Một số nội dung cơ bản trong triết học pháp quyền Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831)

Tóm tắt Một số nội dung cơ bản trong triết học pháp quyền Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831): ... (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 189). Như vậy, mặc dù đồng ý với Kant rằng, cơ sở xác định giá trị đạo đức phải là cái “hợp lý tính” (“vernuenftig”) và hành vi đạo đức phải xuất phát từ sự tự trị của lý tính, nhưng không phải lý tính cá nhân độc lập với mọi yếu tố thường nghiệm và những th... định sự tiêu vong của nó. Mỗi cá nhân lấy gia đình làm mục đích sống của mình, trong ý nghĩa đó, cá nhân là một thành viên của gia đình, nhưng với tư cách là cái phổ biến, cá nhân là một công dân thuộc về xã hội công dân. Xã hội công dân (buergerliche Gesellschaft) – theo Hegel – bao ...iên thứ hai” của cá nhân. Trong xã hội công dân quyền sở hữu của cá nhân, điều kiện cho sự sinh tồn, sự bình an được đảm bảo thông qua hệ thống tư pháp, hiệp hội và cảnh sát. Vì vậy, trong xã hội công dân, cá nhân không chỉ hoạt động vì lợi ích đặc thù, NGÔ THỊ MỸ DUNG – MỘT SỐ NỘI DUN...

pdf9 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 184 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Một số nội dung cơ bản trong triết học pháp quyền Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nh an (Wohl) hay 
hạnh phúc (Glueckseligkeit) (Hegel, 
G.W.F., 1979, tr. 189). Phê phán quan 
điểm của Kant về vấn đề này, Hegel cho 
rằng con người có quyền lấy những nhu 
cầu của mình làm mục đích. Hành động 
nhằm thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên 
không phải là hạ thấp phẩm giá con người. 
Tuy nhiên là thực thể lý tính con người cần 
phải “nâng cái gì đang có lên thành một 
tiến trình tự sáng tạo hướng đến cái thiện” 
(Hegel, G.W.F., 1979, tr. 189). 
Như vậy, mặc dù đồng ý với Kant rằng, cơ 
sở xác định giá trị đạo đức phải là cái “hợp 
lý tính” (“vernuenftig”) và hành vi đạo đức 
phải xuất phát từ sự tự trị của lý tính, 
nhưng không phải lý tính cá nhân độc lập 
với mọi yếu tố thường nghiệm và những 
thể chế chính trị-xã hội, mà là gắn liền với 
chúng. Hành vi đạo đức mang tính cá nhân 
nhưng lại là sự thể hiện của những định 
chế cũng như những qui phạm xã hội trong 
hiện thực. Phê phán tính trừu tượng, tính 
hình thức của qui luật đạo đức Kant, Hegel 
cho rằng những nguyên tắc đạo đức của 
Kant chỉ dừng lại ở cái cần phải (Sollen), 
chứ không thể hiện được tính hiện thực 
(wirklich). Trên thực tế chúng không phải là 
những qui luật (Gesetze) mà chỉ là những 
điều răn (Gebote) mà thôi. Vì vậy, cần thiết 
phải từ bỏ tính hình thức khuôn mẫu đó và 
đem lại cho nó một nội dung cụ thể. Theo 
Hegel, hành vi đạo đức được thực hiện bởi 
sự tự quyết (Selbstbestimmung) của ý chí 
cá nhân, nhưng qui luật đạo đức tồn tại tự 
nó trong đời sống cộng đồng. Cơ sở xác 
định giá trị đạo đức không phải là lý tính cá 
nhân, mà là những chuẩn mực mang tính 
khách quan được mọi người trong một xã 
hội thừa nhận. Bởi vì “hành động là một sự 
biến đổi (Handlung ist eine Veraenderung) 
NGÔ THỊ MỸ DUNG – MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG 
11
phải hiện hữu trong một thế giới hiện thực, 
vì vậy nó phải phù hợp với những gì được 
thừa nhận như là có giá trị hiệu lực trong 
thế giới ấy. Ai muốn có một hành động 
trong thế giới hiện thực, thì khi làm điều ấy 
phải phục tùng những luật lệ của nó và 
thừa nhận quyền của tính khách quan” 
(Recht der Objektivitaet) (Hegel, G.W.F., 
1979, tr. 201). 
Đánh giá cao tư tưởng của Kant về vấn đề 
nghĩa vụ đạo đức tồn tại trong lương tâm 
của mỗi con người, Hegel cũng cho rằng, 
“khi làm nghĩa vụ, cá nhân tồn tại nơi chính 
mình, và như vậy là tự do” (Hegel, G. W. 
F., 1979, tr. 205). Tuy nhiên, theo Hegel, 
lập luận của Kant về nghĩa vụ xuất phát từ 
độc lập tự quyết của ý chí cá nhân còn 
thiếu nội dung thực chất, bởi cá nhân với 
tư cách là cá nhân không bao giờ có thể 
tạo ra được một nội dung hiện thực cho 
đạo đức. Vì vậy, triết học đạo đức của 
Kant trở thành chủ nghĩa hình thức trống 
rỗng (leerer Formalismus) và hạ thấp khoa 
học đạo đức xuống thành một sự nói 
suông về nghĩa vụ vì nghĩa vụ (Pflicht um 
Pflicht willen) (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 
206). 
Luân lý (die Sittlichkeit) là “khái niệm tự do 
đã trở thành thế giới hiện tồn và đã trở 
thành bản tính của tự ý thức” (“zur 
vorhandenen Welt und zur Natur des 
Selbstbewusstseins gewordene Begriff der 
Freiheit”) (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 237). 
Nghĩa là, trong lĩnh vực luân lý, khái niệm 
tự do ý chí không còn ở hình thức “tự nó” 
và “cho nó” nữa, mà đã trở thành hiện thực 
thông qua hành động tự giác. Tuy nhiên, 
mức độ của hành động tự giác của khái 
niệm này thể hiện khác nhau trong cái “tồn 
tại hiện có của nó”, tức gia đình (die 
Familie), xã hội công dân (die buergerlische 
Gesellschaft) và trong nhà nước (Staat). 
Gia đình (Familie) là khởi điểm ban đầu 
trực tiếp của luân lý, là “tinh thần luân lý 
trực tiếp hay tự nhiên” (“unmittelbarer oder 
natuelicher Geist”) (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 
249). Trong gia đình, sự tự giác của tự do 
ý chí thể hiện trong sự thống nhất về cảm 
nhận của những cá nhân trong tình yêu 
(Liebe) (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 251). Tình 
yêu là “cảm giác” hay là cái luân lý trong 
hình thức của cái tự nhiên nhưng không 
còn đơn thuần là cái tự nhiên, mà còn có 
sự tham gia của ý thức, cái tinh thần. Sự 
ra đời của gia đình dựa trên hôn nhân 
không chỉ vì mục đích “thỏa mãn bản năng 
tự nhiên”, mà còn là “tình yêu, sự tin cậy 
và tính cộng đồng của toàn bộ sự hiện hữu 
cá nhân” (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 255). 
Chính tình yêu làm nhiệm vụ trung giới 
giữa tự nhiên và tinh thần, vì nó không 
phải là “cảm giác đơn thuần” mà là “sự 
thống nhất của tự cảm nhận chính mình 
của tinh thần” trong sự khác biệt giữa các 
cá nhân, và trong chừng mực đó, là hình 
thái trực tiếp của luân lý (Hegel, G.W.F., 
1979, tr. 255). 
Như vậy, theo Hegel, hôn nhân không lập 
luận dựa theo bản tính tự nhiên, tức quan 
hệ giới tính đơn thuần, hay theo tính chất 
hợp đồng dân sự dựa trên ý chí tùy tiện 
của các bên, mà là “tình yêu mang tính 
luân lý phù hợp với pháp luật” (“rechtlich 
sittliche Liebe”) (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 
254). Bởi tầm quan trọng của hôn nhân là 
tính luân lý, nên pháp luật phải được xây 
dựng nhằm bảo vệ mục đích cao cả đó, 
mà điều trước tiên là việc thừa nhận chế 
độ một vợ một chồng, xem nó “là một trong 
các nguyên tắc tuyệt đối làm cơ sở cho 
NGÔ THỊ MỸ DUNG – MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG 
12 
luân lý của một cộng đồng” (Hegel, G.W.F., 
1979, tr. 262). 
Mặc dù gia đình là một định chế bền vững 
của xã hội, nhưng từng gia đình là một 
định chế “chờ giải thể”. Việc giải thể này có 
thể xảy ra theo hai ý nghĩa. Theo nghĩa 
luân lý, đó là sự trưởng thành của con cái 
với tư cách là những pháp nhân có đầy đủ 
năng lực để thành lập gia đình riêng. Theo 
nghĩa tự nhiên, tức là do cái chết của cha 
mẹ, gia đình sẽ bị giải thể. Như vậy, một 
mặt con cái là sự hợp nhất đã trở thành 
“khách quan” của cha mẹ, nhưng mặt khác, 
chúng là tồn tại khác của cha mẹ – là cái 
tự do tự mình (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 
270). Với việc nuôi dạy con cái trưởng 
thành như những nhân cách tự do, sẽ tất 
yếu dẫn đến sự giải thể gia đình, tức sự 
hợp nhất của cha mẹ, và như vậy cũng tất 
yếu khẳng định sự tiêu vong của nó. 
Mỗi cá nhân lấy gia đình làm mục đích 
sống của mình, trong ý nghĩa đó, cá nhân 
là một thành viên của gia đình, nhưng với 
tư cách là cái phổ biến, cá nhân là một 
công dân thuộc về xã hội công dân. 
Xã hội công dân (buergerliche Gesellschaft) 
– theo Hegel – bao gồm một hệ thống 
những nhu cầu (System der Beduerfnisse) 
và sự thỏa mãn hệ thống nhu cầu đó thông 
qua lao động; hoạt động của cơ quan tư 
pháp (Rechtspflege); cuối cùng là cảnh sát 
(Polizei) và các hiệp hội (Korporation). Xã 
hội công dân là hệ thống những nhu cầu, 
là lĩnh vực của khế ước, của sự liên kết tự 
nguyện giữa các cá nhân, là sự trung giới 
giữa gia đình và nhà nước (Hegel, G.W.F., 
1979, tr. 249). Hegel cho rằng chính sự đa 
dạng hóa của hệ thống những nhu cầu và 
cách thức thỏa mãn chúng thể hiện sự 
khác biệt giữa con người và giới động vật. 
Chúng là “cái biểu hiện cụ thể của cái biểu 
tượng mà người ta gọi là con người” 
(Hegel, G.W.F., 1979, tr. 293) theo nghĩa 
chính xác của từ này. Nhu cầu càng đa 
dạng càng đòi hỏi sự thỏa mãn càng cao, 
vì vậy sẽ xuất hiện các loại hình lao động 
trong xã hội. Cho rằng thông qua các loại 
hình lao động, con người mới có được 
phương tiện để thỏa mãn nhu cầu của 
mình là quan điểm khá sâu sắc của Hegel. 
Kế thừa tư tưởng của Adam Smith về 
nguồn gốc sự giàu có của xã hội xuất phát 
từ lao động, Hegel cho rằng, sự chuyên 
biệt hóa những phương tiện do nhu cầu 
của quá trình sản xuất dẫn đến sự phân 
công lao động. Theo đó, nhằm đáp ứng 
nhu cầu, mỗi cá nhân có những quan hệ 
với những cá nhân khác trong xã hội, và 
như vậy, sự phân công lao động cũng đem 
lại sự hợp tác xã hội mạnh mẽ trong xã hội 
công dân. Điều đó có nghĩa là, trong khi 
hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân, 
các cá nhân riêng biệt đồng thời đã đáp 
ứng nhu cầu và lợi ích chung của toàn xã 
hội – đó là sự thống nhất giữa cái đặc thù 
và cái chung. 
Sự phân công lao động cũng thúc đẩy quá 
trình đơn giản hóa, nâng cao năng suất lao 
động cá nhân, xã hội hóa những nhà sản 
xuất cá thể và là cơ sở cho việc cơ giới 
hóa, tự động hóa máy móc. Hegel viết: 
“Phương diện phổ biến và khách quan của 
lao động là ở quá trình trừu tượng hóa 
(Abstraktion) dẫn đến việc chuyên biệt hóa 
những phương tiện và nhu cầu sản xuất, 
từ đó cho ra đời sự phân công lao động 
(Teilung der Arbeiten) . Nhờ sự phân công 
này, lao động của cá nhân riêng lẻ trở nên 
đơn giản hơn, sự khéo léo trong lao động 
NGÔ THỊ MỸ DUNG – MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG 
13
trừu tượng trở nên lớn hơn cũng như số 
lượng sản phẩm được tạo ra nhiều hơn. 
Đồng thời sự trừu tượng hóa này của kỹ 
năng và phương tiện làm cho việc phụ 
thuộc và sự tương tác (Abhaengigkeit und 
Wechselbeziehung) của con người trong 
việc thỏa mãn những nhu cầu khác của 
mình trở nên hoàn chỉnh và hoàn toàn cần 
thiết. Thêm nữa sự trừu tượng của sản 
xuất làm cho lao động ngày càng tăng mức 
độ cơ giới (mechanisch), khiến cho con 
người cuối cùng có thể rút lui và nhường 
chỗ lại cho máy móc” (Hegel, G.W.F., 1979, 
tr. 299 - 300). 
Hegel lập luận rằng sự chuyên môn hóa 
trong lao động sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong 
lòng xã hội công dân thông qua sự tích lũy 
của cải do lao động tạo ra vào tay một số ít 
người, đồng thời gia tăng sự lệ thuộc và 
sự nghèo nàn của giai cấp bị ràng buộc 
vào lao động ấy. Ông viết: “Một mặt, do 
việc phổ quát hóa sự liên kết 
(Verallgemeinerung des Zusammenhangs 
der Menschen) giữa những con người 
thông qua những nhu cầu và các phương 
pháp để chế tạo và phân phối những 
phương tiện cho việc thỏa mãn những nhu 
cầu này, việc tích lũy sự giàu có 
(Anhaeufung der Reichtuemer) gia tăng 
lên, thì mặt khác, cũng gia tăng mặt 
chuyên môn hóa (Vereinzelung) và tính bị 
hạn chế của lao động đặc thù, và qua đó 
gia tăng sự lệ thuộc (Abhaengigkeit) và 
túng quẫn của giai cấp gắn liền với loại lao 
động này (Not der an diese Arbeit 
gebundenen Klasse)” (Hegel, G.W.F., 
1979, tr. 349). Mặc dù lao động trừu tượng 
(abstrakte Arbeit) chỉ được hiểu như là sự 
trừu tượng hóa của tư duy nhưng sự phân 
tích trên của Hegel về vấn đề lao động và 
sự phân công lao động dẫn đến mâu thuẫn 
nội tại trong lòng xã hội công dân là những 
quan điểm tiến bộ đáng được ghi nhận. Từ 
việc phân tích quá trình sản xuất và trao 
đổi hàng hóa nhằm đáp ứng hệ thống 
những nhu cầu và bảo đảm cuộc sống 
riêng của các thành viên trong xã hội, 
Hegel đã nhìn thấy tính tất yếu của sự hình 
thành các mối quan hệ và các tầng lớp 
khác nhau trong xã hội công dân (Hegel, 
G.W.F., 1979, tr. 303). Để đảm bảo lợi ích 
cá nhân (đặc biệt là sở hữu tư nhân), cần 
phải có một hệ thống pháp luật cùng với 
việc thực thi nó thông qua tòa án. Vấn đề 
trọng tâm mà Hegel quan tâm ở đây là xác 
định những điều kiện để đảm bảo hiệu lực 
pháp luật trong khuôn khổ của xã hội công 
dân. Theo đó, bản thân pháp luật phải 
chứa đựng tính phổ biến (allgemein), tính 
xác định (bestimmt). Ngoài ra pháp luật 
phải qui định quyền quyết định tối cao của 
phán quyết của tòa án (Hegel, G.W.F., 
1979, tr. 313). Thông qua hệ thống pháp 
luật và những phán quyết của tòa án, sở 
hữu tư nhân và cùng với nó là nhân cách 
cá nhân được đảm bảo. Tuy nhiên, theo 
Hegel, “sự sinh tồn và sự bình an của 
những cá nhân cũng cần được bảo vệ” 
(Hegel, G.W.F., 1979, tr. 340). Vì vậy, 
trong xã hội công dân cần có hệ thống 
cảnh sát và các hiệp hội. 
Như vậy, tách ra khỏi gia đình, cá nhân trở 
thành thành viên của xã hội công dân. Xã 
hội công dân trở thành “gia đình tự nhiên 
thứ hai” của cá nhân. Trong xã hội công 
dân quyền sở hữu của cá nhân, điều kiện 
cho sự sinh tồn, sự bình an được đảm bảo 
thông qua hệ thống tư pháp, hiệp hội và 
cảnh sát. Vì vậy, trong xã hội công dân, cá 
nhân không chỉ hoạt động vì lợi ích đặc thù, 
NGÔ THỊ MỸ DUNG – MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG 
14 
mà còn hoạt động vì lợi ích phổ biến. 
Hegel cho rằng thực chất hoạt động của 
hiệp hội là “tính phổ biến tự mình và cho 
mình” và tính hiện thực của nó có trong 
nhà nước (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 361). 
Nhà nước hiện thực tồn tại trước tiên như 
là ý niệm (Idee), tức cái tinh thần (Geist) 
còn mang tính trừu tượng, tự phân chia 
thành gia đình và xã hội công dân, để từ 
đấy phát triển hoàn thiện trở thành nhà 
nước hiện thực (vừa mang tính trừu tượng 
vừa mang tính cụ thể). Như vậy, nhà nước 
hiện thực là kết quả của quá trình phát 
triển của khái niệm về nhà nước. Trong 
mối quan hệ giữa gia đình, xã hội công 
dân và nhà nước thì nhà nước là cái tinh 
thần mang tính phổ biến khách quan 
(objective Allgemeinheit), còn gia đình, xã 
hội công dân là các yếu tố của cái tinh thần. 
Trong quá trình nhận thức của mình (từ 
trừu tượng đến cụ thể và tổng thể), nhà 
nước hiện thực, đã nhận thức được tính 
qui luật cũng như những mong muốn của 
công dân, từ đấy có những hành động phù 
hợp với nhận thức của mình về chúng, vì 
vậy, có thể đảm bảo lợi ích phổ biến lẫn lợi 
ích đặc thù (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 379 - 
380). Như vậy, trong nhà nước hiện thực 
của Hegel, tự do cá nhân được đảm bảo, 
vì vậy, mọi công dân hãy hiến thân mình 
cho nhà nước, phấn đấu trở thành “thành 
viên của nhà nước (“Mitdlieder des 
Staates”). 
Với tư cách là nhà nước đang tồn tại, mỗi 
nhà nước đều có chế độ nhà nước riêng 
với những hiến pháp cụ thể và những 
quyền lực của nhà nước đó. Một chế độ 
nhà nước là hợp lý (hiện thực) khi các 
quyền lực của nó phù hợp với khái niệm 
của chúng và mỗi quyền lực là “một tổng 
thể riêng biệt” (ein individuelles Ganzes) 
(Hegel, G.W.F., 1979, tr. 398). Nghĩa là, 
những quyền lực nhà nước có mối liên hệ 
hữu cơ với nhau, mỗi quyền lực là một 
tổng thể (là chính nó nhưng bao hàm cả 
các quyền lực khác) nhưng riêng biệt (để 
phân biệt nó với những quyền lực khác). 
 Hegel cho rằng mỗi nhà nước đang tồn tại 
có chế độ chính trị và hệ thống pháp luật 
riêng thể hiện tinh thần của dân tộc ấy. 
Chế độ nhà nước của một dân tộc nhất 
định, phụ thuộc vào tính chất và sự hình 
thành của sự tự ý thức (Selbstbewusssein) 
của dân tộc ấy (Hegel, G. W. F., 1979, tr. 
408). Cho rằng “sự phát triển của nhà 
nước thành chế độ quân chủ lập hiến là 
thành tựu của thế giới mới, trong đó ý 
niệm thực thể đã đạt đến hình thức vô tận” 
(Hegel, G.W.F., 1979, tr. 402), Hegel tiến 
hành phân tích chế độ quân chủ lập hiến 
với những quyền lực của nó (quyền lực 
của nhà vua, quyền hành chính, quyền lập 
pháp), nhằm biện minh cho sự hợp lý của 
chế độ quân chủ Phổ với quyền lực tối cao 
thuộc về nhà vua. Quyền lực của nhà vua 
được Hegel phân tích như là một tổng thể 
bao gồm sự tự qui định, tính đặc thù và 
tính phổ biến. Quyền lực này có “sự đảm 
bảo khách quan” (“Objektive Garantie”) 
(Hegel, G.W.F., 1979, tr. 428) dựa trên 
nguyên tắc con trưởng thừa kế như các 
thể chế chính trị đã tồn tại trong lịch sử. 
Tuy nhiên, khác với những chế độ chuyên 
chế và quân chủ phong kiến trước đây, 
trong nhà nước quân chủ lập hiến, với tính 
cách là một tổng thể hữu cơ, nhà vua là 
“đỉnh cao tuyệt đối của nhà nước” 
(absolute Spitze des Staates) (Hegel, 
G.W.F., 1979, tr. 428). Nếu trong nhà 
nước quân chủ phong kiến, mỗi bộ phận 
NGÔ THỊ MỸ DUNG – MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG 
15
chỉ chăm lo cho lợi ích bản thân bằng cách 
tăng cường quyền lực dẫn đến những 
hành vi bạo lực của kẻ cầm quyền, nội 
chiến và cuối cùng là sự sụp đổ của các 
triều đại trong lịch sử, thì trong nhà nước 
quân chủ lập hiến, các bộ phận của nó 
quan hệ với nhau một cách hữu cơ, mỗi bộ 
phận không thể tồn tại nếu thiếu các bộ 
phận khác (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 428). 
Để lập luận cho sự dung hòa về mặt chính 
trị, Hegel biện minh cho vai trò quan trọng 
của yếu tố đẳng cấp trong việc giải quyết 
mối quan hệ lợi ích giữa xã hội công dân 
và nhà nước, đặc biệt là đẳng cấp phổ 
biến và đẳng cấp thực thể. Đẳng cấp thực 
thể, tức quý tộc phong kiến, một mặt, dựa 
trên “nguyên tắc tự nhiên của gia đình” 
(“Naturprinzip der Familie”), tức được sinh 
ra trong các gia đình quí tộc, có được “sự 
tự qui định” giống như của nhà vua, nên 
“họ có sứ mệnh và quyền (berechtigt) tiến 
hành các hoạt động chính trị do sự sinh ra 
(Geburt) chứ không phải do tính ngẫu 
nhiên của bầu cử” (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 
455-456). Mặt khác, dựa trên độc lập về 
sở hữu tư nhân, họ “không bị hạn chế bởi 
hoàn cảnh bên ngoài và như vậy, có thể 
phát biểu và hoạt động có lợi cho nhà 
nước mà không bị cản trở gì cả” (Hegel, 
G.W.F., 1979, tr. 455). Khác với đẳng cấp 
phổ biến và đẳng cấp công thương nghiệp, 
đẳng cấp sở hữu ruộng đất có vai trò và ý 
nghĩa chính trị cao hơn, vì “tài sản của họ 
không phụ thuộc vào tài sản nhà nước 
cũng như không phụ thuộc vào sự bấp 
bênh của hoạt động doanh nghiệp cùng 
với việc chạy theo lợi nhuận và sự thay đổi 
sở hữu nói chung” (Hegel, G.W.F., 1979, tr. 
455). Hegel cho rằng dựa trên nguyên tắc 
tự nhiên và sở hữu tư nhân về ruộng đất, 
đẳng cấp này “trở thành chỗ dựa cho ngai 
vàng (Thron) lẫn cho xã hội công dân” 
(Hegel, G.W.F., 1979, tr. 456). 
Trên thực tế, hoạt động của các đẳng cấp 
trên thông qua quyền hành chính và quyền 
lập pháp đều vì lợi ích kinh tế của đẳng 
cấp mình, tức lợi ích của nhà nước hoặc 
lợi ích của tầng lớp phong kiến quý tộc, 
chứ không vì lợi của công dân. Không 
những thế, việc Hegel thần bí hóa sự sinh 
đẻ tự nhiên, xem nó là cái quyết định trong 
quyền lập pháp của đẳng cấp thực thể hay 
cái tạo nên quyền lực đặc thù nhà vua, 
cũng chỉ là để biện minh cho sự hợp lý của 
nhà nước đang tồn tại mà thôi. Có thể nói 
rằng sự thần bí, tư biện trong cách thức 
lập luận cùng với quan điểm duy tâm là 
một trong những đặc trưng cơ bản của triết 
học pháp quyền Hegel. 
3. KẾT LUẬN 
Là người đưa nền triết học cổ điển Đức lên 
đỉnh cao, Hegel đã để lại cho nhân loại 
nhiều tư tưởng quí báu trong nhiều lĩnh 
vực. Triết học Hegel ảnh hưởng sâu rộng 
đến sự phát triển của nền triết học phương 
Tây từ đó đến nay. 
Xem tự do ý chí là đối tượng nghiên cứu 
của triết học pháp quyền, Hegel đã phân 
tích sự triển khai cụ thể của khái niệm này 
trong lĩnh vực pháp luật, đạo đức và luân 
lý. Từ đó đưa ra kết luận rằng, nhà nước 
đang tồn tại là hiện thực của tự do ý chí, 
và vì vậy, phù hợp với khái niệm về một 
nhà nước hiện thực. Bởi vì nó là hiện thực, 
nên nó là nhà nước hợp lý tính. Do đó, 
nhiệm vụ tối cao của mọi công dân là phấn 
đấu trở thành “thành viên” của nhà nước 
và hành động vì lợi ích phổ biến của nhà 
nước. 
NGÔ THỊ MỸ DUNG – MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG 
16 
Nhìn chung, triết học pháp quyền Hegel là 
sự thể hiện khát vọng của giai cấp tư sản 
Đức trong việc xây dựng một nhà nước tự 
do, nhưng do sự yếu đuối về mặt kinh tế 
và hèn nhát về mặt chính trị đã phải dung 
hòa với chế độ nhà nước đang tồn tại. Vì 
lý do đó, triết học pháp quyền Hegel đã cố 
gắng biện minh cho tính hợp lý của nó 
bằng tư duy tư biện, thần bí và thế giới 
quan duy tâm, phi lịch sử. Cũng chính vì 
vậy, triết học pháp quyền của ông chịu sự 
phê phán từ nhiều phía thuộc nhiều trường 
phái triết học khác nhau trong thế kỷ XX. 
Tuy nhiên, “chỉ có triết học và học thuyết 
thực sự có một ý nghĩa trọng đại mới có 
thể thống trị được tư tưởng của mọi người 
trong một thời kỳ và vào thời kỳ sau đã trở 
thành tấm bia bị công kích để cho tư tưởng 
của loài người có sự tiến bộ cần thiết. Đó 
là số phận của triết học Hegel mà cũng là 
một vinh dự đặc thù” (Vương Đức Phong, 
Ngô Hiểu Minh, 2003, tr. 211). ‰ 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Hegel, G.W.F. 1979. Grundlinien der 
Philosophie des Rechts (Những nguyên lý 
của triết học pháp quyền). Frankfurt am Main: 
Suhrkamp. 
2. Mác, C. và Ph. Ăngghen. 1995. Toàn tập. 
Tập 1. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia. 
3. Vương Đức Phong, Ngô Hiểu Minh. 2003. 
Thập đại tùng thư. Mười nhà tư tưởng lớn thế 
giới (Phong Đảo dịch). Hà Nội: Nxb. Văn hóa 
Thông tin. 

File đính kèm:

  • pdfmot_so_noi_dung_co_ban_trong_triet_hoc_phap_quyen_georg_wilh.pdf