Hoạt động thư viện và cung cấp thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp đổi mới
Tóm tắt Hoạt động thư viện và cung cấp thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp đổi mới: ...n cứu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên trong hoạt động quản lý, nghiên cứu, triển khai và phân tích phục vụ toàn ngành. Thư viện hiện có 15.000 đầu sách bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp với 19.000 bản; 200 tên ấn phẩm định kỳ (tạp chí, bản tin). Ngoài ra, thư viện còn có một s...oa học kỹ thuật giúp dân “xóa đói giảm nghèo” còn rất thiếu thốn. Cũng đã có những chương trình dự án giúp dân từ các quỹ lớn của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ như FAO, IFAT nhưng cũng chỉ thỏa mãn được phần nhỏ so với nhu cầu của khoảng 60 triệu nông dân đang cần sách báo hiện nay, nhấ... tìm ra các chủ đề mới thích hợp với dân, Đảng và Nhà nước đang cần để định hướng, từ đó xây dựng quỹ “Viết và xuất bản sách cho nông dân đọc”. Quỹ này không chỉ do Nhà nước tài trợ, mà có thể kêu gọi được các tổ chức quốc tế, các công ty và những người quan tâm đến nông dân, nông thôn tham ...
Hoạt động thư viện và cung cấp thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp đổi mới Mở đầu Từ bao đời nay, văn hóa lúa nước là cụm từ thường được đề cập tới khi nói về cội nguồn phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Văn hóa lúa nước gắn với làng xã đã kiến tạo nên thuần phong mỹ tục của người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Nông thôn được coi là không gian văn hóa, mà được gọi nôm na là văn hóa làng xã. Nông nghiệp là ngành sản xuất chính ở nông thôn, gắn liền với cây lúa nước, nuôi sống nhiều thế hệ người Việt Nam và theo đó chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp cũng song hành phát triển. Tuy nhiên, muốn nâng cao tính chuyên nghiệp, để có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa lại là vấn đề cần bàn cho nền văn minh lúa nước trong tương lai. Nông dân chủ thể của ruộng đồng, nương rẫy, hồ ao, rừng núi trong hơn bốn ngàn năm lịch sử đã làm giàu thêm cho văn hóa làng xã và đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước trong suốt chặng đường dài dựng nước và giữ nước. Khi chính thức trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn mới của sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng đầy thách đố. Những người nghèo và chủ yếu là nông dân sống ở nông thôn làm nông nghiệp thiếu cơ hội để phát triển hơn so với các ngành nghề khác, vì sản suất nông nghiệp mang tính rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khí hậu. Do nhận thức đầy đủ về nông dân, nông thôn nên Nghị quyết Trung ương 7 đã đề cập vai trò quan trọng của phát triển nông nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và xây dựng chiến lược quốc gia về “Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn”. Trong các yếu tố góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân, ngành thư viện – thông tin đóng góp một vai trò quan trọng. “Kiến thức - Thông tin - Văn hóa” đã trở thành kiềng ba chân, thúc đẩy cho sự phát triển không chỉ của mỗi con người, mà còn cho sự phát triển trong mỗi cộng đồng và đất nước. Để cung cấp các dịch vụ thông tin, tư liệu phục vụ sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, giúp người nông dân ngày càng no ấm, hạnh phúc, các thư viện và cơ quan thông tin ở Việt Nam trong thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động với các hình thức khác nhau. Với mục đích đưa Nghị quyết Trung ương 7 vào cuộc sống, để phát triển nông nghiệp và nông thôn một cách bền vững, việc đảm bảo thông tin và tích cực nâng cao dân trí, mức độ hưởng thụ văn hóa cho người nông dân có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhận thức được điều này, chúng tôi đã thực hiện bài viết này với mong muốn sau: (I) Phân tích bối cảnh, thực trạng hoạt động thư viện và cung cấp thông tin ở nông thôn Việt Nam. (II) Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động thư viện - thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. I. Bối cảnh và thực trạng hoạt động thư viện và cung cấp thông tin ở nông thôn Việt Nam Nền kinh tế Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu phát triển khả quan. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng các loại nông sản đều tăng, nổi bật nhất là sản lượng lương thực tăng với tốc độ cao từ năm 1989 đến nay. Năm 1989 là năm đầu tiên sản lượng lương thực vượt qua con số 20 triệu tấn, xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 310 triệu USD. Đến năm 2007 sản lượng lương thực đã đạt đến con số kỷ lục 39 triệu tấn và đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD. Từ một nước thường xuyên thiếu và đói, hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực của nước ngoài, hơn thập niên qua đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới (sau Thái Lan và Mỹ). Nông nghiệp ngày càng có nhiều đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển, hội nhập của kinh tế cả nước vào nền kinh tế toàn cầu. Sự phát triển của nông nghiệp đã liên quan chặt chẽ tới người nông dân và đời sống kinh tế xã hội ở nông thôn. Trong những năm vừa qua, có một vấn đề nổi lên ở nông thôn mà dù muốn hay không chúng ta cũng không thể bỏ qua, đó là vấn đề đô thị hóa. Dù ở vùng ven thành phố hay những vùng xa xôi, đô thị hóa đều có một ảnh hưởng và tác động trên cả hai bình diện tích cực và tiêu cực. Nhìn một cách tổng thể, đô thị hóa làm biến đổi không gian địa lý và kiến trúc các khu vực dân cư, làm biến đổi tổ chức hành chính, chuyển làng - xã thành phường, gây ra sự dịch chuyển dân cư làm biến đổi dân số, nghề nghiệp, cấu trúc không gian làng xã và môi trường sinh thái. Tác động tích cực của đô thị hóa có thể kể đến là: đô thị hóa tạo cơ sở phát triển hạ tầng ở nông thôn, góp phần phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, mang lại cơ hội hiểu biết cho người dân sống ở nông thôn. Người nông dân có thêm cơ hội để tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và có thể giải trí một cách tốt hơn. Tuy nhiên, đô thị hóa cũng có những tác động tiêu cực như: đô thị hóa làm tăng đột biến cường độ khai thác vật liệu, làm người nông dân mất đất, mất nghiệp, gây thất thoát lãng phí, bức xúc trong dân và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường, làm biến đổi đời sống văn hóa Để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao dân trí, cập nhật thông tin cho người dân vùng nông thôn, ngành thư viện – thông tin đã có những sự nỗ lực về mọi mặt. Mạng lưới các thư viện, tủ sách và cơ quan thông tin được thiết lập hướng tới người dân nông thôn ngày càng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. Nơi bộ sưu tập phong phú nhất về nông nghiệp có thể kể đến là: Thư viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là kho tư liệu đầu ngành về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ lợi và thuỷ sản, do Trung tâm Tin học và Thống kê quản lý. Đây là nơi cung cấp tư liệu cho các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên trong hoạt động quản lý, nghiên cứu, triển khai và phân tích phục vụ toàn ngành. Thư viện hiện có 15.000 đầu sách bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp với 19.000 bản; 200 tên ấn phẩm định kỳ (tạp chí, bản tin). Ngoài ra, thư viện còn có một số cơ sở dữ liệu (CSDL) có giá trị. Tiêu biểu như: - CSDL thư mục tóm tắt hoặc toàn văn các kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật, báo cáo khoa học của các Viện, các Trung tâm Nghiên cứu và các Trường Đại học trong ngành và một số ngành có liên quan về khoa học công nghệ, kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, thuỷ lợi, phát triển nông thôn... Hiện CSDL có trên 14.000 biểu ghi và được cập nhật thường xuyên. - CSDL KHCN1 và KHCN 2: CSDL thư mục có tóm tắt các công trình nghiên cứu trên thế giới về mọi khía cạnh quan trọng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và ngư nghiệp. Chủ đề chính bao gồm quản lý vật nuôi, cây trồng, di truyền, nhân giống, bảo vệ thực vật, thú y, kinh tế, công nghệ sau thu hoạch... Đây là bộ sưu tập từ nhiều nguồn CSDL CD-ROM của nước ngoài, hiện có trên 2 triệu biểu ghi và được cập nhật hàng quí. - CSDL toàn văn về báo cáo kết quả nghiên cứu của các đề tài trong và ngoài ngành liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, phát triển nông thôn với trên 1.000 báo cáo và được cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên thư viện này chủ yếu dành cho những nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành nông, lâm, nghiệp, còn những người nông dân ít có điều kiện để tiếp cận tới thư viện. Để cung cấp thông tin phục vụ nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tiến hành các dự án như: Dự án tăng cường công tác thông tin khuyến nông và thị trường tại 20 tỉnh, 100 huyện Một số trang thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin cho nông dân đã được xây dựng, tiêu biểu như: Trang Thông tin Nông - Lâm - Ngư nghiệp và Nông thôn được xây dựng bao gồm một số chuyên mục và thông tin khá đầy đủ, thiết thực cho người nông dân như phổ biến kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tin tức thời sự, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, bản tin cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ, y tế, cộng đồng; những chính sách, văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam... Tiến gần tới người dân, một hệ thống thư viện công cộng đã được phát triển với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện tỉnh, thành phố và hơn 600 thư viện cấp huyện, hơn 4.000 thư viện xã... thêm vào đó là hơn 10.000 điểm bưu điện văn hóa xã. Ngoài ra còn phải kể đến các thư viện của các trường đại học nông lâm, thư viện các viện nghiên cứu từ trung ương đến địa phương. Các thư viện công cộng đã tiến hành phục vụ cho người dân với nhiều hình thức: đọc tại chỗ, đưa sách luân chuyển về cơ sở, biên soạn các bản thư mục chuyên đề, phục vụ thông tin theo chế độ hỏi/đáp Có thể nói các thư viện đã tích cực tham gia cung cấp sách, báo, thông tin cho nông dân giúp họ nâng cao đời sống tinh thần, “xóa đói giảm nghèo”, làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề đọc sách và sử dụng thông tin ở nông thôn lại chưa được các cấp chính quyền và người dân nơi đây quan tâm một cách thỏa đáng. Xu thế đô thị hóa đã thu hút một làn sóng những người lao động có sức khỏe và kiến thức tạm ổn ở nông thôn về thành phố tìm kiếm việc làm và hy vọng có cuộc sống khá giả hơn so với quê nhà. Xu thế ấy đã làm cho một số lớn hạt nhân của “văn hóa đọc” ở nông thôn nghèo đi. Thêm vào nữa người nông dân luôn bận với việc đồng áng nên tìm ra được người có thói quen đọc sách trong một làng cũng thật hiếm hoi. Đa phần các thôn xã đều được đầu tư xây trụ sở thôn, có nơi gọi là trụ sở văn hóa, nhưng sách báo, các dịch vụ thông tin khác phục vụ cho việc nâng cao văn hóa người dân cũng như tuyên truyển phổ biến khoa học kỹ thuật giúp dân “xóa đói giảm nghèo” còn rất thiếu thốn. Cũng đã có những chương trình dự án giúp dân từ các quỹ lớn của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ như FAO, IFAT nhưng cũng chỉ thỏa mãn được phần nhỏ so với nhu cầu của khoảng 60 triệu nông dân đang cần sách báo hiện nay, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa. Gần đây nhiều dự án “Phát triển Nông thôn” cũng đã chăm lo xây dựng tủ sách cộng đồng cho dân, đó là cách tiếp cận rất đáng khích lệ. Nhưng chọn bộ sách thích hợp cho dân đọc thì cần nhiều tâm huyết, hiểu dân và thương dân của những người làm dự án. Bộ sách tặng dân phải sát với nhu cầu đọc của dân, sát với cây con trong vườn nhà của dân. Còn về xây dựng nhân cách con người mới ở nông thôn thì cần có những loại sách, báo, tài liệu nào để khơi dậy niềm tin về một tương lai tươi sáng ở nông thôn, cái nôi văn hóa lúa nước thuần Việt là điều chưa được chúng ta lưu tâm đúng mức. Mặc dù tất cả các tỉnh thành đều đã xây dựng được thư viện nhưng thật khó có được nhiều người nông dân lên thư viện tỉnh, thư viện huyện để đọc sách. Cũng thật khó bố trí thư viện lưu động đi hết được tất cả những thôn xóm làng bản xa xôi, hẻo lánh. Cơ sở hạ tầng thư viện cùng với những mô hình cung cấp và dịch vụ sách báo phục vụ nông dân, nông nghiệp và nông thôn đã được hình thành. Hoạt động của hệ thống thư viện từ trung ương xuống địa phương có nhiều thành công, nhưng phạm vi ảnh hưởng hẹp chủ yếu trong khuôn khổ dự án. Dự án hết thì hoạt động “nguội dần”, đó là thực tế đã được tổng kết ở nhiều hội thảo về khía cạnh này. Từ những nét chung về bối cảnh trên, chúng tôi những người làm thư viện muốn cùng các ban ngành hữu quan tham góp một số giải pháp để cùng nhau đưa ra được những hành động thiết thực với mục tiêu đơn giản là: cải tiến hoạt động cung cấp và dịch vụ thông tin nhằm phục vụ tốt hơn cho chiến lược phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn của Đảng và Nhà nước. II. Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động thư viện-thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn 1. Nguyên tắc xây dựng giải pháp Nguyên tắc căn bản đặt ra là cung cấp thông tin và các loại sách báo mà dân cần để nâng cao văn hóa và chuyển giao khoa học kỹ thuật thích hợp cho dân với mục tiêu nâng cao đời sống và từng bước thông qua các kênh thông tin cung cấp góp phần thực hiện dân chủ hóa ở nông thôn. Sẽ có hai nhóm đầu sách đi kèm với cách cung cấp và dịch vụ thích hợp mà dân đang rất cần lúc này là: sách báo chuyển giao kĩ thuật và công nghệ và sách nâng cao hiểu biết thường thức về khoa học kỹ thuật sát với đời sống của dân nông thôn. Các nhóm sách như nước sạch, điện an toàn, nuôi trồng thực phẩm sạch và bảo tồn phát huy những thuần phong mỹ tục bản địa, cũng như nhóm sách đa chủng loại nhằm khơi dậy niềm tin cho người dân về cuộc sống tốt đẹp ở nông thôn trong tương lai dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. 2. Các giải pháp cụ thể a. Tăng cường bổ sung sách báo phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân Các thư viện tỉnh, thành phố, thư viện huyện thị và các thư viện chuyên ngành, những “dự án phát triển nông thôn” các cấp nên tham vấn ý kiến chuyên môn của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp để mua thêm sách mới nhằm làm giàu vốn sách báo về chuyển giao kĩ thuật và công nghệ, sách nâng cao hiểu biết thường thức về khoa học kỹ thuật và những ấn phẩm văn hóa khác liên quan đến nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa bản địa, văn hóa lúa nước gắn với hình thành nhân cách con người mới ở nông thôn trong tiến trình “công nghiệp hóa” đất nước. b. Đặt viết và xuất bản sách mới phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân Nhóm chuyên gia chuyên ngành của các Bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học Công nghệ; Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ khác liên quan chia sẻ và tìm ra các chủ đề mới thích hợp với dân, Đảng và Nhà nước đang cần để định hướng, từ đó xây dựng quỹ “Viết và xuất bản sách cho nông dân đọc”. Quỹ này không chỉ do Nhà nước tài trợ, mà có thể kêu gọi được các tổ chức quốc tế, các công ty và những người quan tâm đến nông dân, nông thôn tham gia. Một số chủ đề có thể là: giới thiệu các giống cây trồng vật nuôi năng suất cao, nuôi trồng thực phẩm sạch phục vụ tiêu dùng cao cấp và xuất khẩu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng từ sản xuất nông nghiệp, làm giàu từ đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, chọn cây con thích hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu, thường thức về nước sạch và điện an toàn ở nông thôn, thuần phong mỹ tục ở nông thôn v.v c. Làm giàu nhà văn hóa hay trụ sở thôn bản bằng sách báo phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân Các thư viện cộng đồng thường lấy trụ sở thôn để đặt sách báo phục vụ nông dân, nhưng không phải tất cả các trụ sở thôn, nhà văn hóa thôn hiện nay đã có tủ sách. Thư viện các cấp có thể tư vấn và đề xuất với cấp trên mua sách báo cung cấp cho các trụ sở văn hóa thôn từ nguồn kinh phí được cấp. Đây là một việc làm không tốn tiền bạc đầu tư cơ sở nhà thư viện, mà chỉ cần số tiền không lớn mua sách (ước tính mỗi thôn khoảng 2->3 triệu đồng) là đã có một thư viện cộng đồng nhỏ, phục vụ dân đọc tại chỗ. Cán bộ xã lại có việc làm và trụ sở thôn luôn có người đến. Từ đó các công tác tuyên truyền vận động khác ở nông thôn sẽ có địa chỉ tin cậy đón người dân đến đọc sách. d. Tăng cường luân chuyển sách từ các thư viện cấp trên (tỉnh, huyện) về thư viện cộng đồng phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân Đây là bước tiếp theo nên làm khi các trụ sở thôn hay nhà văn hóa thôn đã có tủ sách gọi là thư viên cộng đồng. Thư viện cấp trên có thể chi viện sách phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân cho các chi nhánh trên địa bàn của mình bằng cách luân lưu sách. Tùy điều kiện của từng địa phương, thư viện cấp huyện hoặc tỉnh nên rút ngắn định kỳ một quý một lần xuống hai hoặc một tháng một lần đưa sách xuống xã phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân. e. Cải tiến hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ thư viện phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân Thư viện các cấp cần có bộ phận chuyên viên hiểu nông dân và đơn giản hóa việc mượn sách, dịch vụ đọc sách cho nông dân. Cải tiến thủ tục cấp thẻ. Giới thiệu sách cho nông dân nên đơn giản hóa đến mức dễ hiểu nhất có thể, để họ nhận dạng sách dễ dàng. Không dùng quá nhiều thuật ngữ chuyên môn không quen với nhận thức của dân trong công tác nghiệp vụ cũng như giới thiệu sách. Thông qua kênh truyền thông các xã như loa đài xã, gửi danh mục sách mới hấp dẫn nhằm thu hút người dân đọc sách, mua sách. f. Tăng cường sự tham gia của thư viện các trường, các viện nhằm có nhiều kênh thư viện đa ngành cung cấp thông tin phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân Thư viện Quốc gia Việt Nam và các thư viện các trường, các viện luôn là địa chỉ tốt, là chỗ dựa về trí tuệ để đề xuất ra các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc cung cấp thông tin phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân. Trong đó thư viện của các trường đại học Nông lâm đóng vai trò rất quan trọng. Bổ sung nguồn sách và chọn sách thiết thực phục vụ nông dân của thư viện các cấp nên tham vấn ý kiến nhà chuyên môn và ý kiến của thư viện các trường nông nghiệp. Các thư viện chuyên ngành tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể sáng tạo những hình thức cung cấp và dịch vụ thông tin như bán sách chuyển giao kĩ thuật công nghệ đi kèm với việc điều động chuyên gia kĩ thuật hướng dẫn dân áp dụng thông qua các dự án phát triển nông thôn. g. Tuyên truyền vận động phát huy vai trò của công tác thư viện, cung cấp thông tin phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân Ngành thư viện sẽ thông qua kênh quản lí nhà nước tăng cường nhận thức cho các nhân viên thư viện các cấp nhận thức tầm quan trọng của cung cấp thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong sự nghiệp đổi mới. Đồng thời các thư viện cấp cơ sở nâng cao trách nhiệm phục vụ nông dân bằng những biện pháp kể trên hoặc các biện pháp sáng tạo khác để mỗi thư viện đều có những hành động cụ thể trong việc cải tiến hoạt động công tác thư viện và cung cấp thông tin phục vụ nông nghiệp nông thôn và nông dân. - Kết luận: Cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược quan trọng, đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Tiền nhân có câu răn chúng ta “Thực túc binh cường”, ý nói chăm lo dựng nước và giữ nước ắt phải nghĩ tới phát triển nông nghiệp. Ngày nay tổ chức Liên hiệp quốc cũng đề ra chiến lượng “an toàn lương thực” như một chỉ dẫn cho tất cả các quốc gia nhất là các quốc gia nghèo phải quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Và chỉ có “an toàn lương thực” xã hội mới bình ổn đó là điều ai cũng có thể hiểu được. Với tấm lòng người Việt Nam yêu nước, yêu văn hóa lúa nước, những người làm công tác thư viện – thông tin cần góp phần nhỏ bé của mình trong việc cung cấp thông tin cho phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Sinh Hùng. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. – 2008 2. Nguyễn Văn Thủ. Biến đổi xã hội nông thôn dưới tác động của đô thị hóa và tích tụ ruộng đất / Nguyễn Văn Thủ. – Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 2009. 3. Ban Biên tập website Thông tin Phục vụ phát triển Nông - Lâm - Ngư nghiệp & Nông thôn. Dự án Cổng thông tin điện tử Việt Nam (VNEP) thon/2009. ______________ Vũ Dương Thúy Ngà Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 6(26) – 2010 (tr.37-42)
File đính kèm:
- hoat_dong_thu_vien_va_cung_cap_thong_tin_phuc_vu_phat_trien.pdf