Đi tìm các bậc tiền bối ngành thư viện Việt Nam

Tóm tắt Đi tìm các bậc tiền bối ngành thư viện Việt Nam: ...n. Lấy bọn Dương Như Châu 8 người đỗ tiến sĩ, bọn Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng tiến sĩ - ba năm một khoa thi bắt đầu từ đây. Ngày 26 xướng danh bọn tiến sĩ Dương Như Châu, ban cho ân mệnh: Bộ Lễ đem bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa”. Sử liệu trên cho thấy học vị và chức vị của Vũ Vĩ...(bộ sách khoa thư của Việt Nam), hoàn thành trong 3 năm, trích dẫn đến 557 tập sách, trong đó có cả sách châu Âu dịch sang Hán văn. Khi vào Thuận Hóa làm thiệp trấn, trong hơn 6 tháng vừa lo xây dựng chính quyền ông vừa sưu tập tư liệu biên soạn bộ Phủ biên tạp lục làm cơ sở cho nhà Nguyễn v...iên này, tác giả cũng chia sách làm 4 loại, nhưng hơi khác họ Lê và số lượng tên sách nhiều hơn. 1. Hiến chương loại: 28 bộ sách 2. Kinh sử loại: 24 bộ sách 3. Thi văn loại: 108 bộ sách 4. Truyện ký loại: 54 bộ sách Phụ đề: Phương kỹ loại trong phần Truyện ký loại (Tất cả gồm có 214 tê...

pdf12 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 272 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Đi tìm các bậc tiền bối ngành thư viện Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sự tích những người có công, danh tiếng của 
nước ta trong lịch sử. Việt điện u linh là một sưu tập gồm 26 truyện các vị thần “thông 
minh chính trực, công lao hiển hách, ngầm giúp sinh linh” được thờ cúng tại các đền 
miếu Việt Nam thời Trần. Trong bài tựa, Lý Tế Xuyên đã đem các truyện sưu tập 
được chia thành 2 loại lớn, một là “Sơn xuyên tinh túy” tức là tinh hoa của sông núi, 
hai là Nhân vật kiệt linh tức là những con người sống xuất chúng, chết linh thiêng. 
Cùng với bài tựa trên, về sau sách Lĩnh nam chích quái do Vũ Quỳnh (1452 - 1516) 
biên soạn sưu tập 22 truyện, có phân loại và giới thiệu, hệ thống hóa các truyện trong 
bộ sách. 
Lý Tế Xuyên cũng như Vũ Quỳnh đã làm hai bài tựa Việt điện u linh tự và Lĩnh nam 
chích quái hiệu chính tự, trong đó đã tiến hành các thao tác có tính chất thư mục học 
như phân loại, sắp xếp, miêu thuật, đánh giá các văn bản trong sưu tập, nhằm giúp 
người đọc nhanh chóng chiếm lĩnh những thông tin quan trọng của sách. Hai bài tựa 
trên đây chưa phải là những thư mục nhưng chúng ta có thể suy ra một điều: 
Là người quản lý thư viện, chắc chắn Lý Tế Xuyên đã áp dụng các phương pháp xử lý 
tài liệu như trên vào trong công việc của mình. Do vậy kho sách của triều đình thời đó 
có lẽ đã được tổ chức và khai thác một cách khoa học ở một mức độ nào đó. 
2. Trần Tôn (Thế kỷ 14) 
Vua Trần Dụ Tông đã cho lập Thư viện Lạn Kha trong điện Bảo Hòa (trên núi Phật 
tích, Tiên Du, Bắc Ninh), giao cho danh nho Trần Tôn làm chức Trưởng viện dạy học 
trò. Năm Quý Hợi (1383) Trần Nghệ Tông đã tới đây cùng một số bề tôi Nguyễn Mậu 
Tiên, Phan Nghĩa, Vũ Hiến Hầu để soạn bộ sách Bảo Hòa điện dư bút gồm 8 quyển. 
Cung Bảo Hòa vừa là thư viện vừa là trường đại học. Theo Đại Việt sử ký tiền biên in 
triều Tây Sơn thì sau khi làm xong sách Bảo Hòa điện dư bút, vua triều Trần dùng 
điện ấy làm nơi đào tạo nhân tài. 
Do vậy ta thấy Trần Tôn vừa làm công tác giảng dạy vừa quản lý thư viện của triều 
đình thời đó. Với chức danh là người thầy của trường đại học, ông đương nhiên phải 
có trình độ của một học giả uyên thâm, và là người đỗ đạt cao, xứng đáng là một 
“danh nho”. 
3. Lương Như Hộc (Thế kỷ 15) 
Lương Như Hộc (1420 – 1501), tự Trường Phủ, người làng Hồng Liễu, huyện Trường 
Tân, sau đổi là làng Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. 
Năm Đại Bảo thứ 3 (1442) ông đậu Nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh tức là Thám hoa. 
Đời Lê Nhân Tông, năm Kỷ Tỵ Thái Hòa thứ 7 (1449) ông làm An phủ sứ, được 
thăng Hàn Lâm trực học sĩ. Khi Lê Nghi Dân cướp ngôi, sai ông làm Lễ bộ tả thị lang, 
sau được gia chức Trung thư lệnh kiêm Bí thư giám học sĩ. 
Theo sách Hải Dương phong vật chí Lương Như Hộc là người đem nghề khắc ván in 
sách từ Trung Quốc về Việt Nam dạy nhân dân các làng Hồng Liễu và Liễu Chàng ở 
Hải Dương. Do đó, các sách sử, sách Ngũ Kinh, Tứ truyện được đem khắc in lại ở 
Việt Nam và được phổ biến rộng rãi. Để kỷ niệm việc đó, các làng kể trên có thờ ông 
làm Thành hoàng và Tổ sư nghề khắc ván in sách. 
Lương Như Hộc còn là tác giả của các tác phẩm như Tinh tuyển chư gia luật 
thi: tuyển chọn 362 bài thơ của 11 tác giả từ đời Trần đến đời Lê. Cổ kim chế từ tập, 
Hồng Châu quốc ngữ thi tập, Tiêu tương bát cảnh thi... 
4. Vũ Vĩnh Trinh (Thế kỷ 15) 
Vũ Vĩnh Trinh, không biết năm sinh năm mất, quê ở Vụ Bản (Nam Định). 
Đại Việt sử ký toàn thư có nói đến Vũ Vĩnh Trinh trong phần ghi chép về khoa cử năm 
1466 đời Lê Thánh Tông: “Thi hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ 29 người. Tháng 3, 
ngày 12, vua ngự ra cửa Kính Thiên, thân ra đầu bài văn sách hỏi về các đế vương trị 
thiên hạ. Sai Sùng Tiến nhập nội tả đô đốc kiêm thái tử Thiếu bảo Lê Cảnh Huy và 
quyền chính sự viện thượng thư kiêm Cẩn Đức điện đại học sĩ thái tử tân khách 
Nguyễn Như Đổ làm đề điệu (tức chánh chủ khảo). Hàn Lâm viên đại học sĩ quyền 
Ngự sử đài đô ngự sở đại phu Trần Bàn làm giám thí (tức phó chủ khảo) Hàn Lâm 
viện thừa chỉ Nguyễn Trực, Hàn Lâm Viện thừa chỉ Hộ bộ hữu thị lang kiêm Cẩn Đức 
đại học sĩ nhập thị Kinh diên kiêm tả xuân phường thái tử tả dụ đức Nguyễn Cư Đạo, 
Hàn Lâm học sĩ hành Hải Tây đạo tuyên chính sứ ty tham tri kiêm Bí thư giám học sĩ 
Vũ Vĩnh Trinh làm độc quyển. Lấy bọn Dương Như Châu 8 người đỗ tiến sĩ, bọn 
Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng tiến sĩ - ba năm một khoa thi bắt đầu từ đây. 
Ngày 26 xướng danh bọn tiến sĩ Dương Như Châu, ban cho ân mệnh: Bộ Lễ đem bảng 
vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa”. 
Sử liệu trên cho thấy học vị và chức vị của Vũ Vĩnh Trinh. Ông cũng là một Bí thư 
giám học sĩ. Trong khoa thi đầu đời Lê Thánh Tông, ông tham gia trong Ban giám 
khảo kỳ thi Hội. Mặt khác Vũ Vĩnh Trinh còn là một nhà thơ - Lịch triều hiến chương 
loại chí của Phan Huy Chú có chép một bài thơ của ông, đó là bài thơ vịnh đất Trâu 
Sơn - phủ Từ Sơn - Bắc Ninh. 
5. Nguyễn Thiếp (Thế kỷ 18) 
Nguyễn Thiếp (1723-1804), tự là Khải Chuyên, hiệu Lạp Phong cư sĩ, Bùi Phong cư 
sĩ, La Sơn tiên sinh (tên hiệu này do vua Quang Trung chính thức tặng cho Nguyễn 
Thiếp), Lục Niên tiên sinh Năm 21 tuổi ông đậu Hương cống khoa Quý Hợi niên 
hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743), được bổ chức Huấn đạo rồi Tri huyện Thanh Chương 
(Nghệ An), sau từ quan về ở ẩn ở trại Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn. Năm 
1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu Quang Trung đem quân ra 
Bắc đánh quân Thanh, khi qua Nghệ An có cho mời ông đến hỏi việc nước, sau lại 
cho người đưa thư và lễ vật mời ông ra làm quan, ông không chịu nhận. Đến lần hội 
kiến thứ tư với Quang Trung (1791), Nguyễn Thiếp mới chịu nhận lời giúp việc cho 
triều Tây Sơn: Vua Quang Trung xuống chiếu giao cho Nguyễn Thiếp giữ chức Viện 
trưởng Sùng Chính thư viện (lập ngay nơi cụ ở ẩn). Sùng Chính thư viện cũng được 
giao việc dịch Nôm chua nghĩa và giải thích một số sách để làm tài liệu giáo khoa, 
hiện nay còn giữ được bộ Thi kinh giải âm in năm Quang Trung thứ 5 (1792) là một 
trong những bộ sách do Sùng Chính thư viện biên soạn. Sau khi vua Quang Trung mất 
(9-1792), ông cáo quan trở lại cuộc đời ẩn dật. 
Tác phẩm của Nguyễn Thiếp có: La Sơn tiên sinh thi tập (cùng tên Hạnh Am thi cảo) 
gồm hơn 100 bài thơ. Phan Huy Chú nhận xét: “Thơ ông tao nhã thanh thoát, lý thú 
thung dung, thật là lời nói của người có đức, các tao nhân ngâm khách không thể 
sánh được”; Hạnh Am di văn: gồm một số bài văn của Nguyễn Thiếp phúc đáp, cáo 
từ, trần tình, tạ ơn gửi vua Quang Trung; Thi kinh giải âm (chủ biên)... 
6. Lê Quý Đôn (Thế kỷ 18) 
Lê Quý Đôn (1726-1784) là nhà bác học lớn của Việt Nam thế kỷ 18. Ông tên tự là 
Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam hạ (nay là xã Phú 
Hiếu, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), là con tiến sĩ Lê Phú Thứ, một danh thần của 
triều Lê - Trịnh. Lê Quý Đôn nổi tiếng thông minh, mẫn tiệp từ thuở nhỏ, lại rất chăm 
học, 17 tuổi đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đỗ Hội nguyên rồi vào thi Đình (1752) cũng đỗ 
đầu Bảng nhãn (bấy giờ không lấy Trạng Nguyên). Sau khi thi đỗ đại khoa, ông làm 
thị thư ở viện Hàn Lâm, rồi làm việc ở Viện Quốc Sử, có vài lần làm công việc thanh 
tra ở trấn Sơn Nam - Năm 1757 làm Thị giảng ở Viện Hàn Lâm. Năm 1760, ông làm 
Phó sứ sang Trung Quốc, khi về nước được thăng chức thừa chỉ, tước Dĩnh Thành bá, 
sung chứcHọc sĩ ở Bí thư các. Năm 1764, làm đốc đồng Kinh Bắc, rồi chuyển làm 
Tham chính Hải Dương. Sau đó ông xin nghỉ về quê viết sách. Năm 1767, chúa Trịnh 
Sâm cầm quyền, ông lại được triệu ra làm quan, tham gia biên soạn quốc sử và làm Tư 
nghiệp ở Quốc Tử Giám. Năm 1769 ông làm Tán lý quân vụ, rồi thăng chức Hữu thị 
lang Bộ Công. Năm 1773, làm Bồi tụng phủ chúa; năm 1776, làm Hiệp trấn Thuận 
Hóa (Bình Trị Thiên); sau đó trở về Thăng Long làm Tham tụng, tước Nghĩa Phái hầu 
Lê Quý Đôn là nhà bác học uyên thâm bậc nhất của Việt Nam trong thế kỷ 18. Các 
trước tác của ông về sử học cóĐại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, 
Bắc sử thông lục; Về triết học có Thư kinh diễn nghĩa, Dịch kinh phu thuyết, Xuân thu 
lược luận, Quần thư khảo biện. Về sáng tác văn học và sưu tập văn chương có Hoàng 
Việt văn hải, Quế đường thi văn tập. Về khoa học có Vân đài loại ngữ. Qua các ghi 
chép khác thì ông còn là nhà địa lý học, có hiểu biết nhiều về nông học, dân tộc học, 
ngôn ngữ học Học trò của ông là Tiến sĩ Bùi Huy Bích nói: “...nước ta trong vài 
trăm năm lại đây mới có một người như thầy”. Phan Huy Chú nhận xét: “Bình sinh 
rất chăm chỉ làm sách. Bàn về kinh sử thì sâu sắc rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy 
đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời”. Lê Quý Đôn 
không chỉ dựa vào thông minh trí tuệ mà còn là tấm gương lao động cần cù, khẩn 
trương và làm việc thường xuyên liên tục. Bộ Vân đài loại ngữ (bộ sách khoa thư của 
Việt Nam), hoàn thành trong 3 năm, trích dẫn đến 557 tập sách, trong đó có cả sách 
châu Âu dịch sang Hán văn. Khi vào Thuận Hóa làm thiệp trấn, trong hơn 6 tháng vừa 
lo xây dựng chính quyền ông vừa sưu tập tư liệu biên soạn bộ Phủ biên tạp lục làm cơ 
sở cho nhà Nguyễn viết lịch sử Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Số lượng tác phẩm 
của ông lên tới 40 bộ, nay còn lại không quá một nửa. 
Lê Quý Đôn có đóng góp lớn đối với ngành thư viện, thư mục Việt Nam. Có thể nói 
ông là người khai sáng, đặt nền móng cho lý luận và phương pháp thư viện, thư mục 
học Việt Nam thông qua việc biên soạn thư mục Nghệ văn chí một chương trong 
bộ Đại Việt thông sử (cũng có tên là Lê Triều thông sử). Trong thiên thư mục này, Lê 
Quý Đôn đã sưu tầm, kê cứu lai lịch, tình trạng sách của Việt Nam từ đời Lý (thế kỷ 
11) đến cuối đời Lê (thế kỷ 18). 
Trong Nghệ văn chí Lê Quý Đôn phân chia các sách (gồm 115 bộ sách hán nôm) vào 
4 loại: 
1. Hiến chương loại: 16 tên sách 
2. Thi văn loại: 66 tên sách 
3. Truyện ký loại: 19 tên sách 
4. Phương kỹ loại: 14 tên sách 
Về mỗi bộ sách, tác giả ghi rõ: Tên sách, số quyển, tên người biên soạn (hay sáng tác), 
sơ lược nội dung; những điều ghi chú về tình trạng sách mất hay còn và trong một số 
trường hợp ông có nêu những ý kiến của mình phê bình nhận xét về bộ sách ấy 
(thường là vắn tắt). 
Công trình trên của Lê Quý Đôn thể hiện tính khoa học trong phương pháp thư viện 
học như: xác định các yếu tố mô tả sách, xây dựng một khung phân loại sách tương 
đối hợp lý trong tình hình sách ở Việt Nam đương thời. 
Về lĩnh vực thư mục học, đây là bản thư mục tổng hợp đầu tiên của Việt Nam với 
phương pháp biên soạn khá hoàn chỉnh về sưu tầm hệ thống hóa, mô tả, sắp xếp, phân 
tích, dẫn giải tài liệu; đáng để cho người đời sau học tập và phát huy. Bản thư mục 
này còn mang ý nghĩa tính dân tộc, độc lập, sáng tạo. Tác giả không chịu rập khuôn 
theo các loại mục trong kinh tịch chí của Trung Quốc như Kinh, sử, tử, tập mà chia 
sách của mình theo các môn loại riêng, thích hợp với hoàn cảnh thực tế. 
Chính vì vậy, Lê Quý Đôn là nhà bác học đồng thời cũng là nhà thư viện học, thư mục 
học Việt Nam thế kỷ 18. 
7. Phan Huy Chú (thế kỷ 19) 
Phan Huy Chú (1782-1840) nhà bác học, nhà thơ tự là Lâm Khanh, hiệu là Mai 
Phong. Ông là con của Phan Huy Ích, sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Khuê (Làng Thầy), 
phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, từ nhỏ đã học giỏi và chăm đọc sách. Nhưng hai lần thi 
hương ông chỉ đỗ tú tài, đương thời vẫn gọi ông là Tú Thầy. Năm 1821, vua Minh 
Mệnh biết tiếng, triệu ông vào Kinh đô Huế làm biên tu ở viện Hàn lâm rồi làm Phủ 
thừa phủ Thừa Thiên, sau thăng lên làm Hiệp trấn Quảng Nam. Được ít lâu ông bị 
giáng chức triệu về Huế làm thị độc viện Hàn lâm. Cũng thời Minh Mệnh ông được 
cử đi sứ nhà Thanh hai lần với cương vị là Phó sứ. Cuối năm 1832, ông lại được cử đi 
công tác ở Inđônêxia, rồi chuyển về làm công việc ở Bộ Công. Được một thời gian 
ông chán cảnh quan trường lấy cớ bị đau chân xin về quê dạy học và viết sách. 
Cống hiến chủ yếu và rất to lớn của Phan Huy Chú là một công trình biên khảo lớn, 
một bộ bách khoa thư đương thời: Bộ Lịch triều hiến chương loại chígồm 49 quyển 
được ông biên soạn liên tục từ năm 1809 đến năm 1819. Kết quả những năm miệt mài 
nghiên cứu với tấm lòng yêu đất nước và văn hóa dân tộc, với mong muốn tổng kết 
lịch sử giúp đời, bộ Lịch triều hiến chương loại chí được phân thành 10 bộ môn 
là: Địa dư chí, Nhân vật chí, Quan chức chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật 
chí, Binh chế chí, Văn tịch chí và Bang giao chí. 
Lịch triều hiến chương loại chí có một dung lượng lớn, là một kho tài liệu sử học về 
nhiều mặt rất phong phú, chính xác và được phân loại, hệ thống, là công trình nghiên 
cứu tiêu biểu đánh dấu thành tựu khoa học của nước ta đầu thế kỷ 19. Bộ sách này 
cùng với Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn được coi là bộ Bách khoa toàn thư của 
Việt Nam. Ngoài giá trị khoa học, bộ sách còn có giá trị tư tưởng cao trong việc mô tả 
địa lý, nhân vật lịch sử, có lập trường dân tộc, tư tưởng nhân dân sâu sắc, nhận xét thơ 
văn tinh tế. Ngoài ra, Phan Huy Chú còn có tác phẩm địa lý học là Hoàng Việt địa dư 
chí và hai tập văn thơ là Hoa thiều ngâm lục và Dương trình ký kiến (hay Hải trình chí 
lược) làm trong thời gian đi sứ Trung Quốc và Inđônêxia. 
Về lĩnh vực thư viện, thư mục học, Phan Huy Chú kế tiếp sự nghiệp của Lê Quý Đôn, 
soạn thiên Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí. Trong thiên này, tác giả 
cũng chia sách làm 4 loại, nhưng hơi khác họ Lê và số lượng tên sách nhiều hơn. 
1. Hiến chương loại: 28 bộ sách 
2. Kinh sử loại: 24 bộ sách 
3. Thi văn loại: 108 bộ sách 
4. Truyện ký loại: 54 bộ sách 
Phụ đề: Phương kỹ loại trong phần Truyện ký loại 
(Tất cả gồm có 214 tên bộ sách, so với số sách của Nghệ văn chí thì có thêm 99 bộ). 
Ngoài bài tựa trên đầu thiên sách như Lê Quý Đôn đã làm, trên mỗi loại, tác giả có 
thêm một bài nói qua về nội dung loại ấy. Sau mỗi tên sách, là đoạn nói về nội dung 
sách, tác giả thường chép thêm hẳn bài tựa chính của sách ấy, hay trích một số đoạn 
có giá trị nhất là mấy câu thơ hay để chứng minh ý kiến phê phán của mình. Các yếu 
tố mô tả sách cũng được đầy đủ hơn. 
Hai thiên thư mục của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú trở thành những công cụ hữu 
hiệu cho việc tra cứu kho sách Hán Nôm đương thời cũng như ngày nay. 
8. Lê Nguyên Trung (Thế kỷ 19) 
Xuất thân trong một gia đình nho học, Lê Nguyên Trung (hiệu là Chỉ Trai) đọc sách 
nhiều và đã tổ chức thư viện riêng của gia đình, để sử dụng cho các chi của dòng họ. 
Ông đã biên soạn một bản mục lục sách ghi trong bài Lê thị tích thư ký, làm năm 
Thiệu Trị - Bính Ngọ, 1846. Trong bài ký này, Lê Nguyên Trung nói về việc tổ chức 
thư viện riêng của gia đình cũng như quan điểm coi trọng sách rất đặc biệt của ông. 
Bài ký có đoạn viết: “Tôi đi làm quan đã lâu, tiêu pha tằn tiện, hễ còn tiền tôi đem 
mua sách để dành. Hễ mua được thì bộ nào đóng thành từng bộ ấy, và tự yên ủi: Ấy là 
ruộng báu nhà ta”. “Tôi tuy chưa đọc hết được các sách ấy, nhưng tôi giữ gìn thật 
kính cẩn. Tôi lại muốn để cho con cháu đời đời kính giữ bèn đóng giá xếp lên. Sau 
này sẽ đem đặt ở nhà thờ cho có nơi chốn để con cháu được cùng kính giữ. Tôi mới 
làm cái biển, chia thành từng loại ghi rõ thành 7 mục: 1- Kinh, 2- Thư, 3- Sử, 4- Tử, 
5- Tập, 6- Cử Nghệ, 7- Tạp trứ. Sau này có sách thêm thì theo số hiệu tiếp tục ghi vào 
đấy. Cần phải lau quét luôn để cho sách khỏi nát. Bên cạnh tủ sách, tôi để quyển sổ 
ghi đủ 4 chi họ, ai cũng có thể mượn về đọc, ai mượn thì ghi rõ vào cuối bảng, khi trả 
lại, xóa tên đi. Việc này không thể sao lãng, để khỏi mất sách” 
Bài ký trên cho thấy Chỉ Trai Lê Nguyên Trung đã tổ chức thư viện gia đình khá chặt 
chẽ, khoa học và đưa ra một khung phân loại sách mới (7 loại), xếp kho sách theo 
môn loại, cho mượn sách có nguyên tắc là những phương pháp công tác thư viện 
cần thiết và hợp lý ở thời đó. 
9. Lê Trọng Hàm (Cuối thế kỷ 19 - Đầu thế kỷ 20) 
Lê Trọng Hàm (1872-1931) tự Quốc Ninh, hiệu Đồng Giang, Nam Á dư phu, Nam Sử 
thị, là người làng Hội Khê ngoại, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông là một nhà 
nho học, cần cù về việc sưu tầm tài liệu và biên soạn sách, nhất là sách sử Việt Nam. 
Khoảng trước năm 1922, ông gây được một nhóm các cụ đồ nho, lập ra hội Nam Việt 
Đồng thiên hội và làm hội chủ cùng biên soạn sách Minh đô sử, một bộ sách bằng chữ 
Hán, có chép cả thơ văn Nôm, sách gồm 100 quyển. Việc biên soạn sách này mất khá 
nhiều công phu, tốn nhiều thời gian (trên dưới 10 năm), nhưng sách chưa được kiểm 
hiệu một cách chính xác nên hạn chế trong việc sử dụng. 
Tác phẩm của ông có: Minh đô sử, Hán văn Nam kỵ khảo, Mạc Kính thao truyện dịch 
thuật, Thủy tử ca (Bài ca con nước, tức là giờ con nước lên xuống). 
Về lĩnh vực thư viện, Lê Trọng Hàm và nhóm Đồng Thiên Hội đã soạn hai bản mục 
lục sách (thư mục) của thư viện tư nhân, đó là Hoàng Lê tứ khố thư mục và Hoàng 
Nguyễn tứ khố thư mục, ghi trong Minh Đô sử: 
Hoàng Lê tứ khố thư mục nêu 76 bộ sách của các tác giả làm từ trước triều Nguyễn, 
chia làm 5 loại: Hiến chương 8 bộ, Kinh sử 13 bộ, Thi văn 29 bộ, Truyện ký 28 bộ, 
Tạp loại 6 bộ. 
Hoàng Nguyễn tứ khố thư mục ghi tên sách của các tác giả từ đầu triều Nguyễn đến 
gần thời điểm tác giả soạn Minh Đô sử, gồm 153 bộ (trong đó có tên 29 bộ sử). 
Người biên soạn không chia sách theo loại mà chia theo từng địa phương: a- Thần 
Kinh (Huế) 20 bộ, b- Bắc Kỳ 70 bộ, c- Trung Kỳ 42 bộ, d- Nam Kỳ 21 bộ, đ- Các nữ 
sĩ 6 bộ. 
Như vậy, Lê Trọng Hàm trong khi sắp xếp sách biên soạn thư mục cũng đã cải tiến 
thêm về khung phân loại sách như: mở thêm Tạp loại cho Hoàng Lê tứ khố thư mục. 
Ông cũng áp dụng một cách sắp xếp sách khác là sắp xếp sách theo địa dư 
trong Hoàng Nguyễn tứ khố thư mục (tuy vậy thư mục này có nhược điểm là cách sắp 
xếp chưa nhất quán, bốn mục xếp theo địa dư lại có một mục xếp theo giới tính). 
Trên đây là một số người đã từng làm công tác thư viện trong quá khứ hoặc có biên 
soạn thư mục, một khâu công tác thư viện. Có thể nói bài viết mới đưa ra được một số 
ít ỏi các bậc tiền bối của chúng ta mà bóng dáng họ chỉ xuất hiện thấp thoáng trong 
dòng lịch sử văn hóa dân tộc. Sử liệu cũng không cho chúng ta biết ai là người quản lý 
các thư viện đầu tiên của đất nước từ thời Lý (thế kỷ 11). Họ đã làm việc như thế nào, 
kỹ thuật phương pháp công tác thư viện ra sao, vẫn còn là dấu hỏi. Chỉ đến Lê Quý 
Đôn (thế kỷ 18) và sau ông là Phan Huy Chú (thế kỷ 19), chúng ta mới được biết về lý 
luận và phương pháp công tác thư viện, thư mục học của họ. Song chúng ta cũng thấy 
rõ một điều là những người làm công tác thư viện ở Việt Nam từ thời cổ đã có những 
phẩm chất đáng quý: coi trọng sách, đọc nhiều, làm việc và học tập chăm chỉ, tích lũy 
nhiều kiến thức để ứng dụng trong thực tiễn và để tham khảo cho sáng tác. Họ đáng 
được tôn vinh là những học giả lớn mà như Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ đã 
nói “Học giả cần có ba sự nhiều: đọc nhiều, nghị luận nhiều và trước tác nhiều”. 
Chính vì vậy, các học giả làm nghề thư viện sẽ phát huy được hiệu quả cao trong công 
việc. 
Ngày nay, nghề thư viện - thông tin của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong sự 
phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật trên thế giới và trong nước. Đội ngũ cán 
bộ thư viện - thông tin của chúng ta lớn mạnh với hàng vạn người, hàng ngàn thạc sĩ, 
tiến sĩ làm việc với những máy móc hiện đại, những công cụ tiên tiến. Chúng ta vẫn 
cần học tập, tiếp thu không chỉ kho tàng sách vở quý giá của dân tộc mà còn cần học 
tập và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của những cán bộ thư viện trong lịch sử dân 
tộc ta. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Đại Việt sử ký toàn thư. - TP HCM.: Văn học, 2009. - 1063tr. 
2. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam / Đinh Xuân Lâm – Trương Hiến Quỳnh (chủ 
biên). - H.: Giáo dục, 2005. - 467tr. 
3. Trần Nghĩa. Di sản Hán Nôm Việt Nam: Thư mục đề yếu / Trần Nghĩa, Francois 
Gros (ch.b). - H.: Khoa học Xã hội, 1993. - Tập 1. 
4. Trần Văn giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm / Trần Văn Giáp. - H.: Văn hóa. – T.1: 
1984. - 431tr; T2: 1990, 279tr. 
____________ 
Trịnh Kim Chi 
Nguyên giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội 
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 5(25) – 2010 (tr.9-14) 

File đính kèm:

  • pdfdi_tim_cac_bac_tien_boi_nganh_thu_vien_viet_nam.pdf
Ebook liên quan