Trang phục truyền thống các dân tộc ở Cao Bằng

Tóm tắt Trang phục truyền thống các dân tộc ở Cao Bằng: ... trí này phổ biến trong các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Thái. Người ta còn dùng một thuật ngữ để gọi đồ án trang trí hoa văn như thế này là lái ăm - có nghĩa là vằn đồ đan, giống như các vằn nổi trên đồ đan. Họa tiết được kỷ hà hóa để thích hợp với việc dệt trên khung dệt. Bố cục họa tiết theo ...lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. Trang phục có đặc điểm là ít có biểu hiện đặc sắc về phong cách tạo hình. Điểm khác nhau giữa các nhóm thể hiện qua cách đội và cách trang trí khăn đ... sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn màu xanh lơ do phủ lớp sáp ong nên không bị thấm màu chàm. 4. Trang phục của người Mông Người Mông ở Cao Bằng chiếm khoảng dưới 10% dân số, chủ yếu là Mông Trắng, Mông Hoa. Nếu phụ nữ Dao lấy chiếc áo dài làm chủ đạo, thì người Mông lấy chiếc váy là...

pdf7 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 265 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Trang phục truyền thống các dân tộc ở Cao Bằng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC Ở CAO BẰNG 
NGUYỄN THỊ ĐỨC 
Tóm tắt 
Trang phục truyền thống trước hết là sản phẩm vật chất của lao động, đồng 
thời nó cũng là sản phẩm văn hóa, là biểu hiện sinh động của kỹ thuật thủ công 
gắn liền với khả năng thẩm mỹ và nó luôn mang những sắc thái văn hóa độc đáo 
của các dân tộc. Mỗi dân tộc trong cộng đồng cư dân Cao Bằng có cách tạo hình 
trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng của mình. Đó 
là sự thể hiện một trình độ thẩm mỹ cao, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm 
nguyên sơ mà phong phú, hòa quyện, chan hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Trang 
phục và những giá trị thẩm mỹ của nó đã góp phần đáng kể làm rạng rỡ thêm sắc 
thái văn hóa của các dân tộc ở đây. Trang phục có thể được xem là tiềm năng du 
lịch chính là ở sự độc đáovà tính chất thủ công của nó. Đó cũng là nét quyến rũ 
của du lịch các vùng, miền. Để bảo tồn các giá trị cũng như tính độc đáo của trang 
phục, cần có những dự án đầu tư,hỗ trợ cho sản xuất các sản phẩm trang phục 
truyền thống. 
Thiên nhiên đã tạo dựng cho Cao Bằng hệ thống đồi núi cao thấp trập trùng. 
Giữa những vùng đồi núi đó là những cao nguyên, những bình nguyên lòng chảo, 
những sông, suối, vực, khe, thác hùng vĩ và đa dạng. Trong cảnh quan thiên n 
hiên ấy, trang phục truyền thống của các dân tộc sinh sống ở Cao Bằng ra đời 
mang theo những sắc thái văn hóa độc đáo của mình. Đậm đà bản sắc dân tộc, 
trang phục không chỉ gắn bó trực tiếp với nhu cầu đời sống của con người mà nó 
còn là những giá trị văn hóa mang đậm đặc trưng tộc người. Trang phục thể hiện trí 
tuệ, sự sáng tạo, thị hiếu thẩm mỹ của người tạo ra nó qua nghệ thuật tạo hình, 
nghệ thuật trang trí, nó không những chỉ có giá trị sử dụng mà còn đạt đến trình 
độ khá cao của thẩm mỹ dân gian. Trang phục truyền thống trước hết là sản phẩm 
vật chất của lao động, đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa, là biểu hiện sinh động 
của kỹ thuật thủ công gắn liền với khả năng thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc. 
Qua trang phục chúng ta cũng có thể nhận thấy những biểu hiện của nếp sống tộc 
người. Đó là những biểu hiện như: sự phân biệt giới tính, lứa tuổi, địa vị, sự khác 
nhau trong trang phục sinh hoạt hàng ngày với trang phục trong những ngày lễ tết, 
hội hè hoặc trong đám cưới, đám tang 
Có tới 8 dân tộc sinh sống ở Cao Bằng và có sự đa dạng, phong phú, giao 
hòa của văn hóa các dân tộc, vì thế ở đây khá giàu có và đa dạng về trang phục 
cũng như nghệ thuật trang trí trang phục. Mỗi dân tộc có một thứ “ngôn ngữ” riêng 
biểu đạt qua trang phục. Cùng với tiếng nói, trang phục là một di sản văn hóa 
truyền thống độc đáo mang đặc trưng riêng rất dễ nhận biết của mỗi dân tộc. 
1. Trang phục của người Tày 
Tày và Nùng là hai dân tộc đông nhất ở Cao Bằng. Trang phục của người 
Tày thường đơn giản, chủ đạo là sắc chàm. Đàn ông Tày mặc loại áo cánh 4 thân, 
áo dài 5 thân, khăn đội đầu, quần và giày vải. Áo cánh 4 thân (slửa cỏm) là loại xẻ 
ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải (7 cái) và hai túi nhỏ phía dưới 
2 thân trước. Trong dịp tết, lễ, hội, nam giới mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách 
phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm 
chàm như áo, cắt theo kiểu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải, dài tới mắt cá 
chân. Quần có cạp rộng không luồn dây rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội 
đầu màu chàm rộng 30 cm dài 20 cm quấn trên đầu theo lối chữ nhân. Chân đi hài 
xảo, giầy vải. 
Phụ nữ Tày tóc vấn ngang đầu, ngoài chùm khăn vuông mỏ quạ, áo dài màu 
chàm, gài khuy đồng bên phải, ngang lưng thắt dải chàm, hai đuôi dải buông dài 
xuống đằng sau, chân đi hài vải. Áo cánh là loại 4 thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi 
nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng. Khi 
đi hội thường được mặt lót phía trong áo dài. Vì vậy người Tày còn được gọi 
là gần slửa khao (người áo trắng) để phân biệt với người Nùng chỉ dùng màu 
chàm. Áo dài cũng là loại 5 thân, xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn, ống 
tay và thân hẹp, có eo. Trước đây phụ nữ mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc 
quần; đó là loại quần về nguyên tắc cắt may giống nam giới, kích thước có phần 
hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo 
giống kiểu “mỏ quạ” của người Kinh. Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng 
nan tre lợp lá có mái nón bằng và rộng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ 
các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Trang sức giá trị 
nhất bằng bạc, thường thì phụ nữ Tày chỉ đeo chiếc kiềng bạc vừa đủ để tạo nên độ 
sáng lấp lánh trên nền áo chàm. 
Nét đặc biệt nhất của trang phục Tày chính là ở những hình mẫu hoa văn 
trang trí trên vải của họ. Loại vải dệt hoa văn mầu đen trên nền vải trắng là loại vải 
để may mặt chăn, loại hình trang trí này phổ biến trong các dân tộc nói ngôn ngữ 
Tày-Thái. Người ta còn dùng một thuật ngữ để gọi đồ án trang trí hoa văn như thế 
này là lái ăm - có nghĩa là vằn đồ đan, giống như các vằn nổi trên đồ đan. Họa tiết 
được kỷ hà hóa để thích hợp với việc dệt trên khung dệt. Bố cục họa tiết theo 
phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm 
gãy khúc. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình hoa, hình ngọn rau 
bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều 
cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. 
Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền trắng, người Tày 
lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài mầu vào từng đoạn họa tiết, từng 
mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của người dệt trên khung dệt thủ công, 
có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một loại gấm của địa phương. 
Thổ cẩm có loại hình vuông để may mặt địu, có thể thức bố cục hoa văn 
đăng đối tuyệt đối, bao gồm những diềm và hoa văn bỏ ô ở khu vực trung tâm 
trang trí. Ngoài ô quả trám, đã xuất hiện các biến thể như ô hình tám cạnh, hình 
vuông, hình chữ nhật, tạo cho đồ án trang trí có đường nét cấu tạo phong phú hơn, 
đa dạng hơn. 
Có loại thổ cẩm bố cục hình chữ nhật để làm mặt chăn hoặc màn che. Những 
tấm màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thể hiện các đề tài liên 
quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm đường diềm ở phía trên - tương ứng với 
cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người; hoặc 
thêm đường diềm ở phía dưới - tương ứng với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim 
là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống trên mặt đất như quan niệm về vũ 
trụ của dân gian. Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết khác nữa, như các chữ Hán-theo 
kiểu chữ triện, hồi văn Phật giáo - chữ vạn, hoa đào, hoa cúc cách điệu, hình mặt 
trời, ngôi sao tám cánh 
Mầu sắc rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản cao bên 
nhau khá mạnh bạo. Có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi, các sắc thái khác 
nhau cho thấy thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho 
thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là 
những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày để đáp 
ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng phong phú, về các mặt văn 
hóa tinh thần và vật chất của dân tộc. 
2. Trang phục của người Nùng 
Trang phục người Nùng phong phú hơn so với trang phục người Tày, nhưng 
nhìn chung các nét cơ bản là giống nhau. Trang phục của người Nùng rất giản dị và 
chân phương, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do họ tự tay 
làm nên. Màu áo chàm được nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên (người ta 
lấy vỏ của một loại cây rừng giã nát và ngâm vào nước vôi trong để cho ra màu 
chàm nhuộm vải). 
Áo của phụ nữ Nùng có ống tay rộng, cổ tay, cổ áo trang trí bằng những 
mảnh vải nhiều màu sáng nhưng màu chính vẫn là màu chàm, cài một hàng cúc 
bằng nút vải bên nách phải, đoạn cổ tay và lá sen đắp một miếng vải và bốn túi áo 
không có nắp; quần chân què có trang trí dưới gấu. Trang phục nam gồm có áo, 
quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc Nam, nữ đều 
mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. 
Trang phục có đặc điểm là ít có biểu hiện đặc sắc về phong cách tạo hình. Điểm 
khác nhau giữa các nhóm thể hiện qua cách đội và cách trang trí khăn đội đầu. Đồ 
trang sức chủ yếu bằng bạc trắng. Nam giới thường đeo vòng tay bằng bạc, nhẫn 
bạc, phụ nữ đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà tích ở ngang 
lưng. 
3. Trang phục của người Dao 
Dân tộc Dao sống ở Cao Bằng chủ yếu là Dao tiền và Dao đỏ. Phụ nữ Dao 
Đỏ ăn mặc lộng lẫy. Áo dài của người Dao may kiểu xẻ ngực (áo hở ngực), không 
có khuy, không có cúc, gấu áo dài chấm đầu gối, tay áo rộng, có trang trí đường 
viền. Áo dài thường được mặc với chiếc yếm màu sáng nhạt. Hai bên áo có hai 
chuỗi bông gù (nom làng gẩu) mỗi bên có 8 bông. Trên thân áo có trang trí mô típ 
hoa văn rực rỡ với màu chàm đen là màu nền cơ bản. Nổi bật trên cái nền màu ấy 
là gam màu tương phản, mạnh, sáng chói như màu đỏ lửa, hồng, vàng tươi, trắng 
tuyết..Các mảnh vải đỏ được thêu hoặc gắn vào sặc sỡ. Khăn quấn đầu Cà pha dài 
8 sải, quấn quanh đầu trông như vành nón. Bên người quấn, che một dải vải phả xí 
thêu thùa nhiều hoạ tiết bằng chỉ đỏ. Thắt lưng xi lơ chin được thêu thùa công phu 
với nhiều hoa văn cầu kỳ quấn vòng quanh eo bụng, rủ xuống đằng sau ngang tà 
áo. Quần hầu tảo ống rộng trang trí các ô vuông xanh hoặc đỏ, nâu, trắng. Đằng 
sau lưng khoác vuông vải nòm kie thể hiện tài năng thêu thùa trang trí của bàn tay 
khéo léo. 
Phụ nữ Dao Tiền cắt tóc ngắn, chải sáp ong, đội khăn trắng, khăn là mảnh 
vải dài khoảng 1,2m, hai đầu có thêu chiếc ấn của Bàn Vương, khăn này dùng 
trong sinh hoạt thường ngày. Khi đi chơi, họ có chiếc khăn màu trắng thêu hoa văn 
họa tiết và hình hoa lá. Ngày cưới, cô gái Dao Tiền phải đội một cái mũ và phủ 
khăn thêu. Áo của phụ nữ Dao Tiền có nẹp ngực nhỏ, nhiều hoa văn, phía sau gáy 
đeo 7 đến 9 đồng tiền, khuy áo được làm bằng bạc tròn hoặc bán nguỵêt có móc. 
Khác với phụ nữ Dao Đỏ, phụ nữ Dao Tiền mặc váy. Váy là mảnh vải gồm nhiều 
bức, khi mặc khép lại nhờ dây rút. 
Ý thức bảo vệ và gắn bó với thiên nhiên được thể hiện rất rõ trong các hoa 
văn được thêu trên trang phục truyền thống, nhất là trang phục nữ. Các hoa văn 
chủ đạo trong trang phục truyền thống của người Dao phản ánh sâu sắc tình yêu 
thiên nhiên, cây cỏ (như hình cây thông, cây lúa, hoa mặt trời, hoa đỗ, hoa dưa). 
Bên cạnh đó còn có các hình người, gia súc (hình đàn chim, hình chân chó, chân 
mèo, chân chim). Những họa tiết hoa văn về thiên nhiên được thêu trên nhiều 
tầng, nhiều lớp của trang phục truyền thống như khăn đội đầu, yếm, nẹp ngực áo, 
lưng áo, thắt lưng, gấu quần, mũ trẻ em Trên lễ phục như khăn, mũ và áo của 
những người hành lễ (lễ phục của thày cúng, thày tào, người làm lễ cấp sắc) 
cũng được thêu như thế. 
Các họa tiết trên trang phục của thiếu nữ Dao được thêu không theo mẫu vẽ 
sẵn trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ và thêu ở mặt trái của vải để hình mẫu 
nổi lên. Kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao rất độc đáo. 
Người ta dùng bút vẽ hay nhúng khuôn in vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Vải 
sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn màu xanh lơ do phủ lớp sáp ong nên 
không bị thấm màu chàm. 
4. Trang phục của người Mông 
Người Mông ở Cao Bằng chiếm khoảng dưới 10% dân số, chủ yếu là Mông 
Trắng, Mông Hoa. Nếu phụ nữ Dao lấy chiếc áo dài làm chủ đạo, thì người Mông 
lấy chiếc váy làm chủ đạo. Quần áo may bằng vải lanh tự dệt. Nữ mặc váy xoè 
rộng, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Trong những phiên chợ 
dập dìu người đi chơi, những chiếc váy sặc sỡ của người Mông nổi bật trong đám 
đông thực sự điểm tô cho những phiên chợ vùng cao. 
Trang phục phụ nữ Mông Hoa rực rỡ, tinh xảo. Chỉ với bốn màu chủ đạo 
xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn sắc 
màu, tạo cảm giác trầm ấm. Váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong. 
Áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Tóc để dài, vấn tóc cùng tóc giả. 
Trang phục phụ nữ Mông Trắng bằng vải lanh. Họ trồng lanh và tự dệt, 
nhuộm vải, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay. Tóc để chỏm, đầu 
đội khăn rộng vành. 
* 
* * 
Dù có nhiều đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung trang phục truyền thống 
của các dân tộc ở Cao Bằng đều được làm từ nguyên liệu chính là sợi bông, sợi tơ 
tằm và lanh. Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, được thực hiện trên khung cửi 
tự tạo và chủ yếu là do người phụ nữ làm. Mỗi dân tộc trong cộng đồng cư dân Cao 
Bằng có cách tạo hình trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn 
hóa riêng của mình. Đó là sự thể hiện của một trình độ thẩm mỹ khá cao, một đời 
sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú, hòa quyện, chan hòa với 
cảnh sắc thiên nhiên. Vẻ đẹp của trang phục các dân tộc ở Cao Bằng là vẻ đẹp của 
thẩm mỹ nông nghiệp, của kỹ thuật thủ công. Trang phục và những giá trị thẩm mỹ 
của nó đã góp phần đáng kể làm rạng rỡ thêm sắc thái văn hóa của các dân tộc ở 
đây. 
 Tuy nhiên, trang phục không tồn tại ổn định. Nó bị chi phối bởi các mối 
quan hệ sinh hoạt xã hội và tinh thần của con người hôm qua và hôm nay. Nhịp 
sống mới của thời đại công nghiệp đã chi phối mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống. 
Trang phục Tày, Nùng mà sắc chàm trước kia đã trở thành nét đặc trưng nay đang 
bị pha trộn, bởi người Tày, Nùng ở nhiều nơi không mặc trang phục truyền thống 
nữa. Họ mặc quần Tây, áo sơ mi giống như người Kinh để thuận tiện cho công 
việc. Sự pha trộn ấy đã có ở hầu hết các dân tộc. Đến Cao Bằng ngày nay, việc 
phân biệt các dân tộc nơi đây qua trang phục chẳng dễ dàng gì. Đặc biệt đáng quan 
ngại là chất liệu sản xuất trang phục, cách thức trang trí hoa văn trên trang phục 
đang có những thay đổi ngày càng xa rời nguyên bản, truyền thống (nguyên liệu 
sợi bông, tơ tằm do quá đắt được thay bằng len, màu nhuộm chàm không còn là 
màu tự nhiên, khung cửi thủ công có thể thay bằng máy dệt công nghiệp, hoa văn 
trang trí không còn theo các hình mẫu truyền thống). Đó đang là những vấn đề 
cần sự quan tâm đúng mức để bảo tồn các giá trị truyền thống. 
Trở lại với du lịch, trang phục có thể được xem là tiềm năng du lịch chính là 
ở sự độc đáo và tính chất thủ công của nó. Du khách đến Cao Bằng vẫn mong được 
chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, độc đáo của các cô gái ẩn 
hiện như những đóa hoa tô điểm cho cảnh núi non trùng điệp hoặc muốn có những 
sản phẩm thổ cẩm đặc chất liệu tự nhiên, hoa văn thêu cầu kì, tinh xảo, những hình 
trang trí mang nhiều ý nghĩa của cuộc sống Và đó mới chính là nét quyến rũ của 
du lịch các vùng, miền. Tuy nhiên, đặc điểm của trang phục là luôn mang tính thời 
đại và liên tục phát triển. Vì thế đồng bào dân tộc khi tiếp xúc với các nền văn hóa 
của các dân tộc khác, sẽ có những biến đổi trong trang phục. Để bảo tồn các giá trị 
cũng như tính độc đáo của trang phục, không thể áp đặt. Cần có những dự án đầu 
tư, hỗ trợ cho công tác bảo tồn trang phục truyền thống. Sản xuất thủ công truyền 
thống có đặc điểm là năng suất rất thấp, giá thành ví thế khá cao so với những sản 
phẩm công nghiệp. Do đó phải kết hợp một loạt các chính sách như: chính sách về 
trợ giá, chính sách về quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm của 
trang phục truyền thống; chính sách đãi ngộ với những người được coi là nghệ 
nhân; chính sách quy hoạch, bảo tồn các làng nghề, bản nghề và đưa vào khai thác 
thành những điểm du lịch 
 N.T.Đ 
Tài liệu tham khảo 
1- Bùi Thiết, 54 Dân tộc Việt Nam và các tên gọi khác, NXB Thanh Niên, 
Hà Nội, 1999. 
2- Cổng thông tin điện tử Cao Bằng. 
3- Đoàn Thị Tình, Tìm hiểu trang phục Việt Nam, NXB Văn hóa, Hà Nội, 
1987. 
4- Nguyễn Thị Đức, Văn hóa trang phục- Từ truyền thống đến hiện 
đại, NXB Văn Hóa Thông tin, Hà Nội, 1998. 
5- Trần Từ, Hoa văn Mường, NXB Văn Hóa dân tộc, Hà Nội, 1978. 
6- Lê Ngọc Thắng, Nghệ thuật trang phục Thái, NXB Văn hóa dân tộc, Hà 
Nội, 1990. 

File đính kèm:

  • pdftrang_phuc_truyen_thong_cac_dan_toc_o_cao_bang.pdf