu với ái cơ họ Ngu, xúc động, ứng khẩu hát: Lực bạt sơn hề, khí cái thế! Thì bất lợi hề, truy bất thệ! Truy bất thệ hề, khả nại hà? Ngu hề, Ngu hề, khả nại hà? (Sức nhổ núi chừ, hùng khí trùm đời! Thời chẳng gặp chừ, con "truy"[6] không chạy! Con "truy" không chạy, còn biết làm sao? Ngu ơi! Ngu ơi! Em rồi ra sao?) Nàng Ngu hát theo: Đại vương ý khí tận, Tiện thiếp hà liêu sinh? (Đại vương ý khí hết, Tiện thiếp sống làm gì?) Hai người cùng khóc. Người chung quanh cũng khóc. Rồi nàng dùng gươm của Hạng Vũ, tự đâm cổ chết. Sáng sớm hôm sau, Hạng Vũ lên ngựa cùng với 800 quân phá vòng vây, qua sông Hoài, số quân theo kịp chỉ còn khoảng 100. Lạc đường, lại bị vây nữa. Một mình Hạng Vũ xông ra chém một tướng và cả trăm quân Hán. Phá được vòng vây, chạy tới Ô Giang (tỉnh An Huy), cùng đường, phải xuống ngựa, cầm gươm, một mình giết được mấy trăm quân Hán nữa, trên người bị hơn mười vết thương, tự đâm cổ mà chết (31 tuổi) chứ không cho quân Hán bắt sống. Vụ Cai Hạ và Ô giang đó vừa là một thiên chiến sử oai hùng, vừa là một thiên tình sử đẹp và cảm động, được Tư Mã Thiên chép lại trong bộ Sử Ký bằng một bút pháp rất cao, và được biết bao văn nhân thi sĩ đời sau đưa vào tiểu thuyết, tuồng. Đoạn trên tôi chép theo Sử Ký. Cuộc Hán Sở (Hán vương và Sở vương) tranh hùng tới đây chấm dứt. Lưu Bang thắng, lên ngôi thiên tử (202 TrCN), tức Hán Cao Tổ, rồi về cố hương ở đất Bái,bày tiệc rượu say sưa với bà con, làng xóm, ứng khẩu ca: Đại phong khởi hề, vân phi dương, Uy gia tứ hải hề, quy cố hương. An đắc mãnh sĩ hề, thủ tứ phương. (Gió lớn thổi chừ, may bay ngang, Uy khắp trong nước chừ, về cố hương. Sao được mãnh tướng chừ, giữ bốn phương.) Khí phách của hai người hiện rõ trong những bài hát đó: một kẻ là anh hùng tự phụ, lầm lỡ mà không tự trách lại trách thời bất lợi; một kẻ là hạng tầm thường, gặp thời, được người giúp mà nên một cách bất ngờ,chỉ lo cố giữ địa vị để hưởng thụ. * Trong các đời trước, Thương và Chu đã có những cuộc cách mạng của Thành Thang, Vũ vương (đổi mệnh trời, nghĩa là đổi ngôi vua), toàn là của quý tộc. Tới cuối đời Tần mới bắt đầu có những cuộc cách mạng của nông dân, mà cuộc cách mạng của Lưu Bang là cuộc đầu tiên thành công (Trần Thiệp - cũng gọi là Trần Thắng - chỉ làm vua được sáu tháng rồi bị Tần diệt). Trong các đời sau, cho tới thế kỷ chúng ta, hầu hết các cuộc cách mạng đều do nông dân cả, và một số học giả phương Tây bảo không một dân tộc nào mà nông dân làm cách mạng nhiều như dân tộc Trung Hoa. Tôi nhận thấy điều này nữa: cầm đầu những cuộc cách mạng của nông dân hầu hết là người trong giới bình dân, vô học hay rất ít học, tài năng không có, tư cách tầm thường, và chỉ bọn họ mới thành công; còn, hạng tài cao, anh hùng cái thế thì thất bại như Hạng Vũ vì nóng nảy, hiếu sát như trên đã nói; bọn học rộng, hiểu nhiều, sáng suốt, đức lớn, hồi xưa gọi là kẻ sĩ thì chỉ làm cố vấn, quân sư, mưu sĩ được thôi, có lẽ họ khác nông dân về ngôn ngữ, lối suy tư, lối sống, tự xét không lôi cuốn nổi nông dân mặc dầu được nông dân trọng; rốt cuộc chỉ hạng như Lưu Bang là làm nên sự nghiệp lớn: nông dân nghe họ và họ biết nghe lời kẻ sĩ. Vậy thì gây cách mạng là hạng bình dân mà cách mạng thành công được là nhờ kẻ sĩ. Xưa như vậy mà nay cũng vậy.
File đính kèm:
- nha_tan_221_206_trcn_thoi_cua_phap_gia_phan_2.pdf