Sức sống ngàn năm của sản phẩm văn hóa đọc Thăng Long - Hà Nội
Tóm tắt Sức sống ngàn năm của sản phẩm văn hóa đọc Thăng Long - Hà Nội: ...ng Bình Ngô Đại cáo khi đánh giá về trí tuệ và khí phách Việt Nam, nội dung bài cáo này đã khẳng định đoàn kết quá khứ là hào kiệt đời nào cũng có. Từ “hào kiệt” ở đây có thể hiểu đó là những người sáng tạo ra các giá trị văn hóa đọc và biết vận dụng các giá trị của văn hóa đọc vào công cuộc x...gười nổi tiếng ham học, ham đọc. Đó là Đặng Trần Côn, tương truyền rằng ông đã đào hầm, thắp đèn dưới lòng đất để đêm ngày đọc sách. Gương đọc sách của Đặng Trần Côn đã đi vào truyền thuyết được truyền tụng mấy trăm năm nay, giáo dục bao thế hệ lòng đam mê trong cuộc hành trình vào xứ sở văn h...uy Tốn với tác phẩm Sống chết mặc bay (1919) và cùng với nhà văn Nguyễn Bá Học ông đã đánh dấu bước chuyển mình của văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tương tầm với truyện ngắn Phạm Duy Tốn, tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã mở đầu cho nền tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam từ những năm 20...
Sức sống ngàn năm của sản phẩm văn hóa đọc Thăng Long - Hà Nội Trong dòng chảy 1000 năm của mình vùng đất Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội đã để lại những giá trị văn hóa khổng lồ tiêu biểu cho tài hoa, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam. Những giá trị đó phải kể đến di sản kiến trúc đế đô và diện mạo kiến trúc tôn giáo. Kiến trúc phố cổ, phố nghề hoặc kết hợp hài hòa phố nghề với phố thị, làng nghề. Đó là lối sống, cách ứng xử với tự nhiên với xã hội để hình thành nhân cách con người kinh đô xưa và thủ đô nay thanh lịch, hào hoa. Đó là những kỳ tích trong chiến tranh dựng nước, giữ nước gắn với giao thương đô hội nối phố mở phường hình thành những giá trị nhân văn, đạo lý kinh bang tế thế. Đó là sự hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cố kết một thủ đô thiên niên kỷ để cho cả nước trong đó có “trời Nam ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, bè bạn mến yêu. Một trong những giá trị của ngàn năm Thăng Long – Hà Nội phải kể đến đó là sự hình thành, phát huy, phát triển và sức sống mãnh liệt sự tỏa sáng của sản phẩm văn hóa đọc. Đại Việt sử ký toàn thư – một sản phẩm văn hóa đọc Thăng Long từ thế kỷ 15 đã ghi lại: “Năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên, năm đầu (1010) Lý Thái Tổ cho kinh đô cũ của nhà Đinh, nhà Lê ở Hoa Lư (Ninh Bình) là nơi ẩm thấp chật hẹp. Ông tự tay viết bài chiếu này bày tỏ ý định dời đô ra thành Đại La. Khi thuyền rồng của vua đến dưới thành thì điềm lành, xuất hiện rồng bay lên, vua nhân đó đổi tên thành Thăng Long”. Điều này cho phép ta có quyền khẳng định văn bản Chiếu dời đô của đế vương Lý Công Uẩn là sản phẩm văn hóa đọc đầu tiên mang tính thiên cổ hùng văn của Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Ngày nay, chỉ việc mở rộng thủ đô thôi cũng gây chấn động dư luận hàng năm ròng thì ngàn năm trước chuyện dời đô quả là kinh thiên động địa. Có thể nói Hoa Lư là đế đô bóng đêm bởi sự hiểm trở kín đáo che mắt kẻ thù, thì Thăng Long là đế đô ánh sáng “ngạo nghễ” giữa châu thổ sông Hồng hiên ngang đối mặt với sức ép lịch sử của các vương triều Phương Bắc. Điều gì đã làm nên sức mạnh kỳ diệu của văn bản văn hóa đọc Chiếu dời đô. Tin chắc rằng sản phẩm văn hóa này đã đi vào tâm khảm quan quân triều đình, sĩ phu, nhân sĩ và quan lại trấn thủ các vùng miền cùng đông đảo cư dân Đại Việt. Và phải chăng từ những ngôn từ ngữ nghĩa minh triết đó đã tiếp sức cho công cuộc dời đô lịch sử, cắm một cột mốc huy hoàng khai sinh ra đế đô Thăng Long. Một sản phẩm văn hóa đọc độc đáo khác của Thăng Long vào thế kỷ 12 là bài thơ thần của tướng quốc Lý Thường Kiệt “Nam quốc Sơn hà Nam đế cư”. Sản phẩm văn hóa đọc này độc đáo ở chỗ dùng mật viết trên lá cây. Loài kiến và côn trùng ăn lá có viết mật là hiện rõ chứ ghi bài thơ thần mang thông điệp sấm trạng kia. Gió bay, lá rụng, bài thơ thần sản phẩm văn hóa đọc độc nhất vô nhị kia phát tán khắp kinh thành Thăng Long và vùng đất Kinh Bắc. Quân dân ta đọc bài thơ thì hào khí Đông A dậy đất động trời thế trận chẻ tre. Quân xâm lược Nguyên Mông đọc thơ hồn xiêu phách lạc, tim đập chân run. Sản phẩm văn hóa đọc Thăng Long còn mãi trường tồn phải kể đến Hịch tướng sĩ văn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại cáo của đế vương Lê Lợi và đại thi hào Nguyễn Trãi. Nếu chỉ đơn thuần là lời kêu gọi tướng sĩ, hay chỉ bó gọn trong bản thông báo kết thúc cuộc chiến tranh thì văn bản đó khó vượt qua thời đại đó. Nhưng một khi nó đã là sản phẩm văn hóa đọc mang tâm hồn của dân tộc thì sức lan truyền phổ biến rất sâu rộng và sức sống của nó càng tỏ rõ sự dẻo dai bền vững tới mọi thời đại. Có thể nói văn hóa Thăng Long đã sản sinh ra Hịch tướng sĩ văn và Bình Ngô Đại cáo và cũng chính sản phẩm văn hóa đọc này là góp phần làm vẻ vang rạng rỡ đất Thăng Long xưa. Trong Bình Ngô Đại cáo khi đánh giá về trí tuệ và khí phách Việt Nam, nội dung bài cáo này đã khẳng định đoàn kết quá khứ là hào kiệt đời nào cũng có. Từ “hào kiệt” ở đây có thể hiểu đó là những người sáng tạo ra các giá trị văn hóa đọc và biết vận dụng các giá trị của văn hóa đọc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước mà Thăng Long – Hà Nội là trái tim yêu dấu. Những hào kiệt thời xa xưa đó chính là đội ngũ trí thức hội tụ về Thăng Long mở trường Quốc tử giám, tạc lên bia tiến sĩ khai sáng văn hóa đọc ở đất Thăng Long. Để lại cho hậu thế những bộ sử ký khổng lồ, những bộ địa chí đồ sộ, những tác phẩm thơ văn bất hủ, những bộ kinh kệ, thư tịch khai sáng một hội Tao Đàn nho nhã, một bộ chữ Nôm uyên thâm là khát vọng của một nền văn hóa đọc tự chủ độc lập và đích thực Thăng Long đất Việt. Còn lại cho ngày nay những sản phẩm văn hóa đọc tuyệt tác của Thăng Long là minh chứng cho một thủ đô văn hiến có bề dày ngàn tuổi. Nếu thế kỷ 15 văn hóa đọc thuộc về hào kiệt thì thế kỷ 18 chủ nhân sáng tạo sản phẩm văn hóa đọc của Thăng Long là sĩ phu Bắc Hà. Thời kỳ này Thăng Long - Hà Nội đã nảy nở ra những tài năng kiệt xuất đỉnh cao sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa đọc. Hội Tao Đàn do Hoàng đế nhà thơ Lê Thánh Tông thành lập năm 1495 tại kinh thành Thăng Long với sự tham gia của 28 thành viên vào bậc văn nhân hào kiệt. Sự có mặt đóng góp trí tuệ hình thành sản phẩm văn hóa đọc thơ phú ấy ứng với 28 chòm sao theo quan niệm thiên văn cổ Trung đại Phương Đông cho thấy giá trị thiêng liêng phổ quát của hội. Văn hóa đọc của Hội Tao Đàn đã thực sự tỏa sáng qua nhiều thế kỷ và còn soi sáng đến ngày nay. Đã có một hiện tượng văn hóa đọc độc nhất vô nhị của nước Nam ta tồn tại ở Thăng Long vào thế kỷ 18 đầy biến động. Đó là một Ngô gia văn phái, dòng họ văn học riêng của dòng họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Sản phẩm văn hóa đọc dòng họ này gồm 36 quyển thơ văn của 15 tác giả bao gồm: Thơ, phú, truyện, ký, sử học, triết học, khảo cứu mà tác giả tiêu biểu nhất là Ngô Thì Sĩ (1726-1780). Điều đó đủ nói về văn hóa đọc đã thấm đẫm trong văn hóa dòng họ để từ đó sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đọc khác. Với công thức đọc 1 ngàn trang để viết ra được sản phẩm đọc 1 trang như đương thời truyền lại cũng đủ nói là dòng họ này đã cảm thụ văn hóa đọc đến nhường nào. Và suy rộng ra đủ để hình dung văn hóa đọc Thăng Long thời ấy. Vào thời cuối Lê, đầu Nguyễn thế kỷ 18 vùng đất quận Thanh Xuân ngày nay đã có một con người nổi tiếng ham học, ham đọc. Đó là Đặng Trần Côn, tương truyền rằng ông đã đào hầm, thắp đèn dưới lòng đất để đêm ngày đọc sách. Gương đọc sách của Đặng Trần Côn đã đi vào truyền thuyết được truyền tụng mấy trăm năm nay, giáo dục bao thế hệ lòng đam mê trong cuộc hành trình vào xứ sở văn hóa đọc. Cũng chính nhờ có chặng đường văn hóa đọc khổ công đó mà Đặng Trần Côn mới làm rung lên khúc bi thương của người chinh phụ - một sản phẩm văn hóa đọc bất hủ mà người đời được thưởng thức qua bản dịch diễn Nôm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Văn hóa đọc Thăng Long xưa có sức lay động, quyến rũ đến kỳ lạ, điều đó đã ám ảnh bậc danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Chỉ một lần rời Ngàn phố, Lam giang xứ Nghệ ra kinh kỳ chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm năm 1782 mà ông đã để lại sản phẩm văn hóa đọc độc đáo: Thượng kinh ký sự, trở thành thiên ký sự đột xuất đầu tiên, có giá trị lâu bền của Thăng Long – Hà Nội. Nhắc đến văn hóa đọc Thăng Long không thể không kể đến đại thi hào Nguyễn Du, người đã đem lại cho Thăng Long xưa những kiệt tác về thi phẩm trữ tình và cũng chính mảnh đất hào hoa đô hội Thăng Long đã hình thành nên thiên tài Nguyễn Du cùng với những giá trị thơ ca của ông vượt lên mọi thời đại và tiếp cận với thi ca của nhân loại. Choáng ngợp bởi thiên tình sử Truyện Kiều nên ít người nhắc tới hai sản phẩm văn hóa đọc về Thăng Long của Nguyễn Du. Đó là tác phẩm thơ Mộng đắc thái tiên (mơ hái sen Tây Hồ) và Long thành cầm giả ca (bài ca người gảy đàn cầm ở kinh thành Thăng Long). Hai bài thơ này là hai tác phẩm tuyệt tác về đất và người Thăng Long đã được đại thi hào Nguyễn Du thể hiện qua các áng thơ làm xúc động lòng người. Tiếp sau thời đại Nguyễn Du, trong những biến đổi của xã hội đương đại và một thời Thăng Long – Hà Nội không còn là đế đô nhưng văn hóa đọc nơi đây cũng nối bước được nhịp điệu của vùng đất văn hiến. Bà huyện Thanh Quan với những câu thơ hàm xúc về Thăng Long; Ngọc Hân công chúa với những câu thơ về người anh hùng áo vải cờ đào giúp dân dựng nước, trả lại vị trí cho sĩ phu Bắc Hà chốn Thăng Long cũ; Hà Thành chính khí ca, Hà thành thất thủ ca (chưa rõ tác giả); Trần tình biểu của Tổng đô đốc Hoàng Diệu. Dấu ấn văn hóa đọc trong bi thương vẫn le lói soi đường, gieo mầm cho ánh sáng và chính nghĩa để giữ trọn niềm tin vào tương lai đất Việt. Thế kỷ 20 có thể là thế kỷ ánh sáng của văn hóa đọc thủ đô. Nhà văn Hà Nội đầu tiên của Việt Nam viết truyện ngắn hiện đại bằng chữ quốc ngữ - Phạm Duy Tốn với tác phẩm Sống chết mặc bay (1919) và cùng với nhà văn Nguyễn Bá Học ông đã đánh dấu bước chuyển mình của văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tương tầm với truyện ngắn Phạm Duy Tốn, tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đã mở đầu cho nền tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ trước. Không bao lâu sau tại Hà Nội đã ra đời nhóm Tự lực Văn đoàn với sự xuất hiện của các cây bút Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Tú Mỡ, Thế Lữ Trong dòng chảy của văn hóa đọc Hà Nội đương thời đã nổi lên tác giả, tác phẩm văn xuôi như Vũ Trọng Phụng với Số đỏ, Giông tố, Ngô Tất Tố với Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan với Bước đường cùng, Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký, Nguyễn Huy Tưởng với Sống mãi với thủ đô. Phong trào thơ mới thổi một luồng gió mới văn hóa đọc ở Hà Nội những năm tháng nửa đầu thế kỷ trước. Đó là các tác giả Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ, Xuân Diệu tạo ra cảm hứng đọc và cảm thụ thơ ca mới theo trường phái lãng mạn vượt ra ngoài lối tiếp nhận thi ca truyền thống phương Đông. Văn hóa đọc Thăng Long-Hà Nội còn thấm đẫm trong các phong tục nghi thức cho chữ, xin chữ và tặng chữ. Người Hà Nội treo chữ như treo tranh, thờ chữ như thờ linh vật, kỷ vật, học chữ gắn với học nhân nghĩa, học lập nghiệp. Truyền thống văn hóa Hà Nội là truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, coi trọng văn hóa đọc. Việc bên bờ hồ Hoàn Kiếm thiêng liêng đất Thăng Long ngàn năm văn vật, người Hà Nội dựng lên ở đó bức tượng đài Đài Nghiên, tháp Bút ngụ ý dùng mực nước hồ viết lên trời xanh bài thơ bất tận của văn hóa Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Đó là một biểu tượng sinh động, sâu sắc của ý tưởng tôn vinh văn hóa đọc cũng như truyền thông điệp ấy cho muôn đời sau. Trong thời đại Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 là sản phẩm văn hóa đọc tuyệt vời nhất. Nó kết tinh được trí tuệ, dũng khí và cốt cách tâm hồn Việt Nam. Nó chuyển tải bức thông điệp của trái tim, khối óc Việt Nam đến với nhân loại, đến với tương lai, khép lại một quá khứ đau thương của muôn dân trong lầm than nô lệ. Sức mạnh các sản phẩm văn hóa đọc tuyệt vời đó kết tinh tất thảy tinh hoa của biết bao sản phẩm văn hóa đọc suốt chặng đường ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Kết tinh hết thảy tri thức, sức mạnh, tâm hồn cốt cách của một dân tộc vươn lên trong khát vọng độc lập tự do và phấn đấu không mệt mỏi vì hòa bình và sự phát triển. Ngày nay, Hà Nội đã trở thành một trung tâm văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ với sự có mặt của hàng chục nhà xuất bản, hàng trăm tờ báo, tạp chí, hàng ngàn thư viện, hàng vạn cơ sở tụ điểm đọc, phát hành sách báo. Văn hóa đọc điện tử tuy ra đời muộn nhưng đang có chỗ đứng ngày càng vươn rộng vững chắc trong các cộng đồng cư dân mạng Thủ đô. Văn hóa đọc thủ đô đang là động lực quan trọng để góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ dân sinh, phát huy dân chủ. Những sản phẩm văn hóa đọc ưu tú tiêu biểu của Thăng Long ngàn năm qua chắc chắn sẽ còn được tiếp thêm năng lượng của cuộc sống đương đại để văn hóa đọc tiếp tục trường tồn và phát huy đồng hành với Thủ đô Hà Nội trong thiên niên kỷ tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. 1.000 câu hỏi – đáp về Thăng Long – Hà Nội / Nguyễn Hải Kế (ch.b), Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Văn Khánh... – H.: Chính trị quốc gia, 2000 (2 tập). 2. Tìm trong di sản văn hóa Việt Nam Thăng Long – Hà Nội / Lưu Minh Trị (ch.b), Vũ Khiêu, Lê Văn Lan... – H.: Văn hóa Thông tin, 2002. – 731tr.+ảnh; 25cm. 3. Văn hóa Thăng Long – Hà Nội hội tụ tỏa sáng/ Trần Văn Bính (ch.b), Đinh Gia Khánh, Trần Quốc Vượng... – H.: Chính trị Quốc gia, 2000. - 445tr.; 22cm ________________ Ngô Quang Hưng Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 5(25) – 2010 (tr.20-22)
File đính kèm:
- suc_song_ngan_nam_cua_san_pham_van_hoa_doc_thang_long_ha_noi.pdf