Di tích và truyền thuyết về nhà Tây Sơn

Tóm tắt Di tích và truyền thuyết về nhà Tây Sơn: ...òn Màn Lăng là hòn Nhật, hòn Bà Phù là hòn Nguyệt. Giữa hòn Màn Lăng và hòn Bà Phù có một thung lũng bằng phẳng và kín đáo, tục gọi là Hóc Yến. Qua khỏi Hóc Yến đến núi ÐÔNG PHONG tục gọi là hòn LÃNH LƯƠNG. Những ngọn núi thượng dẫn liên hệ mật thiết với nhau, chẳng những về phương diện địa ...ốt như lúc mới trồng. Ðó là chứng ứng cho biết rằng long huyệt nằm ở đó. Nguyễn Nhạc hết sức mừng, bèn nhổ cây khô đem cắm vào chỗ cây sống, và đem cây sống đến cắm chỗ cây khô. Mười hôm sau, tính đúng 100 ngày từ khi trồng trúc, thầy địa Tàu đến. Thấy hai cây trúc đều chết cả hai, thầy địa...ục long bàn. Không phải ngoa ngôn: Bút đó là hòn Trung sơn ở bên Phú lạc, xa trông phảng phất như ngòi bút chép mây. Nghiên đó là hòn Hội sơn tục gọi là hòn Dũng, trong địa phận Trinh tường về phía nam, đứng đối trí cùng hòn Trung sơn ở phía bắc. Cũng như hòn Hoành sơn và hòn Trung sơn, hòn...

pdf12 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 260 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Di tích và truyền thuyết về nhà Tây Sơn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ăn cỏ... 
 Người Thượng Xà Ðàng thấy Nguyễn Nhạc "gọi" được bầy ngựa rừng 
thì tin rằng là "Người Trời", nên thần phục và chịu theo đánh giặc. Những 
người Thượng cũng như người Kinh, tuyển mộ được bao nhiêu đều đem về 
hòn Ông Bình và Ông Nhạc để tập luyện. Dinh trại đều cất trong hai núi 
này. Nguyễn Nhạc trấn thủ một núi, Nguyễn Huệ trấn thủ một. Vì vậy nên 
hai ngọn núi này mang tên hai vị chỉ huy: Ông Nhạc, Ông Bình. Bình là tên 
chữ Nguyễn Huệ (Nguyễn Quang Bình). Ðối với Nguyễn Huệ, người địa 
phương ít hay gọi tên húy. Lúc nhỏ thì thường gọi là "chú Ba Thơm" (hoa 
Huệ có hương), lớn lên lại thường hay gọi tên chữ "Ông Bình". Tên Nguyễn 
Quang Bình tuy đã đặt từ trước, nhưng mãi sau khi lên ngôi cửu ngũ lấy 
niên hiệu Quang Trung, đánh đuổi quân Mãn Thanh rồi mới thấy xuất hiện 
trong sử sách. Sau khi vua Quang Trung thăng hà, miếu hiệu Thái tổ Vũ 
Hoàng đế, thì hòn Ông Bình được tôn xưng là hòn Thái tổ. Còn hòn Ông 
Nhạc thì người sau đọc trại là Ông Nhược. 
 Nhà Tây Sơn cử binh đánh nhà Nguyễn năm Tân Mão (177. Trước khi 
cử sự, binh đóng ở hòn Ông Nhạc đều dồn qua hòn Ông Bình. Rồi đại binh 
kéo đến đèo An khê làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Lễ tế cờ cử hành gần nơi cây 
Cầy và cây Ké. Cho nên tục ngữ có câu "Cây Ké phất cờ, cây Cầy khỉ 
cổ".(4) 
 Truyền rằng: Ðại binh kéo đến đèo An khê khi xuống vừa khỏi nghẹo 
Cây Khế, thì một con rắn thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt 
huyền, thời nhân gọi là Ô Long, từ trên cây Ké bò xuống, nằm chận ngang 
đường đi. Binh mã sợ không dám đến. Nguyễn Nhạc liền xuống ngựa, tuốt 
gươm đến chém, lấy máu đề cờ. Nhớ chuyện Hán Cao Tổ chém rắn khởi 
nghĩa, tướng sĩ tin là điềm lành nên nức lòng phấn chí. Tế cờ xong liền tiến 
binh. Binh đến núi Bà Phù thì trời tối. Nguyễn Nhạc bèn dừng lại 
nghỉ. Ðêm đến mở yến tiệc thết đãi tướng sĩ tại thung lũng dưới chân Bà 
Phù. Sáng hôm sau mới tiếp tục tiến phát. 
 Nhân việc đồn binh được yên ổn, và yến ẩm vui vầy, Nguyễn Nhạc 
mới đặt tên hòn Bà Phù là hòn Tâm Phúc, và người đương thời gọi thung 
lũng là Hóc Yến. Trước khi xuất binh, Nguyễn Nhạc đã sai Nguyễn Lữ đi 
vận tải lương thực đến chân núi Ðồng phong. Khi binh xuống đến Ðồng 
phong thì lương thực cũng vừa tải đến. Nguyễn Nhạc cho đóng binh lại để 
phát lương và nghỉ ngơi để chuẩn bị tinh thần chiến đấu. Tướng sĩ được lãnh 
lương thực tại Ðồng phong nên gọi núi Ðồng phong là hòn LÃNH LƯƠNG. 
 Từ hòn Ông Nhạc đến hòn Lãnh lương, núi chạy dọc, xiên xiên xuống 
hướng đông nam. Nhưng đến địa đầu thôn Trinh tường, núi lại quay ngang 
ra hướng bắc, thành hòn HOÀNH SƠN, tức là NÚI NGANG, nằm theo 
hướng tây nam - đông bắc. Núi Ông Bình ngó ngay xuống Hoành sơn và 
làm hậu tẩm cho Hoành sơn vậy. Hòn HOÀNH SƠN không cao (361 
thước), nhưng dài và rộng. Phía tây và phía nam, dòng suối Ðồng tre và chi 
lưu ôm sát bên chân. Ðường quốc lộ 19 chạy dài ở phía bắc. Trước mặt, 
đồng Trinh tường tiếp đồng Phú phong, và bên chân một con đường hương 
lộ chạy từ bắc vào nam, hợp cùng quốc lộ 19 và hai nhánh suối Ðồng tre, 
thành một chữ NHẬT làm ranh giới cho núi. Mộ của Nguyễn Phi Phúc, thân 
sinh của Tây Sơn tam kiệt, nằm trong hòn núi này (Hoành sơn). 
 Truyền rằng: Niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê (1740-1786), trong 
khoảng Ðịnh vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) trị vì miền Nam, có 
một thầy địa lý Trung hoa, tục gọi là thầy địa Tàu, thường ngày cứ đi đi lại 
lại trong vùng Tây Sơn. Nguyễn Nhạc theo rình xem. Một hôm thấy thầy địa 
đến Hoành sơn, dùng hai cây trúc cành lá xanh tốt và giống in nhau, đem 
cắm nơi triền phía đông, một cây ngoài bắc, một cây trong nam, rồi bỏ mà đi 
thẳng. Biết rằng vùng Tây Sơn là một đại địa, và thầy địa Tàu không tìm ra 
huyệt tinh nên tìm cách để thử huyệt khí, Nguyễn Nhạc bèn lưu ý đến nơi 
trồng hai cây trúc và ngày ngày đến thăm chừng. Cách mấy hôm sau, cây 
trúc phía bắc sống và tươi tốt như lúc mới trồng. Ðó là chứng ứng cho biết 
rằng long huyệt nằm ở đó. Nguyễn Nhạc hết sức mừng, bèn nhổ cây khô 
đem cắm vào chỗ cây sống, và đem cây sống đến cắm chỗ cây khô. 
 Mười hôm sau, tính đúng 100 ngày từ khi trồng trúc, thầy địa Tàu đến. 
Thấy hai cây trúc đều chết cả hai, thầy địa nhún vai trề môi, bỏ đi không 
thèm trở lại nữa. Bởi thầy cho rằng đó chỉ là "giả cuộc" mà thôi. Nguyễn 
Nhạc bèn về bốc mộ ông thân sinh đem táng nơi chân trúc phía bắc. Lại có 
người bảo rằng: Thầy địa lý Tàu vốn quen thân với Nguyễn Nhạc. Lúc đến 
vùng Tây Sơn "tìm long điểm huyệt", thường tá túc nơi nhà họ Nguyễn, và 
chính Nguyễn Nhạc là người dẫn lộ cho thầy Tàu. Ði khắp cả vùng Tây Sơn, 
thầy địa chỉ chú ý đến hòn Hoành sơn. Thầy đi qua đi lại không biết mấy 
lần, hết đặt địa bàn ở chỗ này thì đem đặt ở chỗ khác, ngắm nghía, tính toán, 
có vẻ đắc ý lắm. Ðoạn thầy bỏ đi đâu mất biệt. Hơn một năm sau thầy trở lại 
và cũng ghé nghỉ ngơi nhà Nguyễn Nhạc. Lần này ngoài chiếc địa bàn, thầy 
còn mang theo một chiếc trắp nhỏ, bọc trong một chiếc khăn điều. 
 Ðoán biết rằng thầy Tàu đã tìm được "huyệt mả đại phát" nơi Hoành 
sơn nên về Tàu hốt cốt tiền nhân đem qua chôn, Nguyễn Nhạc bèn tìm cách 
đánh đổi. Nhưng làm sao đánh đổi được, vì thầy Tàu không khi nào rời 
chiếc trắp ra, thậm chí cả những lúc "đi sông đi bãi"? Nguyễn Nhạc đóng 
một chiếc trắp giống hệt chiếc trắp của thầy địa, và hốt cốt ông thân sinh 
đựng vào, rồi đem dấu sẵn nơi chân Hoành sơn... 
 Ðến ngày đã chọn, thầy Tàu lén mang chiếc trắp cùng địa bàn đi lên 
Hoành sơn. Vừa đến chân núi thì một con cọp tàu cau to lớn ở trong bụi, 
gầm lên một tiếng, nhảy ra vồ. Thầy Tàu hết hồn, quăng trắp và địa bàn mà 
chạy. Hồi lâu không thấy cọp đuổi theo, liền quay trở lại chỗ cũ. Thấy chiếc 
trắp và địa bàn còn nằm lăn lóc đó, thầy mừng như chết đi sống lại, vội trực 
chỉ lên nơi long huyệt đã tìm ra. Chôn cất xong yên thầy hớn hở trở về 
Trung quốc, không ngờ rằng chiếc trắp thầy chôn vốn đựng di hài Nguyễn 
Phi Phúc, và con cọp kia chỉ có lớp ngoài mà thôi. 
 Hai thuyết không biết thuyết nào đúng. Hai bên chỉ khác nhau ở chi 
tiết. Cả hai đều đồng một điểm chính là mộ Nguyễn Phi Phúc chôn ở Hoành 
sơn. Song không ai biết đích xác ở chỗ nào. Chỉ nghe truyền rằng mộ gối 
đầu lên dãy núi phía tây nam ( và lấy hòn Hương sơn ở Kiên thạnh (Bình 
khê) làm nội án, hòn Mò O (An nhơn) làm ngoại án. Hai hòn này nằm xiên 
xiên hướng đông bắc hòn Hoành sơn. Vì có mộ của Nguyễn Phi Phúc, nên 
hòn Hoành sơn được tôn xưng là THIẾU TỔ. 
 Sát chân núi Ngang phía đông, khoảng giữa, nổi lên một trảng đất lum 
lum. Trong khoảng này dáng núi lại hơi cong cong. Ðứng phía trước trông 
vào thì giống một ghế bành vĩ đại, mà lưng và tay dựa là núi, và mặt ghế là 
trảng đất. Trên trảng nằm song song hai nấm mộ bằng đá, hình chữ nhật. 
Vua Gia long ngờ rằng đó là phần mộ của ông bà Nguyễn Phi Phúc , song 
thân ba vua Tây Sơn, nên truyền quan địa phương khai quật. Nhưng hài cốt 
không thấy đâu cả, mà chỉ thấy bốn chum dầu phụng đã lưng, trong mỗi 
chum có một ngọn đèn chong chóng đang cháy. 
 Ai cũng biết bốn chum dầu ấy do nhà Tây Sơn chôn, song không ai 
đoán ra mục đích. Và tất cả mọi người đều biết di hài của ông bà Nguyễn 
Phi Phúc táng tại Hoành sơn, nhưng cũng không có người nào biết được nơi 
chôn. Vua quan nhà Nguyễn ra công tìm kiếm, nhưng dấu tích vẫn mờ mịt 
khói mây. Nơi trảng đất dưới chân Hoành sơn, hiện nay vẫn còn ít nhiều di 
tích. Những khách phương xa đến viếng cảnh, không biết rõ câu chuyện, đều 
lầm tưởng là mộ Nguyễn Phi Phúc bị đào. 
 Có người bảo rằng ngọc cốt của vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc cũng 
táng trong vùng Hoành sơn. Ðó là bằng theo chuyện "bạch mã hiện hình" mà 
ức đoán. Nguyên vua Thái Ðức có một con chiến mã: Thân vóc cao lớn như 
ngựa Bắc thảo, lông trắng như tuyết, đuôi và kỳ mao mịn như tơ. Nhà vua 
yêu quí rất mực. Sau khi nhà vua băng hà, con bạch mã sổ chuồng chạy mất, 
quan quân tìm kiếm không ra. Cách ít lâu, chiều chiều người trong vùng 
Hoành sơn thường trông thấy bóng ngựa trắng, khi thì đi thơ thẩn dưới chân 
núi, khi thì lên trên đỉnh đứng hí não nùng. Mọi người đều tin rằng đó là con 
bạch mã, hoặc là hồn thiêng con bạch mã của vua Thái Đức. Vì tôn trọng 
nhà vua, người trong ấp Tây Sơn không một ai nuôi ngựa trắng. Nhưng sau 
khi hai nấm mộ giả nơi trảng đất dưới chân núi bị nhà Nguyễn phá hủy, thì 
bóng ngựa vắng biệt trong một thời gian khá lâu. Mãi đến khi nhà anh hùng 
Mai Xuân Thưởng dấy nghĩa Cần Vương (1885-1887) thì bạch mã xuất hiện 
trở lại. Người địa phương cho là "ngựa thần" nên hết lòng kính sợ. 
 Vì sao thấy "ngựa trắng hiện hình" lại đoán rằng lăng mộ vua Thái 
Ðức táng nơi núi Ngang? Là vì ngựa vốn là giống vật rất khôn và có nghĩa. 
Nhiều con, chủ chết, bỏ ăn bỏ uống ra mả nằm chết theo. Lắm con không 
chết theo, nhưng thỉnh thoảng tìm đến thăm mả chủ, và cất tiếng hí thê 
lương. Nếu ngọc cốt của nhà vua không an táng nơi Hoành sơn thì sao con 
ngựa - hay hồn ngựa - của nhà vua lại tìm đến. 
 Ðó là ức đoán, chớ từ xưa đến nay không ai biết rõ nơi chôn cất vua 
Thái Ðức, mặc dù vẫn truyền rằng di thể được long trọng đưa về cố hương. 
Còn về việc người Bình khê, nhất là người Phú lạc, Trinh tường, không nuôi 
ngựa trắng thì trước kia hoàn toàn do lòng tôn trọng vua Tây Sơn, sau này 
một phần lớn do lòng mê tín: sợ thần Bạch Mã. 
 Nghe đồn rằng: Thời Pháp thuộc, tại Ðồng vụ (thuộc Trinh tường) có 
người mua được một con ngựa bạch toàn sắc, đem về nuôi không được bao 
lâu thì tự nhiên ngã đùng ra chết. Người ta tin là bị thần Bạch Mã vật. Do đó 
lòng kiêng cữ nuôi ngựa trắng của người địa phương gia tăng. 
 Ðó là những chuyện ngày xưa. Từ ngày đất nước nổi binh đao, không 
biết ngựa trắng có còn xuất hiện nơi Hoành sơn và người vùng Hoành sơn 
có còn sợ thần Bạch Mã? Dù có hay không có, những huyền thoại kể trên 
thêm vào những di tích lịch sử, làm tăng phẩm giá cho Hoành sơn. 
 Năm Tân Sửu (196, nhân dân Bình khê lại dời trung cốt Mai anh hùng 
đến an táng. Lăng tẩm trang nghiêm hùng tráng làm tăng khí sắc của sông 
núi bội phần. Khách du quan đến Bình Định, tưởng không nên quên núi 
Ngang vậy. Các thầy địa lý Việt Nam cũng như Trung hoa đều công nhận 
đất Hoành sơn là đại địa, vì có nào bút nào nghiên, nào ấn nào kiếm, nào cổ 
nào chung, ở bên tả bên hữu. Trước mặt trên ba nổng gò, đá mọc giăng hàng 
giống như những toán quân đứng chầu chực. Và xa xa có hổ phục long bàn. 
 Không phải ngoa ngôn: Bút đó là hòn Trung sơn ở bên Phú lạc, xa 
trông phảng phất như ngòi bút chép mây. Nghiên đó là hòn Hội sơn tục gọi 
là hòn Dũng, trong địa phận Trinh tường về phía nam, đứng đối trí cùng hòn 
Trung sơn ở phía bắc. Cũng như hòn Hoành sơn và hòn Trung sơn, hòn Hội 
sơn không cao lắm (491 m) nhưng trông đồ sộ, uy nghiêm. Trên núi có một 
vũng nước vừa rộng vừa sâu, quanh năm không bao giờ cạn. Người địa 
phương lên vỡ đất làm ruộng, đất tốt không kém dưới đồng bằng. Vì núi có 
vũng nước nên đám bình dân, gọi núi là hòn Vũng thay vì hòn Dũng. Còn 
đám hàn mặc thì coi vũng nước là nghiên mực của trời, nên đặt cho núi một 
tên nữa là NGHIÊN SƠN tức HÒN NGHIÊN vậy. Lên chơi hòn Nghiên, 
Ðịnh Phong có mấy câu cảm hứng: 
“Trên non có nước 
Gắng bước mà lên 
Nước non còn nợ chớ quên 
Lòng trong với nước gan bền cùng non 
Trời Tây mây kéo hoàng hôn 
Biển Ðông thấp thoáng sóng dồn bình minh 
Nghiên son mài ráng lung linh 
Bút tuôn hàng nhạn chép tình nước non...” 
 Hòn NGHIÊN và hòn BÚT nằm bên hữu và bên tả hòn Hoành sơn, 
trông thật cân đối. Khách thơ ví von Hoành sơn như bức bình phong, còn hai 
hòn BÚT NGHIÊN là hai trụ ba biểu đứng hai bên, hơi lấn ra phía trước một 
ít. Sát bên chân hòn Hoành sơn lại có hai hòn núi nhỏ đứng song song, giống 
hệt bộ chuông trống nho nhỏ để trước chiếc án thờ. Ðó là HÒN MỘT và 
HÒN GIẢI. Cổ nhân gọi hòn Một là CHUNG SƠN tức hòn Chuông, hòn 
Giải là CỔ SƠN tức hòn Trống. 
 Cổ nhân đặt tên không phải dựa vào vị trí, nhưng dựa hình dạng. Hòn 
Một trông phảng phất qủa chuông đồng. Còn hòn Giải thì đứng ở phía bắc 
trông vào thì dáng tròn tròn như cái trống. Nhưng đứng phía đông mà ngó 
lại thấy hơi vuông vuông như một chiếc ấn. Vì vậy hòn Giải còn có tên nữa 
là ẤN SƠN tức hòn Ấn. Ðặt cho hòn Giải tên Ấn sơn chẳng phải vì hình 
dáng mà còn vì ở phía đông, nơi vùng Gò Sặt (Trinh tường) có một hòn núi 
thấp và dài gọi là hòn KIẾM SƠN tức hòn Kiếm. Có Kiếm thì phải có Ấn 
mới đủ đôi. 
 Truyền rằng: Sau khi chiếm được long huyệt ở Hoành sơn thì ba anh 
em Nguyễn Nhạc vùng phát tướng. Gương mặt trông sáng rỡ, và việc học 
hành - võ cũng như văn - tiến bộ lạ thường. Thầy học là cụ Giáo Hiến - một 
người miền Ngoài, giỏi văn lẫn võ, lại rành khoa tướng số - trước kia vốn đã 
có biệt nhãn cùng ba anh em họ Nguyễn, nay thấy thần sắc, biết vận trời đã 
đến, bèn đem câu sấm "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công" ra khuyên Nguyễn 
Nhạc vè lo mưu đồ đại sự. Vâng lời thầy, ba anh em trở về Kiên thành lo 
chiêu mộ hào kiệt. 
 Vùng đất Tây Sơn xưa kia núi rừng rậm rạp, chuyện thần linh qủy dữ 
lan tràn khắp đó đây. Ðể quy tụ lòng dân, Nguyễn Nhạc bèn lợi dụng óc mê 
tín của quần chúng. Hòn Trung sơn ở Phú lạc tuy ở gần thôn xóm, nhưng ít 
ai dám lên vì sợ "mả mẹ chàng Lía", và nhất là sợ cọp. Thỉnh thoảng 
Nguyễn Nhạc cho người tâm phúc lên núi, nủa đêm nổi trống nổi chiêng. 
Người chung quanh vùng kẻ cho rằng hồn chàng Lía về cúng mẹ, người lại 
bảo đó là quỉ thần mở hội vui. Kẻ bàn người tán, không mấy lúc tiếng bay 
tận ngàn xa, một thành mười, mười thành trăm... Hòn Trung sơn từ xưa đã 
có tiếng càng thêm nổi tiếng. 
 Một hôm, nhà Nguyễn Nhạc có kỵ. Khách khứa đông đúc. Cỗ bàn vừa 
ăn xong thì trời đã khuya. Những người ở xa đều phải nghỉ lại, còn người 
trong xóm thì lục tục ra về. Bỗng trên Trung sơn, tiếng trống chiêng vang 
dội, và trong bóng cây trên đỉnh, ánh lửa lập loè. Ai nấy đều kinh dị. Nguyễn 
Nhạc rủ người lên xem thử "quỉ thần làm trò gì". Phần đông đều e ngại. Chỉ 
bốn năm tay lực sĩ xin theo. 
 Nai nịt gọn gàng, chân vũ hài, tay trường kiếm, đoàn người lần bước 
lên đỉnh Trung sơn. Khi gần đến đỉnh, trong ánh lửa mập mờ hiện ra một 
ông lão râu ba chòm bạc phếu, đầu đội mũ cánh chuồn, mình khoác áo đại 
bào, chân đi hia..., bộ dạng giống hệt một ông lão văn trong các vở tuồng hát 
bội. Ai nấy ớn lạnh vì sợ, và không ai bảo ai, mọi người đều dừng lại một 
lượt. Ông lão cất tiếng bảo: Trong anh em có ai là Nguyễn Nhạc chăng? Nếu 
có thì hãy lại gần đây nghe lệnh. Còn các người khác hãy đứng yên. Nguyễn 
Nhạc run sợ bước ra, đến quì trước mặt ông lão. Ông lão phất tay áo, lấy ra 
một tờ chiếu rồi đọc lớn: Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi Quốc 
vương. 
 Ðoạn trao tờ chiếu cho Nguyễn Nhạc rồi quay bước đi vào trong bóng 
tối. Từ ấy tiếng đồn khắp nơi, và ngôi Quốc vương của Nguyễn Nhạc nằm 
vững trong tâm trí quần chúng. Trong đám sĩ phu, trừ cụ giáo Hiến, không 
mấy ai biết đó là kế của Nguyễn Nhạc. 
Chưa lấy làm đủ, Nguyễn Nhạc còn tìm một thanh bảo kiếm và đúc một quả 
ấn vàng, rồi đem dấu trong vùng núi Trinh tường. 
 Một hôm cùng bộ hạ ở An khê về, đến Hoành sơn thì ngựa của 
Nguyễn Nhạc lồng lên, rồi thẳng cổ chạy nước đại. Nhưng không chạy trẽ ra 
hướng bắc để qua sông về Kiên thành, lại chạy vào hướng đông nam. Ðến 
chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào, trặc 
chân không đứng dậy nổi. Ðám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới đỡ. 
Khi đứng dậy để lên ngựa trở về, Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra 
nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên lấy thì là một thanh kiếm xưa lưỡi 
sáng như nước. Ai nấy đều mừng là "của trời ban". 
 Về nhà Nguyễn Nhạc nói cùng hai em và thuộc hạ: Ngọc Hoàng đã 
sắc phong ta làm Quốc vương, lẽ tất nhiên là phải ban ấn kiếm. Nay kiếm đã 
có rồi, ta phải đi tìm ấn. Ðoạn tổ chức ngay lễ cầu đảo tại chân núi Hoành 
sơn. Cầu đảo ba đêm ngày. Ðêm làm lễ, ngày cho người đi tìm khắp nơi. Ðã 
hai ngày liền, hàng trăm người chia nhau đi khắp các núi khe quanh Hoành 
sơn, mà không có kết qủa. Ðêm thứ ba, lúc nửa đêm chiêng trống hành lễ 
vừa dứt, thì một vòi lửa như pháo thăng thiên bay xẹt từ hòn Một đến hòn 
Giải thì rơi xuống. Tiếp đó một tiếng nổ nhỏ như tiếng pháo tre, rồi một 
tiếng nổ lớn có phần dữ dội làm chấn động cả vùng. Ai nấy đều thất kinh. 
Sáng sớm Nguyễn Nhạc đem người đến hòn giải xem, thì thấy sườn phía 
nam có một vùng như bị sét đánh lở và nám đen. Trèo lên xem thì một quả 
ấn vàng nằm trong kẽ đá tại nơi bị lở. Ai nấy đều tin là "ấn trời ban". 
 Sau khi dụ được người Thượng các sóc theo mình, Nguyễn Nhạc dùng 
rừng Mộ điểu làm căn cứ quân sự. Dinh trại đóng trên núi. Ðể lấy lương 
thực nuôi quân, cho phá rừng làm ruộng. Công việc khai khẩn, tiếp đến công 
việc canh tác và thu hoạch đều do cô Hầu đảm đương. 
 Khi Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế ở Ðồ Bàn, cô Hầu vẫn ở nhà 
khai thác đồng lúa. Do đó đồng mệnh danh là đồng Cô Hầu. Và ngọn núi coi 
như là nơi phát tích nhà Tây Sơn nên được tôn xưng là núi HOÀNG ÐẾ. 
Khi mới khởi sự, binh lính của nhà Tây Sơn phần đông đều là người 
Thượng. Những người Thượng mộ được ở vùng An khê (An túc hiện thời) 
trước hết đều dồn về căn cứ Mộ Ðiểu tập luyện trong ít lâu rồi mới đưa 
xuống núi Ông Bình, Ông Nhạc ở dưới đèo An khê để khép vào hàng ngũ và 
huấn luyện thêm. 
 Truyền rằng: Một hôm Nguyễn Huệ vâng lệnh anh chỉ huy một đạo 
tân binh từ Mộ điểu xuống An bình. Gần đến chân phía tây đèo An khê thì 
đạo binh vùng thối lui: Một cặp rắn mun cực kỳ to lớn nằm chận giữa 
đường, cổ cất cao như cột nhà cháy và miệng hả to như hai chậu máu tươi. 
Mọi người đều kinh hồn và cho là một điềm xấu. Nguyễn Huệ liền xuống 
ngựa, chấp tay khấn: Nếu anh em chúng tôi có thể dựng được nghiệp lớn thì 
xin Xà Thần tránh đường cho quân đi. Bằng mạng số chúng tôi không ra gì 
thì chỉ xin cắn chết tôi mà tha cho quân lính được sống về cùng vợ cùng con. 
Vừa khấn xong thì cặp rắn quay đầu xuống, song song đi trước dẫn đường 
cho đạo binh. Tới thôn Thượng an thì dừng lại. Một con vào bụi rậm ngậm 
ra một thanh long đao, cán đen như mun, lưỡi bén như nước. Rồi cả hai 
ngậm ngang thanh đao, song song bò đến dâng cho Nguyễn Huệ. Ðoạn biến 
mất. Thanh đao Nguyễn Huệ dùng đánh giặc là thanh đao của thần rắn dâng. 
Ðể tỏ lòng tri ân, Nguyễn Huệ lập miếu thờ thần rắn tại nơi dâng đao. Miếu 
ấy hiện nay vẫn còn và tục gọi là Miếu Xà. 
 Nhưng miếu hiện thời không phải là miếu ngày trước. Vì miếu xưa đã 
lâu đời bị sập đổ. Trong một khoảng thời gian khá lâu dấu tích đã bị mất 
hẳn. Nhưng rồi cọp thường ra ngồi rình nơi sân miếu, hành khách qua lại bị 
hao khá nhiều. Ðể tránh hổ hoạn, người địa phương bèn lập lại miếu thờ, 
hầu mong thần rắn phù hộ. 
 Lại có người bảo rằng: Miếu xà là nơi thờ con rắn mà Nguyễn Nhạc 
đã chém lấy máu đề cờ khi cử lễ xuất binh đánh chúa Nguyễn. Con rắn 
Nguyễn Nhạc chém đó cũng loại rắn mun. Chuyện Nguyễn Nhạc chém rắn 
lấy máu đề cờ thường nghe các phụ lão ở miệt dưới đèo An khê kể. Chuyện 
rắn mun dâng long đao cho Nguyễn Huệ thường nghe các phụ lão ở vùng 
phía tây đèo An khê và những người buôn Thượng kể. 
 Một bên thì lấy cây Cầy cây Ké ở đèo An Khê, là nơi Nguyễn Nhạc tế 
cờ trước khi xuất binh, và câu "Cây Ké phất cờ, cây Cầy khỉ cổ" của địa 
phương làm bằng. Một bên thì chỉ "Miếu Xà" làm chứng. Chuyện tuy không 
có sách vở chép để, song có bằng chứng rõ ràng. Như vậy tin cũng khó mà 
không tin cũng khó. 
 Những câu chuyện huyền thoại thường đều xây dựng trên sự thật. 
Chuyện "chém rắn đề cờ", chuyện "rắn thần dâng đao", một là chuyện có 
thật, nhưng "có ít xít ra nhiều"; hai là những con rắn thần kia do nhà Tây 
Sơn "đẻ ra". Những câu chuyện "Ngọc Hoàng ban sắc", "Ngọc Hoàng ban 
ấn kiếm", đã kể ở các mục trước, có thể chứng minh cho thuyết "rắn do 
người đẻ". 
 Mà những bậc đại tài như Tây Sơn tam kiệt thì chỉ hai bàn tay trắng 
còn gây được sự nghiệp nghìn thu, huống hồ chỉ "đẻ" ra những linh vật. Và 
trong khoảng nước non từ đồng cô Hầu, núi Hoàng đế đến đèo An khê còn 
nhiều chuyện hư hư thực thực về nhà Tây Sơn. 
“Còn non còn nước còn người 
Còn duyên bút mực còn lời nước non”. 

File đính kèm:

  • pdfdi_tich_va_truyen_thuyet_ve_nha_tay_son.pdf