Những công trình thư mục ở Việt Nam thời thuộc Pháp
Tóm tắt Những công trình thư mục ở Việt Nam thời thuộc Pháp: ... tượng, khoa học tự nhiên, dân cư, chính quyền, luật pháp, lịch sử, tôn giáo, khoa học và nghệ thuật, ngôn ngữ và văn học, phong tục tập quán, hành trình du lịch, thương mại, quan hệ với nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, các vấn đề khác. Bộ thư mục này rất lớn, có tính chất quốc tế, c...ông Dương và giới thiệu được nhiều hơn trước những báo chí của nước ngoài nói về Đông Dương. * Thư mục chuyên đề: Ngoài những thư mục tổng hợp như trên, những người Pháp và các tổ chức khoa học, văn hóa của họ còn biên soạn các thư mục chuyên đề. Ví dụ: - "Thư mục dẫn giải về khảo cổ học... kho lưu trữ và thư viện đều nhận được mỗi tên sách 2 bản. Trên cơ sở thu nhận ấn phẩm lưu chiểu, thư viện Trung ương Đông Dương biên soạn và xuất bản thư mục thống kê đăng ký hàng năm với tên "Liste des imprimes depose au serviese du depot legal" (Danh mục các ấn phẩm nộp lưu chiểu). Thư mụ...
Những công trình thư mục ở Việt Nam thời thuộc Pháp Lời tác giả: Có những tài liệu ra đời cách đây trên dưới 100 năm, như những thư mục ở Việt Nam thời Pháp thuộc mà ngày nay chúng vẫn còn giá trị nhất định. Song những thư mục trên lại nằm rải rác ở nhiều nơi và bị thất lạc nhiều phần. Vì vậy, chúng tôi đã tra cứu, ghi chép, tập hợp những thông tin khái quát về chúng, mong ít nhiều giúp độc giả và cán bộ Thông tin-thư viện, những người quan tâm đến chúng có được những tư liệu chính xác về đề tài, tác giả, nội dung chính của các công trình thư mục quan trọng này. Từ thế kỷ XVIII-XIX, nhiều người nước ngoài (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật) đã có những công trình, tài liệu nghiên cứu về Việt Nam và các nước Đông Dương nói chung đăng tải trên sách, báo, tạp chí. Đặc biệt, người Pháp chú ý nghiên cứu về địa lý, tài nguyên, dân tộc học, ngôn ngữ, phong tục đồng thời biên soạn một số thư mục nhằm thông tin về những tài liệu đó phục vụ cho việc xâm lược và đặt ách thống trị lên các nước ở Đông Dương. Trong các thư mục được biên soạn thời đó (xuất bản ở Pháp hoặc ở Việt Nam) có thể chia ra làm 2 dòng chủ yếu: - Thư mục tổng hợp và chuyên đề về Việt Nam và Đông Dương nói chung. - Thư mục "Thống kê đăng ký" từ khi có chế độ lưu chiểu văn hóa phẩm ở Đông Dương. Có thể kể đến một số thư mục sau: * Thư mục tổng hợp: Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX người Pháp đã biên soạn một số thư mục tổng hợp về Đông Dương. Các thư mục này ra đời nối tiếp nhau phản ánh một cách có hệ thống, khá đầy đủ những tài liệu được xuất bản ở Pháp và nhiều nước khác có nội dung nói về Đông Dương với mục đích phục vụ cho việc nghiên cứu sâu, toàn diện về một xứ thuộc địa của họ. Đó là: - 1862: "Bibliographie Annamique" (Thư mục An nam) của Bell Combe (Hội viên hội nhân chủng học Pháp), xuất bản ở Paris. - 1867: "Bibliographie Annamite" (Thư mục An nam) của Barbié du Bocage (Phó thư ký Hội địa lý Pháp) - thư mục này in kèm trong tạp chí Revue Maritne et coloniale (Lãnh hải và thuộc địa). Thư mục chia làm 5 phần: - Phần I: Tập hợp 257 cuốn sách có nội dung nói về Việt Nam - Đông Dương được xuất bản từ 1628 - 1867 (xếp theo vần chữ cái tên tác giả, hoặc tên sách). - Phần II: Gồm các bài trích báo, tạp chí và những bản sưu tập lớn về các cuộc hành trình: hàng ngàn bài trích của 27 tờ báo và tạp chí (xếp theo từng năm). - Phần III: Liệt kê các tài liệu của cơ quan lưu trữ quốc gia Pháp ở Paris và những tài liệu viết tay khác có liên quan đến Đông Dương. - Phần IV: Địa đồ và bản đồ - Phần V: Bảng tra cứu tìm tên tác giả. - 1880: "Mục lục những tác phẩm xuất bản từ 1868 trở đi" do Ủy ban nông nghiệp và kỹ nghệ Pháp biên soạn nói về Trung kỳ, Nam kỳ và Cao Miên. - 1889: "Bibliographie de L'Indochine" (Thư mục Đông Dương) của A.Landes và A.Folliet thu thập những sách nói về Đông Dương xuất bản từ 1880 - 1889. - 1912 - 1915 "Bibliographie Indochinica" (thư mục Đông Dương) của Henri Cordier, thu thập những tài liệu trước năm 1913, trong đó là những tài liệu đã có trong các bản thư mục trước đây và bổ sung thêm. Bộ thư mục này chia làm 4 quyển: Quyển I: gồm các tài liệu nói về Miến Điện, Atssan (1 tỉnh của Ấn Độ), Thái Lan, Lào. Quyển II: Nói về bán đảo Mã Lai. Quyển III, Quyển IV: Nói về các nước ở Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) chủ yếu là tài liệu về Việt Nam. Tài liệu trong hai tập (III và IV) gồm có sách và nhiều bài trích báo, tạp chí. Các tài liệu này được xuất bản ở Đông Dương và cả các nước khác. Tác giả sắp xếp tài liệu trong 2 phần này vào 18 đề mục: tổng loại, địa lý, dân tộc học và nhân chủng học, thời tiết và khí tượng, khoa học tự nhiên, dân cư, chính quyền, luật pháp, lịch sử, tôn giáo, khoa học và nghệ thuật, ngôn ngữ và văn học, phong tục tập quán, hành trình du lịch, thương mại, quan hệ với nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, các vấn đề khác. Bộ thư mục này rất lớn, có tính chất quốc tế, có giá trị phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên đây cũng chỉ là 1 bản thư mục phản ánh tài liệu của thời kỳ trước 1913 mà thôi. Về mặt kỹ thuật biên soạn bản thư mục này cũng còn nhiều thiếu sót: sơ đồ sắp xếp tài liệu có phần lộn xộn, không có bảng sách dẫn nên khó sử dụng. Để khắc phục điều này, 17 năm sau (1932) Roland Cabaton cho ra một tập thứ V nhan đề "Index" (sách dẫn) bổ khuyết cho những tập trên bao gồm những bảng tra cứu cho cả bộ thư mục (tra cứu theo tên tác giả, theo chủ đề, theo chữ cái tên ấn phẩm định kỳ). - 1922: "Pour mieux connaitre de Indochine: Essai d'une bibliographie" (Để hiểu biết hơn về Đông Dương, sơ thảo một thư mục) của Paul Boudet. - 1929: "Bibliographie de L'Indochine Francaise 1913 - 1926 (Thư mục Đông Pháp) của hai tác giả Paul Boudet và Remi Bourgeois. Sau đó ra tiếp tục các tập: 1927 - 1928 - 1929 - 1930. - 1943: Tiếp tục "Thư mục Đông Pháp 1931- 1935" - Phần I). Bộ "Thư mục Đông Pháp" là một công trình thư mục lớn do Boudet và Bourgeois, lúc đó là những người phụ trách Nha lưu trữ và Thư viện Trung ương Đông Dương chủ trì việc biên soạn, thu thập tài liệu nói về Đông Dương từ 1913 - 1935. Cũng như "Thư mục Đông Dương" vốn tài liệu trong "Thư mục Đông Pháp" bao gồm sách báo được lựa chọn rộng rãi từ các thư viện ở Đông Dương hoặc ở Pháp và nhiều nước khác. "Thư mục Đông Pháp 1913 - 1935" được biên soạn thành 8 tập cho 4 thời kỳ với khoảng 2.500 trang. - Tài liệu 1913 - 1926: 1 tập - Tài liệu 1927 - 1928 - 1929 - 1930: mỗi năm 1 tập - Tài liệu 1931 - 1935: 3 tập Tài liệu thời kỳ 1931 - 1935 mới ra được tập I (vào năm 1943), còn 2 tập sau chưa xuất bản được do hoàn cảnh của Đại chiến thế giới thứ II chi phối. "Thư mục Đông Pháp" được biên soạn là sự tiếp nối và có tiến bộ hơn "Thư mục Đông Dương" về mặt kỹ thuật biên soạn (sắp xếp tài liệu theo đề mục, trong mỗi đề mục, xếp tài liệu theo thứ tự chữ cái tên tác giả hoặc tên sách, phần hai có các bảng tra cứu). Các tác giả cũng đưa thêm vào thư mục một số sách, bài mục viết bằng tiếng Việt Nam, Cao Miên, Lào có liên quan đến việc nghiên cứu ngôn ngữ, phong tục, văn hóa Đông Dương và giới thiệu được nhiều hơn trước những báo chí của nước ngoài nói về Đông Dương. * Thư mục chuyên đề: Ngoài những thư mục tổng hợp như trên, những người Pháp và các tổ chức khoa học, văn hóa của họ còn biên soạn các thư mục chuyên đề. Ví dụ: - "Thư mục dẫn giải về khảo cổ học Cao Miên và Chiêm Thành của Cóedes. - "Thư mục về thực vật học Đông Dương" của Petelot. - "Thư mục những nhà văn Đông Dương" của Barquissau. - Một số người Pháp và nước ngoài khác còn nghiên cứu và biên soạn thư mục sách Hán Nôm của Việt Nam như: - Cadière L.et Pelliot P.-Première etude sur Les soures Annamites de L'histoire d'Annam. BEFEO, Jullet - Septembre. 1904. Hanoi, Imp F.H. (Nghiên cứu bước đầu về lịch sử Annam qua các nguồn tư liệu của Annam). Thư mục chia làm 3 phần: Phần giới thiệu: Trình bày những vấn đề liên quan đến nguồn tài liệu lịch sử Việt Nam. Tác giả đưa vào những nghiên cứu về thân thế sự nghiệp và tác phẩm của các nhà sử học tiêu biểu thuộc các triều đại cho đến đầu thế kỷ XX. Phần thứ hai: danh mục các tài liệu lịch sử được xếp theo thứ tự "bộ chữ Hán" với 175 bộ sách (có mô tả và chú thích). Phần cuối: Bảng tra theo tên tác giả (75 tác giả) - Gaspadone E. Bibliographie Annamite - Hanoi Imp. D'Extreme - Orient, 1935, BEFEO. T.34 - (Thư mục Annam). Bộ thư mục này có phần giới thiệu khái quát về sách Hán nôm Việt Nam và phần riêng giới thiệu các tác phẩm của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú. - Naka Mychio (Nakha thông chế). Đông Dương sử học yếu thư mục lục - Tokyo, Shigaku Yoshu Mokuroku [Nhật Bản]. - Phùng Thừa Quân - Annam thư lục. Trong "Bắc Kinh đồ thư quán". Bắc Kinh, 1932. * Thư mục thống kê đăng ký: Xuất phát từ chủ trương kiểm soát việc xuất bản ở Đông Dương cũng như để thu thập các tài liệu có giá trị đưa về Pháp, ngày 29 tháng 11 năm 1917 Toàn quyền Albert Saraut ký thành lập Nha văn khố và Thư viện Đông Dương đặt tại Hà Nội và qui định chức năng của cơ quan này. Paul Boudet được bổ nhiệm làm giám đốc Nha văn khố và Thư viện Đông Dương, quản lý các kho sách: - Kho Trung ương ở Hà Nội - Kho phủ thống đốc Nam kỳ ở Sài Gòn - Kho phủ khâm sứ Trung kỳ ở Huế - Kho phủ Khâm sứ Cao Miên ở Pnông-Pênh - Kho phủ khâm sứ Lào ở Viên Chăn Năm 1921 Toàn quyền Đông Dương đã ra sắc lệnh quy định chế độ nộp lưu chiểu các ấn phẩm xuất bản ở Đông Dương. Từ năm 1922, thực hiện quyết định lưu chiểu toàn liên bang Đông Dương, kho lưu trữ và thư viện đều nhận được mỗi tên sách 2 bản. Trên cơ sở thu nhận ấn phẩm lưu chiểu, thư viện Trung ương Đông Dương biên soạn và xuất bản thư mục thống kê đăng ký hàng năm với tên "Liste des imprimes depose au serviese du depot legal" (Danh mục các ấn phẩm nộp lưu chiểu). Thư mục này phản ánh tài liệu xuất bản trên toàn Đông Dương bao gồm các loại hình ấn phẩm định kỳ, không định kỳ, bản đồ. Xét về mặt phản ánh tài liệu Việt Nam thì thư mục này phản ánh đều đặn, khá đầy đủ các tài liệu của quốc gia nên thư mục này cũng được coi như loại "Thư mục quốc gia" (tuy không hoàn toàn đúng với ý nghĩa của thuật ngữ này) trong giai đoạn thuộc Pháp. "Danh mục các ấn phẩm nộp lưu chiểu" chia thành 2 phần: - Phần I: Ấn phẩm định kỳ: thống kê các báo, tạp chí, tập san xuất bản ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên, Lào. - Phần II: Ấn phẩm không định kỳ: thống kê các sách, bản đồ xuất bản ở ba nước Đông Dương. Hai loại tài liệu trên không được sắp xếp theo môn loại mà xếp theo ngôn ngữ: - Tài liệu xuất bản bằng tiếng Pháp. - Tài liệu xuất bản bằng tiếng Việt, Miên, Lào. Mỗi năm ra 2 cuốn, định kỳ 6 tháng. Thư mục này cũng phản ánh tình hình xuất bản thời thuộc Pháp, số lượng sách không nhiều, mỗi cuốn (phản ánh tài liệu xuất bản trong 6 tháng) chỉ có trên dưới 300 tên sách, mà phần sách tiếng Việt lại chỉ chiếm khoảng 10%. Thư mục thống kê đăng ký trên được xuất bản đều kỳ từ năm 1922 đến năm 1944. Nhìn chung, hoạt động thư mục thời thuộc Pháp khá phong phú với nhiều loại hình thư mục được biên soạn. Thư mục đã có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ nghiên cứu và quản lý hoạt động xuất bản ở Đông Dương. Song do đặc điểm lịch sử xã hội, hoạt động thông tin thư mục nói chung và tài liệu thư mục được biên soạn ra trong thời gian này nói riêng chủ yếu phục vụ cho mục đích thống trị lâu dài ở Đông Dương của thực dân Pháp. Các thư mục là công cụ phục vụ cho việc nghiên cứu và hoạch định chính sách cai trị và bóc lột kinh tế của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên các thư mục trên cho đến nay còn có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu khoa học. Chúng là cơ sở để tra cứu các nguồn tài liệu về lịch sử xã hội Việt Nam và Đông Dương nói chung thời thuộc Pháp. Các thư mục trên rất có ích cho các nhà Việt Nam học, Hà Nội học, sử học, kinh tế học, xã hội học ở nước ta. Nhưng hiện nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam còn lưu giữ được rất ít các thư mục thời thuộc Pháp. Chúng tôi nghĩ rằng nên chăng Thư viện Quốc gia Việt Nam cần sưu tập lại các thư mục trên. Có thể chúng nằm trong các tạp chí ở kho Pháp, kho Đông Dương tại Thư viện Quốc gia Việt Nam hoặc Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh. Chắc chắn chúng còn có mặt đầy đủ ở Thư viện Quốc gia Pháp. Vì vậy, trong hoạt động giao lưu, trao đổi sách với Thư viện Quốc gia Pháp, Thư viện Quốc gia Việt Nam có thể thực hiện việc trao đổi, sưu tập các thư mục nói về Đông Dương và Việt Nam để có thêm công cụ cho các nhà nghiên cứu và để cho vốn tài liệu thư mục của Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ đầy đủ, phong phú hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cao Bạch Mai. Thư mục học đại cương/Cao Bạch Mai, Vũ Đình Giám, Trịnh Kim Chi.- H.: Trường Đại học văn hóa Hà Nội, 1981. - 174tr. 2. Trịnh kim Chi. Thư mục học đại cương/Trịnh Kim Chi, Dương Bích Hồng. - H.: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 1993. - 145tr. 3. Thư viện Quốc gia. Thư mục Việt Nam thời Pháp thuộc: Tài liệu đánh máy của phòng Nghiệp vụ [trước năm 1970]. 4. Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm.T.1. - H.: Văn hóa, 1984. ________________ Trịnh kim Chi Nguyên GV Đại học Văn hóa Hà Nội Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2(22) – 2010 (tr.32-35)
File đính kèm:
- nhung_cong_trinh_thu_muc_o_viet_nam_thoi_thuoc_phap.pdf