Phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện trường phổ thông

Tóm tắt Phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện trường phổ thông: ...i gian ngắn về công tác thư viện, chưa nắm vững chuyên môn nghiệp vụ cần thiết, làm công việc chủ yếu là giữ sách, báo, ít quan tâm đến phần nghiệp vụ và phục vụ đối tượng bạn đọc rất đặc thù là giáo viên và học sinh. Một số ít cán bộ thư viện được đào tạo từ trung cấp thư viện trở lên lại k...nhiều hơn số cán bộ thư viện chuyên trách. Thật ra công tác thư viện nếu làm tốt, đúng nghĩa thì cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, kể cả trí tuệ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi công nghệ thông tin đang có những tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực. Đây không đơn t...a đang tiến hành cải cách giáo dục, phương pháp giảng dạy và học tập mới đòi hỏi tính năng động sáng tạo của cả người dạy và người học. Nếu không có một thư viện hỗ trợ hiệu quả, khó mà có thể thay đổi được cách dạy và cách học cũ. Trong tuyên ngôn của tổ chức IFLA (Hiệp hội thư viện thế giớ...

pdf10 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 308 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện trường phổ thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện trường phổ thông 
1. Đặt vấn đề 
Trong trường học, thư viện đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ cho giáo 
viên và học sinh trong việc giảng dạy và học tập. Việc đổi mới phương pháp 
dạy và học rất cần sự hỗ trợ của thư viện để học sinh chủ động hơn trong tiếp 
thu kiến thức, lấy tự học, tự nghiên cứu; giáo viên thay đổi cách dạy, cách 
chuẩn bị bài giảng,... 
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá cao vai trò của thư viện trường 
học. Điều đó thể hiện ở chỗ: Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá các 
trường phổ thông đạt chuẩn là thư viện của trường học đó phải đạt chuẩn; 
Một trong những tiêu chí để nâng cấp trường từ trung học lên cao đẳng, từ 
cao đẳng lên đại học là thư viện trường phải đạt một số tiêu chuẩn nhất định. 
Thực tế hiện nay, bên cạnh những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, 
nguồn vốn tài liệu, các thư viện trường học còn thiếu trầm trọng đội ngũ cán 
bộ. Chất lượng của đội ngũ này cũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến. 
Tổ chức UNESCO đã khẳng định: “Con người đứng ở trung tâm của sự phát 
triển, là tác nhân và mục đích của sự phát triển”. 
Quả thật con người là vốn quý nhất mà tạo hóa ban tặng cho trái đất này! Để 
thư viện trường học hoạt động hiệu quả và hỗ trợ đắc lực cho việc giảng dạy, 
học tập, đội ngũ cán bộ thư viện phải thực sự đủ và mạnh, cả về lượng và 
chất. 
2. Thực trạng nguồn nhân lực trong thư viện các trường phổ thông 
Theo báo cáo của bộ phận phụ trách thư viện trường phổ thông thuộc Nhà 
xuất bản Giáo dục, trong năm học 2006-2007, cả nước hiện có 27.280 trường 
học trong đó số trường có thư viện là 23.251, đạt tỉ lệ 85,2%. Đội ngũ cán bộ 
thư viện trường phổ thông hiện có 26.414 người trong đó chuyên trách là 
11.020 người, đạt tỉ lệ 41,7%; Cán bộ thư viện kiêm nhiệm là 15.394 người, 
đạt tỉ lệ là 58,3%. 
Từ những con số trên chúng ta thấy hiện nay, chỉ có khoảng 1 cán bộ tại 1 
thư viện trường phổ thông. Trong cả nước, chưa được một nửa là cán bộ thư 
viện chuyên trách còn hơn một nửa là cán bộ kiêm nhiệm. Điều này có những 
nguyên nhân sâu xa từ chế độ đãi ngộ sẽ được đề cập đến ở phần sau. 
Tại miền Bắc, số cán bộ thư viện chuyên trách là 3.220 người chiếm tỉ lệ 
22,9%, cán bộ kiêm nhiệm là 10.833 người chiếm tỉ lệ 77,1%. Tại miền 
Trung, cán bộ thư viện chuyên trách là 1.550 người chiếm tỉ lệ 52%, cán bộ 
kiêm nhiệm là 1.431 người chiếm tỉ lệ 48%. Tại miền Nam, cán bộ thư viện 
chuyên trách là 6.250 người chiếm tỉ lệ 66,6%, cán bộ kiêm nhiệm là 3.130 
người chiếm tỉ lệ 33,4%. 
Tỉ lệ 22,9% cán bộ thư viện chuyên trách ở miền Bắc cho thấy đội ngũ cán bộ 
thư viện ở vùng này đa số là kiêm nhiệm. Tại miền Nam số cán bộ thư viện 
chuyên trách có cao hơn (66,6%) nhưng số kiêm nhiệm không phải là ít 
(33,4%). 
Thư viện là một ngành khoa học đặc thù đòi hỏi những yêu cầu cơ bản về kỹ 
thuật xử lý và bảo quản nguồn tài liệu, kỹ năng quản lý và chuyển giao nguồn 
vốn ấy đến bạn đọc. Chính vì vậy, rất cần những người có hiểu biết chuyên 
môn khi làm việc trong thư viện. 
Trường học là nơi đào tạo con người vì vậy rất cần những người làm việc 
trong môi trường ấy có kiến thức sư phạm. 
Chính vì vậy, khi yêu cầu về cán bộ thư viện trường học thể hiện ở điều 7 của 
Quy chế về tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông do Bộ trưởng Bộ 
Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 6 tháng 11 năm 1998, có đoạn 
viết:”Giáo viên phụ trách công tác thư viện phải tốt nghiệp sư phạm từ 
trung học trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thư viện. Nếu là 
người phụ trách thư viện được đào tạo từ các trường nghiệp vụ thư viện-
thông tin văn hóa thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để trở thành 
giáo viên phụ trách công tác thư viện”.(1) 
Trong thực tế, ít có cán bộ thư viện trường phổ thông đạt cả 2 yêu cầu trên. 
Một trong những lý do chính là phần lớn Ban giám hiệu các trường phổ thông 
còn xem nhẹ công tác thư viện trong nhà trường. 
Những người tốt nghiệp từ trung học sư phạm trở lên khi chuyển qua làm thư 
viện chuyên trách thông thường là vì một lý do nào đó mà không còn đứng 
lớp được (Bị bệnh hay không có khả năng giảng dạy, bị kỷ luật). Một số 
giáo viên thư viện kiêm nhiệm do dạy không đủ giờ. Một cán bộ Phòng giáo 
dục phụ trách công tác thư viện tại Hậu Giang từng có lần “chua chát” nói: 
“Trong trường học, thư viện như một chỗ trũng, rác thải ở các nơi cứ đổ 
vào”. Những người này thông thường chỉ được công ty sách thiết bị trường 
học ở địa phương tập huấn một thời gian ngắn về công tác thư viện, chưa 
nắm vững chuyên môn nghiệp vụ cần thiết, làm công việc chủ yếu là giữ 
sách, báo, ít quan tâm đến phần nghiệp vụ và phục vụ đối tượng bạn đọc rất 
đặc thù là giáo viên và học sinh. 
Một số ít cán bộ thư viện được đào tạo từ trung cấp thư viện trở lên lại không 
có nghiệp vụ sư phạm. Ban giám hiệu các trường phổ thông thường không 
đưa đối tượng này đi bồi dưỡng thêm về sư phạm vì thấy không cần thiết. 
Hoạt động trường học có những điểm rất khác biệt so với những cơ quan, tổ 
chức khác. Đặc biệt đối tượng học sinh phổ thông (cấp 1,2,3) có những đặc 
điểm tâm sinh lý riêng, cần phải hiểu và nắm bắt để có thể đáp ứng và tạo cho 
các em niềm say mê, hứng thú với việc đọc, từ đó kích thích, động viên các 
em tự học hỏi, tìm hiểu để mở rộng kiến thức, sau này trở thành những con 
người năng động và sáng tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên lại có những đặc 
điểm tâm lý và nhu cầu đọc khác biệt với các em học sinh, nếu nắm bắt được 
sẽ đáp ứng kịp thời và hỗ trợ đắc lực cho công việc quản lý và giảng dạy của 
đối tượng này. 
3. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ thư viện trường phổ thông 
Trong Quy định tiêu chuẩn Thư viện trường phổ thông ban hành kèm Quyết 
định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 2 tháng 1 năm 2003 của Bộ Giáo dục và 
Đào tạo có nêu rõ “Nếu là giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện 
được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác như giáo viên đứng lớp. Cán bộ 
thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ 
thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành Văn hóa-
Thông tin quy định”. Trong Thông tư số 25/2006/TT-BVHTT do Bộ Văn 
hóa-Thông tin ban hành ngày 21 tháng 2 năm 2006 về Hướng dẫn chế độ phụ 
cấp độc hại, nguy hiểm có nêu rõ: “ Phụ cấp mức 2: Hệ số 0,20 so với 
lương tối thiểu áp dụng đối với những người trực tiếp làm nghề, công việc 
kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo trong kho 
lưu trữ của thư viện” 
Hiện nay những người có bằng nghiệp vụ thư viện hoặc là cán bộ thư viện 
chuyên trách (Mà không có bằng cấp về thư viện) khi làm việc trong các 
trường phổ thông thường không an tâm công tác do không có chế độ đãi ngộ. 
Đa số các trường không áp dụng Quy định ưu đãi của Bộ Văn hóa -Thông tin 
đối với cán bộ thư viện chuyên trách vì không biết công văn này hoặc nếu 
biết thì cho rằng: ”Làm thư viện không có gì là độc hại, nguy hiểm cả”. Nếu 
là giáo viên giảng dạy kiêm thư viện thì ngoài lương cơ bản được hưởng 
thêm phụ cấp 30% một tháng của giáo viên. Nếu làm thư viện chuyên trách 
(có hoặc không có bằng nghiệp vụ thư viện, không tham gia giảng dạy) thì 
không được hưởng khoản phụ cấp 30% này. Trong cùng một ngôi trường mà 
chế độ ưu đãi khác nhau dẫn đến sự so sánh, bức xúc, cảm thấy bị xem nhẹ, 
thua thiệt. Từ đó, người làm công tác thư viện chuyên trách không an tâm 
công tác hoặc chỉ làm chiếu lệ. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến 
việc số cán bộ thư viện kiêm nhiệm trong cả nước hiện nay nhiều hơn số cán 
bộ thư viện chuyên trách. 
Thật ra công tác thư viện nếu làm tốt, đúng nghĩa thì cần phải đầu tư rất nhiều 
thời gian và công sức, kể cả trí tuệ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi công 
nghệ thông tin đang có những tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực. Đây 
không đơn thuần là công việc bằng chân tay (chỉ đơn giản là đi lấy sách cho 
mượn và nhận trả sách) mà đòi hỏi người làm thư viện phải nắm bắt và hiểu 
được nguồn tài liệu họ đang quản lý, hiểu đối tượng mà họ đang phục vụ, có 
nghiệp vụ để sắp xếp và quản lý thư viện một cách khoa học và hợp lý, là 
chiếc cầu nối hữu hiệu để đưa nguồn tri thức đến cán bộ, giáo viên và học 
sinh. 
Theo thông tư liên bộ số 35/2006/TTLB-BGD-BNV do Bộ trưởng Bộ Giáo 
dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ký ngày 23/8/2006 về “Hướng dẫn định mức 
biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”, mỗi trường 
học được bố trí một cán bộ chuyên trách vừa làm công tác thư viện, vừa làm 
công tác thiết bị (trừ trường tiểu học hạng 1, trường chuyên biệt, trường 
THPT chất lượng cao). Thông tư này đã tạo điều kiện để mỗi trường có một 
người chuyên làm công tác thư viện và thiết bị. (Đây là mặt tích cực so với 
Thông tư liên bộ số 27/TT-CB ký ngày 7 tháng 12 năm 1992 quy định ở bậc 
tiểu học chỉ có 1 cán bộ thư viện chuyên trách còn lại là kiêm nhiệm, ở cấp 2, 
3 trên 27 lớp mới có 1 cán bộ chuyên trách)(3). Thế nhưng, đối với trường có 
ít hay nhiều lớp học, có thư viện lớn hay nhỏ, có thiết bị nhiều hay ít đều chỉ 
có một biên chế ngang nhau. Cùng một lúc phải làm cả 2 công việc (vừa thư 
viện vừa thiết bị) ở một trường có khoảng 30 lớp trở lên là một gánh nặng và 
quá tải. Hơn nữa, người làm công tác thư viện chuyên trách ngoài lương lại 
không được hưởng phụ cấp 30%/tháng dành cho giáo viên và cán bộ thư viện 
kiêm nhiệm, không được hưởng phụ cấp độc hại. Vì vậy, trong trường học, 
gần như không ai muốn làm cán bộ thư viện chuyên trách (trừ những trường 
hợp đặc biệt). 
Thực tế hiện nay trong cả nước, số cán bộ thư viện kiêm nhiệm (58,3%) 
nhiều hơn cán bộ thư viện chuyên trách (41,7%). Giáo viên kiêm nhiệm thư 
viện ở trường phổ thông còn phải dạy 6 tiết/1 tuần hoặc kiêm thêm công việc 
khác. Đa số những người này chỉ được tập huấn ngắn hạn về thư viện, kiêm 
thêm thư viện vì không đủ giờ hoặc vì trường thiếu người phụ trách thư viện. 
Số cán bộ kiêm nhiệm này phần đông không tâm huyết với nghề thư viện, 
làm việc với tâm trạng tạm thời, không gắn bó. Họ cũng không muốn được 
chuyển sang làm chuyên trách thư viện vì sẽ bị cắt mất 30% phụ cấp hàng 
tháng. Kiêm thêm công tác thư viện, vừa phải gánh thêm trách nhiệm, vừa 
vất vả hơn. Vì vậy đa số chỉ muốn làm tạm thời, nếu có cơ hội là thay đổi. 
Với đội ngũ cán bộ thư viện như hiện nay, thật khó có thể phát huy được hết 
hiệu quả của công tác thư viện trường học. Thư viện lúc này sẽ chỉ tồn tại 
như một hình thức cần phải có, chứ không tác động và hỗ trợ được cho hoạt 
động giảng dạy và học tập. Chúng ta đang tiến hành cải cách giáo dục, 
phương pháp giảng dạy và học tập mới đòi hỏi tính năng động sáng tạo của 
cả người dạy và người học. Nếu không có một thư viện hỗ trợ hiệu quả, khó 
mà có thể thay đổi được cách dạy và cách học cũ. 
Trong tuyên ngôn của tổ chức IFLA (Hiệp hội thư viện thế giới) về Thư viện 
trường học, vai trò của thư viện trường học trong giảng dạy và học tập có 
đoạn viết: ”Cán bộ thư viện trường học (TVTH) là những người được đào tạo 
chính quy về nghiệp vụ, họ chịu trách nhiệm lập kế hoạch và quản lý TVTH, 
số lượng cán bộ TVTH phải được phân bổ đầy đủ, họ cộng tác với mọi thành 
viên trong trường học, duy trì mối quan hệ với thư viện công cộng và các thư 
viện khác. Vai trò của cán bộ TVTH rất đa dạng tùy thuộc vào kinh phí, 
chương trình và phương pháp giảng dạy của nhà trường, họ hoạt động trong 
khuôn khổ luật pháp và tài chính của từng quốc gia. Trong những hoàn cảnh 
cụ thể, đối với những lĩnh vực tri thức chung, thiết yếu thì cán bộ thư viện 
phải phát triển và vận hành có hiệu quả các dịch vụ của TVTH như: Nguồn 
lực, thư viện, quản lý thông tin, giảng dạy. Nằm trong một mạng lưới phát 
triển không ngừng, cán bộ TVTH phải có khả năng lập kế hoạch và hướng 
dẫn những kỹ năng xử lý thông tin cho cả giáo viên và học sinh. Vì thế họ 
phải được tiếp tục đào tạo và phát triển nghiệp vụ chuyên môn của mình”.(2) 
4. Các giải pháp và kiến nghị 
Để phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện trường phổ thông, cần 
phải có những giải pháp được thực hiện đồng bộ và triệt để. 
- Trước tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một hành lang pháp lý phù hợp 
về quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực, về chế độ đãi ngộ, về những quy 
định cụ thể đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện trường học Tại cơ 
quan của Bộ cũng cần bố trí cán bộ chuyên trách có chuyên môn nghiệp vụ 
thư viện để quản lý, theo dõi hoạt động của hệ thống thư viện trường học 
nhằm điều tiết kịp thời những bất cập chứ không thể “khoán trắng” cho Nhà 
xuất bản Giáo dục như hiện nay. 
- Bộ phận phụ trách thư viện trong cơ quan Sách-Thiết bị trường học thuộc 
Nhà xuất bản Giáo dục ở các địa phương cũng cần những người có chuyên 
môn nghiệp vụ thư viện và thường xuyên được đào tạo lại, đào tạo nâng cao. 
Hiện nay, người phụ trách mảng thư viện-thiết bị đa số là kiêm nhiệm, chỉ 
một số rất ít có chuyên môn nghiệp vụ thư viện. 
- Ban giám hiệu của các trường phổ thông cần đánh giá đúng vị trí, vai trò 
của thư viện trong nhà trường để tạo điều kiện cho thư viện phát triển, để có 
cách bố trí, sắp xếp cán bộ thư viện phù hợp. Những động viên, khích lệ 
thường xuyên và quan tâm đúng mức đến những người đang làm việc âm 
thầm trong thư viện sẽ giúp họ vượt qua khó khăn thử thách, vượt qua cả 
những thiệt thòi về vật chất để có thể cống hiến nhiều nhất cho trường học. 
- Về chế độ đãi ngộ hiện nay, đối với cán bộ thư viện chuyên trách, có thể 
vận dụng quy định của Bộ Văn hóa-Thông tin về chế độ bồi dưỡng độc hại. 
Được thêm 20% phụ cấp hàng tháng, dù không bằng cán bộ thư viện kiêm 
nhiệm (30%) cũng là niềm động viên khích lệ để số cán bộ thư viện chuyên 
trách an tâm công tác. Có như vậy mới có thể giảm số cán bộ kiêm nhiệm, 
tăng cán bộ thư viện chuyên trách. 
- Không thể tiếp tục duy trì đội ngũ cán bộ thư viện kiêm nhiệm nhiều như 
hiện nay vì nếu không có những con người tâm huyết, để hết trí tuệ và công 
sức vào công việc, thư viện trường học sẽ không thể làm tốt vai trò nhiệm vụ 
của mình. 
- Công nghệ thông tin đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của toàn xã 
hội. Mạng Internet kết nối con người khắp nơi trên trái đất và mang trong nó 
một lượng thông tin khổng lồ, nóng hổi. Thư viện chính là chiếc cầu nối hữu 
hiệu giữa nguồn tri thức của nhân loại với đội ngũ giáo viên và học sinh. 
Không thể cứ duy trì tình trạng lạc hậu như hiện nay, các thư viện trường học 
cần phải thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của mình, trong đó có việc 
ứng dụng công nghệ tin học. 
Hơn bao giờ hết lúc này, rất cần những con người có kỹ năng, trí tuệ, được 
đào tạo bài bản để làm việc trong các thư viện trường học. 
Tài liệu tham khảo 
1. Ban bí thư Trung ương (2004). Chỉ thị số 40 CT-TƯ ngày 15 tháng 6 
năm 2004, Hà Nội 
2. Vụ thư viện. Về công tác thư viện. – H.: Nxb. Hà Nội, 2008. - tr.121, 291 
3. Lê Văn Viết. Văn bản pháp quy Việt Nam về thư viện. – H.: Nxb. Đại học 
Quốc gia Hà Nội, 2007. - tr.87 
___________________ 
Th.s Dương Thị Vân: Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ 

File đính kèm:

  • pdfphat_trien_nguon_nhan_luc_trong_he_thong_thu_vien_truong_pho.pdf