Nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật làm báo

Tóm tắt Nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật làm báo: ... hai thứ “Việt ngữ và Hán ngữ”được trình bày như một tờ báo song ngữ, đã tổ chức các trang báo linh hoạt, sinh động hơn. Có nhiều chuyên mục mới như Nhời đàn bà trên tờ Đăng cổ tùng báo, mở ra một nghệ thuật làm báo, khai thác thông tin của “một nửa thế giới”trên phương diện báo chí. Có lẽ cần phải... Đời sống xã hội Việt nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần hai có nhiều biến động đổi khác. Sinh hoạt báo chí không dừng lại ở biên khảo các vấn đề học thuật mà phải phản ánh xã hội theo nhịp thở của đời sống xã hội. Tuyên ngôn của tờ báo Khai hoá cũng là đánh dấu một bước chuyển trong nghề báo th...mạch nhìn tương ứng trong quá trình tiếp nhận thông tin. Nguyễn Ái Quốc còn sáng tạo lối vào ngôn ngữ bằng hai câu văn vần cho mỗi số báo. Hai câu văn vần có thể là song thất hoặc lục bát chuyển tải tóm lược nội dung chính của số báo nhằm cho bà con hiểu dần. Đây là một sáng tạo rất độc đáo mà hiện ...

doc6 trang | Chia sẻ: havih72 | Lượt xem: 313 | Lượt tải: 0download
Nội dung tài liệu Nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật làm báo, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM
DƯỚI GÓC NHÌN NGHỆ THUẬT LÀM BÁO
ThS. PHẠM ĐÌNH LÂN
Khoa Báo chí và Truyền thông,Trường Đại học KHXH&NV
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Nghệ thuật làm báo là hình thức, cách thức chuyển tải nội dung thông tin của chủ thể cơ quan báo chí đến người tiếp nhận (người đọc, người nghe, người xem). Giá trị nghệ thuật làm báo được đánh giá năng lực của thông tin được công chúng thừa nhận.
Hình thức là cái vỏ bên ngoài của nội dung thông tin, là diện mạo của một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh (một số báo, một chương trình truyền hình - phát thanh). Bao gồm: giấy, mực in, băng hình, cách trình bày, độ nét, rõ ràng, đơn giản, dễ nhìn Hình thức của một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh phụ thuộc vào sự hoàn chỉnh của các sản phẩm đơn lẻ; áp dụng và thừa hưởng sự phát triển công nghệ thông tin và khả năng thẩm mỹ của người trình bày. Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào tính cách hoạt động của cơ quan báo chí đó: Báo tính cách chính trị hay chuyên ngành hoặc giải trí chỉ dẫn. Cụ thể hơn như chương trình thời sự chính trị, khoa học giáo dục hay giải trí thông tin kinh tế của đài truyền hình Việt Nam. 
Cách thức chuyển tải là cách tổ chức, sắp xếp trên một trang báo, một tờ báo hay một chương trình của đài truyền hình hay phát thanh. Là sự sắp xếp hợp lý giữa các thành phần, mở nhiều chuyên mục hấp dẫn, tạo thuận lợi trong quá trình tìm kiếm thông tin. Là sự lựa chọn thể loại, lựa chọn mô thức cho một tác phẩm báo chí để góp phần nâng cao năng lực thông tin tạo nên phong cách của cơ quan báo chí.
2. Báo chí Việt Nam trải qua 145 năm ra đời và phát triển với hai giai đoạn: báo chí trong thời kỳ thuộc địa (1865 - 1945) và báo chí cách mạng Việt Nam (1945 - nay). Trong mỗi giai đoạn, đều thể hiện những bước đi rất nhanh để lại nhiều dấu ấn, định vị cho từng bước nhảy của nghệ thuật làm báo. Mặc dù trong mỗi thời kỳ, chế độ chính trị có khác nhau nhưng nghệ thuật làm báo luôn là đích đến của những người làm báo. Ngay từ buổi đầu, tờ Việt ngữ Gia định báo bằng Việt ngữ đầu tiên ra đời, mang tính cách một tờ công báo còn đơn giản. Trên trang báo chỉ có hai nội dung trong hai chuyên mục Công vụ và Tạp vụ tồn tại từ 1865 đến 1869. Khi người Pháp chuyển giao việc quản lý tờ này cho ông Trương Vĩnh Ký thì diện mạo tờ báo bắt đầu có thay đổi. Tờ báo có thêm mục Thứ vụ để đăng tải những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ đương thời. 
Việc mở mục Thứ vụ có ý nghĩa quyết định cho việc Gia định báo được lưu hành trong dân chúng, hay nói cách khác Gia định báo có cơ hội đến với công chúng nhiều hơn , đồng nghĩa với việc tính cách công báo giảm dần, mở đường cho Gia định báo, thực sự là một tờ báo lúc đó.
Đầu thế kỷ XX, trước khi xuất hiện các tờ báo bằng Việt ngữ, những tờ công báo, kỷ yếu đầu tiên bằng Hán ngữ và Pháp ngữ xuất bản tại Bắc Kỳ. Thông qua các bài khảo cứu trên các tờ kỷ yếu ở Hải Phòng, Hà Nội, người Pháp đã “giật mình”cho rằng cái nôi văn hoá của xứ An Nam đâu phải Nam Kỳ như người Pháp từng nghĩ, mà là ở Bắc Kỳ. Từ nhận đinh đó hoạt động báo chí có sự chuyển hướng ra Bắc Kỳ. Điều đó được chứng minh rõ ràng là các tờ báo, tạp chí quan trọng bậc nhất của nhà cầm quền Pháp ở Đông dương được xuất bản tại Bắc Kỳ. Những người chịu trách nhiệm xuất bản cũng là những người tây học Bắc Kỳ. tiêu biểu: Nguyễn Văn Vĩnh với Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh với Tạp chí Nam Phong v.v
Trước đó, tờ Đại Việt tân báo xuất bản năm 1905; tờ Đăng cổ tùng báo xuất bản 1907 với hai thứ “Việt ngữ và Hán ngữ”được trình bày như một tờ báo song ngữ, đã tổ chức các trang báo linh hoạt, sinh động hơn. Có nhiều chuyên mục mới như Nhời đàn bà trên tờ Đăng cổ tùng báo, mở ra một nghệ thuật làm báo, khai thác thông tin của “một nửa thế giới”trên phương diện báo chí.
Có lẽ cần phải phân tích kỹ càng hơn về nghệ thuật làm báo của tờ Đông Dương tạp chí, mà vai trò của chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh đã làm nên một dấu ấn đặc biệt trong tiến trình phát triển báo chí nước nhà. Trước hết Đông Dương tạp chí là một tờ báo hoàn toàn bằng tiếng Việt đầu tiên trên ở Bắc Kỳ, đông thời dành quán quân là “Ấn phẩm có tính chí”đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà.
Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà báo, một nhà văn lớn đồng thời cũng là một người làm báo tài ba. Những bài học đầu tiên trong chuyến du thăm đấu xảo ở nước Pháp chính quốc đã thôi thúc ông phải làm nên một gương mặt báo chí mới mẻ trong bối cảnh u tối của sinh hoạt báo chí gần 5 năm (1908 - 1913) ở bắc Kỳ. Và ông đã dựng lên Đông Dương tạp chí với dung lượng 16 trang, 24 trang và 32 trang theo cách của ông. Hiện đại mà chuẩn mực, bề thế mà không kém phần phong phú. Một tờ tạp chí có vị trí quan trọng của nhà cầm quyền Pháp, hàng năm được sử dụng ngân khố của nhà nước Pháp để xuất bản thậm chí bao tiêu phát hành, nhưng ông vẫn coi trọng bạn đọc, tư vấn cho bạn đọc về mua báo, về viết bài, cáo bạch rao hàng. Bản báo tuyên bố: “Cấm nhặt không được phép ai chép trong báo chương này ra làm nhật trình hoặc làm sách”. Bản báo dành toàn bộ trang cuối để quảng cáo cho mình. (tự thân quản cáo). Tôn trọng công chúng bao nhiêu thì ông cũng rõ ràng bấy nhiêu. “Những ai viết thơ cho bản báo thì phải ký tên. Nếu không ký thì kinh không xem đến. Đã ký thì ký cho rõ ràng”.Quan điểm này được ông nhắc đi nhắc lại trên trang nhất tờ Đông Dương tạp chí.
 Hơn một trăm năm có lẻ, thời đó ông Vĩnh đã nghĩ được và làm được như thế. Quả thực ông đã đi trước thời đại. 
Sau Đông Dương tạp chí là Tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ bút cũng đã xây lên một lâu đài tạp chí đường bệ, hàn lâm. Nam phong được coi như một “Bách khoa nguyệt san”(1). Tiếp cùng Nam Phong các tờ báo “Khai hoá”- 1921 của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi; “Đông Tây”của Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đã tạo nên những điểm nhấn sáng tạo trong xuất bản báo chí. Đời sống xã hội Việt nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần hai có nhiều biến động đổi khác. Sinh hoạt báo chí không dừng lại ở biên khảo các vấn đề học thuật mà phải phản ánh xã hội theo nhịp thở của đời sống xã hội. Tuyên ngôn của tờ báo Khai hoá cũng là đánh dấu một bước chuyển trong nghề báo thời bấy giờ: “Báo tin là báo những tin hay tin lạ ở trong nước làm cho dân chúng biết” Từ đó nhịp sống của xã hội đã bắt đầu đồng hành với nhịp thở của báo chí. Sự đổi mới của Đỗ Văn, Hoàng Tích Chu khởi đầu trên tờ Phong hoá, sau đó là tờ Đông Tây của riêng hai ông cũng là những bằng chứng chứng minh cho sự tiếp nhận các nền báo chí hiện đại thế giới để vận dụng vào báo chí trong nước. Sự mạnh dạn cắt bỏ những bài dài, câu dài để tăng hiệu quả thông tin, quyết tâm chuyển thông tin thời sự ở trang trong (như đã vốn có) ra ở trang nhất, đã làm cho thông tin, sự kiện trở nên có giá hơn, tờ báo linh hoạt hơn và nhịp thở của báo chí cũng gấp gáp hơn, dẫu cho báo chí nước nhà vẫn bị chiếc chăn thuộc địa trùm lên.
Nói đến nghệ thuật làm báo, báo chí cách mạng (trong thời kỳ hoạt động bí mật và sau này trở thành dòng báo chí chính thống của Đảng và Nhà nước Việt Nam) đã có những đóng góp to lớn, mang lại những bài học giá trị về nghề nghiệp. Các tờ báo Thanh Niên (1925), Dân chúng (1938), Cứu quốc (1942), Cờ giải phóng (1943) ra đời trong hoàn cảnh bí mật, thiếu thốn mọi bề, tờ báo xuất bản đơn sơ, thậm chí chép tay, in thô sơ trên thạch, trên đá nhưng đã thể hiện một nghệ thuật truyền truyền, mang lại sức mạnh to lớn cho báo chí cách mạng Việt Nam. Với Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên rồi tờ Việt Nam độc lập sau này gắn chặt tên tuổi Nguyễn Ái Quốc về sự kết hợp đấu tranh cách mạng và sử dụng vũ khí báo chí để tuyên truyền, làm cách mạng. Việt Nam độc lập ra đời năm 1941 tại Khuổi Nậm, tỉnh Cao Bằng - nơi các cư dân tộc ít người sinh sống, trình độ văn hóa còn hạn chế . Vấn đề đặt ra là viết như thế nào để bà con đọc được, hiểu được và làm theo báo (tức là làm theo cách mạng) là cái đích hướng tới. Tờ báo chỉ có hai trang viết bằng bút thép nhưng đã hội tụ các thể loại như tin tức, xã luận, bình luận, câu chuyện lịch sử, các bài văn vần, chuyện thơ Sự kết hợp các bài viết bằng ngôn ngữ chính văn với các trang ảnh, hình vẽ minh hoạ để tạo nên mạch đọc,mạch nhìn tương ứng trong quá trình tiếp nhận thông tin. Nguyễn Ái Quốc còn sáng tạo lối vào ngôn ngữ bằng hai câu văn vần cho mỗi số báo. Hai câu văn vần có thể là song thất hoặc lục bát chuyển tải tóm lược nội dung chính của số báo nhằm cho bà con hiểu dần. Đây là một sáng tạo rất độc đáo mà hiện nay một số tờ báo lớn đang áp dụng thực hiện.
Tháng 8 năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, dòng báo chí cách mạng trở thành dòng báo chí chính thống, chủ lưu của Đảng và Nhà nước Việt Nam non trẻ. Cũng từ đây báo chí cách mạng gắn trên vai nhiệm vụ nặng nề: là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng Cộng Sản, là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, báo chí cách mạng tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền, cổ vũ động viên cả nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Nền báo chí cách mạng đã lớn mạnh cả về số lượng và nghề nghiệp. Nghệ thuật làm báo tiếp tục được sáng tạo và phát huy trong điều kiện mới. Nghiên cứu một số tờ báo như: Nhân Dân, Quân Đội Nhân dân trong thời kỳ cả nước có chiến tranh mới thấy được sức sáng tạo của các chiến sỹ báo chí trên mặt trận tuyên truyền. Việc tổ chức nhóm bình luận quân sự trên báo Quân đội, tổ chức chùm tin thành các tiêu đề tin trên trang nhất. Kết hợp bài viết với hình ảnh, sơ đồ biểu đồ minh họa các chiến dịch, các trận đánh. Sử dụng Tin sau cùng,Tin mới nhận, sáng tạo Tin thêm, tổ chức liên hoàn các thể loại báo chí cho từng trang báo như: Tin, Xã luận, Bình luận, Bài phản ánh với các Ghi nhanh, Phóng sự, Tường thuật đã làm cho các trang báo ngày đó luôn nóng hổi tính thời sự, giúp cho người đọc có cách nhìn, đánh giá toàn diện về một trận đánh, một chiến dịch. Kết hợp giữa tuyên truyền các Tin chiến thắng với tố cáo tội ác đế quốc Mỹ của nhân dân thế giới, tạo nên một sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, ý chí anh hùng và cả trên trận đối ngoại.
Ngày nay, trong tiến trình đổi mới của đất nước, báo chí phát triển mạnh do nhu cầu thông tin thời mở cửa và sự phát triển như vũ bão công nghệ thông tin - truyền thông. Báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, mà là kênh thông tin hữu ích phục vụ mọi nhu cầu thông tin của nhiều lớp người trong xã hội. Do tác động của nền kinh tế thị trường, hoạt động báo chí cũng nằm trong dòng chảy đó. Sự cạnh tranh thông tin cùng với sự ra đời của các loại hình báo chí, công tác truyền thông được xã hội hoá đã bùng nổ sự ra đời của các công ty, trung tâm tryền thông. Để tồn tại, các cơ quan báo chí, truyền thông cần phải đổi mới. Đổi mới nội dung thông tin và đổi mới cách đưa thông tin đến công chúng. Tổ chức một tờ báo, trang báo hoặc một chương tình phát thanh - truyền hình vừa phải đảm bảo tính chính trị, yếu tố văn hoá, vừa phải gắn với thực tế cuộc sống. Tinh thần sáng tạo trong nghề báo được phát huy cao độ để sản phẩm báo chí được công chúng đón nhận.
Nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam nhìn từ góc độ nghệ thuật làm báo của những thế hệ người làm báo trước đây đã để lại những bài học giá trị, những kinh nghiệm sáng tạo của nghề khi tác nghiệp trong những hoàn cảnh đặc biệt. Nghệ thuật làm báo như góp thêm sức mạnh trong quá trình chuyển tải thông tin tới công chúng. Cho nên nghiên cứu lịch sử báo chí dưới góc nhìn nghệ thuật làm báo là góp thêm một góc nhìn để tổng kết, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm kích thích sự sáng tạo trong nghề báo. Âu cũng là cần thiết.

File đính kèm:

  • docnghien_cuu_lich_su_bao_chi_viet_nam_duoi_goc_nhin_nghe_thuat.doc