Nhận diện và phân loại bài tổng quan

Tóm tắt Nhận diện và phân loại bài tổng quan: ... khái quát, cô đọng về một đối tượng nhất định. (Đối tượng này tuỳ theo từng quan niệm có thể là một tài liệu hay một đề tài được phản ánh trong một nhóm tài liệu). Qua khảo sát thực tiễn hoạt động thông tin trong và ngoài nước, xuất phát từ nội hàm của thuật ngữ đã dẫn trên đây, ta thấy rằn... phương pháp, thành tựu và thiếu sót của việc nghiên cứu đề tài trong giai đoạn, thời kỳ đã chọn. Giúp người dùng tin có được một cái nhìn khái quát, toàn diện và hệ thống về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài đó (hay tình hình, diễn biến của một sự kiện, một hoạt động trong giai đoạn đ...ệu một số đặc điểm khác như phong cách, hình thức trình bày, giá trị nội dung và nghệ thuật, thành tựu... của tài liệu dưới lăng kính của chính mình. Bài tổng quan thông thường có cấu trúc chặt chẽ, lôgic như một bài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên trong dung lượng của nó thường có 50- 60% th...

pdf8 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 339 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Nhận diện và phân loại bài tổng quan, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nhận diện và phân loại bài 
tổng quan 
1. Nhận diện bài tổng quan 
Trong hoạt động thông tin thư viện hiện nay, bài tổng quan – một sản phẩm thông tin 
phổ biến khá rộng rãi vẫn chưa có được một cách nhìn thống nhất. Nhiều khi người ta 
vẫn sử dụng khá tùy tiện các thuật ngữ khác nhau như tổng thuật, tổng quan, tổng 
luận... để chỉ dạng sản phẩm thông tin này. Xây dựng một cái nhìn hệ thống và toàn 
diện về dạng bản tin hay sản phẩm thông tin này là một nhu cầu cấp thiết, giúp chúng 
ta có thể nhận diện nó một cách rõ ràng, chính xác, và qua đó sẽ thuận lợi hơn khi tiến 
hành biên soạn các bài tổng quan cho các nhu cầu thông tin khác nhau, đó cũng chính 
là mục tiêu của bài viết này. 
Trong "Đại từ điển tiếng Việt" do Nguyễn Như Ý chủ biên từ tổng quan được giải 
thích là từ dùng để chỉ một cái nhìn tổng quát, toàn diện đối với một đối tượng nào 
đó[6]. 
Hiện nay, công tác thông tin khoa học và nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước 
cách hiểu và giải thích thuật ngữ này chưa có sự đồng thuận. Các học giả khối Anh - 
Mỹ cho rằng, tổng quan là một bài đánh giá, giới thiệu sách có hai chức năng: chức 
năng mô tả nội dung tài liệu và chức năng đánh giá nội dung, thành tựu và ưu nhược 
của tài liệu đó. Ví dụ, Lester S. King cho rằng: "Trước hết nó (bài tổng quan) chỉ dẫn 
cho đông đảo bạn đọc những ý tưởng chính trong nội dung của sách và nó có thể phê 
phán, đánh giá những thành công của cuốn sách đó. Cả hai chức năng này phân biệt 
với nhau khá rõ nhưng chúng cũng luôn thuộc về nhau". [4; tr.343]. Theo các tác giả 
này thì bài tổng quan sách chỉ có độ dài từ 250 từ đến 500 từ, và cho phép đến 1000 từ 
nếu tài liệu gốc lớn và có giá trị đặc biệt. Cùng với khái niệm này các nhà thư viện 
học Anh - Mỹ còn đưa ra một khái niệm nữa là: "bài viết dạng tổng quan" (nguyên 
văn: Review article) với dung lượng lớn hơn khoảng từ 1000 đến 1500 từ để chỉ một 
bài viết tổng quan về một nhóm tài liệu có liên quan đến cùng một đề tài. 
Như vậy theo quan niệm của các nhà thư viện học Anh - Mỹ thì tổng quan là một bản 
tin hay một bài báo, bài viết giới thiệu những nét chính về nội dung, và đánh giá, phê 
bình các thành tựu một tài liệu hay của một nhóm tài liệu liên quan đến một đề tài. 
Ở Việt Nam, cho tới nay, còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu về dạng sản 
phẩm thông tin này. Những tài liệu viết về đề tài này thực sự hiếm hoi. Tuy nhiên 
cũng có thể kể đến một vài tài liệu quan tâm đến dạng sản phẩm thông tin tổng quan. 
Ví dụ TCVN 4523-88 về việc phân loại ấn phẩm thông tin có đưa ra các định nghĩa về 
một số dạng tổng quan, tuy được gọi bằng một thuật ngữ khác là tổng luận. Trong 
"Tài liệu hướng dẫn biên soạn tổng luận và chỉ dẫn phân tích" của Trung tâm Thông 
tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia thì tổng quan lại là thuật ngữ dùng để 
chỉ một dạng đặc biệt của bài tổng luận. Theo tài liệu này thì: "Tổng quan là một tổng 
luận biên soạn dưới dạng báo cáo tổng kết về các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công 
nghệ hoặc sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ cụ thể". [2; tr.5] nhằm cung cấp các 
dữ liệu thông tin được nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng về các thành tựu nổi bật trong 
và ngoài nước và các kiến nghị phát triển chúng. Cũng trong tài liệu này, Tổng 
luận được định nghĩa "là loại hình sản phẩm thông tin phân tích dưới dạng một tài 
liệu trình bày có hệ thống và cô đọng kết quả xử lý phân tích - tổng hợp nhiều nguồn 
tin (tài liệu) khác nhau xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định, về một vấn đề, 
đề tài nhất định, tức là về hiện trạng, mức độ và xu hướng phát triển của chúng" [2; 
tr.4]. 
Theo quan niệm trên đây thì tổng quan phải là một bản tin được biên soạn từ việc 
phân tích tổng hợp nhiều tài liệu khác nhau, không có tổng quan về một tài liệu. Quan 
niệm này cũng được một số nhà thư viện học Nga chia sẻ. 
Sở dĩ có sự khác biệt như vậy trong quan niệm về nội hàm của thuật ngữ "Tổng quan" 
là do mỗi nhóm tác giả trên đây đều xuất phát từ những mục đích riêng, từ cách tiếp 
cận riêng của mình. Họ đưa ra thuật ngữ để chỉ những sản phẩm thông tin mà họ biên 
soạn, phục vụ cho hoạt động thông tin của họ, mà không mấy quan tâm đến những lý 
luận chung về loại hình xử lý mô tả nội dung tài liệu này một cách hệ thống và toàn 
diện. Mặt khác, chính sự đa dạng và phức tạp của các bài viết, bản tin dạng tổng quan 
đã làm cho các tác giả này có những quan niệm khác nhau về nội hàm của thuật ngữ 
tổng quan. 
Tuy có quan niệm khác nhau về đối tượng của bài tổng quan, nhưng các tác giả trong 
và ngoài nước đều thống nhất với nhau ở một điểm là bài viết dạng tổng quan là bài 
viết mang tính tổng hợp, khái quát, cô đọng về một đối tượng nhất định. (Đối tượng 
này tuỳ theo từng quan niệm có thể là một tài liệu hay một đề tài được phản ánh trong 
một nhóm tài liệu). 
Qua khảo sát thực tiễn hoạt động thông tin trong và ngoài nước, xuất phát từ nội hàm 
của thuật ngữ đã dẫn trên đây, ta thấy rằng, Tổng quan (từ tương ứng trong tiếng Anh 
là review, Tiếng Nga là obzor), theo cách hiểu chung nhất, là một bản tin, một bài 
nghiên cứu độc lập phân tích, trình bày và đánh giá đầy đủ, khái quát, toàn diện các 
đặc điểm hình thức, nội dung, những ưu, nhược của một đơn vị tài liệu hay của một đề 
tài, chủ đề được phản ánh trong một nhóm tài liệu khác nhau. 
Tổng quan, nhìn chung, là một sản phẩm thông tin, là kết quả của một quá trình phân 
tích- tổng hợp thông tin hàm chứa trong tài liệu và tái hiện chúng theo một hệ thống 
mới, cô đọng và khái quát. Do đó biên soạn dạng sản phẩm thông tin này là một việc 
không dễ dàng, đòi hỏi phải có những kỹ năng phân tích, tổng hợp cao kết hợp với 
những khả năng giải mã những tài liệu chuyên ngành ở mức độ chuyên gia. Tuy nhiên 
tuỳ từng mục đích sử dụng loại sản phẩm thông tin này, mà nó có mức độ phức tạp, 
chuyên sâu, tính chất nghiên cứu khác nhau. 
2. Phân loại bài tổng quan 
Bài tổng quan có thể phân loại theo hai tiêu chí sau đây: Theo đối tượng xử lý và theo 
đặc điểm nội dung của nó. 
2.1. Phân loại theo đối tượng xử lý 
Theo đối tượng xử lý ta có bài tổng quan về một tài liệu (hay một đối tượng đơn nhất) 
và bài tổng quan về một đề tài phản ánh trong một nhóm tài liệu. 
2.1.1. Bài tổng quan về một tài liệu 
Bài tổng quan dạng này sẽ mô tả, đánh giá một cách toàn diện, khái quát nhất những 
đặc điểm nội dung, hình thức, nghệ thuật của một đơn vị tài liệu (hay một đối tượng 
đơn nhất) và đánh giá nhận xét những ưu, nhược của tài liệu đó, cùng những giá trị 
của tài liệu đối với đời sống xã hội và đóng góp của tài liệu cho việc nghiên cứu khoa 
học nói chung, cho đề tài mà tài liệu đó đề cập đến nói riêng. 
Bài tổng quan loại này thường được thể hiện dưới dạng bài nghiên cứu, giới thiệu tài 
liệu với nhiều mục đích khác nhau: từ tuyên truyền quảng cáo bán tài liệu, triển lãm 
trưng bày, công bố trên các tạp chí nghiên cứu khoa học như những công trình nghiên 
cứu mini, đến các báo cáo tóm tắt công trình nghiên cứu và các bài phản biện công 
trình nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy mà dung lượng của chúng cũng rất khác 
nhau, tuỳ thuộc vào từng loại, từng mục đích phục vụ. Tối thiểu thì bài tổng quan loại 
này có dung lượng là 500 từ, nhưng cũng có bài dài tới vài chục trang. 
2.1.2. Bài tổng quan về một đề tài phản ánh trong một nhóm tài liệu 
Bài tổng quan dạng này còn được gọi là bài tổng quan về một nhóm tài liệu. Nội dung 
của dạng tổng quan này là phân tích một cách toàn diện, hệ thống những thông tin về 
một đề tài (hay một sự kiện, một hoạt động) nhất định phản ánh trong nhiều nguồn tin 
(tài liệu) khác nhau, công bố trong một giai đoạn, một thời kỳ nhất định và tổng hợp 
chúng lại theo một hệ thống mới, cấu trúc mới, phản ánh toàn diện các khuynh hưóng, 
phương pháp, thành tựu và thiếu sót của việc nghiên cứu đề tài trong giai đoạn, thời 
kỳ đã chọn. Giúp người dùng tin có được một cái nhìn khái quát, toàn diện và hệ 
thống về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài đó (hay tình hình, diễn biến của 
một sự kiện, một hoạt động trong giai đoạn đó). 
Bài tổng quan dạng này thường phổ biến dưới dạng các bản tin độc lập, các bài nghiên 
cứu khoa học về một đề tài, một tác giả đăng trên các tạp chí nghiên cứu khoa học, các 
báo cáo tổng kết 
Nhìn chung, dung lượng của loại tổng quan này thường lớn hơn loại tổng quan về một 
tài liệu, tối thiểu là 1500 từ, đa số là dài tới vài chục trang, có thể dài tới hàng trăm 
trang. 
2.2 Phân loại theo đặc điểm nội dung của bài tổng quan 
Nội dung của bài tổng quan có thể rất sâu sắc, cũng có thể đơn giản hơn tuỳ thuộc vào 
trình độ của người biên soạn, mục đích sử dụng của bài tổng quan. Theo đặc điểm 
này, bài tổng quan có 3 loại: Tổng thuật, tổng quan thông thường và tổng luận. 
2.2.1. Tổng thuật 
Là dạng tổng quan đơn giản nhất, trong đó thuật lại một cách khách quan những ý 
tưởng, những nội dung thông tin rút ra từ các nguồn tin (tài liệu gốc) một cách hệ 
thống, cô đọng, không kèm theo những phân tích, nhận xét, đánh giá, phê phán hay 
kiến nghị của người biên soạn bài tổng quan. Dạng tổng thuật này có tài liệu gọi là 
Tổng luận tóm tắt [4; tr.4]. 
Bài tổng thuật không yêu cầu cao về khả năng tổng hợp thông tin của người viết như 
các dạng tổng quan khác. Kỹ năng quan trọng nhất của dạng tổng thuật là kỹ năng giải 
mã, rút các thông tin cần thiết và phân nhóm, sắp xếp các thông tin đó theo một hệ 
thống hợp lý, logic nhằm phản ánh được một cách khách quan nhất những nét chính, 
xu hướng nghiên cứu chính về đối tượng (đề tài). Việc tổng hợp, sắp xếp và tái hiện 
các thông tin này thành bài tổng thuật nhìn chung là đơn giản, không có sự so sánh, 
phân tích sâu sắc. Bài tổng thuật nhiều khi không có cấu trúc chặc chẽ, người biên 
soạn bài tổng thuật chỉ dùng một số lời dẫn đơn giản để kết nối các thông tin rút ra 
được trong quá trình phân tích thông tin thành một hệ thống. (xem phụ lục). 
Trong một bài tổng thuật, dung lượng thông tin phân tích và tách ra từ tài liệu gốc 
chiếm đến 80-90%, chỉ còn lại từ 10-20% là những lời dẫn của người biên soạn nhằm 
kết nối các thông tin đó thành một hệ thống. Trình độ, cá tính, quan điểm của người 
biên soạn bài tổng thuật chỉ có thể thể hiện một cách gián tiếp thông qua việc chọn lựa 
và hệ thống hoá thông tin, vì vậy không rõ nét như các bài tổng quan dạng khác. 
2.2.2. Bài tổng quan thông thường 
Là một bài viết có cấu trúc chặt chẽ, phản ánh một cách toàn diện, hệ thống về những 
đặc điểm hình thức, nghệ thuật, nội dung của tài liệu (một tài liệu đơn nhất, hay một 
nhóm tài liệu), đánh giá những thành tựu, thiếu sót của chúng. 
Bài tổng quan này có nội dung sâu sắc hơn, cách thể hiện thông tin gắn kết và nhuần 
nhuyễn hơn so với bài tổng thuật. Để tạo thành một bản tổng quan như vậy, người 
biên soạn bên cạnh việc trình bày những đặc điểm chính của nội dung còn giới thiệu 
một số đặc điểm khác như phong cách, hình thức trình bày, giá trị nội dung và nghệ 
thuật, thành tựu... của tài liệu dưới lăng kính của chính mình. 
Bài tổng quan thông thường có cấu trúc chặt chẽ, lôgic như một bài nghiên cứu khoa 
học. Tuy nhiên trong dung lượng của nó thường có 50- 60% thông tin được chọn lựa, 
rút ra từ các tài liệu gốc dưới các dạng cô đọng và khái quát, còn 40- 50% là những 
nhận xét, đánh giá của người biên soạn bài tổng quan. So với bài tổng thuật, bài tổng 
quan thông thường thể hiện rõ nét hơn tính cách, trình độ, kiến thức và kỹ năng và đặc 
biệt là quan điểm, cảm nhận của người biên soạn đối với các thông tin phản ánh trong 
tài liệu gốc. Bởi vì những đặc điểm đó không phải chỉ thể hiện gián tiếp qua cách hệ 
thống hoá thông tin mà còn trực tiếp qua các nhận định, đánh giá và cảm nhận của 
người biên soạn đối với những thông tin của tài liệu gốc. 
2.2.3. Tổng luận 
Tổng luận là một dạng tổng quan đặc biệt, trong đó trình bày một cách hệ thống, toàn 
diện, cô đọng, logic những thông tin phân tích được từ đối tượng (thường là từ nhiều 
tài liệu) và luận bàn, đánh giá, so sánh các thông tin đó để rút ra những kết luận, nhận 
định có tính định hướng, lý luận, khái quát về vấn đề được nghiên cứu, đồng thời cũng 
đưa ra các kiến giải, kiến nghị, khuyến nghị của người biên soạn bài tổng luận về các 
vấn đề được nghiên cứu. 
Tổng luận là dạng tổng quan đòi hỏi cao nhất về trình độ và kỹ năng của người biên 
soạn. Một bài tổng luận không chỉ là một sản phẩm thông tin thông thường, nó còn là 
một công trình nghiên cứu mini, trong đó người biên soạn không chỉ tổng hợp các 
thông tin đã có về đề tài nghiên cứu, đánh giá, bình luận các thông tin đó mà còn phải 
đưa ra một số vấn đề, khía cạnh, cái nhìn mới đối với đề tài và có thể cả các biện 
pháp, quan điểm cụ thể để giải quyết các vấn đề đó theo quan điểm của tác giả biên 
soạn, viết tổng luận. 
Bài tổng luận phải có bố cục chặt chẽ, logic, thể hiện rõ quan điểm và hướng tiếp cận 
của tác giả biên soạn. Trong bài tổng luận các thông tin được rút ra từ các tài liệu gốc 
chỉ chiếm 20-30% còn lại 70-80% là những đánh giá, bình luận, kiến giải, lý giải của 
tác giả bài tổng luận về các thông tin, các dữ liệu, các quan điểm của tài liệu gốc. 
Khác với hai dạng tổng quan nêu trên, bài tổng luận không chỉ thể hiện trình độ xử lý 
thông tin mà còn cả trình độ lý luận, khả năng quan sát tinh tế và khả năng tư duy, suy 
luận của tác giả tổng luận. Nhìn chung, bài tổng luận là một bài nghiên cứu khoa học 
thực sự, vì vậy để viết dạng tổng quan đặc biệt này phải là các chuyên gia chuyên 
ngành, những người am hiểu sâu sắc về lĩnh vực là đề tài của bài tổng luận. 
Bảng nhận diện, so sánh dưới đây cho thấy rõ các điểm giống và khác nhau của ba 
loại bài tổng quan được phân loại theo đặc điểm nội dung: 
NHẬN DIỆN, SO SÁNH BÀI TỔNG THUẬT, TỔNG QUAN THÔNG 
THƯỜNG VÀ TỔNG LUẬN 
Những số liệu về tỷ lệ dung lượng thông tin trên đây, thực ra chỉ là tương đối, được 
rút ra trong quá tình khảo sát thực tế các bài viết thuộc các thể loại nêu trên. Tỷ lệ này 
có thể luôn luôn dao động. 
Như vậy ta thấy, bài tổng quan là một dạng sản phẩm thông tin được sử dụng khá rộng 
rãi trong công tác thông tin và nghiên cứu khoa học. Sự đa dạng về mục đích sử dụng 
và kèm theo đó là sự đa dạng về hình thức thể hiện và mức độ phức tạp của nó đã tạo 
ra các thuật ngữ khác nhau. Khung phân loại mà chúng tôi đề xuất trên đây sẽ tránh 
được sự trùng lặp và lúng túng khi sử dụng các thuật ngữ nêu trên và nhận diện rõ nét 
từng loại tổng quan cần thiết để phục vụ cho các mục đích thông tin và nghiên cứu 
khác nhau. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Biên soạn tổng luận và chỉ dẫn phân tích : tài liệu hướng dẫn / Trung tâm Thông tin 
Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia. - H., 1993. 
2. Bộ Khoa học và Công nghệ. Trung tâm Thông tin tư liệu Khoa học và Công nghệ 
Quốc gia. Tổng quan Công nghệ cao . - 2003. - số 1. 
3. Introduction to the Techniques of Information and Documentation. - Paris : 
UNESCO, 1983. 
4. King, Lester S. The book review. - Jama, Vol 
205. - 1968. 
5. Manten, A.A. Book review in primary journal' // Journal of technical writing and 
communication. - vol.5. - 1975. 
6. Nguyễn Như Ý. Đại từ điển tiếng Việt. - H. : Khoa học xã hội, 2003. 
7. Review and Reviewing: A guide / Ed. By A.J.Walford. - Phoenix : The Oryx Press. 
- 1986 
8. TCVN 4523-88. Ấn phẩm thông tin: Phân loại, cấu trúc, trình bày. - Có hiệu lực từ 
01-01-1988. 
__________________ 
ThS. Nguyễn Thị Kim Loan 
Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội 
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2(28) – 2011 (tr.25-29) 

File đính kèm:

  • pdfnhan_dien_va_phan_loai_bai_tong_quan.pdf