Nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam

Tóm tắt Nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam: ...Ví dụ lừng danh nhất cho nghệ thuật “vật làm sẵn” của Duchamp là tác phẩm Giá đựng chai (1914) và chiếc Bồn tiểu bằng sứ ký tên R.Mutt (1917). Duchamp đã từng lý luận rằng một khi nó đã bị tách khỏi bối cảnh, công dụng và ý nghĩa nguyên thủy và được trưng bày ở viện bảo tàng thì không có lý do...huật đòi hỏi sự vận động để chủ động nêu bật nội dung thì những tác phẩm Sắp đặt còn có thêm những ý nghĩa bắt nguồn từ sự vận động của không gian. Không gian đó được trình bày bên trong không gian sắp đặt, khiến công chúng ngay lập tức tò mò tìm hiểu. Điều đó lý giải tại sao công chúng chiê...liệu khác như tre, rơm, rạ, chân hương,... tạo nên các mô hình không gian ba chiều như mái nhà, con rồng thiêng,... Triển lãm đem lại một cảm nhận thẩm mỹ mới mẻ cho công chúng vì họ có thể va chạm trực tiếp với tác phẩm, chứ không đơn thuần đứng ngắm nghía như trước một bức họanữa. Triển lãm ...

pdf5 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 232 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHỆ THUẬT SẮP ĐẶT Ở VIỆT NAM 
NGHIÊM THỊ THANH NHÃ 
Tóm tắt 
Nghệ thuật sắp đặt- một trào lưu nghệ thuật với những manh nha xuất hiện 
từ những năm đầu của thế kỷ 20 ở các nước phương Tây như một thách đố trước 
những quan niệm nghệ thuật truyền thống mang tính kinh viện. Nghệ thuật sắp đặt 
gắn liền với một thuật ngữ gây tranh cãi trong giới nghiên cứu - nghệ thuật Hậu hiện 
đại. Bản thân nó cũng là một trào lưu nghệ thuật đầy tranh cãi. Trong phạm vi bài 
viết, xin được giới thiệu về nghệ thuật Sắp đặt và vài nét khái quát về trào lưu nghệ 
thuật này ở Việt Nam. 
Trong lịch sử, các thế hệ nghệ sĩ mới luôn không hài lòng với con đường mà các 
lớp người trước đã bước đi và do đó luôn đi tìm kiếm những hướng đi mới. Cảm giác 
được thừa kế các phương pháp biểu hiện đã đạt tới trạng thái hoàn hảo hoặc đã cạn 
kiệt tiềm năng xuất hiện trong các họa sĩ ở vào đầu thế kỷ 20 và ngày càng gia tăng từ 
giữa thế kỷ này. Hai cuộc chiến tranh thế giới và một vài cuộc chiến khác trong thế kỷ 
20, đi kèm là sự phá vỡ của một số nền văn hoá dưới áp lực của di dân, diệt chủng và 
hệ quả của nó là các cuộc chính biến đã thừa nhận chiều sâu của sự hỗn độn. Bên cạnh 
đó, các họa sĩ còn đứng trước những động lực thay đổi mạnh mẽ, đó là sự phát triển 
của ảnh động và các tiến bộ kỹ thuật khác trong nhiếp ảnh, cơ khí, điện tử và vũ trụ. 
Tham vọng ngày càng lớn của giới họa sĩ là “giũ bỏ tất cả và làm lại từ đầu” để tạo ra 
những thay đổi cơ bản trong nghệ thuật từ giữa thế kỷ 20. Với tư cách là tấm gương 
phản chiếu thế giới, tất cả các loại hình nghệ thuật đều bị ảnh hưởng nặng nề trước 
quan niệm này. 
Nghệ thuật Sắp đặt là một thể loại nghệ thuật mới ở phương Tây trong những 
năm của thập niên 60- 70 của thế kỷ trước. Đây là một thời kỳ thúc đẩy sáng tạo sắp 
đặt một cách đa dạng. Các hoạ sĩ quan tâm đến những tác phẩm nghệ thuật có tỷ lệ lớn 
hơn nhiều so với những bức tranh được treo trong khung. Những bức tranh của 
Jackson Pollock* khích lệ sự cảm nhận tác phẩm nghệ thuật như một phạm vi của sự 
hành động: tăng cường nhận thức về môi trường không gian (cả trong thế giới của sự 
rộng lớn cũng như kiểu nghệ thuật trên mặt đất) gắn với những nghệ thuật có sự chi 
phối của thời gian như video và trình diễn. Điều này dẫn tới sự phá tan ranh giới đa 
dạng giữa hội hoạ và điêu khắc, nghệ thuật trực quan và sân khấu, nghệ thuật và cuộc 
sống Nghệ thuật Sắp đặt gắn liền với chủ nghĩa Hậu hiện đại. Đây là một thuật ngữ 
được áp dụng với những cách thức sáng tạo nghệ thuật mới của hầu hết các hoạ sĩ trẻ. 
Các họa sĩ già lớn tuổi hơn cũng chia sẻ quan điểm. Thuật ngữ Hậu hiện đại cũng 
được dùng cho rất nhiều các phong cách khác nhau xuất hiện từ cuối thập niên 60 và 
70 của thế kỷ XX. Tất cả những loại hình nghệ thuật của ba thập kỷ cuối thế kỷ XX và 
những năm tiếp theo (có xu hướng đi tìm không chỉ các phương thức biểu đạt mới mà 
cả những hình thể biểu trưng gần với hiện thực) đều nằm trong phạm vi của hậu hiện 
đại. Hầu hết các loại hình nghệ thuật biểu trưng được gộp lại dưới cái bóng thống trị 
của trừu tượng hình thức. Do đó, rất nhiều nghệ sĩ quay trở về với thứ nghệ thuật đã từ 
lâu bị coi là nằm ngoài xu thế chủ đạo. Một thể mới của chủ nghĩa chiết trung ra 
đời đã bộc lộ bản thân mình thông qua cách sao chép hoặc tham khảo nghệ thuật trước 
đó. 
Nghệ thuật sắp đặt trong lịch sử mỹ thuật là một trào lưu đầy tính cách mạng đã 
xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX với Marcel Duchamp** và những tác 
phẩm nghệ thuật được làm từ những đồ vật có sẵn. Từ năm 1912, việc đưa trực tiếp 
các vật liệu làm sẵn không có tính nghệ thuật- những mảnh giấy báo, mụn vải, bàn 
ghế, hộp thiếc vào tranh đã trở thành một phần của ngôn ngữ hội họa Lập thể với 
Picasso, Braque và nhiều người khác. Tuy nhiên, Duchamp là người đầu tiên nhận ra 
rằng, bất cứ vật “làm sẵn” phi nghệ thuật nào tự thân nó cũng có thể được trưng bày 
như là “nghệ thuật” nếu nó được tách ra khỏi bối cảnh, công dụng và ý nghĩa nguyên 
thủy của mình. Ví dụ lừng danh nhất cho nghệ thuật “vật làm sẵn” của Duchamp là tác 
phẩm Giá đựng chai (1914) và chiếc Bồn tiểu bằng sứ ký tên R.Mutt 
(1917). Duchamp đã từng lý luận rằng một khi nó đã bị tách khỏi bối cảnh, công dụng 
và ý nghĩa nguyên thủy và được trưng bày ở viện bảo tàng thì không có lý do gì mà nó 
không trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Những vật thể làm sẵn (được sản xuất hàng 
loạt) đã thay thế cho chính cái ý niệm về tính độc bản của nghệ thuật. Với những tác 
phẩm đó, Duchamp đã mở ra những rắc rối mới cho thế giới nghệ thuật. 
Sự cố gắng định nghĩa nghệ thuật sắp đặt sẽ gặp phải một số khó khăn. Nghệ 
thuật Sắp đặt có thể được mô tả một cách khái quát như một không gian thực được tạo 
nên bởi nhiều yếu tố khác nhau. Không giống như các hình thức nghệ thuật khác được 
xác định bởi chất liệu hay đề tài, nghệ thuật sắp đặt được phân định bởi thực tiễn của 
nó. Điều cốt lõi của thực tiễn này là khoảng cách và địa điểm. Nghệ thuật Sắp đặt đã 
chuyển từ đối tượng sang nơi chốn, nói cách khác là sang phòng triển lãm hay viện 
bảo tàng. Ví dụ, một bức tranh cổ điển hay tác phẩm điêu khắc, bản thân có thể được 
di chuyển từ một địa điểm này tới một địa điểm khác mà cơ bản không thay đổi yếu tố 
nghệ thuật. Ngược lại, địa điểm của một tác phẩm sắp đặt là phần quan trọng của toàn 
bộ kiểu dáng cũng như ý nghĩa của nó. 
Hơn nữa, không giống như tác phẩm của nghệ thuật ấn loát, nghệ thuật sắp đặt 
không biểu thị đặc điểm của một quá trình thực hành kỹ thuật mà cũng không theo 
kiểu trào lưu Lập thể hoặc trường phái Ấn tượng- không có cái nhìn riêng biệt cho sự 
sắp đặt. Nghệ thuật Sắp đặt được phân biệt bởi môi trường, không gian và địa điểm 
nguyên gốc không thích hợp khi bị di chuyển. Trong một tác phẩm Sắp đặt, địa điểm 
giữ lại những khía cạnh của tính thống nhất. Sự dàn xếp địa điểm của người nghệ sĩ là 
cốt lõi của tác phẩm. Vị trí bộc lộ một phần tư tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ. 
Nghệ thuật Sắp đặt là một sáng tạo trong không gian gian ba chiều và một trong 
những đặc điểm của nó là đòi hỏi phải có tính tổng thể, phải có mối liên hệ với thế 
giới. Có lẽ được nhìn thấy một cách dễ dàng nhất trong nghệ thuật Sắp đặt là địa điểm 
đặc trưng. Địa điểm và tác phẩm là không thể tách rời. Nghệ thuật được tạo ra cho 
một địa điểm đặc trưng và việc di chuyển sẽ làm thay đổi cơ bản hay phá hỏng tác 
phẩm. Địa điểm đặc trưng liên quan đến tỷ lệ, ánh sáng, hình 
Bên cạnh đó, nghệ thuật Sắp đặt còn có đặc trưng khác là sử dụng không gian 
như một thực thể quan trọng- người xem có thể vừa là chủ thể vừa là khách thể của tác 
phẩm và bị cuốn hút cùng với tác phẩm đó. Trong khi tất cả các loại hình nghệ thuật 
đòi hỏi sự vận động để chủ động nêu bật nội dung thì những tác phẩm Sắp đặt còn có 
thêm những ý nghĩa bắt nguồn từ sự vận động của không gian. Không gian đó được 
trình bày bên trong không gian sắp đặt, khiến công chúng ngay lập tức tò mò tìm hiểu. 
Điều đó lý giải tại sao công chúng chiêm ngưỡng một tác phẩm Sắp đặt trong không 
gian triển lãm với rác rưởi, bụi bặm, giẻ rách mà vẫn cảm thấy rằng mình đang ở trong 
không gian nghệ thuật. 
Hiện nay, Nghệ thuật Sắp đặt lan tràn trên toàn thế giới với hai loại khác nhau: 
- Loại thứ nhất, nghệ thuật Sắp đặt được xem như là một bộ sưu tập những vật 
thể “làm sẵn”, trong đó người hoạ sĩ sắp xếp tạo nên những vật thể lớn. 
- Loại thứ hai, nghệ thuật Sắp đặt không sử dụng, hoặc được xem là không sử 
dụng các vật thể như một chủ thể của tác phẩm, tuy nhiên không gian được biến đổi 
hoàn toàn. Ví dụ như cách biến đổi một căn phòng tới những chi tiết nhỏ nhất như sơn 
lại Tất cả các giới hạn của không gian được tái tạo lại gây ấn tượng khác thường 
cho người thưởng thức. 
Tác phẩm Sắp đặt có một chức năng hoàn toàn riêng biệt. Nghệ thuật Sắp đặt đại 
diện cho ý niệm về tạo hình. Nếu có người hỏi những tác phẩm này là của ai thì điều 
đó chứng tỏ anh ta không chuẩn bị chiêm ngưỡng một tác phẩm sắp đặt mà chỉ chuẩn 
bị chiêm ngưỡng một bức tranh - thể loại về bản chất hoàn toàn không giống với tác 
phẩm Sắp đặt. Do đó tác phẩm Sắp đặt tiềm ẩn khả năng kích thích nhận thức và đòi 
hỏi những cố gắng vượt bậc từ người xem. 
Nghệ thuật Sắp đặt bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thập 
niên cuối thế kỷ XX. Giống như các họa sĩ phương Tây thời kỳ đầu, các họa sĩ, nhà 
điêu khắc Việt Nam tìm tòi một lối thể hiện mới mang tính thử nghiệm nhằm diễn tả 
những suy nghĩ của bản thân về xã hội, đồng thời thỏa mãn nhu cầu chinh phục không 
gian, tạo ra những hiệu ứng thị giác khác nhau. Tuy nhiên, việc đắp nổi hay gắn 
những vật liệu “làm sẵn” lên bề mặt tranh vẫn còn bị hạn hẹp về khuôn khổ, không 
đáp ứng được yêu cầu sắp đặt, song cũng chính việc làm đó đã tạo ra sức hấp dẫn nhất 
định với giới họa sĩ trẻ, những người muốn thử nghiệm. Trong số những họa sĩ Sắp 
đặt đầu tiên của Việt Nam, phải kể đến họa sĩ Đặng Thị Khuê. Chị đến với nghệ thuật 
sắp đặt từ khi chưa biết đến tên gọi của nó nhờ sở thích sử dụng nhiều chất liệu, nhiều 
hình thức và thể loại nghệ thuật cùng lúc trong một tác phẩm. 
Ngoài ra còn có họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn. Năm 1994, Nguyễn Bảo Toàn đã tạo 
một cú sốc nghệ thuật cho giới mỹ thuật Hà Nội khi anh trưng bày triển lãm gốm Ðất 
qua lửa theo một hình thức hoàn toàn mới. Các sản phẩm gốm được kết hợp với nhau 
và với nhiều vật liệu khác như tre, rơm, rạ, chân hương,... tạo nên các mô hình không 
gian ba chiều như mái nhà, con rồng thiêng,... Triển lãm đem lại một cảm nhận thẩm 
mỹ mới mẻ cho công chúng vì họ có thể va chạm trực tiếp với tác phẩm, chứ không 
đơn thuần đứng ngắm nghía như trước một bức họanữa. Triển lãm thu hút rất đông 
người xem, người ngoài nghề lẫn người trong giới. Triển lãmÐất qua lửa được 
Nguyễn Bảo Toàn xem như viên gạch đầu tiên trên con đường đi với nghệ thuật 
không gian của anh. 
Sau năm 2000, nghệ thuật Sắp đặt mới bắt đầu phát triển khá rộng rãi ở Việt 
Nam. Những tác phẩm Sắp đặt đầu tiên của Việt Nam được trình bày giống như 
không gian điêu khắc, hay giống như một bức tranh. Dần dần người nghệ sĩ nhận ra 
khả năng truyền đạt ý tưởng sâu sắc hơn, rộng lớn và trực tiếp hơn [4]. Có thể thấy 
con đường tiếp cận nghệ thuật Sắp đặt của các họa sĩ Việt Nam bắt đầu hoàn toàn từ 
cảm tính theo kiểu tự phát, sau đó dần dần được tự điều chỉnh cả về chất liệu, cách 
thức tổ chức không gian đồng thời không ngừng mở rộng diện tích không gian. Những 
triển lãm Sắp đặt đầu tiên cũng cuốn hút công chúng yêu nghệ thuật và giới mỹ thuật, 
tuy nhiên nhiều người đến xem chỉ vì sự hiếu kỳ chứ bản thân chưa hiểu biết nhiều về 
loại hình nghệ thuật này. Sự lần mò của cả người thực hành nghệ thuật lẫn người 
thưởng thức nghệ thuật dẫn đến tình trạng các tác phẩm lúc đầu đều chưa có sức 
thuyết phục, có tác phẩm còn hời hợt về cả nội dung và hình thức. Cả tác giả và người 
thưởng thức đều miễn cưỡng gán cho tác phẩm một nội dung “mới” nào đó. 
Trần Lương cũng là một tác giả nổi bật của nghệ thuật Sắp đặt ở Việt Nam. Song 
song với việc tự mình thực hiện các sắp đặt, anh được dư luận chú ý nhiều hơn ở việc 
tổ chức thànhcông nhóm nghệ sĩ làm nghệ thuật mới, gồm Lê Vũ, Nguyễn Trí Mạnh, 
Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Mạnh Hùng, Phương Linh, Trí Minh... 
Nhiều nghệ sĩ Việt kiều nổi tiếng như Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị từng đem về 
Huế những cuộc triển lãm sắp đặt ghi dấu ấn mạnh. Trong triển lãm Nghệ thuật gắn 
liền với mặt đất của nghệ sĩ Việt kiều Tô Bích Hải, sự biểu cảm của những hình nhân, 
những oan hồn trong không gian tâm linh đã tác động mạnh đến người xem khi bà sử 
dụng loại gỗ mục nát giống như lấy ra từ những nấm mồ. 
Có thể nói rằng, với hơn 10 năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, nghệ thuật 
Sắp đặt cũng như một số loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác vẫn được đón nhận ở 
mức độ dè chừng. Thái độ này không chỉ xuất hiện ở công chúng thưởng thức nghệ 
thuật mà còn ở cả phía các nhà quản lý. Người Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa chấp 
nhận mỹ thuật mà không phải là tranh, tượng; mỹ thuật mà lại có ngôn ngữ múa, điện 
ảnh xuất hiện trong đó. Tuy nhiên, các nghệ sĩ sắp đặt tiên phong của Việt Nam đã 
cho thấy việc cần thiết phải định nghĩa lại vai trò của người nghệ sĩ mỹ thuật, không 
phải chỉ là người biết nặn, biết vẽ. Họ cũng cho thấy một nhu cầu cấp thiết phải thay 
đổi triệt để, toàn diện trong quan niệm về nghệ thuật đương đại: người nghệ sĩ không 
chỉ đơn thuần là sáng tạo không gian mà còn phải có một cái nhìn tổng thể hơn, giải 
quyết được một vấn đề thực tế. Người nghệ sĩ hiện tại phải là những người thực hành, 
có thể nghiên cứu, trình bày ý tưởng và dùng nghệ thuật của mình can thiệp vào đời 
sống xã hội./. 
 N.T.T.N 
Chú thích: 
* Jackson Pollock (1912-1956), họa sĩ người Mỹ, Trường phái Hội họa Hành 
động (Biểu hiện Trừu tượng) 
** Marcel Duchamp (1887-1968), họa sĩ người Mỹ gốc Pháp, trường phái Dada 
Tài liệu tham khảo 
1. PGS.TS. Lê Bá Dũng, ThS.Nghiêm Thị Thanh Nhã, Nguyễn Cương, Đại 
cương về mỹ thuật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008. 
2. Thanh Nhã (dịch), (), Đôi điều về nghệ thuật sắp đặt, Tạp chí Mỹ thuật, Số 56, 
2002. 
3. Richard Appignanesi, Chris Gattat (Trần Tiễn Cao Đăng dịch), Nhập môn chủ 
nghĩa Hậu hiện đại, NXB Trẻ, Hà Nội, 2006. 
4. Phan Cẩm Thượng, Nghệ thuật ngày thường, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2008. 
5. Rita Gilbert, Living with art, Alfred A.Knopf,Inc, New York, 1992. 

File đính kèm:

  • pdfnghe_thuat_sap_dat_o_viet_nam.pdf
Ebook liên quan