Văn hóa: Cái nhìn từ nền tảng

Tóm tắt Văn hóa: Cái nhìn từ nền tảng: ... là: không có hình thái văn hoá thì cũng chẳng có thứ được gọi là người”(1). Con người trở nên một con người có văn hóa và sống văn hóa, nhờ đã đặt nền móng đầu tiên cho khát vọng và giá trị văn hóa, nhờ thực thi sứ mệnh văn hóa, và nhờ chẳng bao giờ ngừng theo đuổi cứu cánh nhắm tới một nhân ...(3). Tại sao vậy? Cái thời đại “phi văn hóa ghê gớm của chúng ta” có phải là tiếng kêu hoang tưởng của Ortega không? Tại sao xã hội đang ở giữa giai đoạn bùng nổ sự phát triển, những trung tâm văn hóa, những trường đại học mọc ra nhan nhản khắp nơi, thì Ortega lại la lên tiếng cảnh tỉnh chua...iện nghi như một cứu cánh truy cầu khao khát nhất? Không! Con người không chỉ là thể xác mà còn là tâm hồn. Nietzsche nói: “Tôi hiểu chữ văn hóa là khát vọng tái sinh trong con người một vị thánh hay một thiên tài”. Hãy coi nhẹ vật chất! Hãy coi thường tiện nghi lý thể cho thân xác! Hãy tái ...

pdf7 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 179 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Văn hóa: Cái nhìn từ nền tảng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VĂN HÓA: CÁI NHÌN TỪ NỀN TẢNG 
Nguyễn Hoàng Đức 
Văn hóa là khả năng học vấn hay tinh hoa của lối sống? Là cách 
thức sinh hoạt hay thể thức của tinh thần? Là truyền sống hay sáng tạo 
thời thượng? Là vật chất hay tinh thần? ... Chẳng phải là những câu hỏi 
dễ trả lời, và người ta chẳng ra nổi cái bùng binh cuộc tranh luận về văn 
hóa, có khi đôi co điều tiếng với nhau bằng một nhãn quan nhân danh 
chỗ đứng của mình. 
Một cô nàng ở Paris ăn vận xiêm y thật sang trọng và thời thượng ngồi 
ghếch chân trên vỉa hè đón khách làng chơi, một cô gái ở vùng thôn dã châu Phi 
chỉ có nổi tấm váy bằng lá che đậy quanh hông đang thành kính thực hiện nghi lễ 
sùng bái trước thần linh tối cao, thì ai có văn hóa? Một thiền sư Ấn Độ sau cơn 
đánh đắm thân xác vào cuộc phiêu lãng siêu việt của linh hồn đã thò tay bốc cơm 
ăn, một cậu nhỏ còn chưa đến tuổi đi học ở Đức đang ngồi trước bàn ăn với thìa 
dĩa trong tay và khăn trắng quàng cổ, thì ai có văn hóa ? Đó là những câu hỏi reo 
rắc nỗi éo le cắc cớ cho mọi người, bởi lẽ theo lệ thường người ta vừa bàn đến văn 
hóa lại vừa chấp nê vào những thói quen, truyền thống, điều kiện sinh hoạt, điều 
kiện vật chất, điều kiện địa lý... 
Tuy nhiên, mặc dù có những quan niệm định nghĩa khác nhau về văn hóa, 
các ý kiến thường đồng qui ở một điểm: Dân tộc nào cũng có nền văn hóa mang 
diện mạo đặc thù khác nhau. Và, con người nào cũng có văn hóa, chỉ có mức độ 
văn hóa ở mỗi người khác nhau. Bởi vậy, sau nhiều lần khảo sát trong cánh rừng 
văn hóa của nhân loại, tôi quyết định lựa chọn cái ý tưởng ráo riết của Nietzsche 
như một khởi điểm nền tảng đầu tiên. Ông nói: “Văn hóa là đặt vấn đề đúng chỗ”. 
Người có văn hóa là người đặt vấn đề xuất hiện ra sao, giao tiếp với tha 
nhân thế nào, ăn uống, ngủ, nghỉ, và sinh hoạt ra sao? Một dân tộc có văn hóa là 
sắc tộc đã thiết định những lề thói cho đời sống cộng đồng như: tiếp khách, giao 
tiếp con người, giao tiếp nam - nữ, tỏ tình, cưới hỏi, sinh con, lễ chạp và ma chay. 
Không có một sắc tộc nào từ bán khai mọi rợ đến văn minh lại không có những thể 
thức ấy - những thể thức ấy được thiết định trong quá khứ (dường như) một lần 
cho tất cả, và sau đó được thực hiện tiếp nối không ngừng để trở thành truyền 
thống, trở thành bản sắc dân tộc. Có dân tộc, nam nữ tỏ tình bằng một chiếc khèn; 
có dân tộc đưa những bé trai và bé gái lên nhà rông, ngủ tập trung để đào luyện 
khả năng va chạm giới tính; có dân tộc mở lễ hội hò vè đối đáp để trai gái có dịp 
giao tiếp trao đổi lẫn nhau; có dân tộc tổ chức lễ bắn cung đua ngựa để trai gái 
chọn nhau qua sức mạnh; có dân tộc mở dạ hội để trai gái quyến luyến nhau qua 
những điệu nhảy duyên dáng... Tóm lại, chúng ta không nên tìm kiếm một định 
nghĩa văn hoá bằng cách phán xét những thể thức văn hoá cao hay thấp, mà bằng 
cách nhận ra những thể thức được con người đặt ra vì cuộc sống của con người. 
Cái khác biệt đầu tiên căn bản nhất giữa con người và động vật là ở tiêu 
chuẩn văn hóa. Con người có văn hóa bởi con người đã đặt vấn đề của mình trước 
lối sống làm người. Động vật vô văn hoá, phi văn hóa là bởi động vật sống một 
cách tự nhiên, duy nhiên, phó mặc toàn bộ đời sống của nó cho những thể thức, lề 
luật tất định của tạo hoá. Bởi thế, Thích Minh Châu có lý khi nói: “Chính văn hoá 
là cái nuôi dưỡng nhân tính và cứu vớt nhân tính khỏi rơi vào thú tính hay vật 
thể tính”. 
Văn hóa trước hết là nhân loại tính, và khi con người thực hiện sự nghiệp 
nhân loại tính của mình, thực hiện công cuộc giá trị hóa cuộc sống trở nên nhân 
loại tính thì con người sống cuộc đời văn hóa. Không có văn hóa con người không 
được gọi là con người. Clifford Greertz nói: “Có một sự thật: không có con người 
thì cũng chẳng có hình thái văn hoá nào cả. Nhưng cũng có một sự thật khác 
là: không có hình thái văn hoá thì cũng chẳng có thứ được gọi là người”(1). Con 
người trở nên một con người có văn hóa và sống văn hóa, nhờ đã đặt nền móng 
đầu tiên cho khát vọng và giá trị văn hóa, nhờ thực thi sứ mệnh văn hóa, và nhờ 
chẳng bao giờ ngừng theo đuổi cứu cánh nhắm tới một nhân loại văn hóa. Clyde 
Klukhom và H. Kelly cho rằng: “Văn hóa là tất cả những mẫu hình được tạo tác 
trong lịch sử, vì cuộc sống vì cái minh nhiên ẩn chứa, cái hợp lý, phi lý và cả vô 
lý hiện hữu ở bất kỳ thời điểm nào giống như một tiềm năng chỉ dẫn cho thái độ 
sống của con người” (2). 
Văn hóa – “culture”, có gốc chữ Latin chính là sự “trồng cấy”. Ở đây theo 
nghĩa bóng thì culture có nghĩa: Văn hóa là quá trình nuôi dưỡng tập thành con 
người như thể gieo trồng và 
chăm sóc mầm cây vậy. Còn văn hóa theo nghĩa Hán tự thì: Văn hóa là quá trình 
con người hóa con người. 
Văn hóa là một giá trị, một ý nghĩa, một lối sống bất khả phân với con 
người. Con người là con người bởi có văn hóa; văn hóa là văn hóa bởi từ con 
người và cho con người. Chính vì thế mà nhà văn Ortega Y Gasset đã nói: “Văn 
hóa là điều cứu vớt con người để mà không trở thành một thảm hoạ: văn hóa là 
tiếp lực cho con người sống một đời sống vượt lên trên bi kịch vô nghĩa hoặc 
vượt lên sự điếm nhục nội tâm của mình.” 
Văn hóa thiết yếu được hình thành trong cộng đồng, xã hội hơn là mang lấy 
hình ảnh trọn vẹn của một cá nhân đơn độc. Tuy vậy văn hóa cá nhân không thể bị 
xem nhẹ, bởi nó là sự tập thành đào luyện đầu tiên tạo tiền đề cho con người có 
thể hội nhập vào đời sống văn hóa của xã hội. Sau khi đề cập đến văn hóa con 
người có nét riêng rẽ, chúng ta hãy bước vào nền văn hóa xã hội con người toàn 
thể. Ortega Y Gasset cho rằng: “Văn hoá là toàn bộ những ý tưởng có sinh khí, 
sinh lực của thời đại”. 
Loài người càng sinh sôi nảy nở đời sống xã hội càng mở rộng ra tính liên 
kết phổ quát, xã hội ngày càng phát triển về khoa học kỹ thuật cũng như tiện nghi 
vật chất, theo đó văn hoá cũng ngày càng phát triển theo bước chân tiến bộ của 
con người hướng về văn minh. Tuy nhiên có một điều quá hiển nhiên rằng có tiến 
phải có thoái, có trẻ phải có già, trong quá trình phát triển, xã hội đã dính mắc long 
đong lật đật vào biết bao cuộc khủng hoảng thăng trầm khốn đốn. Văn hóa cũng 
vậy, nó cũng chẳng có được may mắn thoát khỏi những cuộc thăng trầm của lịch 
sử. Ortega cho rằng: “Chúng ta đang sống vào một thời đại phi văn hóa ghê gớm 
nhất, dù bên ngoài vẫn tỏ ra hóm hỉnh tự phụ kiêu kỳ” (3). 
Tại sao vậy? Cái thời đại “phi văn hóa ghê gớm của chúng ta” có phải là 
tiếng kêu hoang tưởng của Ortega không? Tại sao xã hội đang ở giữa giai đoạn 
bùng nổ sự phát triển, những trung tâm văn hóa, những trường đại học mọc ra 
nhan nhản khắp nơi, thì Ortega lại la lên tiếng cảnh tỉnh chua ngoa đó? Dù có 
đồng ý với ông hay không thì chúng ta cũng nên suy xét theo hướng Ortega đã dựa 
trên một nền tảng thực tại nhất định để phát ngôn về điều đó. Bạn hãy nhìn vào đời 
sống, vào lúc con người đã nghiền nát bao nhiêu dãy núi thành xi măng, lắp đặt 
cần cẩu cao nghễu nghện đến tận mây xanh, vậy mà có một nhà xã hội học đã kêu 
lên: “Càng ngày người ta càng làm những tầng nhà thấp xuống”. Vào lúc lắm của 
nhiều tiền, thì con người lại sản sinh ra thứ chủ nghĩa công năng, và mỗi ngày họ 
càng hạ độ cao mái nhà xuống sát chỏm đầu. Về giáo dục, chính vì càng ngày 
càng chú mục vào việc đuổi theo lợi ích thực dụng của đời sống, các đại học, 
trường sở hiện tại chỉ chuyên tâm đào tạo kỹ thuật chuyên ngành để phục vụ 
quyền lợi chính trị, kinh tế hơn là đào tạo một con người văn hóa toàn diện. Gasset 
nói: “Đại học phải là giảng dạy văn hóa và văn hóa không phải là khoa học và 
khoa học phải phụ thuộc và lệ thuộc vào văn hóa.” 
Chúng ta hãy lần ngược trở lại nguyên lý nền móng của văn hóa: Văn hóa 
là quá trình nhân loại hóa con người. 
Vậy quá trình nhân loại hóa ấy là gì? Là quá trình xây dựng và xác tín con 
người như thể CON NGƯỜI bằng cách chối bỏ việc đồng hóa con người vào đồ 
vật cũng như động vật. Con người có văn hóa là bởi con người thoát thai khỏi thế 
giới của những tạo vật thiên nhiên, con người lên ngôi một con người cao quí - 
một con người thoát thai khỏi bầy đàn tạo vật để lên ngai vàng ông chủ giữa trần 
thế. Vì vậy khi con người ráo riết theo đuổi những giá trị vật chất hay máy móc thì 
con người càng ngày càng bị đồ vật hay máy móc đồng hoá, con người đã quay trở 
gót trên ngả đường cách ly vật thể hóa của mình để trở thành cái gì na ná vật thể 
hay chính vật thể, đó là con người đã dời bỏ nền tảng cũng như cùng đích văn hóa 
của mình. Chúng ta hãy nhớ lại, một trong những nguyên nhân chính gây nên Đại 
chiến thế giới hai vô cùng thảm khốc là bởi Hitler đã nghĩ: sắt thép của người Đức 
có thể đè bẹp thế giới. 
Làm sao để thoát khỏi việc mang cái lốt đồ vật cho con người? Làm sao để 
xây dựng xã hội có văn hóa, một con người có văn hóa, một con người thoát khỏi 
giá trị đơn điệu của đồ vật, và một xã hội thoát khỏi lối sống coi đồ vật tiện nghi 
như một cứu cánh truy cầu khao khát nhất? Không! Con người không chỉ là thể 
xác mà còn là tâm hồn. Nietzsche nói: “Tôi hiểu chữ văn hóa là khát vọng tái 
sinh trong con người một vị thánh hay một thiên tài”. 
Hãy coi nhẹ vật chất! Hãy coi thường tiện nghi lý thể cho thân xác! Hãy tái 
sinh một con người đeo đuổi giá trị làm người từ đời sống cội rễ trong lành tinh 
khiết! Hãy nhắm đến cứu cánh vì một xã hội mang lấy những giá trị tinh thần cao 
và mang lấy hình ảnh vật chất thanh tao nhất. Đó là sứ mệnh văn hóa của con 
người. Muốn vậy phải đào luyện con người trở nên văn hóa. Nietzsche nói: “Vẻ 
đẹp của một chủng tộc, một gia đình sự duyên dáng và hoàn hảo của nó trong mọi 
cử chỉ phải vất vả lắm mới thủ đắc được.” 
Muốn trở thành văn hóa, một con người, một gia đình, một xã hội phải đào 
luyện, chắt lọc mình trong từng cử chỉ, từng hành vi, từng thể thức, từng thái độ. 
Và một nền giáo dục phải nhắm đến mục đích đào tạo những con người có bản 
lĩnh cho xã hội khao khát theo đuổi giá trị văn hóa, như Bogoslovski nói: “Nền 
giáo dục phải giúp đỡ học sinh sống đời sống thịnh vượng và ý nghĩa, nó phải 
xây lên những nhân cách có khả năng hòa điệu và phong phú, giúp học sinh có 
khả năng tham dự vào ánh sáng chói lòa nhất của vinh quang hạnh phúc cũng 
như có thể đối mặt với đau khổ một cách đầy phẩm hạnh và cam lòng thủ đắc, 
và cuối cùng họ có thể giúp đỡ người khác sống cuộc đời cao thượng”(6). 
Đào luyện con người văn hóa, trước hết là đào luyện một nền văn hóa toàn 
diện cho con người, và sau đó con người đó sẽ mang theo hành trang văn hóa của 
mình gia nhập cuộc hành trình của xã hội. Thích Minh Châu nói: “Đại học không 
cung cấp dụng cụ nhất thời cho xã hội, đại học phải là nơi nuôi dưỡng những 
cá thể độc lập sáng tạo, tự do, không sợ hãi, không nô lệ vào địa vị và tiền tài, 
danh dự và tham vọng.” 
Cùng đích một công dân được giáo dục văn hóa là công dân có khả năng 
tham dự vào xã hội bằng một tấm lòng nhân ái, một thái độ cư xử lịch lãm, đúng 
mực, và một tâm hồn cao thượng. Một xã hội chỉ có thể trở thành văn hóa với 
những công dân đã được đào luyện văn hóa, và nền văn hóa đó giúp cho mọi 
người được sống trong ánh sáng nhân bản. Sách Bách khoa thần học viết: “Đối với 
các nhà nhân bản học, trở thành nhân loại tức là trở thành văn hóa” (7). 
Trở thành văn hóa, theo Platon tức là trở thành ánh sáng dẫn dắt của tinh 
thần. Một nhân loại càng tiến bộ thì ánh sáng văn hóa càng chói lọi. Ánh sáng đó 
sẽ dẫn dắt đời sống nhân loại đi tới những giá trị cao cả trong không khí lung linh 
sáng chói do chính ánh sáng của nó toả chiếu. Platon nói: “Đời sống tinh thần là 
‘văn hóa linh hồn’ nó dẫn dắt đời sống nhân loại”(8). 
Con người mong muốn càng ngày càng trở nên con người hơn . Nhân loại 
mong muốn tiến đến một nhân loại tiến bộ hơn. Văn hóa hướng tới một nền văn 
hóa ngày càng cao, hoàn hảo hơn, nhân bản hơn. Tất cả quá trình đi lên đó là một 
khát khao cứ đổ mãi thêm dầu cho ngọn lửa khát cháy của nó hơn là tìm đến một 
nơi yên nghỉ để thành tựu một chặng đường. Như vậy, một nhân loại văn hóa là 
một nhân loại đang tiến tới giá trị văn hóa lý tưởng. Văn hóa là cái nhân loại có rồi, 
nhưng luôn luôn còn thiếu. Nghị trưởng Pháp Edouard Herriot nói: “Văn hóa là 
cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất 
cả” ( La culture c’ est ce qui rest quand on a tout oublié, c’ est ce qui manque 
quand on a tout appris). 
Ghi chú : 
1- Encyclopedia New Catholic (ENC). Catholic University America 1967, cuốn A, 
tr. 599 
2- Nt, tr.598 
3- “Trước sự nô lệ của con người”, Thích Minh Châu, Đại học Vạn Hạnh 1970, 
tr.63 
4- 5- nt, tr.62, 63 
6- Four Philosophies, J. Donald Butler 1968, tr.197 
7- ENC, cuốn A, tr.598 
8- nt, cuốn P, tr.304 

File đính kèm:

  • pdfvan_hoa_cai_nhin_tu_nen_tang.pdf